Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

I Cô-rinh-tô 14:13-25 Ơn Nói Tiên Tri và Ơn Nói Các Ngôn Ngữ 

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con, con cảm tạ ơn Cha ban cho con một đêm nghỉ bình an và giúp con đỡ đau mỏi cơ thể mấy ngày qua. Con cảm tạ ơn Cha lại ban cho con được suy ngẫm Lời của Ngài để con được ngày càng hiểu biết mà sống theo Lẽ Thật. Nguyện xin Cha giúp con luôn trung tín trong việc học, suy ngẫm Lời Chúa để ngày càng trưởng thành trong đức tin và đời sống tin kính. Sau đây con xin được nêu sự hiểu của con về phân đoạn Thánh Kinh I Cô-rinh-tô 14:13-25.

I Cô-rinh-tô 14:13-14

13 Bởi đó, người nói một ngôn ngữ khác hãy cầu nguyện, để người ấy có thể thông giải.
14 Vì nếu tôi cầu nguyện trong một ngôn ngữ khác, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng sự hiểu biết của tôi thì không được kết quả.

Con hiểu 2 câu trên rằng: Một người được ơn nói ngôn ngữ khác thì cũng hãy nên cầu nguyện để xin được thông giải ý nghĩa của ngôn ngữ đó. Đó là lời khuyên phải lẽ của Phao-lô, vì khi nói một ngôn ngữ khác mà người nghe không hiểu thì sẽ không gây dựng thậm chí không đem lại ích lợi gì. Do vậy, khi một người được Chúa ban cho ân tứ nói tiếng lạ, và cầu nguyện với Chúa bằng ngôn ngữ đó thì tâm thần người đó tuy cầu nguyện với Chúa nhưng sẽ không được hiểu ý nghĩa hay thông điệp của ngôn ngữ đó nếu không được sự thông giải. Không hiểu ý nghĩa ngôn ngữ mình nói thì nó cũng vô ích và không đem lại kết quả.

I Cô-rinh-tô 14:15-17

15 Vậy thì sao? Tôi sẽ cầu nguyện bằng tâm thần nhưng tôi cũng sẽ cầu nguyện bằng sự hiểu biết. Tôi sẽ hát bằng tâm thần nhưng tôi cũng sẽ hát bằng sự hiểu biết.
16 Vì khi các anh chị em cầu phước bằng tâm thần, thì người thuộc hạng bình dân làm sao nói a-men với lời tạ ơn của các anh chị em? Bởi người ấy chẳng hiểu các anh chị em nói gì.
17 Thật! Các anh chị em nói lời cảm tạ cách tốt lành nhưng người khác chẳng được gây dựng.

Câu 15-17 con hiểu rằng: Một người được ơn nói một ngôn ngữ khác, sẽ cầu nguyện bằng tâm thần và sự hiểu biết, hát bằng tâm thần và sự hiểu biết thì sẽ gây dựng cho chính mình và cũng gây dựng cho người nghe. Bởi ngôn ngữ người đó nói được thông giải và bản thân người nói cũng như người nghe được hiểu ý nghĩa. Ngược lại khi một người được ơn nói một ngôn ngữ khác mà không được ơn thông giải nó, thì không những không giúp ích cho bản thân mà còn không gây dựng cho anh chị em, lời nói, tiếng hát của người đó chỉ là âm thanh gây sự ồn ào, lộn xộn.

I Cô-rinh-tô 14:18-19

18 Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời của tôi, vì tôi nói nhiều ngôn ngữ hơn hết thảy các anh chị em.
19 Nhưng trong Hội Thánh, tôi thà nói năm lời với sự hiểu biết của tôi mà tôi cũng có thể dạy cho những người khác, hơn là nói mười ngàn lời trong một ngôn ngữ khác.

Con hiểu câu 18-19 như sau: Qua câu 18, con hiểu ngoài ngôn ngữ bản địa là tiếng A-ra-mai của ông Phao-lô thì Đức Chúa Trời cũng ban cho ông ân tứ nói nhiều ngôn ngữ khác nữa. Có lẽ vì ông được Chúa sai đi làm sứ đồ cho dân ngoại, khi đến mỗi địa phương, ông có thể sử dụng ân tứ nói nhiều ngoại ngữ Chúa ban để rao giảng Tin Lành cho họ, để người nghe được nghe Tin Lành bằng ngôn ngữ của mình mà dễ hiểu và dễ tiếp nhận. Nhưng ông cũng không lạm dụng ân tứ đó, ông sử dụng ngôn ngữ Chúa ban để làm thành kết quả của việc truyền rao Tin Lành chứ không phải cứ nhiều lời và sử dụng ân tứ ngoại ngữ mà không gây ích lợi cho con dân Chúa.

I Cô-rinh-tô 14:20

20 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Chớ như trẻ con trong sự thông biết! Về sự độc ác thà như trẻ con; còn về sự thông biết hãy như người lớn.

Kính lạy Chúa, con hiểu câu 20 như sau: Trẻ con luôn có sự hồn nhiên và sự thiếu hiểu biết về mọi sự nó làm, kể cả trong suy nghĩ của trẻ con cũng đơn sơ. Việc phạm tội của trẻ con, sự độc ác mà trẻ con làm ra nếu đặt trong sự hồn nhiên và đơn sơ đó của trẻ con cũng vậy, chúng không ý thức một cách rõ ràng và ý nghĩa sự phạm tội đó. Con cũng hiểu trẻ con mà ông Phao-lô đề cập ở đây là trẻ con chưa có ý thức rõ ràng về tội lỗi. Nên ông khuyên con dân Chúa không có sự khéo léo, tinh vi trong sự phạm tội mà hãy như đứa trẻ, vì vô tình và sự thiếu hiểu biết nên có thể phạm tội.
Ngược lại, người lớn là người có đầy đủ nhận thức và ý thức về mọi sự thì hãy có sự hiểu biết mọi sự, đặc biệt là sự hiểu biết về Lời Chúa. Đọc câu này con lại nghĩ tới Lời của Đức Chúa Jesus dạy các môn đồ khi ra rao giảng Tin Lành cho muôn dân hãy khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bồ câu.

I Cô-rinh-tô 14:21-25

21 Trong luật pháp có chép: Chúa phán, bởi các thứ tiếng và với các môi miệng khác, Ta sẽ phán với dân này. Dù vậy, chúng nó sẽ chẳng nghe Ta. [Ê-sai 28:11-12]
22 Thế thì, các ngôn ngữ là một dấu chẳng phải cho những người tin nhưng cho những kẻ không tin; còn sự nói tiên tri chẳng phải cho những kẻ không tin nhưng cho những người tin.
23 Vậy nên, nếu cả Hội Thánh nhóm hiệp trong một nơi và mọi người đều nói các ngôn ngữ khác, mà có những người bình dân hoặc những người không tin vào nghe, thì họ sẽ chẳng nói rằng, các anh chị em là điên cuồng sao?
24 Nhưng nếu hết thảy đều nói tiên tri mà có một người không tin hoặc người bình dân vào nghe, thì người ấy bị bắt phục bởi mọi người, người ấy bị phán xét bởi mọi người.
25 Như vậy, những sự kín giấu trong lòng người ấy được tỏ ra và bởi đó người ấy sấp mặt xuống đất. Người ấy sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời, tuyên bố rằng, thật có Đức Chúa Trời ở giữa các anh chị em.

Kính lạy Chúa, con hiểu câu 21 đến câu 25 có nghĩa là: Ông Phao-lô đang giải thích cho dân Cô-rinh-tô về ý nghĩa và sự khác nhau cũng như giá trị của ân tứ nói các ngôn ngữ khác và ân tứ nói tiên tri. Có lẽ các con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đã lạm dụng ơn nói các ngôn ngữ, mặc ai người nấy cứ cầu nguyện và nói các ngoại ngữ làm ồn ào buổi nhóm và không đem lại sự gây dựng cho người khác. Nên thà không nói thì hơn, vì không ai nghe và hiểu được các loại âm thanh đó. Chỉ khi ngôn ngữ đó được thông giải để Lời của Chúa đến được cho người nghe, và người nghe được hiểu. Với những người đã tin Chúa thì nói các ngôn ngữ khác lại càng không cần thiết. Ngược lại, một người nói tiên tri thì không những gây dựng cho người tin được đức tin càng mạnh mẽ hơn mà còn giúp kẻ chưa tin thấy được sự giấu kín trong lòng mình bởi lời nói tiên tri mà bị bắt phục, từ đó sẽ tin nhận và thờ phượng Đức Chúa Trời.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con, con cảm tạ ơn Cha ban cho con được học, suy ngẫm Lời của Ngài qua phân đoạn Thánh Kinh trên để con hiểu hơn về giá trị và ý nghĩa của ơn nói các ngoại ngữ cũng như ơn nói tiên tri để con biết áp dụng chúng trong đời sống. Và con cũng hiểu rằng, có nhiều tà giáo đã dùng sự nói tiếng lạ như một ơn phước để dẫn đưa nhiều người đến với sự mê tín dị đoan, đi sai Lẽ Thật mà bị hủy diệt. Nguyện xin Chúa cứ dạy dỗ con qua Lời Ngài để con ngày càng được trưởng thành hơn trong cuộc đời theo Chúa. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Công Hải
05/06/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ