Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

I Cô-rinh-tô 9:15-27 Quyền Lợi và Sự Hy Sinh của Sứ Đồ Phao-lô Trong Chức Vụ - Phần 2

Kính lạy Chúa, cảm tạ ơn Ngài đã ban cho con một tuần lễ bình an và lại được bước vào một ngày Sa-bát phước hạnh nữa. Cảm tạ Chúa ban cho con lại được ngồi suy ngẫm, học Lời của Ngài trong sách I Cô-rinh-tô 9:15-27 để con ngày càng được hiểu biết Lời Ngài, áp dụng đúng Lời của Ngài vào trong đời sống đức tin của con. Sau đây con xin được nêu sự hiểu của mình về phân đoạn Thánh Kinh trên.

Kính thưa Chúa, con hiểu I Cô-rinh-tô 9:15-18 như sau:

15 Nhưng tôi chẳng từng dùng những quyền ấy. Tôi cũng chẳng viết những điều này để đòi chúng áp dụng cho tôi. Vì tôi thà chết còn hơn là ai đó làm ra vô ích sự khoe mình của tôi.
16 Vì nếu tôi rao giảng Tin Lành, tôi chẳng có gì để khoe mình, vì sự cần thiết đặt trên tôi. Nhưng khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Lành.
17 Nếu tôi vui lòng làm việc đó thì tôi có phần thưởng. Nhưng nếu tôi không vui lòng thì chức quản lý cũng vẫn được phó thác cho tôi.

18 Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Rằng, trong sự rao giảng Tin Lành, tôi giãi bày Tin Lành của Đấng Christ cách miễn phí. Tôi chẳng lạm dùng quyền của tôi trong Tin Lành.

Mặc dù Phao-lô hoàn toàn có quyền và xứng đáng để được con dân Chúa mà ông chăm sóc nuôi ông bằng công việc rao giảng Tin Lành, gây dựng đời sống thuộc linh cho họ, với chức vụ sứ đồ mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông, nhưng ông đã không dùng những quyền đó. Ông không khoe mình bởi tài năng, sự hiểu biết Lời Chúa với bao nhiêu năm tháng giữa chức vụ cao và có sự hiểu biết luật pháp Cựu Ước hay khoe mình bởi sự rao giảng Tin Lành của ông. Nhưng ông khoe mình trong Chúa, khoe mình trong quyền năng biến đổi của Chúa, về Tin Lành và ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Jesus trên đời sống vốn đầy dẫy sự tội lỗi và phản nghịch của ông. Ông vui lòng làm công việc rao giảng Tin Lành, hoàn thành chức vụ sứ đồ được Chúa giao phó. Ông không xem việc rao giảng của mình để được nhận phần thưởng gì từ người nghe và người tin, ông cũng không lạm dụng quyền hạn của mình để chuộc lợi bất cứ điều gì từ công tác rao giảng, phần thưởng đời đời của ông là sự ban cho của Đức Chúa Trời, phần thưởng trước mắt của ông là ngày càng giúp nhiều người được tiếp nhận vào Hội Thánh, được hiểu đúng Lẽ Thật, ngày càng tăng trưởng trong đức tin và đời sống tin kính theo Tin Lành.

Lạy Cha kính yêu, con hiểu I Cô-rinh-tô 9:19-23 như sau:

19 Dù tôi là tự do đối với mọi người, nhưng tôi tự đặt mình làm nô lệ cho mọi người, để cho tôi được nhiều người hơn.
20 Với những người Do-thái, tôi trở nên như một người Do-thái, để tôi được những người Do-thái. Với những người ở dưới luật pháp, tôi trở nên như một người ở dưới luật pháp, để tôi được những người ở dưới luật pháp.
21 Với những người không luật pháp, tôi trở nên như một người không luật pháp, chẳng phải không luật pháp đối với Thiên Chúa nhưng hợp pháp đối với Đấng Christ, để tôi được những người không luật pháp.
22 Với những người yếu đuối, tôi trở nên như một người yếu đuối, để tôi được những người yếu đuối. Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người, để bằng mọi cách, tôi cứu được một số người.
23 Nhưng điều này tôi làm bởi Tin Lành để tôi cũng trở nên người dự phần của Tin Lành.

Đọc phân đoạn trên, con nhận thấy tâm trạng cháy bỏng của Phao-lô trong mong muốn Tin Lành Cứu Rỗi của Thiên Chúa đến với nhiều người. Ông ý thức bản thân đáng được mọi sự tự do, nhưng ông đã không dùng sự tự do đó để thỏa mãn sự thoải mái của xác thịt, ngược lại ông lại chấp nhận đứng thấp hơn người khác, đặt mình làm nô lệ cho mọi người, phụng sự Chúa để phục vụ người khác, để được nhiều người càng tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi. Ông sẵn lòng đặt mình vào vị trí người khác, để hiểu tâm tư, tình cảm của họ, để gắng sức gieo hạt giống Tin Lành cho họ theo những thành phần xã hội, tư tưởng khác biệt nhau. Ông trở nên như người Do Thái, với những giáo lý, những tư tưởng truyền thống tôn giáo ăn sâu vào trong tâm trí họ để ông được bày tỏ Tin Lành của Đấng Cứu Thế theo quan niệm của họ. Đối với những người không luật pháp ông cũng trở nên như một người không luật pháp nhưng hợp pháp với Đấng Christ để được những người không luật pháp. Ông trở nên như người không luật pháp không có nghĩa là ông sống vô luật pháp hay ông phạm pháp như người vô luật pháp, mà ông chỉ đặt vào vị trí và dùng những sự hợp pháp trong Đấng Christ để nhằm mục đích đưa Tin Lành Cứu Rỗi đến cho người không luật pháp. Đối với người yếu đuối cũng vậy, ông đáp ứng những sự yếu đuối của họ để Tin Lành được rao giảng cho họ, để người yếu đuối cũng tiếp nhận được ân điển cứu chuộc của Đấng Christ.

Kính lạy Chúa, con hiểu I Cô-rinh-tô 9:23-27 như sau:

23 Nhưng điều này tôi làm bởi Tin Lành để tôi cũng trở nên người dự phần của Tin Lành.
24 Các anh chị em chẳng biết rằng, về những người chạy trong một cuộc đua, mọi người đều chạy nhưng chỉ một người được giải thưởng sao? Vậy, các anh chị em hãy chạy để các anh chị em đoạt giải.
25 Những người đua tranh chịu tự giữ mình trong mọi sự. Thực tế, họ chịu vậy để được mão có thể hư nát; nhưng chúng ta chịu vậy để được mão không thể hư nát.
26 Vậy thì, tôi chạy như vậy, chẳng phải là không chắc chắn; tôi đánh như vậy, chẳng phải như người đánh gió;
27 nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.

Ông Phao-lô đã bỏ những quyền tự do của bản thân, trở nên như người được ông rao giảng để đem Tin Lành tiếp cận được mọi giai cấp, địa vị, hoàn cảnh của mỗi người. Mỗi người khi được tiếp nhận vào Hội Thánh, nhận được ơn cứu chuộc của Chúa, cuộc đời người đó được biến đổi và từ đó về sau. Con dân Chúa không còn đời sống như xưa cũ nữa, những sự cũ đã qua, đời sống theo Chúa được ông Phao-lô ví như cuộc đua. Ông dùng hình ảnh người thi chạy để ẩn dụ về cuộc đua trong đời sống tin kính và đức tin của một người sau khi đã tin nhận Tin Lành. Có nhiều người cùng bước chân vào cuộc đua, nhưng chiến thắng cho người về đích mới nhận được phần thưởng của cả cuộc đua. Trong cuộc đua thuộc linh, rất nhiều sự cám dỗ kéo bản thân ông Phao-lô và con dân Chúa trật khỏi cuộc đua đến đích cuối cùng là trung tín cho đến đời đời. Nhưng ông đã vì mục đích nhận mão triều thiên của Thiên Chúa, là mão không hư nát nên ông đã kỷ luật bản thân, bắt những sự không muốn bắt phục phải bắt phục để ông không ra khỏi đường đua cho đến khi đến đích và nhận được phần thưởng của cuộc đua thuộc linh. Nếu ông không kỷ luật được bản thân, không bắt phục được những sự ham muốn bất chính của mình, thì dù ông có rao giảng Tin Lành cứu rỗi cho rất nhiều người được cứu, nhưng bản thân ông lại bị bỏ, đánh mất sự cứu rỗi của chính mình. Qua câu Thánh Kinh I Cô-rinh-tô 9:27 này con càng hiểu thêm về tà giáo dạy rằng một một người được cứu một lần thì được cứu vĩnh viễn là hoàn toàn sai trật với Lẽ Thật.

Kính lạy Chúa, con cảm tạ ơn Ngài vì sự dạy dỗ của Ngài qua phân đoạn Thánh Kinh trên để con được học hỏi tấm lòng của Phao-lô cũng như sự hy sinh của ông cho Tin Lành của Chúa để rao giảng ân điển cứu chuộc của Đấng Christ cho muôn dân. Nguyện xin Chúa dùng tâm tình này của ông Phao-lô để dạy dỗ con và giúp con học hỏi tấm lòng hết lòng vì Tin Lành của ông. Con cảm tạ ơn Chúa vô cùng và thành kính cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Công Hải
12/05/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ