Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

I Cô-rinh-tô 13:1-7 Tình Yêu – Phần 1

Cảm tạ Chúa lại ban cho con được suy ngẫm lời của Ngài trong I Cô-rinh-tô 13: 1-7. Nguyện Chúa cứ tiếp tục giúp con được hiểu thật nhiều điều mà Ngài đã sắm sẵn cho con bởi Lời của Ngài. Sau đây, con xin nêu sự hiểu của con về phân đoạn Thánh Kinh trên.

“1 Dù tôi nói các thứ tiếng của loài người và của các thiên sứ, nhưng không có tình yêu thì tôi chỉ là đồng kêu lên hay chập chõa vang tiếng.” (I Cô-rinh-tô 13: 1)
Con hiểu rằng, trong câu trên, Phao-lô đã dùng một một sự so sánh để làm nổi bật ý nghĩa, giá trị của tình yêu thương. Nếu ông có nói được tất cả các ngôn ngữ của loài người, hay ngôn ngữ của các thiên sứ. Nhưng ông không nói trong tình yêu thương thì nó cũng chỉ là những âm thanh ồn ào, vô nghĩa như tiếng đồng hay tiếng chập choã vậy.

2 Dù tôi có sự nói tiên tri, biết hết mọi sự mầu nhiệm và mọi sự trí thức, dù tôi có hết thảy đức tin để tôi có thể dời các núi, nhưng không có tình yêu thì tôi chẳng ra gì. 3 Dù tôi nuôi ăn những người nghèo với hết thảy gia tài của tôi, dù tôi trao thân thể của mình để chịu đốt, nhưng không có tình yêu thì tôi chẳng được ích lợi gì.” (I Cô-rinh-tô 13: 2-3)
Ở câu 2, Phao-lô so sánh giá trị tình yêu thương với ân tứ nói tiên tri và sự hiểu biết mọi sự cũng như đức tin mạnh mẽ đến mức dời được núi. Ông nhấn mạnh các ân tứ thuộc linh dù có hấp dẫn, lạ lùng và đầy năng lực đi chăng nữa, nhưng đều sẽ trở nên vô ích và vô giá trị nếu nó không đem lại lợi ích cuối cùng là tình yêu thương. Nếu không có tình yêu thương, thì dầu có trao đi toàn bộ tài sản của mình, hay chịu đau đớn thể xác vì mục đích vụ lợi nào đó thì cũng vô ích. Bởi mỗi việc làm không xuất phát bởi tình yêu thương thì đều vô nghĩa trong mắt Chúa. Đọc đến đây con hiểu rằng, chỉ có Thiên Chúa là Đấng biết hết các ngôn ngữ, biết tiếng của thiên sứ, là Đấng tiên tri vĩ đại, biết hết mọi sự mầu nhiệm của trí thức, là Đấng toàn năng, toàn tri, toàn tại, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ, nhưng dù Ngài có những năng lực đó thì Ngài vẫn là Đấng toàn ái, Ngài đã yêu thương nhân loại hư mất, yêu đến nỗi đã hi sinh cả những năng lực đó của ngài để chết thay một cách đau đớn cho tội nhân.

4 Tình yêu khoan nhẫn; từ ái. Tình yêu không ganh tị. Tình yêu không khoác lác; không kiêu ngạo;
5 không làm điều trái phép; không tìm kiếm chính mình; không dễ nóng giận; không suy nghĩ sự dữ;
6 không vui về điều không công chính; nhưng vui trong lẽ thật;
7 che chở mọi sự; tin mọi sự; trông cậy mọi sự; chịu đựng mọi sự.”
(I Cô-rinh-tô 13: 4-7)

Các câu 1-3 trên, Phao-lô đã dùng lối so sánh để nhấn mạnh giá trị của tình yêu thương, ông đã liệt kê những ân tứ thuộc linh cũng như các năng lực hay sự hi sinh cá nhân để làm nổi bật ý nghĩa của tình yêu thương. Còn ở câu 4-7, ông đã liệt kê một loạt các đặc tính của tình yêu thương để định nghĩa chi tiết và cách thực hành tình yêu thương. Đó là 15 đặc tính mà một người có tình yêu thương thật luôn biểu lộ cả trong suy nghĩ và hành động.
Một người có tình yêu thương thật trước hết phải là người được Đức Chúa Trời xưng là công chính bởi đức tin vào sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Người đó thật lòng ăn năn những tội lỗi của mình và luôn mang trong mình bản tính thánh khiết, công chính, và yêu thương. Người có tình yêu thương sẽ luôn có lòng khoan nhẫn và từ ái, nghĩa là luôn có lòng khoan dung, nhẫn nại với người khác; luôn tha thứ và bền lòng chịu đựng khi bản thân có sự bất công. Không ghen tị với thành tích hay những ân tứ của người khác; không khoác lác những điều bản thân mình không có; không lên mình kiêu ngạo, cho mình là tài giỏi hơn, xem thường người khác và tôn cao chính mình. Người có tình yêu thương sẽ làm mọi điều phải với lẽ thật mà không làm những điều trái phép; không tìm kiếm lợi ích bản thân mà luôn ưu tiên cho lợi ích của người khác; không để sự để nóng giận làm chủ cảm xúc của mình; không suy nghĩ điều dữ cho người khác khi không có đủ bằng chứng, nhân chứng theo Lời Chúa. Người có tình yêu thương cũng không vui và thỏa hiệp với điều bất công, luôn nghĩ và làm những điều công chính; nhưng sẽ nhận niềm vui và sự thoả lòng phước hạnh trong lẽ thật. Người có tình yêu thương cũng luôn nghĩ và làm để che chở mọi người, xây dựng niềm tin tưởng nơi người khác và cũng nhận lại được sự tin tưởng; luôn trông cậy lên Chúa và chịu đựng mọi thiệt thòi về mình trước, khi những bất công xảy ra.

Ở phân đoạn Thánh Kinh trước, Phao-lô đã liệt kê các ân tứ mà một con dân Chúa có thể được nhận, cũng như những năng lực hay chức vụ mà Chúa ban cho mỗi người là chi thể của Hội Thánh. Nhưng ở phân đoạn này, ông đã đưa ra những so sánh để làm nổi bật tình yêu thương, khẳng định tình yêu thương là điều cao quý nhất trong tất cả ân tứ. Ông cũng liệt kê chi tiết các đặc tính của tình yêu thương để làm dấu hiệu nhận biết một người có tình yêu thương thật khi những đặc tính đó được biểu lộ trong đời sống. Và qua đó, con thấy tấm gương về tình yêu thương của Đức Chúa Jesus dành cho muôn dân được thể hiện một cách cao nhất trên thập tự giá.

Cảm tạ Chúa, qua phân đoạn Thánh Kinh trên, con học được sự dạy dỗ của Ngài về tình yêu thương, và đó cũng là ân tứ lớn nhất mà mỗi con dân Chúa phải luôn gắng sức làm theo, để sự vinh quang và ân điển diệu kỳ của Ngài được sáng trên đất. Con cũng dâng lời cảm tạ ơn Chúa vì tình yêu mà Ngài đã hi sinh, đã chết thay con trên thập tự giá. Để những tội lỗi, sự bất khiết, bất công, thiếu tình yêu thương của con được Chúa rửa sạch, để được Ngài ban ân điển cứu chuộc con khỏi sự hư mất đời đời bởi tội lỗi con gây ra. Con dâng lời cảm tạ vô cùng Ba Ngôi Thiên Chúa. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Công Hải
28/5/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ