Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Khải Huyền 1:9-16 Khải Tượng về Con Người – Phần 1

Kính lạy Cha Toàn Năng đời đời yêu kính của chúng con. Con dâng lời cảm tạ ơn Cha đã ban cho con có cơ hội được đọc, học Lời của Ngài trong Khải Huyền 1:9-16.
Con cầu xin Đức Thánh Linh soi sáng, mở mắt con, xin cho con thấy được sự lạ lùng, kỳ diệu trong luật pháp của Ngài, sức mạnh, quyền năng trong Lời Ngài, xin giúp con áp dụng Lời Ngài vào đời sống con, để con được trở nên con cái đích thực của Ngài. Con cảm tạ ơn Ngài và thành kính cầu xin trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Kính thưa Cha, đây là những điều mà con học được qua những câu:

9 Tôi là Giăng, anh em của các anh chị em và người dự phần trong sự hoạn nạn và trong vương quốc cùng sự nhẫn nại của Đức Chúa Jesus Christ. Tôi đã ở trên đảo gọi là Bát-mô, vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ.

“Tôi là Giăng”, con hiểu rằng, Sứ Đồ Giăng xưng tên mình khi ông viết sách Khải Huyền.
“Kẻ dự phần với các anh chị em trong sự hoạn nạn”, thời ấy con dân Chúa chịu sự bách hại của thế gian, của chính quyền, ông Giăng bị tù đày trên đảo Bát-mô, (tên một hòn đảo nhỏ nằm trên biển Địa Trung Hải gần nước Thổ và Hy-lạp) ông coi đó là “dự phần với các anh chị em trong sự hoạn nạn”.
Dự phần “trong vương quốc”. Vừa có nghĩa là được sống trong vương quốc, vừa có nghĩa là được đồng trị với Chúa Jesus (Ê-phê-sô 2:6; II Ti-mô-thê 2:12).
Dự phần trong “sự nhẫn nại của Đức Chúa Jesus Christ”. Có nghĩa là khi thế gian bách hại, thì con dân Chúa im lặng chịu đựng, không trả thù, không bạo động, có thể lẩn trốn, theo gương và theo sự dạy dỗ của Đấng Christ.

“Tôi đã ở trên đảo gọi là Bát-mô vì Lời của Đức Chúa Trời”. Lý do ông ở trên đảo vì ông rao truyền Tin Lành, tình yêu của Chúa cho mọi người. Đó cũng là vì Lời của Đức Chúa Trời, Lời của Thánh Kinh, Lời của Đấng Christ (được xưng là Lời của Đức Chúa Trời), dạy con dân Chúa như vậy.
“Vì chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ” nghĩa là ông thuật lại những việc làm và những Lời phán dạy của Đấng Christ.

10 Tôi đã ở trong thần linh vào ngày của Chúa, và đã nghe phía sau tôi một tiếng lớn như tiếng loa,

“Tôi đã ở trong thần linh” nghĩa là những gì ông nhận được những khải tượng không bởi những giác quan của xác thịt mà bởi những giác quan của tâm thần.

“Ngày của Chúa” là ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10; Lê-vi Ký 19:3) và Chúa là Chúa của ngày Sa-bát thứ bảy (Ma-thi-ơ 12:8; Mác 12:8; Lu-ca 6:5) mang ý nghĩa ngày này dành cho Chúa, ai dùng ngày này cho việc riêng tư mình là vi phạm vào sự răn dạy của Chúa, nếu ai thay đổi ngày này không phải là vào ngày Thứ Bảy cũng là vi phạm vào Lời răn dạy của Chúa.
Cảm tạ Chúa đã dành ngày này, thánh hóa nó, để cho loài người được nghỉ ngơi, không làm việc để nhóm hiệp thánh thờ phượng Chúa.
“Nghe phía sau tôi có một tiếng lớn như tiếng loa”, trong thần linh, ông nghe từ phía sau có một tiếng lớn như tiếng loa. Có thể “từ phía sau” để ông đỡ bị ngỡ ngàng.

11 phán rằng: "Ta là Đấng An-pha và Ô-mê-ga, Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng. Những điều ngươi thấy, hãy chép vào một cuộn sách và gửi đến bảy Hội Thánh tại A-si: cho Ê-phê-sô, cho Si-miệc-nơ, cho Bẹt-găm, cho Thi-a-ti-rơ, cho Sạt-đe, cho Phi-la-đen-phi, và cho Lao-đi-xê."

Đây là những Lời phán của Chúa Jesus: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga: Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng”. Danh này chỉ dành riêng cho Thiên Chúa, Ngài lệnh cho ông, những điều ông thấy, hãy chép vào một cuốn sách “và gửi đến bảy Hội Thánh tại A-si; gửi cho Ê-phê-sô, cho Si-miệc-nơ, cho Bẹt-găm, cho Thi-a-ti-rơ, cho Sạt-đe, cho Phi-la-đen-phi và cho Lao-đi-xê.”

12 Tôi đã xoay lại để xem tiếng đã phán với tôi. Khi đã xoáy lại, tôi đã thấy bảy chân đèn bằng vàng.

“Bảy chân đèn bằng vàng” là bảy Hội Thánh” (câu 20 của đoạn này).

13 Ở giữa bảy chân đèn, có ai giống như Con Người. Ngài mặc áo dài phủ tận bàn chân, thắt đai vàng ngang ngực.

Kính thưa Chúa, câu này, ông Giăng miêu tả về Chúa, “có ai giống như con người.” Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng là người, để cứu loài người. Cảm tạ Chúa vì Chúa tạo dựng nên con người theo như hình ảnh của Chúa, bởi đó ông nói có ai giống như con người và chỉ giống như con người thì loài người mới cảm nhận được tình yêu, sự thân thương, sự gần gũi của Chúa với loài người biết bao! “Ngài mặc áo dài phủ tận chân”. Ai biết được áo ấy là chất liệu gì? Nếu trang phục của con dân Chúa là những việc làm công chính của họ (Khải Huyền 19:8) thì có thể sự vinh quang, sự công chính của Thiên Chúa là chiếc áo của Ngài. Mặt khác, Hội Thánh được ví như thân thể của Chúa, vậy, Hội Thánh được Ngài bao bọc, che chở bởi tình yêu, sự công chính của Ngài như chiếc áo “giáp của sự công chính” (Ê-phê-sô 6:14) khỏi những lời cáo buộc của Sa-tan mỗi khi con dân Chúa phạm tội. Cảm tạ Chúa. “Có đai vàng thắt ngang ngực”, nói lên phẩm chất cao quý và chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của Ngài và cũng thể hiện sự sẵn sàng cho mọi hành động (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:8). Vòng tròn đai nói lên sự trọn vẹn, ngang ngực nơi gần trái tim, nói lên tình yêu của Ngài đối với Hội Thánh thể hiện qua sự cầu thay và qua những việc làm của Ngài. Cảm tạ Chúa.

14 Đầu và tóc của Ngài trắng như len, trắng tựa tuyết. Đôi mắt của Ngài như ngọn lửa.

“Đầu và tóc Ngài trắng như len, trắng tựa tuyết” tiêu biểu cho sự khôn ngoan, thánh khiết, từng trải, biết hết mọi sự.
“Đôi mắt Ngài như ngọn lửa” tiêu biểu cho sự sáng, sự hiểu biết mọi sự, lửa mang lại ấm áp, an ủi, nhưng cũng đốt cháy, thiêu rụi những ô uế, tội lỗi.

15 Đôi bàn chân của Ngài như đồng sáng, như đã được luyện trong lò. Tiếng nói của Ngài như tiếng của nhiều dòng nước.

“Đôi chân Ngài như đồng sáng đã được luyện trong lò”
Đồng được kết hiệp với một vài kim loại khác, được luyện trong lò, tạo nên một hợp kim bền chắc, “Đôi chân Ngài như đồng sáng” trở nên vũ khí giày đạp kẻ thù (Mi-chê 4:13). “Tiếng nói Ngài như tiếng của nhiều dòng nước”. Tiêu biểu cho sức mạnh, quyền năng của Lời phán: Sáng tạo, gây dựng, nâng đỡ, an ủi và sức mạnh, hủy diệt.

16 Trong tay phải của Ngài có bảy ngôi sao. Từ miệng của Ngài ra một thanh gươm bén, hai lưỡi. Khuôn mặt của Ngài như mặt trời chiếu sáng trong sức mạnh của nó.

“Trong tay phải Ngài có bảy ngôi sao”, con hiểu rằng, tay phải có sức mạnh và được coi trọng hơn tay trái. “Bảy ngôi sao” được giải thích như bảy thiên sứ của bảy Hội Thánh (Khải huyền 12:4). “Từ miệng Ngài ra một thanh gươm bén, hai lưỡi” nói lên sức mạnh, sự sắc bén của Lời phán Ngài (Ê-phê-sô 6:17; Hê-bơ-rơ 4:12-13). “Khuôn mặt Ngài chiếu sáng trong sức mạnh của nó” Tiêu biểu cho sự vinh quang tột cùng của Ngài và cũng nói lên sự chiếu sáng, soi tỏ về thuộc linh, cũng như thuộc thể. Con hình dung trong đêm tối, có một ngọn đèn sáng thì mọi sinh vật đều hướng về chiếc đèn đó. Ngài trở nên tâm điểm của mọi sự tốt lành, vinh quang, đẹp đẽ (Thi-thiên 4:6; 44:3; 56:13; Ê-sai 2:5; 9:2… Giăng 1:4; 1:9; 8:12; 9:5; II Cô-rinh-tô 4:6; I Giăng 1:5). Các câu từ 13-16 diễn tả về Con Người cho con thấy được Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là Con Người. Ngài xứng đáng được chúng con ca ngời, chúc tụng, tôn vinh đến.

Phần con áp dụng:

Kính lạy Chúa,
1/ Con luôn vui mừng vì được dự phần trong sự hoạn nạn và trong vương quốc cùng sự nhẫn nại của Đức Chúa Jesus Christ (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16).

2/ Con nghĩ, khi cầu nguyện hoặc suy ngẫm Lời Chúa thì con cũng được Ngài soi sáng trong thần linh. Con cảm tạ Chúa.

3/ Con chưa được nghe tiếng Chúa phán bên tai hoặc trong thần trí. Con có cầu xin Chúa cho được nghe tiếng phán của Ngài.

4/ Con cũng có những lần dâng trình lên Chúa Jesus, nhưng cũng chưa được nghe tiếng phán dạy của Ngài.

Con cảm tạ ơn Chúa đã soi sáng con bài hôm nay. Nguyện mọi vinh quang, tôn quý, năng lực đều thuộc về Thiên Chúa đời đời vô cùng. Nguyện xin ân điển của Thiên Chúa được đầy dẫy trong con. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Con, Dương Quang Trung
Ngày 28/09/2024

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ