Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

II Cô-rinh-tô 11:16-23 Sự Chịu Khổ của Phao-lô Trong Chức Vụ – Phần 1

Kính lạy Cha Yêu Thương, con cảm tạ Cha cho con thức dậy đón ngày mới, con xin dâng thân thể và ngày mới của con lên sự quan phòng dẫn dắt của Ngài. Con xin dâng lời tôn vinh Thiên Chúa của con.

Con vui mừng được suy ngẫm II Cô-rinh-tô 11:16-23. Con kính xin Đức Thánh Linh dạy dỗ con ạ. Con cảm tạ ơn Ngài!

Thưa Cha, trong phân đoạn này, Phao-lô tiếp tục dạn dĩ bày tỏ sự khoe mình trong Chúa, qua sự ông chịu khổ vì Tin Lành.

16 Tôi lại nói rằng: Chớ có ai nghĩ tôi là kẻ dại dột. Nhưng trái lại, nếu không được vậy, thì ít ra các anh chị em hãy tiếp nhận tôi để tôi khoe mình một ít.
17 Điều tôi nói là tôi nói không theo Chúa, nhưng như nói trong sự vô tri về sự khoe mình quả quyết này.
18 Bởi có nhiều người khoe mình theo xác thịt, tôi cũng sẽ khoe mình.

Trước những sự khoe mình theo xác thịt của những kẻ lên mình kiêu ngạo, Phao-lô đã dạn dĩ khoe mình trong Chúa, để giúp con dân Chúa hiểu rõ rằng, đời sống theo Chúa là để tôn vinh Chúa.

Chúa không phán trực tiếp bằng lời nói hay trong tâm thần ông là hãy khoe mình trong Chúa. Nhưng trong tình yêu Chúa, lòng khao khát tôn cao danh Chúa, trong ông có quyết định nói ra những sự khoe mình trong Chúa, tỏ lòng biết ơn Chúa, gây dựng giữa vòng anh chị em cùng Cha, làm sáng danh Chúa giữa vòng dân ngoại.

Sự vô tri ở câu 17 con hiểu là sự nói theo tác động của sự quyết định, suy luận dựa trên lẽ thật Lời Chúa.

19 Vì các anh chị em là những người khôn sáng mà vui mừng chịu đựng những kẻ vô tri.
20 Vì các anh chị em chịu đựng nếu bất cứ ai bắt các anh chị em làm nô lệ; nếu bất cứ ai ăn nuốt các anh chị em; nếu bất cứ ai nắm bắt các anh chị em; nếu bất cứ ai tự tôn cao mình; nếu bất cứ ai tát vào mặt các anh chị em.

Những kẻ vô tri được nói đến trong câu 19 là những kẻ không có tri thức về Chúa, nói và làm không bởi sự tác động của Chúa, không giúp ích và gây dựng, thậm chí bách hại con dân Chúa. Dẫu vậy, sống giữa thế gian, con dân Chúa vẫn cần nhẫn nại chịu đựng.

Loạt các thể động từ chỉ việc làm chống nghịch Chúa được nói đến ở câu 20, dẫu có xảy đến cho con dân Chúa bởi họ, thì Phao-lô khuyên vẫn nên chịu đựng. Vì thực tế, kẻ vô tri chỉ có thể bách hại, làm nhục, làm khổ, hư hao về thể xác, về linh hồn và tâm thần con dân Chúa, có Chúa bảo vệ khiến chúng không thể nào làm tổn hại được. Dẫu tâm thần và linh hồn có mòn mỏi, nhưng trong sự mòn mỏi đó Chúa sẽ thêm sức, làm cho tươi mới. Chúa cũng thêm sức chịu đựng trong thân xác nữa.

21 Tôi nói về sự hổ thẹn gán cho chúng tôi như thể chúng tôi yếu đuối. Nhưng trong bất cứ sự gì nếu có ai dạn dĩ thì tôi nói trong sự vô tri, tôi cũng dạn dĩ.

Về sự chịu khổ, chịu nhục vì danh Chúa thì Phao-lô hạ mình nhận lấy, tỏ ra như thể yếu đuối, nhưng trong sự yếu đuối đó, là sức mạnh để ông dạn dĩ bày tỏ về lẽ thật của Tin Lành khi cần đến.

"Trong bất cứ sự gì nếu có ai dạn dĩ" là trong bất cứ một sự gì khiến Phao-lô cần dạn dĩ nói ra lẽ thật, mong giúp ích. Ở đây là với những kẻ vô tri, dùng sự vô tri để chống nghịch Chúa, chống nghịch và bách hại con dân chân thật của Chúa, bẻ cong Lời Chúa, dẫn dụ con dân Chúa đi sai đường. Bản thân họ thì lầm lạc trong các ý tưởng, lời nói, việc làm vô tri, thì Phao-lô có sự quả quyết rằng, ông cũng dạn dĩ, cũng nói trong sự vô tri.

Nhưng sự vô tri của Phao-lô khác sự vô tri của những kẻ vô tri. Kẻ vô tri nói trong sự vô tri nghịch lại Chúa. Còn sự vô tri trong lời nói của Phao-lô là nói lên lẽ thật Lời Chúa. Hai sự hoàn toàn ngược nhau. Không thể hiệp một.

22 Họ là người Hê-bơ-rơ phải chăng? Tôi cũng vậy. Họ là người I-sơ-ra-ên phải chăng? Tôi cũng vậy. Họ là dòng dõi của Áp-ra-ham phải chăng? Tôi cũng vậy.

Dẫu những kẻ vô tri có tự xưng nhận mình là người có nguồn gốc chủng tộc Hê-bơ-rơ, là tuyển dân I-sơ-ra-ên được Chúa chọn, là dân thuộc dòng dõi về lời hứa của Áp-ra-ham, nhưng chính Chúa mới là Đấng tiếp nhận, công nhận. Nếu ai tự xưng nhận, nhưng nếp sống cùng tấm lòng không xứng hiệp với sự tuyên xưng đức tin, không hiệp với Lẽ Thật, thì cũng vô ích, chẳng thuộc về Chúa.

Phao-lô tự tin rằng mình cũng thuộc nguồn gốc, dân tuyển trong sự giao ước về lời hứa của Chúa như vậy. Nhưng không tự xưng, mà là con dân chân thật của Chúa, được chính Chúa chọn, mua thuộc bằng máu Thánh vô tội của Đức Chúa Jesus.

23 Họ là những người hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Tôi dại dột nói, tôi hơn nhiều trong những sự lao động; hơn nhiều trong những sự đòn roi quá mức; hơn nhiều trong những nhà tù; hơn nhiều những lần trong sự chết.

Phao-lô đặt câu hỏi cho những kẻ vô tri tự xưng mình là tôi tớ hầu việc Chúa mà không hy sinh chịu khổ, chịu nhục, chịu chết vì Chúa, không sống cho Chúa. Thật ông đã không sống như vậy. Tại sao họ không nhìn vào tấm gương sống theo Chúa của Phao-lô mà học tập. Câu hỏi đó Chúa cũng đang dành để hỏi mỗi chúng con: Mỗi ngày con có sống, chết cho Chúa hay không?

Kính lạy Cha, con cúi xin Cha tha thứ mọi sự vi phạm của con, thánh hóa con mỗi ngày, giúp con trở nên giống như Chúa, hạ mình, chăm chỉ rèn tập nếp sống theo gương Chúa Jesus và những anh chị em chân thật trong Chúa như Phao-lô.

Thưa Cha, con hiểu rằng, chẳng phải chúng con tự mình nên thánh được, mà là sự thương xót của Chúa khi chúng con có lòng khao khát. Con xin Chúa gìn giữ con mãi được ở trong ân điển của Đức Chúa Jesus. Con cảm tạ ơn Cha!

Con cảm tạ ơn Đức Thánh Linh đã yêu thương dạy dỗ con.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Lan
25/07/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ