Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Hê-bơ-rơ 7:1-12 Đấng Christ Là Thầy Tế Lễ Đời Đời và Trọn Vẹn – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu của chúng con, chúng con dâng lời cảm tạ ơn Ngài đã ban cho chúng con một đêm ngủ nghỉ bình an và một ngày mới bắt đầu trong sự ban ơn, quan phòng của Ngài. Chúng con cảm tạ ơn Ngài vì mỗi ngày trôi qua, Chúa luôn dạy dỗ chúng con thêm những điều mới mẻ, rèn tập chúng con thêm những ý muốn tốt lành qua công việc, qua đời sống, qua cả những khó khăn, thử thách của chúng con. Chúng con cảm tạ ơn Ngài vì mỗi ngày được học thêm Lời của Chúa, được mỗi ngày cùng Hội Thánh địa phương đọc Thánh Kinh vào mỗi sáng, được suy ngẫm Lời Ngài, được nhóm hiệp cùng Hội Thánh vào ngày Sa-bát đều là những khoảng thời gian vui thỏa, bình an và phước hạnh trong mỗi chúng con. Giờ này, chúng con cầu xin Ngài dạy dỗ chúng con các câu Thánh Kinh Hê-bơ-rơ 7:1-12.

1 Vì Mên-chi-xê-đéc đó, vua của Sa-lem, thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao, đã gặp Áp-ra-ham lúc ông đang quay về từ cuộc tàn sát các vua, và chúc phước cho ông.
2 Và Áp-ra-ham đã phân chia một phần mười về mọi vật cho người. Thật ra, trước hết, tên của người được giải nghĩa là Vua Công Chính, kế tiếp, Vua của Sa-lem tức là Vua Bình An.

Câu 1-2: Chúng con hiểu là lời mà tác giả giới thiệu Mên-chi-xê-đéc với ba danh hiệu: vua, thầy tế lễ và thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao. Điều này cho thấy địa vị và chức vụ cao quý của ông. Tác giả kể về sự kiện Mên-chi-xê-đéc gặp Áp-ra-ham sau chiến thắng của Áp-ra-ham. Hành động chúc phước cho Áp-ra-ham cho thấy Mên-chi-xê-đéc có thẩm quyền thiêng liêng cao hơn Áp-ra-ham. Hành động dâng hiến một phần mười cho Mên-chi-xê-đéc thể hiện sự tôn kính và công nhận chức vụ thầy tế lễ của Mên-chi-xê-đéc bởi Áp-ra-ham, người được coi là tổ phụ của dân Do-thái. Tác giả giải thích ý nghĩa tên của Mên-chi-xê-đéc, nhấn mạnh phẩm chất công chính và sự mang đến bình an của ông. Chúng con hiểu tác giả đưa ra những thông tin quan trọng về Mên-chi-xê-đéc để làm nền tảng cho lập luận của mình trong những phần sau của thư Hê-bơ-rơ. Ông muốn nhấn mạnh rằng Mên-chi-xê-đéc là một nhân vật cao quý và có thẩm quyền thiêng liêng cao hơn cả Áp-ra-ham. Điều này sẽ được sử dụng để so sánh chức vụ thầy tế lễ của Đức Chúa Jesus Christ với chức vụ thầy tế lễ của Lê-vi.

3 Không cha, không mẹ, không gia phả, không có những ngày bắt đầu, không có những ngày cuối cùng của đời sống, nhưng được làm giống như Con của Đức Chúa Trời, cứ tiếp tục là thầy tế lễ.
4 Hãy nghĩ xem! Người vĩ đại biết bao! Người mà chính tổ phụ Áp-ra-ham đã dâng một phần mười của chiến lợi phẩm.

Câu 3-4: Chúng con hiểu rằng, tác giả mô tả Mên-chi-xê-đéc như một nhân vật không có nguồn gốc rõ ràng, không có sinh và tử, khác với con người bình thường. Điều này khiến cho chức vụ thầy tế lễ của ông càng thêm bí ẩn và cao quý. "Nhưng được làm giống như Con của Đức Chúa Trời, cứ tiếp tục là thầy tế lễ": là sự so sánh Mên-chi-xê-đéc với Con Đức Chúa Trời, cả hai đều không có nguồn gốc rõ ràng và đều là thầy tế lễ đời đời. Tác giả cũng nhấn mạnh sự vĩ đại của Mên-chi-xê-đéc qua việc Áp-ra-ham, tổ phụ được kính trọng của dân Do-thái, đã dâng hiến một phần mười chiến lợi phẩm cho ông.

5 Thực tế, những người thuộc con cháu của Lê-vi nhận chức thầy tế lễ, theo luật pháp, có điều răn cho phép nhận lấy một phần mười của dân. Đó là của anh chị em cùng tổ phụ của họ, vì họ cũng ra từ lòng của Áp-ra-ham.
6 Nhưng người không được kể là cùng gia tộc với họ, đã nhận một phần mười của Áp-ra-ham và chúc phước cho người có lời hứa.

Câu 5-6: Chúng con hiểu tác giả muốn làm nổi bật những điểm sau: thứ nhất, chức vụ thầy tế lễ của Lê-vi dựa trên huyết thống: Chỉ những người thuộc dòng dõi Lê-vi mới có thể trở thành thầy tế lễ. Thứ hai, chức vụ thầy tế lễ của Mên-chi-xê-đéc dựa trên ân điển: Mên-chi-xê-đéc không thuộc dòng dõi Lê-vi nhưng được Đức Chúa Trời chọn làm thầy tế lễ. Thứ ba, Mên-chi-xê-đéc cao hơn thầy tế lễ Lê-vi: Việc Mên-chi-xê-đéc nhận một phần mười từ Áp-ra-ham và chúc phước cho ông cho thấy Mên-chi-xê-đéc có thẩm quyền thiêng liêng, cao trọng hơn thầy tế lễ Lê-vi. Qua đây, chúng con hiểu tác giả muốn nói về chức vụ thầy tế lễ của Đức Chúa Jesus Christ cao hơn chức vụ thầy tế lễ của Lê-vi: Ngài không thuộc dòng dõi Lê-vi nhưng được Đức Chúa Trời chọn làm thầy tế lễ đời đời. Đức Chúa Jesus Christ là thầy tế lễ duy nhất có thể mang đến sự cứu rỗi cho chúng ta: Ngài có thẩm quyền thiêng liêng cao hơn bất kỳ thầy tế lễ nào khác.

7 Người bậc cao chúc phước cho người bậc thấp là điều không cãi được.
8 Thực tế ở đây: Những người thu nhận một phần mười đều là những người chết; nhưng đằng kia, được làm chứng cho là người đang sống.

Câu 7-8: Chúng con hiểu tác giả tiếp tục so sánh chức vụ thầy tế lễ của Lê-vi với chức vụ thầy tế lễ của Mên-chi-xê-đéc, sử dụng nguyên tắc "người bậc cao chúc phước cho người bậc thấp" để khẳng định sự cao quý của Mên-chi-xê-đéc. Câu "Thực tế ở đây: Những người thu nhận một phần mười đều là những người chết; nhưng đằng kia, được làm chứng cho là người đang sống": là tác giả muốn nói trường hợp Mên-chi-xê-đéc và Lê-vi. Mên-chi-xê-đéc được coi là "người đang sống" vì không có ghi chép về sự chết của ông, trong khi những thầy tế lễ Lê-vi đều là những người chết. Tác giả kết luận rằng Mên-chi-xê-đéc còn sống và chức vụ thầy tế lễ của ông có tính chất vĩnh cửu. Việc Mên-chi-xê-đéc chúc phước cho Áp-ra-ham, tổ phụ của Lê-vi, cho thấy Mên-chi-xê-đéc có vị trí cao hơn Lê-vi. Mên-chi-xê-đéc được coi là "người đang sống" và chức vụ thầy tế lễ của ông không bị giới hạn bởi cái chết. Những thầy tế lễ Lê-vi đều là những người chết và chức vụ của họ sẽ kết thúc theo thời gian. Qua đây chúng con hiểu rằng, chức vụ thầy tế lễ của Đức Chúa Jesus Christ là vĩnh cửu: Ngài là thầy tế lễ đời đời và chức vụ của Ngài không bị giới hạn bởi cái chết. Đức Chúa Jesus Christ là thầy tế lễ duy nhất có thể mang đến sự cứu rỗi vĩnh cửu: Ngài có quyền năng chiến thắng sự chết và ban cho chúng ta sự sống đời đời.

9 Vậy, có thể nói một lời như thế này: Lê-vi, người thu nhận một phần mười cũng nộp một phần mười, qua Áp-ra-ham.
10 Vì Lê-vi vẫn còn ở bên trong hông của tổ phụ mình, khi Mên-chi-xê-đéc gặp ông ấy.

Câu 9-10: Chúng con hiểu tác giả tiếp tục phát triển lập luận của tác giả về sự cao quý của Mên-chi-xê-đéc so với Lê-vi, ông sử dụng hình ảnh ẩn dụ "Lê-vi nộp một phần mười cho Mên-chi-xê-đéc" để nhấn mạnh sự phục tùng của Lê-vi đối với Mên-chi-xê-đéc. Tác giả sử dụng hình ảnh ẩn dụ "Lê-vi còn ở trong hông Áp-ra-ham" để khẳng định rằng Lê-vi chưa được sinh ra khi Mên-chi-xê-đéc gặp Áp-ra-ham. Điều này ngụ ý rằng Lê-vi và chức vụ thầy tế lễ của ông thấp kém hơn Mên-chi-xê-đéc.

11 Vậy, nếu thực tế sự trọn vẹn là bởi chức thầy tế lễ của người Lê-vi, vì dựa trên nó mà dân chúng được phê chuẩn bởi luật pháp, thì cần gì thêm một thầy tế lễ khác, lập theo ban Mên-chi-xê-đéc, mà không được gọi theo ban A-rôn?
12 Vì chức thầy tế lễ đã thay đổi thì cũng cần có sự thay đổi về luật pháp.

Câu 11-12: Chúng con hiểu đây là câu hỏi tu từ mà tác giả đặt ra để dẫn dắt người đọc đến với luận điểm chính của đoạn này, đó là sự cần thiết của chức vụ thầy tế lễ mới theo ban Mên-chi-xê-đéc. Tác giả định rằng chức vụ thầy tế lễ của Lê-vi, được quy định bởi luật pháp, là đủ để mang lại sự trọn vẹn cho dân Do-thái. Tuy nhiên, tác giả đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của một chức vụ thầy tế lễ mới, theo ban Mên-chi-xê-đéc, khác với chức vụ thầy tế lễ của Lê-vi. Sự thay đổi chức vụ thầy tế lễ dẫn đến sự thay đổi luật pháp. Nếu chức vụ thầy tế lễ của Mên-chi-xê-đéc cao hơn chức vụ thầy tế lễ của Lê-vi, thì luật pháp cũ dựa trên chức vụ thầy tế lễ của Lê-vi cần được thay đổi bởi luật pháp mới phù hợp với chức vụ thầy tế lễ của Mên-chi-xê-đéc. Qua đây, chúng con hiểu chức vụ thầy tế lễ của Đức Chúa Jesus Christ là chức vụ thầy tế lễ mới: Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm đời đời theo ban Mên-chi-xê-đéc và có thể mang lại sự cứu rỗi hoàn toàn cho nhân loại. Sự hy sinh của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá đã thay đổi luật pháp cũ: Luật pháp cũ dựa trên sự hy sinh của chiên bò và dê không thể mang lại sự cứu rỗi hoàn toàn, nhưng sự hy sinh của Đức Chúa Jesus Christ đã thay đổi luật pháp và mang lại sự cứu rỗi vĩnh cửu.

Kính lạy Chúa, chúng con cảm tạ ơn Chúa đã dạy dỗ chúng con qua đoạn Thánh Kinh trên, dù có nhiều điều khó hiểu nhưng chúng con hình dung được ý nghĩa mà tác giả thư Hê-bơ-rơ muốn truyền tải về ý nghĩa của chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm đời đời vĩ đại của chúng con theo ban Mên-chi-xê-đéc là Đức Chúa Jesus Christ kính yêu của chúng con. Ngài đã sống một cuộc đời hoàn toàn vô tội, Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người, làm thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại và hy sinh, dâng mạng sống chính mình để làm của lễ chuộc tội cho chúng con. Ngài là thầy tế lễ duy nhất có thể mang đến sự cứu rỗi cho nhân loại và cho chúng con. Nguyện xin Ngài luôn gìn giữ chúng con và giúp chúng con luôn tin cậy và vâng phục Ngài trong mọi sự. Chúng con cảm tạ ơn Ngài và thành kính cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Công Hải
Trần Thị Tâm

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ