Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Ga-la-ti 3:15-21 Vai Trò của Luật Pháp - Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con, con cảm tạ ơn Cha yêu thương của con, con cảm tạ ơn Cha với mọi ơn phước Cha ban cho con và gia đình con thời gian qua. Và giờ đây, Cha lại ban cho con có thời gian để được ngồi đọc, suy ngẫm Lời của Cha trong Ga-la-ti, nguyện xin Cha dùng Lời Ngài dạy dỗ con, giúp con được hiểu biết Lẽ Thật, áp dụng Lẽ Thật vào đời sống con. Sau đây con xin nêu sự hiểu của con qua phân đoạn Thánh Kinh Ga-la-ti 3:15-21.

Ga-la-ti 3:15

15 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi nói theo cách của loài người: Dù là giao ước của loài người, nhưng khi đã làm thành thì không ai được phép bỏ đi hay thêm vào sự gì.

Con hiểu Sứ Đồ Phao-lô muốn nhắc nhở con dân Chúa:

"Hỡi các anh chị em cùng Cha!" là Sứ Đồ Phao lô bắt đầu văn bản bằng cách gọi tên và tập hợp những người nhận thư như là anh chị em trong đức tin.
"Tôi nói theo cách của loài người”: Phao-lô dùng cách diễn đạt của loài người để làm ví dụ cho một ý nghĩa thuộc linh mà ông muốn truyền đạt.
"Dù là giao ước của loài người, nhưng khi đã làm thành thì không ai được phép bỏ đi hay thêm vào sự gì”: Sứ Đồ Phao-lô muốn truyền đạt rằng khi một cam kết, một giao ước, hay một lời hứa đã được thiết lập và đồng ý, thì nó nên được giữ nguyên và tuân thủ mà không thể thay đổi hay thêm bớt. Phao-lô dùng ví dụ này để nói lên sự không thay đổi tính chất của một giao ước.

Ga-la-ti 3:16

16 Các lời hứa là cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi của ông. Ngài không phán: Và cho các dòng dõi, như chỉ về nhiều người; nhưng như chỉ về một người: Và cho dòng dõi ngươi. Tức là Đấng Christ. [Sáng Thế Ký 22:18; 26:4; 28:14]

Câu 16: Sứ Đồ Phao-lô trích dẫn lời hứa của Đức Chúa Trời là cho riêng Áp-ra-ham và dòng dõi của ông mà không phải của tất cả mọi người hay tất cả các dòng dõi. Đấng Christ thuộc dòng dõi Áp-ra-ham, lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho Đấng Christ và qua Ngài lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho Áp-ra-ham sẽ được hoàn thành.

Ga-la-ti 3:17

17 Vậy thì tôi nói rằng: Giao ước mà Đức Chúa Trời trước kia đã lập thành trong Đấng Christ rồi, thì luật pháp là sự có sau đó bốn trăm ba mươi năm không thể vô hiệu hóa nó, mà làm cho lời hứa trở nên vô giá trị.

Câu 17: Sứ Đồ Phao-lô lập luận, luật pháp không thể vô hiệu hóa hoặc thay đổi giao ước đã được Đức Chúa Trời lập ra qua Đấng Christ. Luật pháp được thiết lập sau đó không thể làm cho lời hứa này trở nên không hiệu lực. Ý nghĩa chính là luật pháp không thể thay đổi ý định ban đầu của Đức Chúa Trời thông qua lời hứa.

Ga-la-ti 3:18

18 Vì, nếu sự hưởng cơ nghiệp là bởi luật pháp, thì không còn là bởi lời hứa nữa. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cơ nghiệp cho Áp-ra-ham bởi lời hứa.

Câu 18: Sứ Đồ Phao-lô so sánh việc được hưởng cơ nghiệp của một người thông qua luật pháp và thông qua lời hứa. Ông cho rằng, cơ nghiệp một người tin được hưởng không phải nhờ tuân theo luật pháp mà là bởi lời hứa mà Đức Chúa Trời đã ban cho Áp-ra-ham.

Ga-la-ti 3:19

19 Vậy thì tại sao có luật pháp? Nó đã được thêm vào vì những sự phạm pháp, cho tới khi người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã lập cho. Nó đã được ban ra bởi các thiên sứ vào trong tay của một người trung bảo.

Câu 19: Sứ Đồ Phao-lô giải thích việc luật pháp được thiết lập sau khi Đức Chúa Trời ban lời hứa cho Áp-ra-ham. Ông cho rằng, luật pháp là để định ra tiêu chuẩn vì sự phạm pháp của loài người và làm cho loài người nhận thức rõ ràng tình trạng đạo đức của mình trước mặt Đức Chúa Trời. Luật pháp cũng thể hiện qua các thiên sứ và người trung bảo.

Ga-la-ti 3:20-21

20 Người trung bảo chẳng phải là người trung bảo của một bên, và Đức Chúa Trời là một bên.
21 Vậy thì luật pháp nghịch lại các lời hứa của Đức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy! Vì nếu đã ban cho một luật pháp ban sự sống, thì sự công chính chắc phải bởi luật pháp mà đến.

Câu 20, 21: Sứ Đồ Phao-lô trả lời câu hỏi có luật pháp và lời hứa nghịch lại nhau không. Ông cho thấy rằng không phải như vậy, mà thay vào đó, luật pháp và lời hứa phục vụ mục đích riêng của chúng. Luật pháp không mang lại sự sống vĩnh cửu, nhưng nó làm nổi bật sự cần thiết của sự công chính.

Con cảm tạ ơn Chúa đã dạy dỗ con qua phân đoạn Thánh Kinh trên để con được hiểu biết thêm về sự giảng dạy của Sứ Đồ Phao-lô về ý nghĩa giữa lời hứa và luật pháp mà Đức Chúa Trời làm nên. Mặc dù có những sự hơi khó hiểu, khá hàn lâm khi đọc qua đoạn Thánh Kinh này, và có lẽ con dân Chúa nhận được đoạn thư này của ông cũng cảm thấy như vậy, nhưng khi suy ngẫm kỹ và theo văn mạch bức thư cũng như điều ông Phao-lô muốn truyền tải, Ngài đã dạy dỗ con để con hiểu rõ hơn. Con cảm tạ ơn Ngài, nguyện xin Chúa tiếp tục giúp con suy ngẫm Lời Ngài để con hiểu được ý nghĩa sâu xa Lẽ Thật Lời Chúa mà biết áp dụng trong đời sống, con cũng được thông sáng và thịnh vượng hơn trong việc đọc, học, suy ngẫm Lời Ngài mỗi ngày. Con cảm tạ ơn Chúa vô cùng. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Công Hải
24/08/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ