Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Công Vụ Các Sứ Đồ 7:51-60 Sự Chết của Ê-tiên
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Kính Yêu của chúng con ở trên trời. Chúng con dâng lời cảm tạ ơn Ngài, vì ngày hôm nay chúng con đi làm và trở về trong sự bình an. Mỗi ngày trôi qua có Chúa là chúng con vui mừng, bình an. Ngày hôm nay nếu chúng con có lỡ vấp phạm điều gì mà không biết thì xin Ngài tha thứ cho chúng con ạ. Chúng con xin Ngài ban khôn sáng cho chúng con để giờ này chúng con suy ngẫm Lời Ngài đầy ơn, Đức Thánh Linh dẫn dắt chúng con trong mọi lẽ thật. Chúng con cảm tạ ơn Ngài.

51 Hỡi những kẻ cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì! Các ngươi cứ chống nghịch Đức Thánh Linh. Các ngươi cũng như các tổ phụ của các ngươi.
52 Có tiên tri nào mà các tổ phụ của các ngươi chẳng bách hại? Họ cũng đã giết những người nói trước về sự đến của Đấng Công Chính, Đấng mà giờ đây các ngươi đã phản nghịch và đã giết.
53 Các ngươi, những kẻ đã nhận luật pháp bởi sự sắp xếp của các thiên sứ mà không giữ lấy!”

Câu 51-53: Chúng con hiểu rằng, sau khi ông trích dẫn và tóm tắt những câu chuyện trong Cựu Ước để làm chứng cho các thầy thông giáo và lãnh đạo tôn giáo đang bắt bớ ông sự ứng nghiệm các lời tiên tri về Đấng Christ thì nay ông đã trực tiếp lên án, cáo trách họ và tội lỗi của họ một cách thẳng thắn. Cứng cổ nghĩa là không chịu vâng phục Đức Chúa Trời. Lòng và tai chẳng cắt bì có nghĩa là không chịu tiếp nhận Lời Chúa trong lòng. Chống nghịch Đức Thánh Linh có nghĩa là luôn từ chối sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Dân I-sơ-ra-ên đã giết chết nhiều tiên tri mà Đức Chúa Trời sai đến để cảnh báo họ. Đức Chúa Jesus cũng đã bị họ từ chối và giết chết, giống như các tiên tri trước đó. Tội lỗi lớn nhất không phải là không biết Đức Chúa Trời, mà là biết Ngài nhưng cố ý từ chối Ngài, đây cũng là cách mà các thầy thông giáo, những lãnh đạo Do-thái đã đối xử với chính Đấng Christ.

54 Chúng đã nghe những điều đó, thì trở nên giận hoảng trong lòng và nghiến răng với người.
55 Nhưng được đầy dẫy thánh linh, người đã nhìn chăm lên trời, thấy sự vinh quang của Thiên Chúa, và thấy Đức Chúa Jesus đứng bên phải Đức Chúa Trời.
56 Người đã nói: “Kìa, ta thấy các tầng trời đã được mở ra, và Con Người đứng bên phải Đức Chúa Trời.”

Câu 54-56: Chúng con hiểu khi nghe Ê-tiên lên án, cáo trách họ thẳng thắn sau khi đã làm chứng cho họ mà vẫn cứng lòng. Thay vì họ ăn năn, tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa để được tha thứ tội thì họ lại trở nên tức giận, giống như những người đã giết các tiên tri trước đây. Khi lẽ thật được công bố, tấm lòng cứng cỏi sẽ phản ứng bằng sự giận dữ thay vì sự ăn năn. Hành động Ê-tiên nhìn chăm lên trời cho chúng con thấy ông không tập trung vào cảm xúc thù ghét và tức giận của những thầy thông giáo. Ông nhìn lên trời và thấy sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Chúa Jesus được mô tả là ngồi bên phải Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:3).

57 Bấy giờ, chúng đã kêu lớn tiếng lên, bịt lỗ tai của chúng, cùng nhau xông vào người.
58 Chúng đã kéo người ra ngoài thành, ném đá người. Các chứng nhân đã đặt áo ngoài của họ nơi chân của một thanh niên, được gọi là Sau-lơ.
59 Chúng đang ném đá, Ê-tiên đã kêu cầu và thưa: “Lạy Đức Chúa Jesus, xin tiếp lấy tâm thần của tôi.”
60 Rồi, người đã quỳ xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội này cho họ!” Người đã nói vậy thì ngủ.

Câu 57-60: Chúng con hiểu sau khi nghe những lời làm chứng của Ê-tiên và đặc biệt là sự lên án thẳng thắn tội lỗi của họ. Họ đã nổi giận, bịt tai không chịu nghe Lẽ Thật, họ đã bị cứng lòng thay vì xấu hổ vì sự phạm tội của mình để ăn năn tiếp nhận Chúa. Họ đã hợp lại cùng nhau để ném đá Ê-tiên đến chết, giống như cách Đức Chúa Jesus bị đóng đinh ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Sau-lơ (sau này là Sứ Đồ Phao-lô) cũng là người chứng kiến và đồng tình với việc giết Ê-tiên, nhưng sau này Chúa đã biến đổi ông thành người rao giảng mạnh mẽ nhất về Tin Lành, điều này cho chúng con thấy sự thương xót và tình yêu của Ngài thật lớn lao ngay cả với những người đồng công với việc giết môn đồ của Chúa. Hành động của Ê-tiên trong việc quỳ xuống và kêu cầu Chúa giúp chúng con thấy được đức tin rất lớn và sự tin cậy của ông vào Đức Chúa Jesus Christ.

Dù ông bị ném đá đến chết nhưng ông vẫn cầu xin Chúa tha thứ cho những kẻ làm hại ông. Điều đó cho chúng con thấy được tấm lòng Ê-tiên tràn đầy tình yêu và sự tha thứ cho kẻ thù giết hại mình, đó cũng là cách mà Đức Chúa Jesus đã làm khi Ngài bị giết trên cây thập tự.

Kính thưa Cha! Bài giảng của Ê-tiên không chỉ là một bài học về lịch sử dân Y-sơ-ra-ên mà còn là lời chứng và lời cáo trách mạnh mẽ về sự cứng lòng của họ đối với Đức Chúa Trời. Khi ông tuyên bố rằng dân sự đã luôn chống nghịch Đức Thánh Linh và giết những người Đức Chúa Trời sai đến, họ không thể chịu đựng được nữa và giận dữ ném đá ông đến chết. Tuy nhiên, Ê-tiên chết với lòng tha thứ, phản chiếu hình ảnh của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá. Đó là bài học sâu sắc giúp chúng con noi gương và xây dựng nếp sống tin kính mỗi ngày trên bước đường đi theo Chúa. Nguyện xin Ngài ban ơn cho chúng con bắt chước theo Ê-tiên trong việc can đảm, bền lòng làm chứng về Đấng Christ dù phải hi sinh mạng sống của chính mình.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng con vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng con (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng con đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng con. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ. Nguyễn Công Hải - Trần Thị Tâm

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ