Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

I Cô-rinh-tô 14:13-25 Ơn Nói Tiên Tri và Ơn Nói Các Ngôn Ngữ – Phần 2

Kính lạy Cha,

Con cảm tạ ơn Cha đã cho con hôm nay được tiếp tục đọc, suy ngẫm I Cô-rinh-tô 14:13-25. Con kính xin Đức Thánh Linh ban cho con sự khôn sáng để con hiểu và cẩn thận làm theo.

Sau đây là phần con học được ạ.

Tiếp theo văn mạch phân đoạn liền trước phân đoạn này, Phao-lô tiếp tục giảng giải về ân tứ nói ngoại ngữ và nói tiên tri.

Con hiểu chung toàn đoạn này là: Phao-lô tiếp tục khuyên, giảng giải việc nói ngoại ngữ thì không cao trọng, ích lợi cho Hội Thánh bằng nói tiên tri. Nói ngoại ngữ sao cho ích lợi cho người khác thì cần có sự thông giải. Nói tiên tri hay nói những điều khôn sáng đến từ Chúa thì luôn giúp ích cho người nghe.

13 Bởi đó, người nói một ngôn ngữ khác hãy cầu nguyện, để người ấy có thể thông giải.

Phao-lô khuyên người nói một ngôn ngữ khác hãy cầu nguyện, để người ấy có thể thông giải. Qua đây con hiểu được: Ơn thông giải ngoại ngữ khi nói là điều ích lợi đẹp lòng Chúa. Người được Chúa ban ân tứ nói ngoại ngữ nên cầu nguyện cho mình có thêm ơn thông giải nữa, nghĩa là xin Chúa bày tỏ cho mình và người nghe hiểu nghĩa những điều mình nói.

Ngôn ngữ khác con hiểu là ngôn ngữ khác ngôn ngữ mẹ đẻ.

Con cũng được dạy dỗ thêm là khi con cầu nguyện với Chúa bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, thì con cũng cần cầu nguyện rõ ràng để bản thân con có thể hiểu được. Cầu nguyện thầm trong tâm thần cũng cần rõ ràng và cầu nguyện ra tiếng cũng cần rõ ràng thoát ý để bản thân hiểu rõ điều mình cầu nguyện, anh chị em cùng Cha hiểu để hiệp nguyện.

Khi trình bày gì, con cũng cần cầu xin Chúa ban cho giúp cho người nghe có thể hiểu được điều con nói, con viết. Từ nhỏ con đã không có năng khiếu trình bày. Con xin Chúa giúp con dạn dĩ, sắp xếp trình bày được ngắn gọn, dễ hiểu, có nội dung khôn sáng nữa ạ. Con cảm tạ ơn Cha.

14 Vì nếu tôi cầu nguyện trong một ngôn ngữ khác, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng sự hiểu biết của tôi thì không được kết quả.

Con hiểu rằng, nếu một người cầu nguyện một ngôn ngữ khác trong tâm thần mà không có sự thông giải thì tâm thần không có sự hiểu biết.

15 Vậy thì sao? Tôi sẽ cầu nguyện bằng tâm thần nhưng tôi cũng sẽ cầu nguyện bằng sự hiểu biết. Tôi sẽ hát bằng tâm thần nhưng tôi cũng sẽ hát bằng sự hiểu biết.

Con hiểu là, cầu nguyện hay hát thánh ca thì vừa bằng tâm thần, vừa bằng sự hiểu biết thì sẽ đẹp ý Chúa và ích lợi, ý nghĩa hơn. Sự hiểu biết cần thông qua ngôn ngữ diễn đạt, cả bản thân và người nghe hiểu được.

Thưa Cha, con được dạy dỗ thêm rằng, con đến với Chúa, không những chỉ bằng tâm thần, tấm lòng thôi không, mà con cần có sự hiểu biết Ngài qua sự suy ngẫm Lời Ngài, nói và viết ra những điều mình suy ngẫm rõ ràng, giúp ích cho bản thân và cho những người khác.

16 Vì khi các anh chị em cầu phước bằng tâm thần, thì người thuộc hạng bình dân làm sao nói a-men với lời tạ ơn của các anh chị em? Bởi người ấy chẳng hiểu các anh chị em nói gì.
17 Thật! Các anh chị em nói lời cảm tạ cách tốt lành nhưng người khác chẳng được gây dựng.

Nếu cầu nguyện bằng tâm thần trong ngôn ngữ mà người nghe không hiểu được để nói A-men thì không được gây dựng cho người khác.

18 Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời của tôi, vì tôi nói nhiều ngôn ngữ hơn hết thảy các anh chị em.
19 Nhưng trong Hội Thánh, tôi thà nói năm lời với sự hiểu biết của tôi mà tôi cũng có thể dạy cho những người khác, hơn là nói mười ngàn lời trong một ngôn ngữ khác.

Phao-lô dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho ông nói được nhiều thứ ngôn ngữ, như tiếng A-ra-mai là tiếng mẹ đẻ l-sơ-ra-ên, tiếng Hy-lạp là tiếng thông dụng thời đó, tiếng La-tinh là ngôn ngữ chính của đế quốc La-mã. Đây là ba ngôn ngữ thuộc ân tứ Chúa ban cho ông, ông không mất nhiều thời gian để học.

Có thể Chúa còn ban cho ông các thứ ngôn ngữ khác nữa, qua sự ông tự học trong khi đi rao giảng Tin Lành tại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người dùng nhiều ngôn ngữ khác nhau, hoặc có thể qua phép lạ Chúa ban khi Ngài cần đến ông.

Ngày nay, ở những quốc gia đa ngôn ngữ, từ nhỏ đã có thể nói nhiều ngôn ngữ khác nhau qua nói chuyện, công việc hàng ngày, không phải mất nhiều thời gian học.

Tuy vậy, không phải ai nói được nhiều thứ tiếng đều là ân tứ Chúa ban. Chỉ có con dân Chúa mới được Chúa ban ân tứ. Nhưng cũng không phải mọi con dân Chúa nói được ngoại ngữ đều là ân tứ.

Con hiểu ân tứ nói ngoại ngữ là ân tứ Chúa ban cho con dân Chúa để gây dựng chính người đó, trong khi người đó có nhu cầu với Chúa bằng ngôn ngữ khác ngôn ngữ mình đang có.

Ví dụ: Có dân tộc chưa có những bài giảng của chú Tim về một số bài nào đó, hoặc chưa có sách Lời Cuối Cùng Để Lại Cho Thế Gian viết bằng ngôn ngữ họ biết, mà Chúa lại muốn người nào đó cần biết ngay thời điểm đó, khi đó, Chúa sẽ ban ân tứ cho người đó đọc hiểu được tiếng Việt Nam, vì hiện chỉ có phần tiếng Việt.

Ngôn ngữ là ân tứ thấp nhất trong các ân tứ Chúa ban để gây dựng chính mình. Gây dựng chính mình là góp phần gây dựng Hội Thánh.

Câu 19, Phao-lô nói lên một lẽ thật hiển nhiên rằng: Thà rằng ông nói năm lời với sự hiểu biết bằng ngôn ngữ người khác hiểu, có thể dạy được cho những người khác, hơn là nói mười ngàn lời trong một ngôn ngữ khác mà không ai hiểu.

20 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Chớ như trẻ con trong sự thông biết! Về sự độc ác thà như trẻ con; còn về sự thông biết hãy như người lớn.

Phao-lô nói: Về sự thông biết về Thiên Chúa thì chớ nên như trẻ con, mà hãy như người lớn đã trưởng thành.

Con hiểu là cần luôn đọc, suy ngẫm Lời Chúa, tìm kiếm Chúa để hiểu ý Chúa, những điều sâu nhiệm trong Lời Chúa và kinh nghiệm về Chúa mỗi ngày càng thêm cho được vững vàng, lớn mạnh trong đức tin và hiểu biết Chúa. Không chỉ mãi vẫn chỉ hiểu sơ đẳng như đứa trẻ.

Tóm lại: Đức tin cần đơn sơ như con trẻ. Sự hiểu biết thì đừng như đứa trẻ, hãy là người lớn trong Chúa.

"Về sự độc ác thà như trẻ con" có nghĩa là thà như con trẻ không biết về sự độc ác thì hơn. Ý câu này là: Phao-lô khuyên không tìm kiếm để học biết về sự độc ác, không sống học bắt chước làm ra chúng. Vì: Sự độc ác là tội lỗi, nghịch lại Chúa, không cần tìm kiếm để hiểu chúng làm gì. Hãy như là đứa trẻ không biết đến sự độc ác vậy.

21 Trong luật pháp có chép: Chúa phán, bởi các thứ tiếng và với các môi miệng khác, Ta sẽ phán với dân này. Dù vậy, chúng nó sẽ chẳng nghe Ta. [Ê-sai 28:11-12]

Lời Chúa phán truyền qua môi miệng các tôi tớ chân thật và qua Thánh Kinh từ nhiều ngàn năm, bằng các thứ ngôn ngữ khác nhau để ai nấy đều có thể hiểu được.

Chúa đã làm mọi phương tiện, mọi cách, nhưng đáng buồn là thực tế số đông nhiều người đã chẳng chịu nghe.

Liên hệ ngày nay: Chúa cũng đã đang dùng Hội Thánh chúng con hết lòng cùng nhau dịch, đọc các bài giảng ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Mong sao giúp ai đó tìm đọc, nghe và được cứu.

Đại từ "chúng nó" trong câu 21 này, con hiểu nói đến số đông. Cho đến ngày nay, số đông nhiều người cũng vậy. Khi mà Tin Lành, Thánh Kinh hiện đã được dịch chuyển ngữ ra mọi ngôn ngữ, số người thật lòng nghe, tin và làm theo vẫn rất ít. Điều này Chúa đã tiên tri từ trước.

22 Thế thì, các ngôn ngữ là một dấu chẳng phải cho những người tin nhưng cho những kẻ không tin; còn sự nói tiên tri chẳng phải cho những kẻ không tin nhưng cho những người tin.

Thưa Cha, qua câu này, con hiểu được, các ngôn ngữ là một dấu chẳng phải cho những người tin nhưng cho những kẻ không tin; còn nói tiên tri là cho những những người tin, chẳng phải cho những kẻ không tin.

Một dấu ở đây con hiểu là một sự được nói trước, bày tỏ ra, phơi bày ra. Ở đây là ngôn ngữ bày tỏ về Tin Lành, về Lời Chúa được tỏ ra như một dấu cho cả người tin và không tin.

Bài học con áp dụng:

Với những người chưa tin Chúa, con không cần nói tiên tri, chỉ tội ở họ. Con chỉ cần dùng ngôn ngữ họ hiểu để nói về Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ giúp họ hiểu biết về Thiên Chúa là được.

Hội Thánh chúng con đang đồng công dịch các bài giảng Thánh Kinh ra nhiều ngôn ngữ, giúp cho nhiều người đọc hiểu, giúp họ có cơ hội hiểu biết về Chúa, chọn quay về thờ phượng Chúa để được cứu rỗi, là đang làm đúng Lời Chúa.

Riêng việc Hội Thánh dịch các bài nói tiên tri ra các ngôn ngữ là mục đích dành cho con dân Chúa, đã có sự hiểu biết về Chúa, giúp ích cho anh chị em cùng Cha ở các quốc gia khác nhau thêm lên đức tin, hoặc kêu gọi ăn năn. Con và anh chị em trong Hội Thánh không nên phổ biến các bài này đến người không tin Chúa.

Thưa Cha, tới đây, con nhớ lại trước đây, con đã hiểu chưa đúng, khi con nghĩ rằng những ai chưa tin Chúa hay phạm tội thì không nên đọc Thánh Kinh, tự mình suy ngẫm làm gì. Chính vì thế mà có những lúc khi con phạm tội, con thấy không được dạn dĩ để đọc Thánh Kinh. Con cũng nghĩ rằng, tặng Thánh Kinh cho người chưa biết Chúa là sai.

Gần đây, con đã hiểu lại là, khi phạm tội, thì không được phép chia sẻ Lời Chúa. Còn vẫn cần Lời Chúa để cáo trách, sửa dạy. Cũng như người ngoại không biết Chúa, có khi qua việc đọc Thánh Kinh mà họ ăn năn tội, được cứu. Ví dụ như trường hợp chị Hồng trong Hội Thánh mình, chị được cảm động tin nhận Chúa qua việc đọc Thánh Kinh từ lúc chị còn đang theo Phật Giáo.

23 Vậy nên, nếu cả Hội Thánh nhóm hiệp trong một nơi và mọi người đều nói các ngôn ngữ khác, mà có những người bình dân hoặc những người không tin vào nghe, thì họ sẽ chẳng nói rằng, các anh chị em là điên cuồng sao?

Con hiểu rằng, nếu người nói ngoại ngữ trước cả Hội Thánh mà người đó không có sự thông giải hoặc không có người thông giải, không những không giúp ích cho bản thân, không giúp ích người nghe; mà trái lại, gây vấp phạm cho những anh chị em yếu đức tin và cho người không tin Chúa. Khi họ có mặt tham dự, nghe mà chẳng thể hiểu nổi, do bất đồng ngôn ngữ, có thể họ sẽ hiểu sai trật, nghĩ xấu về Chúa, cho là Hội Thánh điên cuồng. Nhất lại là nói những ngôn ngữ không phải ngôn ngữ loài người, thì hậu quả càng nghiêm trọng hơn.

24 Nhưng nếu hết thảy đều nói tiên tri mà có một người không tin hoặc người bình dân vào nghe, thì người ấy bị bắt phục bởi mọi người, người ấy bị phán xét bởi mọi người.
25 Như vậy, những sự kín giấu trong lòng người ấy được tỏ ra và bởi đó người ấy sấp mặt xuống đất. Người ấy sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời, tuyên bố rằng, thật có Đức Chúa Trời ở giữa các anh chị em.

Nhưng nếu nói tiên tri, với cùng ngôn ngữ của người nghe, thì người nghe là người không tin hay yếu đức tin sẽ có cơ hội bị bắt phục, giúp người ấy bị phán xét, những sự kín giấu, trong lòng người ấy được tỏ ra và bởi đó người ấy sấp mặt xuống đất, tiếp nhận, thờ phượng Chúa.

Con hiểu bắt phục ở đây cũng là bắt phục đến từ Chúa trong Lẽ Thật, nhưng bắt phục qua những chứng nhân trong lời nói tiên tri, là các con dân Chúa, nên Phao-lô nói là bị bắt phục, bị phán xét bởi mọi người.

Bài học áp dụng:

Trong các buổi như vậy, con dân Chúa trong Hội Thánh không nên nói ngoại ngữ, không nên nói ngôn ngữ khác.

Riêng nói tiếng lạ đến từ tà linh, là phạm tội thì con dân Chúa không được phép nói trong bất kỳ tình huống nào, cũng không dự phần vào các nơi có con dân Chúa như vậy, dễ bị tà linh xâm nhập.

Con cảm tạ Chúa đã dạy dỗ giúp con hiểu. Xin Chúa giúp con áp dụng những điều con hiểu một cách thông sáng.

Thưa Cha, ngoài những ý chính trên đây, con cũng hiểu thêm rằng:

Câu 24, 25 có mâu thuẫn, nghịch lại câu 22 hay không?

Câu 22 nói: Nói tiên tri là chẳng nói cho những kẻ không tin. Trong khi câu 24, 25 lại có ý: Nói tiên tri giúp cho người không tin sấp mình thờ phượng Chúa.

Theo con, là vì:

Nói tiên tri mục đích dùng để nói cho người đã tin, nhưng nếu trong buổi nhóm của Hội Thánh đó, lại có cả những người ngoại, ví như trong tiệc cưới con dân Chúa, có mời cả những người ngoại tham dự, hay trong tang lễ của con dân Chúa, có mặt những người không tin Chúa đến tham dự. Hoặc trong các buổi nhóm hiệp thờ phượng Chúa, có người chưa tin Chúa, muốn đến dự thính để tìm hiểu về Chúa, đức tin còn yếu. Khi đó, họ có cơ hội được nghe nói tiên tri.

Con hiểu những người không tin Chúa là những người ngoại, không bao gồm những người đã bị dứt thông công.

Những người đã bị dứt thông công thì không được tham gia trong mọi buổi nhóm hiệp, thông công của Hội Thánh, trừ khi họ thật lòng ăn năn trở lại mà Hội Thánh nhìn biết, khi đó, được phép đồng ý cho dự thính. Như vậy là để giữ sự thánh khiết, không bị ô uế và an toàn của Hội Thánh trong khi nhóm hiệp, thông công.

Con hiểu những người đã thật lòng ăn năn, nhưng chưa có kết quả mà Hội Thánh nhìn biết được, được tham dự, không được dự Tiệc Thánh, là vì:

Đó là khoảng thời gian thử thách để Hội Thánh xem xét đã thật kết quả hay chưa, vì Chúa là Đấng đi lại giữa Hội Thánh, mỗi con dân Chúa có thánh linh Chúa để cùng nhìn biết. Một người thật lòng ăn năn, chắc chắn Chúa sẽ cho Hội Thánh nhìn biết được, và ngược lại.

Chúa ban quyền buộc và mở cho Hội Thánh trên đất, thì Chúa cũng ban luôn thánh linh cho Hội Thánh để nhìn biết.

Cũng như xưa kia, người mắc bệnh phung đã được Chúa chữa lành, vẫn cần các thầy tễ lễ khám đi khám lại, tái khám nhiều lần, sau nhiều tuần kế tiếp, để nhìn thấy các triệu chứng chắc chắn đã lui hẳn, không tái phát nữa (Lê-vi Ký 13).

Hoặc trong lễ làm sạch bệnh phong hủi thời Cựu Ước, Chúa cũng truyền cho người đã sạch, phải đến thầy tế lễ kiểm tra, khám xem các dấu hiệu, triệu chứng đã chắc chắn lành hẳn hay chưa. Nếu đã lành, trong thời gian bảy ngày, người bệnh lành được phép vào trại quân, nhưng không được phép ở trong trại mình, mà ở ngoài trại mình. Cho đến ngày thứ tám, người bệnh lành và thầy tế lễ phải làm lễ nên thanh sạch, khi đã sạch hẳn sự ô uế mình rồi, mới được vào trại mình (Lê-vi Ký 14).

Chúa không gọi người bệnh vừa lành là người lành mà là người bệnh lành. Cho con thấy Chúa có định ra khoảng thời gian cho người bệnh lành được lành hẳn. Con cũng hiểu tội lỗi nào cũng có hậu quả ngay trước mắt trực tiếp kèm theo, đó là sự ô uế của tội lỗi, cần được chính Chúa tẩy sạch.

Chúa Jesus đã dùng chính máu Ngài một lần tẩy sạch tội. Nhưng sau khi đã được sạch, lại cố tình quay trở lại tội, thì sự ô uế sẽ còn ô uế hơn, hậu quả sẽ ô uế hơn. Ô uế do biết mà vẫn phạm, không như những người mới tin Chúa, là do yếu đuối.

Điều này giúp con nhận biết thêm rằng, ở đâu mà Hội Thánh địa phương nào thiếu trách nhiệm hoặc nhìn nhận sai trật hoặc không thể nhìn biết, mà Chúa không tỏ ra để Hội Thánh đó biết, thì Hội Thánh địa phương đó chưa ổn với Chúa, cần đến với Chúa, xin Chúa chỉ ra tội lỗi ở chỗ nào để kịp ăn năn.

Bài học áp dụng:

Con cảm tạ Chúa đã cho con hiểu và đồng ý với cách giải quyết của người chăn, các trưởng lão trong việc để cho người nói lời ăn năn có khoảng thời gian chờ kết quả xứng đáng với sự thật lòng ăn năn của mình, đây cũng là điều hiệp ý với lệnh Chúa Jesus phán truyền trong thời Tân Ước, được chép trong Ma-thi-ơ 3:8: "Vậy, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn."

Chị cám ơn em Thiên Tứ đã liên hệ đến những luật đối với những người bị bệnh phong hủi trong Cựu Ước với việc chưa tiếp nhận ngay những người đã bị dứt phép thông công nói lời thật lòng ăn năn, giúp chị phần nào hiểu rõ những việc làm thông sáng Chúa ban cho Hội Thánh.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Lan
31/05/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ