Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Thị Thùy Linh: II Ti-mô-thê 1:1-6 Tình Yêu của Phao-lô đối với Ti-mô-thê

Kính thưa Cha yêu kính của con. Con cảm tạ ơn Cha đã ban cho con một ngày nữa còn sống động trên đất này, và bây giờ được có thời gian, sức khỏe để suy ngẫm Lời Ngài. Con kính xin Đức Thánh Linh soi dẫn cho con, giúp con hiểu được Lời Chúa. Con cảm tạ Ngài.

1 Phao-lô, làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ bởi ý muốn của Thiên Chúa, theo lời hứa của sự sống là sự ở trong Đấng Christ Jesus.
2 Gửi cho Ti-mô-thê, là con yêu dấu của ta. Nguyện ân điển, sự thương xót, sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha và từ Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta, ở cùng con.
3 Ta cảm tạ Đức Chúa Trời, Đấng ta phụng sự không ngừng nghỉ bằng tâm thức thanh sạch như các tổ phụ. Cả ngày lẫn đêm ta ghi nhớ đến con trong sự khẩn xin.
4 Vì ta nhớ đến nước mắt của con, ta muốn đến thăm con quá chừng, để ta được đầy sự vui vẻ.
5 Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật trong con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại của con, và trong Ơ-nít, mẹ của con, ta chắc rằng cũng ở trong con.
6 Vậy nên, ta nhắc con hãy khơi lại ân tứ của Đức Chúa Trời, là ân tứ ở trong con bởi sự đặt tay của ta.

Kính thưa Cha, con xin kính trình dâng lên Cha sự hiểu của con về phân đoạn Thánh Kinh trong II Ti-mô-thê 1:1-6.

1. Con hiểu bức thư thứ hai này Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê mở đầu với lời khẳng định về chức vụ của ông là được sự kêu gọi của Thiên Chúa. Con hiểu Phao-lô không có ý khoe khoang, tự cao nhưng ông nói lên lẽ thật xác nhận chức vụ của ông. Đầu thư ông chúc phước đến Ti-mô-thê.

2. Trong thư này Phao-lô gọi Ti-mô-thê là con yêu dấu của ông. Con hiểu rằng tình yêu Phao-lô dành cho Ti-mô-thê không phải dựa theo xác thịt phải là con ruột, con mình đẻ ra thì mới yêu thương, mà tình yêu ông dành cho Ti-mô-thê là tình yêu trong Chúa, yêu bằng tình yêu của Chúa. Trong thư ông cho biết ông vẫn luôn cầu thay cho Ti-mô-thê trong sự cầu nguyện khẩn xin. Con hiểu rằng Ti-mô-thê là người chăn trẻ, ông sẽ đối diện với nhiều nan đề và thử thách, không tránh khỏi sự tấn công của ma quỷ. Lòng Phao-lô đã yêu thương và lo lắng cho Ti-mô-thê nên ngày đêm ông đều nhớ tới mà khẩn xin Chúa. Lòng của Phao-lô rất muốn đến thăm Ti-mô-thê. Con hiểu những giọt nước mắt của Ti-mô-thê có lẽ ông đối diện với những con dân Chúa không có sự vâng phục người chăn, lòng xót xa khi phải kỷ luật những con dân Chúa phạm tội không ăn năn, Phao-lô đã ao ước có thể đến thăm Ti-mô-thê để an ủi, khích lệ ông trong chức vụ.

3. Phao-lô cũng nhắc lại đức tin có trong Ti-mô-thê và những người thân yêu của ông cũng đã có sự tin kính ấy là bà ngoại và mẹ của Ti-mô-thê. Con hiểu rằng vậy Ti-mô-thê đã được ở trong một gia đình, môi trường biết Chúa và tin kính Chúa. Ông đã được dạy dỗ về Chúa và qua nếp sống làm gương của bà ngoại và mẹ mà gây dựng đức tin cho Ti-mô-thê. Vậy nên Phao-lô nhắc lại việc này để khích lệ, động viên Ti-mô-thê được tấn tới càng hơn trong đức tin của mình. Và Phao-lô cũng nhắc Ti-mô-thê khơi lại ân tứ ở trong ông mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Con hiểu khơi lại là giúp cho Ti-mô-thê lần nữa nhớ lại, xác định lại đức tin, mục đích và bổn phận của mình mà gắng sức làm tốt hơn nữa. Những ân tứ nào Chúa ban cho thì Ti-mô-thê là người biết rõ, thì ông cậy ơn Chúa theo như đức tin của mình mà làm tròn nhiệm vụ mà Chúa đã giao cho.

Bài học con rút ra được là:

1. Con học được rằng con dân Chúa được Chúa ban cho có nhiều cách để thể hiện tình yêu lẫn nhau, nhưng cách mà con dân Chúa có thể giúp nhau cách khôn sáng nhất là sự khẩn xin cho nhau. Điều đó cũng thể hiện tấm lòng thật yêu thương anh chị em mình và luôn quan tâm, nhớ đến họ mà cầu thay cho họ. Sự khẩn xin này không phải là như một cái máy chạy mỗi ngày, hay là trách nhiệm thì phải làm mà là làm vì kính sợ Chúa và yêu người mình cầu thay cho. Mong muốn mọi sự bình an, tốt đẹp đến với người mình yêu thương. Sự khẩn xin còn là sự đồng công cùng anh chị em mình trong trận chiến thuộc linh.

2. Con học được rằng Chúa giao cho mỗi người cơ nghiệp là con cái thì người ấy phải có bổn phận nuôi dạy và đem nó đến với tình yêu của Thiên Chúa qua nếp sống làm gương của họ và qua sự dạy dỗ con cái. Bà ngoại và mẹ của Ti-mô-thê là một điển hình. Nếp sống làm gương của cha mẹ không chỉ làm sáng danh Chúa mà còn là đem con mình đến với sự cứu rỗi. Việc chăm sóc và nuôi dạy con cái theo đường lối của Chúa là một linh vụ rất quan trọng, bởi vì nếu cha mẹ không làm tròn bổn phận và nhiệm vụ thì phải chịu trách nhiệm với linh hồn của con trẻ.

3. Con học được rằng con phải làm lợi ra những ân tứ mà Chúa ban cho con. Đó cũng là ý muốn của Chúa và bổn phận của mỗi con dân Chúa.

Con cảm tạ Chúa đã ban cho con sự hiểu và bài học về phân đoạn Thánh Kinh hôm nay. Nguyện kính xin Chúa giúp con hiểu được nhiều hơn, biết áp dụng vào đời sống con, xin Chúa ban cho con có sự khôn sáng trong mọi cách ứng xử. Con cảm tạ Ngài. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thùy Linh
05/02/2024

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ