Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

I Giăng 5:14-21 Con Dân Chúa Cầu Thay cho Nhau và Tự Giữ Mình Thánh Khiết

Kính lạy Cha Toàn Năng đời đời yêu kính của chúng con. Con dâng lời cảm tạ ơn Cha đã ban cho con có cơ hội được đọc, học Lời của Ngài trong I Giăng 5:14-21.
Con cầu xin Đức Thánh Linh, soi sáng, mở mắt con, xin cho con thấy được sự lạ lùng, kỳ diệu trong luật pháp của Ngài, sức mạnh, quyền năng trong Lời Ngài, xin giúp con áp dụng Lời Ngài vào đời sống con, để con được trở nên con cái đích thực của Ngài. Con cảm tạ ơn Ngài và thành kính cầu xin trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Kính thưa Cha, đây là những điều mà con học được qua những câu trên:

14 Này là điều chúng ta dạn dĩ ở trong Ngài, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.
15 Nếu chúng ta biết, mình xin bất cứ điều gì Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận được điều mình xin Ngài.

Con hiểu rằng cầu nguyện là một hình thức thờ phượng, một sự “dâng hương” lên Chúa, ngoài việc ca ngợi, chúc tụng, tôn vinh như một của lễ dâng lên Chúa, thì sau đó là những lời cầu thay và cầu xin bày tỏ Chúa quyền năng, và đầy tình yêu thương đối với loài người cũng như con dân Chúa vì chỉ có Chúa mới làm cho con dân Ngài được thỏa mãn về lời mình cầu xin, và đó là điều đẹp ý Ngài và “theo ý muốn Ngài”. “Thì Ngài nghe chúng ta”, nghĩa là Ngài nhận lời cầu xin của chúng con. Cảm tạ Chúa. Để biết được “theo ý muốn Ngài” là gì thì con phải đọc, suy ngẫm Lời Ngài trong Thánh Kinh. Nếu con cầu xin không theo ý Ngài mà theo tư dục của con thì con không bao giờ nhận được (Gia-cơ 4:3). Mọi con dân Chúa khi đã được ở trong Ngài, được Ngài sinh ra thì đều có lòng dạn dĩ, nghĩa là sốt sắng, mạnh dạn trong sự cầu xin.

16 Nếu có ai thấy anh chị em cùng Cha của mình phạm tội, mà tội không đến nỗi chết, thì hãy cầu xin, và Ngài sẽ ban sự sống cho, tức là ban cho những kẻ phạm tội mà chưa đến nỗi chết. Cũng có tội đến nỗi chết; ấy chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin.
17 Mọi sự không công chính đều là tội; mà cũng có tội không đến nỗi chết.

Con hiểu rằng, “phạm tội không đến nỗi chết” là sự phạm tội mà do vi phạm vào các điều răn, nhưng chưa đến mức mất đi sự cứu rỗi, do biết mà xưng tội, ăn năn ngay. “Thì hãy cầu xin, và Ngài sẽ ban sự sống cho”, tức là ban ơn cứu rỗi cho những kẻ phạm tội mà chưa đến nỗi chết. Thí dụ: Con buột miệng kêu trời vô cớ, hoặc buột miệng nói dối, hoặc chót vào một trang ô uế thì lập tức ra khỏi và xưng tội với Chúa, xin được tha thứ và ăn năn ngay, không được lặp lại những tội đó, thì đó là những tội không đến nỗi chết.
“Mọi sự không công chính” là những sự vi phạm, chống nghịch lại những điều răn “thì đều là tội”.
“Tội đến nỗi chết” là tội bội đạo, có cách “ăn ở như kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ” (Phi-líp 3:18) là người vi phạm vào những điều răn mà không ăn năn, họ sẽ bị hư mất (Hê-bơ-rơ 6:4-8; 10:26-31). Con dân Chúa không cần cầu thay cho họ, phó họ cho sự thương xót của Chúa và dứt thông công với họ.

18 Chúng ta biết rằng ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng sống trong tội; nhưng ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì tự giữ lấy mình, ma quỷ chẳng làm hại người được.

Con hiểu rằng, con dân Chúa “được sinh bởi Đức Chúa Trời”, thì được Chúa ban cho họ có năng lực, có thần quyền để tránh xa cám dỗ, đắc thắng tội, và họ “chẳng sống trong tội”.
Con dân Chúa được Chúa ban cho sự tự do, nhưng không dùng sự tự do ấy mà đi theo ý riêng (Ga-la-ti 5:13; I Phi-e-rơ 2:16), phải biết làm chủ bản ngã (I Cô-rinh-tô 9:27; II Ti-mô-thê 1:7) đó chính là “tự giữ lấy mình”, cho dù ma quỷ lừa dối họ, cám dỗ họ nhưng họ biết mưu kế của nó và thắng cám dỗ của nó và bởi đó “ma quỷ chẳng làm hại người được”.

19 Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian đều nằm trong sự dữ.

“Chúng ta” là danh từ chỉ con dân Chúa. Con hiểu rằng, nếu con dân Chúa giữ nếp sống tin kính, vâng lời làm theo, được sinh ra bởi Ngài, sống trong tình yêu của Ngài, được Ngài ở trong là họ “biết mình thuộc về Đức Chúa Trời” (Rô-ma 14:8). Thế gian còn lại “đều nằm trong sự dữ”, nghĩa là họ thuộc về Ma Quỷ, làm theo sự xui khiến của Ma Quỷ, họ là con cái của nó, là họ làm ra những việc gây đau đớn cho chính họ, cho người khác, gây tổn hại đến họ, tổn hại đến người khác, cũng là ở trong hình phạt của Đức Chúa Trời.

20 Chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến và ban trí khôn cho chúng ta, để chúng ta biết Đấng Chân Thật, và chúng ta ở trong Đấng Chân Thật, là ở trong Con Ngài: là Đức Chúa Jesus Christ, là Thiên Chúa Chân Thật và Sự Sống Vĩnh Cửu.

Con hiểu rằng, Lời Chúa xác định: “Chúng ta” (những con dân Chúa) “biết Con Đức Chúa Trời đã đến và ban trí khôn cho chúng ta”, nhờ trí khôn đó mà chúng con biết được: Ngôi Lời trong xác thịt chính là “Đấng Chân Thật”. Chúng con cũng nhận biết mình đang “ở trong Đấng Chân Thật”. Nhận biết phần xác thịt của “Đấng Chân Thật”, được sinh bởi Đức Chúa Trời. Phần thiêng liêng là “Thiên Chúa Chân Thật” (Giăng 1:14) và đã là Thiên Chúa thì dĩ nhiên có “Sự Sống Vĩnh Cửu” (Giăng 3:15-16; 36; 5:24; 6:40...)

21 Hỡi các con cái bé nhỏ, hãy giữ mình khỏi những thần tượng! A-men!

Con hiểu rằng, “con cái bé nhỏ” là cách ông Giăng gọi con dân Chúa ít tuổi hơn mình, coi họ như hàng con cháu mình.
“Giữ mình khỏi những thần tượng! A-men!” Đây là một mệnh lệnh, nghĩa là, con dân Chúa tránh xa khỏi những thần tượng:

+ Hãy tránh xa các nơi thờ cúng hình tượng, tà thần, kể cả những tượng Chúa (mà sự thật không phải là Chúa).
+ Không thần tượng hóa những lãnh tụ lịch sử, những lãnh đạo tôn giáo, những chính trị gia, những người cầm quyền dân sự, những người nổi tiếng trong khoa học, triết học, những minh tinh màn bạc, các ngôi sao trong lĩnh vực thể thao… Ngay cả những người được Chúa giao cho những chức vụ trong Hội Thánh như người chăn, các trưởng lão. Họ giỏi giang trong chức vụ cũng là nhờ ân tứ Chúa ban. Hãy cảm tạ Chúa vì sự cống hiến trong sự hầu việc Chúa của họ.
+ Không đi theo thần “tôi”, không đi theo ý riêng mình, không dựa vào sự khôn sáng của bản thân mình vì chỉ là con người, với trí khôn hạn hẹp và sức lực nhỏ bé. Nhưng, hãy đi theo sự khôn sáng của Chúa (Châm Ngôn 3:5, 7; 26:12; 28:26; Ê-sai 2:22; 5:21). Hãy biết mình không còn thuộc về mình mà thuộc về Chúa (Rô-ma 6:22; 14:8; Ga-la-ti 2:20; I Phi-e-rơ 2:16b). Không kiêu ngạo, không tự cho mình là giỏi hơn người khác, hoặc tự ái không đúng. Hãy khiêm nhường, coi người khác là đáng tôn trọng hơn chính mình (Phi-líp 2:3). Thần “tôi” là loại thần tượng được loài người thờ lạy nhiều nhất và để chiến thắng thần “tôi” cũng là điều khó khăn, gian nan nhất.

Phần con áp dụng:

Kính thưa Cha,
1/ Trong sự thờ phượng của con, con luôn cầu xin theo ý muốn của Ngài.
2/ Con biết Chúa chỉ nhận lời nếu lời cầu xin theo ý muốn của Ngài, khi những lời cầu xin ý đó hợp với sự bày tỏ của Thánh Kinh.
3/ Để không còn phạm đến tội “không đến nỗi chết” thì con phải thực hiện Giô-suê 1:8, đó là một hình thức thánh hóa nếp sống, luôn để Chúa đi cùng cai trị, dẫn dắt mình mọi lúc, mọi nơi (Thi Thiên 16:8; 63:8).
4/ Có rất nhiều câu khẳng định Chúa Jesus là Thiên Chúa, con chỉ đưa vài câu điển hình: Ê-sai 9:6; Giăng 1:1; 1:14; Rô-ma 8:9; Phi-líp 2:6…
5/ Sự giữ mình khỏi thần “tôi” là sự khó khăn nhất của con, vì sự tò mò, hóng những của lạ, dễ dẫn con đến lằn ranh của phạm tội.

Con cảm tạ ơn Chúa đã soi sáng con bài hôm nay. Nguyện mọi vinh quang, tôn quý, năng lực đều thuộc về Thiên Chúa đời đời vô cùng. Nguyện xin ân điển của Thiên Chúa được đầy dẫy trong con. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Con, Dương Quang Trung

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ