Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Ga-la-ti 3:15-21 Vai Trò của Luật Pháp – Phần 1

Lạy Cha kính yêu, con cảm tạ Chúa ban cho con có cơ hội được học và suy ngẫm Lời Ngài. Nguyện kính xin Chúa ban ơn, dẫn dắt con vào trong mọi lẽ thật của Lời Ngài. Con xin ghi lại sự hiểu của mình và kính dâng lên Cha.

15 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi nói theo cách của loài người: Dù là giao ước của loài người, nhưng khi đã làm thành thì không ai được phép bỏ đi hay thêm vào sự gì.
16 Các lời hứa là cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi của ông. Ngài không phán: Và cho các dòng dõi, như chỉ về nhiều người; nhưng như chỉ về một người: Và cho dòng dõi ngươi. Tức là Đấng Christ. [Sáng Thế Ký 22:18; 26:4; 28:14]
17 Vậy thì tôi nói rằng: Giao ước mà Đức Chúa Trời trước kia đã lập thành trong Đấng Christ rồi, thì luật pháp là sự có sau đó bốn trăm ba mươi năm không thể vô hiệu hóa nó, mà làm cho lời hứa trở nên vô giá trị.
18 Vì, nếu sự hưởng cơ nghiệp là bởi luật pháp, thì không còn là bởi lời hứa nữa. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cơ nghiệp cho Áp-ra-ham bởi lời hứa.
19 Vậy thì tại sao có luật pháp? Nó đã được thêm vào vì những sự phạm pháp, cho tới khi người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã lập cho. Nó đã được ban ra bởi các thiên sứ vào trong tay của một người trung bảo.
20 Người trung bảo chẳng phải là người trung bảo của một bên, và Đức Chúa Trời là một bên.
21 Vậy thì luật pháp nghịch lại các lời hứa của Đức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy! Vì nếu đã ban cho một luật pháp ban sự sống, thì sự công chính chắc phải bởi luật pháp mà đến.

Con học được rằng:

1. Phao-lô đang nói với con dân Chúa tại Ga-la-ti rằng, theo nguyên tắc của loài người thì khi lập xong giao ước với nhau sẽ không thêm hay bớt điều gì để thay đổi điều đã lập. Như vậy, những gì mà Đức Chúa Trời lập giao ước với Áp-ra-ham thì Ngài cũng không hề thay đổi. Những lời hứa của Chúa là cho Áp-ra-ham và dòng dõi của ông. Phao-lô giải thích dòng dõi của Áp-ra-ham, nhưng không phải chỉ về nhiều người mà chỉ một người thôi. Ấy chính là Đấng Christ.

2. Vì vậy, Phao-lô nói rằng, giao ước mà Chúa lập với Đấng Christ là có trước, rồi 430 năm sau mới có luật pháp. Thế nên luật pháp không thể vô hiệu hóa giao ước trước đó đã lập. Mọi lời hứa mà Chúa đã hứa trong sự kết giao ước vẫn có giá trị. Áp-ra-ham bởi lời hứa của Chúa mà nhận lãnh cơ nghiệp, và cũng vậy hết thảy ai có đức tin nơi Chúa thì cũng bởi lời hứa của Chúa mà được nhận lãnh các phần thưởng.

3. Không có một ai bởi luật pháp mà nhận được cơ nghiệp. Vì luật pháp ghi lại những hình phạt tương ứng cho sự phạm điều răn. Ví dụ tội nói phạm đến danh của Thiên Chúa thì bị ném đá cho đến chết. Lý do mà Chúa ban ra luật pháp là vì loài người phạm tội, nên cần có luật pháp để xử phạt người phạm tội và răn đe những người khác biết sợ mà không phạm tội. Trong giao ước cũ, Môi-se là người trung bảo, tức người ở giữa chịu trách nhiệm giữa hai bên, giữa Đức Chúa Trời và dân I-sơ-ra-ên. Môi-se là hình bóng, tiêu biểu cho Đấng Christ là Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người.

4. Luật pháp của Chúa không nghịch lại các lời hứa của Chúa. Qua bài giảng của người chăn thì con hiểu rằng, luật pháp là ý muốn của Chúa về cách thức loài người sinh sống, còn lời hứa là ý muốn của Chúa về những điều Chúa ban cho loài người. Nên luật pháp và lời hứa của Chúa không hề mâu thuẫn nhau. Luật pháp không ban sự sống, nhưng giúp cho loài người biết cách thức để sống sao cho đúng. Một người được xưng công chính không nhờ làm theo luật pháp, nhưng nhờ vào ân điển của Chúa.

Bài học con rút ra:

1. Qua bài học hôm nay, con hiểu rằng, như một người cha yêu thương con cái mình, hứa ban cho con mình những điều tốt đẹp nhất. Thế nhưng khi người con hư, không vâng lời thì người cha cần đề ra những hình phạt cho những việc làm sai trái, để răn đe người con không phạm tội. Bởi vì người cha muốn con luôn được nhận những điều tốt đẹp nhất, không vì sự sai trái mà mất đi. Thì cũng vậy, đó là lý do mà Chúa ban hành luật pháp bằng chữ viết cho loài người. Điều đó thể hiện bản tính công chính, yêu thương và thánh khiết của Chúa.

2. Con cũng học được rằng, sự quở trách, hình phạt cũng chính là thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Vì vậy, nếu như con dân Chúa yêu thương nhau bằng tình yêu theo lẽ thật, thì cũng phải có sự quở trách và hình phạt đối với sự phạm tội. Điều đó giúp cho người phạm tội nhận ra tội lỗi, và tỉnh thức, chấm dứt sự phạm tội của mình.

Con cảm tạ Chúa đã dạy dỗ con bài học hôm nay. Nguyện kính xin Chúa giúp con ghi nhớ bài học và biết thực hành áp dụng vào trong đời sống mình. Con cảm tạ ơn Ngài!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy
17/08/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ