Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: Công Vụ Các Sứ Đồ 19:21-29 Cuộc Nổi Loạn tại Thành Ê-phê-sô – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ gia đình con qua một ngày bình an. Con cảm tạ Cha vẫn mỗi ngày ban ơn trên mọi việc tay chúng con làm. Con cảm tạ Cha vì sau một ngày làm việc giờ này Ngài cũng ban cho con có thời gian yên tĩnh để cầu nguyện và viết bài suy ngẫm. Con xin ghi lại sự suy ngẫm của con về phân đoạn Công Vụ Các Sứ Đồ 19:21-29.

21 Khi các sự này đã xong, Phao-lô đã định trong tâm thần, người sẽ ngang qua Ma-xê-đoan và A-chai để đi đến Thành Giê-ru-sa-lem. Người nói: "Khi ta đã ở đó, ta cũng phải thăm Thành Rô-ma."
22 Người đã gửi hai người giúp đỡ mình là Ti-mô-thê và Ê-rát đến Ma-xê-đoan, nhưng chính người đã ở lại trong cõi A-si ít lâu.

Câu 21 và 22: Thưa Cha, con hiểu rằng, sau ba năm giảng Tin Lành tại Ê-phê-sô và Tin Lành đã lan rộng khắp cõi A-si, Phao-lô định đi thăm con dân Chúa tại Ma-xê-đoan và A-chai, sau đó trở về Giê-ru-sa-lem, kết thúc hành trình truyền giáo lần thứ ba của mình. Có lẽ, Chúa cũng cho Phao-lô có cảm nhận trước rằng, sau khi về lại Giê-ru-sa-lem ông cũng sẽ tiếp tục một hành trình mới, có cơ hội giảng Tin Lành tại Thành Rô-ma.

23 Lúc đó, đã xảy ra sự nổi loạn không nhỏ về Đạo.
24 Vì một người thợ bạc kia, tên là Đê-mê-triu, đã làm những bàn thờ Át-tê-mít bằng bạc, đem lại không ít lợi cho những người thợ. {Át-tê-mít (Artemis) là một nữ tà thần trong thần thoại Hy-lạp, tương đương nữ tà thần Đi-anh (Diana) trong thần thoại La-mã. Một số bản dịch Thánh Kinh dùng tên Đi-anh trong phân đoạn này; nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là Át-tê-mít.}
25 Hắn đã nhóm hiệp họ với những công nhân đồng nghiệp, nói rằng: "Hỡi mọi người! Các ngươi biết rằng, bởi việc làm này mà chúng ta có sự giàu có của chúng ta.
26 Các ngươi cũng thấy và nghe rằng, không chỉ tại Ê-phê-sô mà gần suốt hết cõi A-si, tên Phao-lô này đã thuyết phục và làm biến đổi nhiều người, nói rằng, ấy chẳng là các thần, vì được làm bởi tay người.
27 Không chỉ nghề này của chúng ta bị nguy, trở thành vô giá trị; nhưng đền thờ của Đại Nữ Thần Át-tê-mít cũng bị xem không ra gì, và sự uy nghiêm của nàng, mà cả cõi A-si và thế giới thờ kính, sẽ bị đánh hạ."
28 Khi chúng đã nghe, chúng đã trở nên đầy sự tức giận, kêu la rằng: "Lớn thay là Át-tê-mít của người Ê-phê-sô!"

Từ câu 23 đến 28: Con hiểu rằng, phản ứng của Đê-mê-triu và các thợ bạc nói lên một điều điển hình trong thế gian, tôn giáo và kinh tế có sự đan xen chặt chẽ, đến mức lợi ích kinh tế có thể trở thành động lực chính trong việc bảo vệ một tôn giáo. Đó cũng là mưu kế của Sa-tan, tạo ra các tôn giáo, sai khiến các tôi tớ của nó dẫn dắt nhiều người theo những tôn giáo ấy, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế để trói buộc các nhà lãnh đạo tôn giáo và tín đồ vào đó.

29 Cả thành đã đầy sự rối loạn. Bắt được Gai-út và A-ri-tạc, các người Ma-xê-đoan, bạn đồng hành của Phao-lô, chúng đã đồng lòng kéo đến rạp hát.

Câu 29: Con hiểu rằng, có thể Gai-út và A-ri-tạc đều tin nhận Chúa qua sự rao giảng của Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ hai của ông. Sau sự kiện đối diện với đám dân nổi loạn, Gai-út và A-ri-tạc vẫn tiếp tục đồng hành cùng Phao-lô đến xứ A-si. Trong Cô-lô-se 4:10 Phao-lô nhắc đến A-ri-tạc là bạn cùng bị tù với ông. Như vậy, A-ri-tạc không chỉ đồng hành với Phao-lô tại Ê-phê-sô và xứ A-si mà còn gắn bó lâu dài với ông. Các chi tiết ấy cho thấy Gai-út và A-ri-tạc vẫn đứng vững trong đức tin và cùng Phao-lô tiếp tục sứ mệnh rao giảng Tin Lành. Hai ông cũng là tấm gương sáng cho con dân Chúa về sự tận tụy phục vụ Chúa.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha giờ này cũng ban cho gia đình con một giấc ngủ ngon. Con cảm tạ Cha. A-men! Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ. Nguyễn Ngọc Tú

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ