Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

I Cô-rinh-tô 3:16-23; 6:19-20 Đền Thờ của Thiên Chúa

16 Các anh chị em chẳng biết rằng, các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao?
17 Nếu có ai phá hủy Đền Thờ của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy người ấy. Vì Đền Thờ của Đức Chúa Trời là thánh, ấy là các anh chị em.
18 Đừng ai tự lừa dối chính mình. Nếu ai trong vòng các anh chị em nghĩ rằng, mình khôn sáng trong đời này, người ấy hãy nên ngu dại để trở thành khôn sáng.
19 Vì sự khôn sáng của đời này là sự dại dột đối với Đức Chúa Trời. Như có chép rằng: Ấy là Chúa bắt những kẻ khôn sáng trong mưu kế của họ. [Gióp 5:13]
20 Lại rằng: Chúa thông biết những ý tưởng của những người khôn sáng, rằng chúng là vô ích. [Thi Thiên 94:11]
21 Vậy, chớ ai khoe mình trong loài người. Mọi sự là của các anh chị em.
22 Hoặc Phao-lô, hoặc A-bô-lô, hoặc Sê-pha, hoặc thế gian, hoặc sự sống, hoặc sự chết, hoặc những sự bây giờ, hoặc những sự sắp đến… hết thảy mọi sự là của các anh chị em.
23 Các anh chị em thuộc về Đấng Christ. Đấng Christ thuộc về Thiên Chúa.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu của con. Con cảm tạ ơn Ngài đã cho con có thời gian để học Lời của Ngài. Con xin được viết ra sự hiểu trong I Cô-rinh-tô 3:16-23.

Thưa Cha, con hiểu câu 16 và 17 như sau: Phao-lô nhắc cho con dân Chúa tại Hội Thánh Cô-rinh-tô hiểu thân thể của họ chính là Đền Thờ Thiên Chúa. Đấng Thần Linh là Ngôi Ba Thiên Chúa đang ngự trong thân thể của họ. Qua đó để họ có ý thức thân thể của họ giờ là thánh và không thuộc về họ, mà đã thuộc về Chúa và được Ngài ngự.

Tiếp theo lời nhắc, Phao-lô đưa ra một sự cảnh báo khi ai đó phá hủy Đền Thờ của Đức Chúa Trời. Sự phá hủy Đền Thờ đến từ chính mình và người khác.

Sự phá hủy Đền Thờ đến từ chính mình bao gồm hai phương diện: thuộc linh và thuộc thể.

Về phương diện thuộc thể: Khi con dân Chúa không giữ gìn vệ sinh ăn uống, tắm rửa và cẩn thận trong những việc làm dẫn đến đau ốm, bệnh tật và bị thương tật.

Về phương diện thuộc linh: Cố ý phạm tội và thân thể gánh chịu những hậu quả do tội lỗi mang lại.

Đức Chúa Trời phá hủy họ nghĩa là con dân Chúa bị Đức Chúa Trời sửa phạt, và nặng nhất họ không còn được là Đền Thờ của Chúa và được Đấng Thần Linh ngự.

Sự phá hủy Đền Thờ đến từ người ngoại khi con dân Chúa bị bắt bớ, đánh đập, tra tấn và bị giết vì danh của Chúa. Trường hợp này, Đức Chúa Trời sẽ giáng cơn giận để trừng phạt họ, và thậm chí họ sẽ bị Chúa đánh chết.

Thưa Cha, con hiểu câu 18 như sau: Phao-lô khuyên họ hãy ngay thật với chính mình, đừng tự mình lừa dối mình. Sự lừa dối chính mình đó là khi họ nhận biết rõ lẽ thật của Lời Chúa dạy như nào, nhưng vì thỏa mãn sự ưa muốn xác thịt, và nghĩ mình là khôn sáng nên đã hành động theo ý riêng.

“Hãy nên ngu dại để trở thành khôn sáng” chính là lời khuyên từ kinh nghiệm thực tế sống động của Phao-lô. Khi biết đến Chúa, Phao-lô đã từ bỏ mọi sự ông có được, bao gồm những sự khôn sáng trong đời này và xem chúng như phân, để ông có được Đấng Christ.

Lạy Cha, con hiểu câu 19 và câu 20 như  sau: Sự khôn sáng của đời này là khiến con người ta ích kỷ, chỉ nghĩ đến những lợi ích chính mình, không muốn tìm kiếm Thiên Chúa, không tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời và sống luôn phạm tội. Vì thế, sự khôn sáng của đời này là dại dột trước Đức Chúa Trời. 

"Chúa bắt những kẻ khôn sáng trong mưu kế của họ" nghĩa là Chúa đánh bại những kẻ cho rằng mình là khôn sáng bằng mưu kế của chính họ.

Lạy Cha, con hiểu câu 21 đến câu 23 như sau: Chính vì sự khôn sáng của đời này là dại dột trước Đức Chúa Trời nên con dân Chúa không nên khoe mình như người đời.

"Hoặc Phao-lô, hoặc A-bô-lô, hoặc Sê-pha" nghĩa là những sứ đồ đầy ơn, thuộc về Hội Thánh, là những tôi tớ của Thiên Chúa đến để rao giảng, dạy dỗ giúp ích cho con dân Chúa tấn tới càng hơn trong đức tin và hiểu biết sâu nhiệm Lời Chúa.

"Hoặc thế gian" nghĩa là Chúa ban cho con dân Chúa quyền cai trị trên trời cũng như trên đất.

"Hoặc sự sống, hoặc sự chết" nghĩa là sự sống hay là sự chết của con dân Chúa nằm trong bàn tay của Chúa. Nếu con dân Chúa sống cũng là vì sự vinh quang của Chúa, chết cũng vì sự vinh quang của Ngài. Nên sự sống hay chết đều là tốt đẹp, ích lợi với con dân của Chúa. 

"Hoặc những sự bây giờ" nghĩa là những sự khi con dân Chúa còn sống trong thân thể xác thịt. "Những sự sắp đến" là những sự vinh quang, chói sáng trong đời sau khi con dân Chúa về với Ngài hoặc được Chúa đến đón Hội Thánh giữa chốn không trung.

"Hết thảy mọi sự thuộc về con dân Chúa" nghĩa là, hết thảy những điều tốt đẹp, vinh quang Chúa sắm sẵn đều thuộc về Hội Thánh. Dẫu cho nhiều con dân Chúa có phải trải qua những sự thử thách, khó khăn, hoạn nạn trên bước đường về Thiên Quốc, nhưng những điều đó lại thêm cho con dân Chúa bội phần phần vinh quang, rực rỡ, chói sáng trong ngày Chúa ban phần thưởng. Vì mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời.

Cảm tạ ơn Cha cho con có sự hiểu qua phân đoạn Thánh Kinh này. Nguyện con luôn biết gìn giữ thân thể mình là Đền Thờ của Chúa và làm những điều đẹp lòng Ngài. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Vũ Triệu Hùng
27/04/2023 

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ