Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

I Cô-rinh-tô 14:1-12 Ơn Nói Tiên Tri và Ơn Nói Các Ngôn Ngữ – Phần 1

Kính lạy Cha,

Con cảm tạ Cha đã dạy dỗ giúp con hiểu như sau:

1 Hãy theo đuổi tình yêu nhưng hãy khao khát những sự thiêng liêng! Mà tốt hơn hết là các anh chị em nói tiên tri.

Ở chương 12, Phao-lô khuyên làm gì cũng cần có tình yêu. Tuy nhiên, Phao-lô cũng khuyên hãy khao khát những sự thiêng liêng, là những sự đến từ Chúa, con hiểu là những ân tứ Chúa ban được nói đến ở chương 12. Trong đó, nói tiên tri là có ích lợi nhiều hơn nhất cho Hội Thánh, nên Phao-lô khuyên con dân Chúa được có khao khát nói tiên tri.

2 Vì người nào nói một ngôn ngữ khác thì không phải nói với loài người, nhưng nói với Đức Chúa Trời. Vì chẳng có ai nghe hiểu khi người ấy nói những sự mầu nhiệm trong thần trí.

Người nói ngoại ngữ nói với Đức Chúa Trời trong thần trí, chỉ có Đức Chúa Trời mới hiểu được, vì người đó nói thứ tiếng mà người khác không hiểu. Con hiểu nói ngoại ngữ không phải là nói các âm thanh vô nghĩa hay sự nói tiếng lạ mà không có trong ngôn ngữ loài người.

3 Nhưng người nói tiên tri thì nói với loài người, để xây dựng, khích lệ, và an ủi.

Người nói tiên tri là tiên tri trước về những điều sắp đến, trong lẽ thật, đem lại ích lợi gây dựng, an ủi, khích lệ Hội Thánh như kêu gọi Hội Thánh ăn năn.

4 Người nói một ngôn ngữ khác tự gây dựng chính mình. Nhưng người nói tiên tri thì gây dựng Hội Thánh.

Phao-lô giải thích vì sao nên tìm kiếm nói tiên tri vì nói tiên tri gây dựng Hội Thánh. Nói ngoại ngữ khác tự gây dựng chính mình.

Con hiểu ngoại ngữ là phương tiện để hiểu ngôn ngữ nhau, dùng để nghe nói, dịch giải ngôn ngữ, không để giảng giải, khuyên bảo, an ủi, khích lệ như việc nói tiên tri.

5 Tôi mong cho các anh chị em đều nói được các ngôn ngữ, nhưng tốt hơn hết là các anh chị em nói tiên tri. Vì người nói tiên tri là trọng hơn người nói các ngôn ngữ; trừ khi người ấy giải nghĩa để cho Hội Thánh được sự gây dựng.

Biết thứ tiếng nào đó sẽ giúp ích gây dựng trong trường hợp giải nghĩa, khi mà trong Hội Thánh có ai đó nói thứ ngôn ngữ khác mà chỉ mình người đó với Chúa hiểu. Lúc đó, cần người biết ngoại ngữ đó để dịch nghĩa, tức phiên dịch sang thứ tiếng cho Hội Thánh để cùng hiểu thì được gây dựng. Chính vì thế, việc học ngoại ngữ để biết được nhiều thứ tiếng cũng tốt. Nhưng tốt hơn là nói tiên tri. Hội Thánh có được nhiều người nói tiên tri sẽ được nhiều sự gây dựng.

Thưa Cha, qua đó con hiểu rằng, việc nói tiên tri là việc cao trọng, mỗi con dân Chúa nếu có lòng khao khát, cầu xin đẹp lòng Chúa, sẽ được Chúa ban cho.

Con hiểu là tiên tri nói những điều gây dựng trong Lẽ Thật. Chúa không dùng ai đó tiên tri thêm bất cứ điều nào khác ngoài Thánh Kinh mà Chúa đã bày tỏ. Điều này giúp con dễ dàng hơn để nhận ra tiên tri giả khi họ công bố điều không có trong Thánh Kinh.

Thưa Cha, từ nay, con sẽ cầu nguyện cho Hội Thánh có nhiều người nói tiên tri, vì điều đó đẹp lòng Chúa.

Phao-lô cũng mong con dân Chúa nói được nhiều thứ tiếng ngoại ngữ khác nhau, như vậy, việc học ngoại ngữ để biết thêm các thứ ngôn ngữ khác nhau Chúa ban, cũng là điều đẹp lòng Chúa. Khi cần, sẽ giúp cho chính mình và có thể giúp Hội Thánh khi dịch nghĩa ngôn ngữ mới nếu cần.

Tuy vậy, đã là ân tứ, cần có sự ban ơn của Chúa và theo ý Chúa. Chúa có thể ban ân tứ ngoại ngữ qua việc học hoặc qua phép lạ nếu Chúa muốn.

Con cũng hiểu, trừ khi được Chúa ban ơn hoặc trong công việc cần đến, con dân Chúa cũng không cần tự ý tốn thời gian đi rèn tập học các thứ ngôn ngữ theo ý riêng, phòng khi nhỡ cần để thông dịch trong Hội Thánh, vì khi cần, Chúa sẽ sắm sẵn người dịch theo ý Chúa hoặc Chúa dùng phép lạ, qua cách người đó tự bật nói ngoại ngữ mà không cần học trước.

6 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Nếu tôi đến với các anh chị em, nói các thứ ngôn ngữ, thì tôi sẽ giúp ích gì cho các anh chị em? Trừ khi tôi nói với các anh chị em hoặc là trong sự mạc khải, hoặc là trong sự hiểu biết, hoặc là trong lời tiên tri, hoặc là trong giáo lý?

Con hiểu rằng, Chúa ban cho Phao-lô ân tứ nói các thứ tiếng ngôn ngữ, nhưng việc dùng ngôn ngữ để nói cũng cần có ích lợi cho người nghe.

Ích lợi khi người nghe nhận được sự thông hiểu Lời Chúa hoặc trong sự mạc khải, nói lời tiên trị, hoặc trong giáo lý.

Con hiểu, nếu mục đích chỉ để nói ngoại ngữ không thôi thì không đem lại ích lợi gì, vì ngôn ngữ chỉ là phương tiện giúp người nghe hiểu.

Qua đây, con hiểu hơn về mục đích của việc học ngoại ngữ.

7 Ngay cả những vật không có sự sống phát ra tiếng, hoặc ống tiêu hoặc hạc cầm, trừ khi chúng phát ra các âm thanh khác biệt, thì làm thế nào nhận biết được ống tiêu hay là hạc cầm?
8 Và nếu kèn phát ra một âm thanh không xác định, thì ai sẽ chuẩn bị mà ra trận?
9 Các anh chị em cũng vậy, trừ khi các anh chị em nói bởi một ngôn ngữ những lời hiểu được, thì làm sao người nghe biết được những gì đã nói? Vì các anh chị em sẽ chỉ nói vào trong không khí. [Hàm ý: lời nói không đi vào trong sự nhận thức của người nghe, vì người nghe không hiểu.]
10 Có rất nhiều thứ tiếng trong thế gian mà không thứ nào không có ý nghĩa.

Thưa Cha, con hiểu rằng, Chúa tạo dựng trong thế giới thuộc thể trên đất này nhiều thứ âm thanh khác nhau. Mỗi thứ âm đều mang nghĩa, giúp ích cho người nghe. Có âm thanh được phát ra từ các vật không có sự sống. Có âm thanh được phát ra từ các vật sống như tiếng kêu của các loài động vật, con người. Chúa đặt để ngưỡng âm của con người trong một khoảng nhất định, âm tần quá nhỏ hoặc quá lớn, tai người không thể nghe được. Những âm thanh đó dùng vào những việc khác nhau, như siêu âm chuẩn đoán bệnh, thăm dò địa chất, khử trùng, hàn vật liệu. Có những thứ âm thanh nằm ngoài ngưỡng nghe, phải khuếch đại hay thu nhỏ âm thì con người mới nghe được. Hoặc có âm chỉ các loài vật mới nghe và hiểu được tín hiệu.

Câu 10 nói trong thế gian có rất nhiều thứ âm thanh, chúng đều có ý nghĩa. Là chỉ về ý nghĩa trong tâm trí hiểu của loài người. Phao-lô nói đến âm thanh do các vật không sống phát ra còn mang những tín hiệu khác nhau qua những âm thanh khác nhau. Ví như âm thanh của ống tiêu phát ra khác biệt với của hạc cầm, khiến người nghe phân biệt được. Hay ví như, âm thanh của tiếng kèn được con người dùng thổi, để chỉ huy quân đội, cũng có quy định, để qua đó, quân lính nghe hiệu lệnh kèn, cứ theo quy định mà có thể hiểu để làm theo.

Cũng vậy, loài người là vật sống do Chúa tạo dựng, con dân Chúa, có Đấng Christ xức dầu, có thánh linh của Chúa ngự, thì đương nhiên cần nói ra các lời nói ngôn ngữ có thể hiểu được. Không những hiểu được, mà còn là ngôn ngữ mới, tức những lời nói giúp ích cho người nghe. Ngôn ngữ mới là những ngôn từ được Chúa dạy dỗ, đến từ Chúa trong sự yêu thương theo lẽ thật.

Ngôn ngữ những lời hiểu được, được nói đến ở câu 9, là những lời mà người nghe hiểu được, không dùng ngôn ngữ bất đồng, cũng không dùng cách nói không thể hiểu nổi.

Con hiểu rằng, nếu trong vòng anh chị em thông công, mà có con dân Chúa chỉ biết nói thứ ngôn ngữ ngoại quốc hay thứ ngôn ngữ mẹ đẻ mà chỉ mình người đó với Chúa hiểu, mà lời nói lúc đó có ích cho Hội Thánh, nếu Chúa muốn Hội Thánh cùng hiểu được, thì con tin là lúc đó, Chúa sẽ dùng phép lạ, cho người đó bật nói ngoại ngữ cách siêu nhiên không qua học ngoại ngữ, là ngôn ngữ giúp người nghe có thể hiểu. Nhưng ngôn ngữ đó phải là ngôn ngữ Chúa ban cho từng dân tộc, quốc gia, vùng miền.

Không thể có chuyện người nói bật ra thứ âm thanh lạ không có trong ngôn ngữ Chúa ban cho loài người. Ngôn ngữ Chúa ban cho loài người, mỗi quốc gia, vùng miền là thứ ngôn ngữ mà bình thường, người bình thường nghe, trong tâm trí đều có thể hiểu được.

Những âm thanh lạ không đến từ Chúa, đến từ ma quỷ, chỉ có một số người hiểu được, là những người bị tà linh tác động, như những người nói tiếng phạn trong tụng kinh niệm phật, hay những người trong một số giáo Hội mang danh Chúa, bật ra những âm thanh kêu la, gào thét, tiếng gầm rú, lắp la lắp bắp vô nghĩa. Rất tiếc, đã vậy, họ còn mạo danh cho rằng đấy là ơn Chúa ban. Xin Chúa thương xót tha thứ, mở tâm trí giúp họ không bị khống chế bởi tà linh, giúp hiểu đúng.

Con cũng có thể suy luận thêm, để gây dựng thì về nội dung lời nói cũng cần dễ hiểu. Dùng ngôn ngữ đúng, nhưng cả nội dung lời nói cũng cần hiệp với lẽ thật, nếu nói không đúng lẽ thật hay vòng vo không thể hiểu, thì cũng vô ích, không giúp ích gì được cho người nghe.

Tóm lại, lời nói ra đi vào tâm trí trong lòng người nghe hiểu được thì có ích. Ích lợi thật sự khi lời nói khôn sáng đến từ Chúa.

11 Vậy, nếu tôi chẳng biết ý nghĩa của tiếng nói nào, tôi sẽ là người man rợ đối với người nói, và người nói là người man rợ đối với tôi.

Phao-lô nói nếu ông chẳng biết ý nghĩa của tiếng nói nào, ông sẽ là người man rợ đối với người nói, và người nói là người man rợ đối với ông.

Cũng vậy, người nào nói mà chẳng hiểu ý nghĩa tiếng mình đang nói, khiến người nghe không thể hiểu thì là người man rợ.

Người man rợ theo như phần giải nghĩa câu này trong bài giảng người chăn, con hiểu người man rợ thuộc những người kém hiểu biết, họ đã tự tôn dân tộc trong đó có ngôn ngữ và văn hoá mình cách thái quá, không đúng lẽ thật.

Con hiểu ý chung câu này là nếu ai cố ý dùng những lời nói khiến người nghe không thể hiểu, đến bản thân nói ra mà chẳng hiểu đang nói gì thì đã không tôn trọng chính mình và người khác, như thế chẳng khác tự hạ nhục mình và người khác, gián tiếp hạ nhục hình và tượng mà Chúa tạo dựng là hạ nhục Chúa.

12 Và như vậy, hỡi các anh chị em! Vì các anh chị em sốt sắng về sự thiêng liêng thì các anh chị em hãy tìm kiếm, để các anh chị em vượt trội về sự gây dựng Hội Thánh.

Sau khi giải thích ích lợi của nói tiên tri vượt trội hơn nói ngoại ngữ trong việc gây dựng Hội Thánh, cũng như ích lợi của các ân tứ trong việc gây dựng Hội Thánh, là những sự thiêng liêng còn đến đời đời, để con dân Chúa hiểu. Khi đã hiểu, thì Phao-lô kết lại bằng lời kêu gọi con dân Chúa hãy sốt sắng về sự thiêng liêng, hãy tìm kiếm, để được vượt trội về gây dựng Hội Thánh. Con hiểu là ông kêu gọi hãy hành động qua sự cầu xin Chúa, khi hiểu ý Chúa thì sớm nhanh chóng hành động.

Thưa Cha, con hiểu việc tìm kiếm những ân tứ này phải trong tâm tình hầu việc Chúa, gây dựng Hội Thánh thì mới đem lại ích lợi. Và như phân đoạn liền trước con vừa suy ngẫm, thì ân tứ đem lại ích lợi cho Hội Thánh, nhưng về giá trị còn lại đời đời cho bản thân, lại nằm ở tình yêu, tức nằm ở tấm lòng người đó làm vì yêu Chúa, yêu người. Chúa không nhìn vào kết quả.

Điều này không có nghĩa con làm gì cũng không quan tâm kết quả, làm qua loa rồi nói rằng có tấm lòng là được. Tấm lòng cần được thể hiện bằng hành động, việc làm, kết quả cụ thể. Không riêng gì đức tin cần có hành động. Mà tình yêu cũng cần có hành động đi kèm, mới trở nên sống động và đạt đến đích trọn vẹn của chúng.

Ngay như Đức Chúa Trời yêu loài người, yêu con. Ngài không chỉ nói qua Lời của Ngài là Thánh Kinh, mà Ngài đã sống, đã chết và Ngài đang đi và sắm sẵn cho con, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã đang và tiếp tục cùng đồng hành, hành động trong con, trong Hội Thánh. Chúa kêu gọi Hội Thánh, kêu gọi con theo Chúa, tức là cùng hành động với Ngài.

Không thể chỉ mình Ngài làm, còn chúng con thì không làm gì, ngồi không đón nhận. Con hiểu rằng, Chúa có năng quyền làm điều đó, Ngài không cần chúng con làm, vì Ngài là toàn năng, nhưng Ngài muốn chúng con cùng dự phần với Ngài. Trong hành trình dự phần đó, chúng con được kinh nghiệm, được phần thưởng còn đến đời đời trên Thiên Đàng và cả phần thưởng ngay trên đất này nữa.

Thưa Cha, bản thân con chưa kinh nghiệm được nhiều về Ngài, do con chưa yêu kính Chúa được nhiều, nhưng qua lời chứng của các anh chị em, các con người trong Thánh Kinh, con biết và tin, nên con nói ra vậy. Con tin rằng, con sẽ sớm nhanh chóng được kinh nghiệm Ngài mỗi ngày nhiều lên.

Thưa Cha, con rất vui khi mỗi ngày được suy ngẫm Lời Ngài như thế này. Suy ngẫm thôi con đã vui thoả như thế này, thì việc áp dụng, kinh nghiệm được Chúa còn đem lại nguồn vui, phước hạnh càng nhiều hơn.

Con hiểu rằng, việc áp dụng là bước cuối để con về đích, có những lúc mệt mỏi, khó khăn hơn là việc suy ngẫm, nhưng vui thoả sẽ nhiều lên. Con cũng tin rằng, Chúa ở cùng con suy ngẫm, thì Ngài cũng ở luôn cùng con để con áp dụng.

Con được Ngài mở tâm trí cho hiểu đúng, với con là một điều màu nhiệm, ơn phước lớn mà không phải ai sinh ra cũng có được, con xin đón nhận, trân quý những điều Cha ban cho con.

Con xin tiếp tục đồng hành, cùng Chúa hành động, đi tiếp chặng đường tiếp theo cho đến cuối chặng đường, đạt đến đích cuối cùng của tình yêu.

Thưa Cha, con cảm tạ ơn Cha đã cho thân xác con được sống trong cái thế giới thuộc thể vô cùng diệu kỳ, linh hồn con được sống trong thế giới thuộc linh vô cùng màu nhiệm, giữa thế gian tội lỗi này.

Cha cũng ban cho con được làm, được kinh nghiệm những việc thuộc thể, để con phần nào liên hệ, dễ hiểu hơn thế giới thuộc linh.

Về thuộc thể, khi con làm bất kỳ việc gì, như nấu cơm, dọn dẹp, lau nhà, rửa bát, đi xe hay việc sử dụng các thiết bị máy dùng cho bệnh nhân hồi sức như vận hành máy truyền dịch, máy cho ăn, máy thở, ghi điện tim, máy đo thăm dò huyết động, chạy thận, ... hay như việc sửa chữa máy lọc nước, máy bơm, điều khiển máy bay... Mỗi công việc, đều có quy trình, từ lý thuyết nguyên lý hoạt động, các bước làm. Nhưng khâu cuối cùng là thực hành, làm được. Nếu hiểu kỹ nguyên lý, nắm chắc các bước về mặt lý thuyết, mà không tự tay làm, sẽ không biết làm, làm càng nhiều thì càng thạo và kinh nghiệm. Không làm thì chẳng có kinh nghiệm gì, nhất là kinh nghiệm xử trí vấn đề, sự cố xảy ra, cũng như những vui buồn trong lúc làm.

Người lái máy bay sẽ kinh nghiệm tận mắt được nhìn thấy khung cảnh trái đất ở độ cao bay, nhà khoa học thám hiểm đại dương sẽ kinh nghiệm tận mắt nhìn thấy các sinh vật đại dương, người lái xe sẽ kinh nghiệm được cảm giác trong khi lái xe, ...

Có những người không am hiểu lý thuyết, nguyên lý công việc đó, nhưng lại làm rất tốt và hiệu quả, đạt đích yêu cầu trong công việc. Có người nắm vững lý thuyết, nhưng lại kém trong thực hành. Sẽ thú vị hơn khi vừa làm tốt vừa hiểu và yêu việc mình làm.

Cũng vậy, về thuộc linh, ai làm việc thuộc linh, cũng được Chúa ban cho kinh nghiệm những sự thuộc về thuộc linh. Con học Lời Chúa, con hiểu được sự sâu nghiệm trong Lời Ngài. Người làm việc giảng dạy Lời Chúa, soạn bài, giảng giải, chăm sóc các cháu thanh thiếu niên, viết lời Thánh Ca, ... được kinh nghiệm về sự Chúa dạy dỗ qua sự soạn bài, lúc giảng, chăm sóc, viết bài Thánh Ca, ...

Khi con vâng lời Chúa dạy, cẩn thận làm theo, con tin chắc chắn Chúa sẽ cho con kinh nghiệm được Chúa. Con chưa kinh nghiệm được Chúa là bởi con chưa thực hành. Việc thuộc thể hay thuộc linh, nếu chỉ tìm hiểu lý thuyết, điều răn, khao khát, cầu nguyện, mong ước, tin trong lòng, rồi để đấy, mà không hành động, không làm thì không bao giờ đạt được gì.

Phao-lô dùng hình ảnh chạy trong cuộc đua thuộc linh là thế. Càng hành động nhiều thì càng thạo, xử lý các tình huống sự cố càng nhanh nhạy, đến một lúc trở nên thành thạo như kỹ năng, bản năng thì không còn mất sức để rèn tập nhiều nữa. Điều này cho con hiểu rằng, càng sốt sắng bước đi sớm chừng nào, càng biết chạy sớm, sớm đạt về đích nhẹ nhàng hơn việc lười biếng để đấy rồi mới gấp rút chạy.

Như trong một ý người chăn giảng khi kêu gọi sống theo Lời Chúa, không sống trong tội, đại khái càng sớm đi đúng đường, không sai đường sớm chừng nào càng bớt sức, càng không dứt khoát với tội chừng nào càng khó khăn trên con đường trở lại đường đua.

Con đường cho người thành công luôn tốn ít sức hơn con đường thất bại là thế. Tội lỗi có hậu quả và hình phạt, khó khăn càng hơn, cuối cùng là sự chết đời đời nếu không ăn năn kịp lúc.

Con nguyện xin Chúa cho con sốt sắng bước đi theo Chúa, bằng những việc làm cụ thể. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Lan
29/05/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ