Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Khải Huyền 19:11-16 Trận Chiến tại A-ma-ghê-đôn – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha Kính Yêu Đời Đời của chúng con, con cảm tạ ơn Cha vì Ngài đã ban cho con thời gian yên bình này để con bắt đầu bài suy ngẫm Lời Ngài trong Khải Huyền 19:11-16, con xin Đức Thánh Linh soi sáng lòng và trí của con, mở mắt thuộc linh để con nhận thấy những điều kỳ diệu trong Lời Ngài. Xin giúp con lắng nghe tiếng Ngài phán dạy và thấu hiểu ý muốn Ngài cho đời sống của con. Sau đây con xin được nêu ý hiểu của con trong phân đoạn Khải Huyền 19:11-16.

11 Rồi, tôi đã thấy trời đã được mở ra, và này, có một con ngựa trắng. Đấng cưỡi trên nó được gọi là Thành Tín và Chân Thật. Trong sự công chính, Ngài phán xét và gây chiến.
12 Đôi mắt của Ngài như ngọn lửa. Trên đầu của Ngài có nhiều mão và có một danh được viết mà không ai đã biết, ngoại trừ chính Ngài.
13 Ngài đã được khoác áo đã nhúng trong máu. Tên của Ngài được gọi là “Ngôi Lời của Đức Chúa Trời.”
14 Các đạo quân trên trời đã theo Ngài trên những con ngựa trắng, họ đã mặc áo vải mịn, trắng, và tinh sạch.
15 Từ miệng của Ngài ra một thanh gươm bén để bởi nó, Ngài đánh hạ các quốc gia. Ngài sẽ cai trị chúng bằng một cây gậy sắt. Ngài sẽ giày đạp thùng ép nho làm rượu của cơn thịnh nộ của cơn giận của Đức Chúa Trời Toàn Năng.
16 Ngài có trên áo và trên đùi của Ngài một danh được viết: “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa.”

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên mô tả sự trở lại vinh quang và quyền năng của Đức Chúa Jesus Christ. Trời mở ra và Ngài xuất hiện trên một con ngựa trắng, tượng trưng cho chiến thắng và sự công chính. Chúa được gọi là "Thành Tín và Chân Thật" Đấng xét xử và chiến đấu với sự công chính. Đôi mắt của Ngài rực cháy như ngọn lửa, biểu tượng cho sự thấu suốt và quyền năng tối thượng, trong khi danh Ngài vượt quá sự hiểu biết của con người. Áo Ngài được nhúng trong máu, và Ngài được gọi là "Ngôi Lời của Đức Chúa Trời" Ngài dẫn dắt các đạo quân trên thiên đàng trong sự thánh khiết. Từ miệng Ngài ra một thanh gươm bén, biểu tượng cho Lời của Đức Chúa Trời, để Ngài đánh hạ các quốc gia và cai trị chúng bằng cây gậy sắt. Danh hiệu của Ngài là "Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa" điều này đã khẳng định quyền tể trị tuyệt đối của Ngài trên mọi quyền lực và vũ trụ.

Thưa Cha, con ngựa trắng trong Khải Huyền 19:11 con hiểu rằng nó là biểu tượng cho chiến thắng, sự thánh khiết, và quyền năng của Chúa. Trong văn hóa xưa, ngựa trắng thường được coi là biểu tượng của sự cao quý và chiến thắng. Các vị vua hoặc tướng quân thường cưỡi ngựa trắng khi trở về sau chiến trận để tuyên bố thắng lợi, khẳng định quyền lực và vinh quang của họ trước dân chúng, và trong phân đoạn này, hình ảnh đó dùng để chỉ sự chiến thắng toàn vẹn của Đấng Christ trước tội lỗi, sự chết, và ma quỷ. Màu trắng còn cho con thấy sự thánh khiết và công chính của Đấng Christ, Ngài đến thực thi sự phán xét của Đức Chúa Trời trong sự thánh khiết hoàn hảo. Đồng thời, hình ảnh này nhấn mạnh quyền uy và uy nghiêm của Đấng Christ, vị Vua tối cao đang hoàn tất kế hoạch cứu chuộc nhân loại và thực hiện sự phán xét cuối cùng.

Ở đây Đấng Christ được gọi là "Thành Tín và Chân Thật", con hiểu là vì Ngài luôn giữ lời với lời hứa của mình và công chính trong mọi hành động. Cụm từ này phản ánh bản chất tuyệt đối của Ngài trong việc thực hiện kế hoạch cứu chuộc và phán xét của Đức Chúa Trời. Thành Tín có nghĩa là người luôn giữ lời hứa, không bao giờ thay đổi hay lừa dối. Ngài đã hứa sẽ đến để cứu chuộc nhân loại và hoàn tất công việc cứu rỗi và Ngài chắc chắn sẽ làm điều đó. Trong suốt lịch sử, Ngài đã luôn thành tín với mọi giao ước và lời hứa của Đức Chúa Trời, và sẽ không bao giờ thất hứa. Còn Chân Thật có nghĩa là Đấng Christ là hiện thân của sự thật tuyệt đối. Ngài không có gì giả dối hay gian lận trong bản chất và lời nói của mình. Việc gọi Đấng Christ là "Thành Tín và Chân Thật" cho con thấy rằng trong mọi tình huống, Ngài là hình mẫu tuyệt đối về sự giữ lời hứa và sự thật, điều này đã củng cố niềm tin của con vào sự công chính và kế hoạch cứu chuộc của Ngài để con vững lòng khi bước đi theo Chúa.

Thưa Cha, trong Khải Huyền 19:12 nói rằng "trên đầu của Ngài có nhiều mão" con hiểu là vì mão trong văn hóa xưa, đó là biểu tượng của quyền lực và vương quyền, thường được trao cho những vị vua chiến thắng. Tuy nhiên việc Đấng Christ mang "nhiều mão" ở đây không chỉ ám chỉ Ngài là vua của một quốc gia hay một dân tộc, mà Ngài là Vua của tất cả các vua và Chúa của tất cả các chúa. Điều này cho con thấy quyền cai trị vô hạn của Chúa, không chỉ trong vương quốc thiên đàng mà còn trên toàn bộ vũ trụ. "Nhiều mão" cũng thể hiện rằng Ngài là Đấng chiến thắng mọi kẻ thù trong mọi trận chiến, khẳng định quyền thống trị vĩnh cửu của Ngài trên mọi thế lực và vương quốc.

Thưa Cha, trong Khải Huyền 19:12 viết rằng: "Ngài có một danh được viết mà không ai đã biết, ngoại trừ chính Ngài". Con hiểu là ở đây muốn nói nên sự huyền bí và quyền năng tuyệt đối của Đấng Christ. Danh này phản ánh một phần bản chất thiêng liêng và thánh khiết vô hạn của Ngài, điều mà chỉ một mình Ngài mới hiểu và nắm giữ. Điều này không thể được hiểu hay biết bởi bất kỳ ai khác, kể cả thiên sứ hay con người, là các loài thọ tạo có sự hữu hạn, vì nó vượt qua mọi giới hạn của thời gian, không gian và tri thức loài người. Danh này cũng chỉ ra quyền tối cao của Đấng Christ, cho thấy Ngài là Đấng duy nhất sở hữu sự thật tuyệt đối và khả năng phán xét công chính, điều mà chỉ Ngài mới có thể thực hiện một cách hoàn hảo.

Thưa Cha, câu: "Ngài đã được khoác áo đã nhúng trong máu" trong Khải Huyền 19:13, con hiểu rằng ở đây là nói về sự hy sinh và chiến thắng của Đấng Christ. Hình ảnh chiếc áo khoác nhúng trong máu ám chỉ sự hy sinh của Ngài khi Ngài đổ máu trên thập tự giá để chuộc tội lỗi cho loài người, mang lại sự tha thứ và hòa giải giữa con người với Đức Chúa Trời. Máu này cũng là biểu tượng của chiến thắng vĩ đại của Đấng Christ trong cuộc chiến chống lại tội lỗi, Sa-tan và các thế lực bóng tối. Qua sự hy sinh này, Đấng Christ không chỉ cứu chuộc mà còn khẳng định quyền lực và sự chiến thắng tuyệt đối của Ngài, làm sáng tỏ vai trò của Ngài như vị Vua công chính thực thi sự phán xét và công lý.

Thưa Cha, tên gọi "Ngôi Lời của Đức Chúa Trời" trong Khải Huyền 19:13 con hiểu là để nhấn mạnh bản chất, vai trò và sứ mệnh của Đức Chúa Jesus Christ. Tên gọi này làm con liên hệ trực tiếp với sách Giăng 1:1-14, nơi Đức Chúa Jesus được giới thiệu là Ngôi Lời, Đấng ở cùng Đức Chúa Trời và Ngài là Đức Chúa Trời, đồng thời trở nên xác thịt để bày tỏ Ngài cho toàn thể nhân loại. Ngôi Lời chính là sự mạc khải trọn vẹn của Đức Chúa Trời, là công cụ sáng tạo và phán xét của Ngài. Sách Khải Huyền 19:13 mô tả áo của Ngài nhúng trong máu, vừa biểu thị sự hy sinh trên thập tự giá để cứu chuộc nhân loại, vừa nói nên sự đánh bại kẻ ác trong ngày phán xét của Chúa. Là Ngôi Lời, Đức Chúa Jesus không chỉ rao giảng lẽ thật mà chính Ngài là hiện thân của chân lý và quyền năng của Đức Chúa Trời. Danh xưng này khẳng định Ngài là trung tâm của kế hoạch cứu rỗi, sự sáng tạo và phán xét công chính, nhấn mạnh vai trò tối cao của Ngài trong mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và nhân loại.

Thưa Cha, "các đạo quân trên trời đã theo Ngài" trong Khải Huyền 19:14 con hiểu là ám chỉ các thiên sứ và các thánh đồ được Chúa cứu chuộc, những người đồng hành với Đức Chúa Jesus trong sự tái lâm vinh hiển. Thiên sứ được miêu tả là quân đội của Đức Chúa Trời trong Thánh Kinh, sẵn sàng thực hiện ý muốn của Ngài, sẽ đi cùng Chúa trong ngày phán xét được nhắc đến trong sách Ma-thi-ơ 25:31, rằng: “Khi Con Người ngự trong sự vinh quang mình mà đến với các thiên sứ thánh, thì Ngài sẽ ngồi trên ngôi vinh quang của Ngài”. Đồng thời, các thánh đồ mặc áo vải mịn, trắng, và tinh sạch, biểu thị sự công chính mà họ nhận được qua Đức Chúa Jesus, cũng sẽ tham gia trong đoàn quân thiên thượng này, như được mô tả trong Khải Huyền 19:8: “Đã được ban cho người để người mặc trang phục mịn, sạch, và trắng. Vì trang phục mịn là những việc làm công chính của những thánh đồ." Hình ảnh áo trắng của các đạo quân theo Chúa không chỉ nhấn mạnh vai trò chiến đấu, mà còn là biểu tượng cho sự chiến thắng và sự công chính của Đức Chúa Trời. Điều này khẳng định rằng chiến thắng hoàn toàn thuộc về Đức Chúa Jesus và các đạo quân đi theo chỉ đóng vai trò đồng hành, làm chứng cho quyền năng và sự phán xét công chính của Ngài.

Thưa Cha, cụm từ: "từ miệng của Ngài ra một thanh gươm bén" trong Khải Huyền 19:15, con hiểu đây là một hình ảnh thể hiện quyền năng và thẩm quyền tuyệt đối của Đức Chúa Jesus qua lời phán của Ngài. Thanh gươm bén này không phải là thứ vũ khí vật lý, mà nó là tượng trưng cho lời phán xét mạnh mẽ, công chính và đầy quyền năng của Chúa, có khả năng phân biệt đúng sai và thi hành sự phán xét như được nói đến trong sách Hê-bơ-rơ 4:12 Vì Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng.” Lời Ngài cũng đủ sức mạnh để đánh bại kẻ thù và thiết lập công lý, như lời tiên tri trong Ê-sai 11:4 nhấn mạnh rằng: "Ngài sẽ đánh thế gian bằng cái gậy của miệng mình, và lấy hơi thở nơi môi mà giết kẻ ác." Ngoài ra, thanh gươm bén còn thể hiện sự cai trị công chính của Ngài, khi "Ngài sẽ cai trị chúng bằng một cây gậy sắt" và sẽ tiêu diệt mọi sự gian ác. Hình ảnh này khẳng định rằng chiến thắng của Đức Chúa Jesus không đến từ vũ khí vật chất, mà hoàn toàn từ quyền năng và thẩm quyền tuyệt đối của Lời Ngài, để thiết lập vương quốc đời đời của Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, cụm từ: "Ngài sẽ cai trị chúng bằng một cây gậy sắt" trong Khải Huyền 19:15, con hiểu là tượng trưng cho quyền cai trị mạnh mẽ, công chính và không khoan nhượng của Đức Chúa Jesus trên các quốc gia và mọi thế lực chống nghịch lại Đức Chúa Trời. Cây gậy sắt thể hiện thẩm quyền tuyệt đối và không thể lay chuyển của Ngài, khác với cây gậy của người chăn chiên thường dùng để hướng dẫn và bảo vệ bầy chiên, ở đây “cây gậy sắt” nhấn mạnh đến sự phán xét nghiêm khắc và quyền lực không thể chống đỡ như được nói đến trong sách Thi Thiên 2:9: “Con sẽ đập vỡ chúng bằng cây trượng sắt. Con sẽ đập tan chúng như những bình được nắn bằng đất sét.” Hình ảnh này cũng biểu thị sự sửa phạt đối với những ai chống nghịch, đảm bảo rằng ý muốn và công lý của Chúa được thực thi một cách trọn vẹn. Cây gậy sắt nhấn mạnh vai trò của Đức Chúa Jesus là Đấng được Đức Chúa Trời giao phó, Ngài sẽ tiêu diệt mọi sự bất công và dẫn dắt vương quốc của Ngài đến sự bình an và công chính đời đời.

Thưa Cha, cụm từ "thùng ép nho làm rượu của cơn thịnh nộ của cơn giận của Đức Chúa Trời Toàn Năng" trong Khải Huyền 19:15, con hiểu đây là một hình ảnh tượng trưng cho sự phán xét nghiêm khắc của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi và sự chống đối Ngài. Thùng ép nho, nơi nho được nghiền nát để tạo ra nước nho, ám chỉ sự áp chế và tiêu diệt những kẻ gian ác của Chúa. Nước nho được ví như rượu, tượng trưng cho sự tràn đầy cơn giận và thịnh nộ của Đức Chúa Trời, đây là kết quả của sự gian ác và bất tuân đối với Ngài. Cơn giận này không phải là giận dữ thông thường mà là sự phản ứng của Đức Chúa Trời chống lại mọi tội lỗi và sự chống nghịch. Hình ảnh này nhắc nhở chúng con rằng sự phán xét của Ngài là không thể tránh khỏi, Ngài sẽ tiêu diệt mọi sự bất công, mở đường cho một vương quốc công chính và thánh khiết của Chúa.

Thưa Cha, danh xưng "Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa" trong Khải Huyền 19:16 con hiểu rằng để khẳng định quyền lực tối cao và vô hạn của Đức Chúa Jesus. Cụm từ "Vua của Các Vua" cho thấy Ngài là vua tối cao, vượt qua mọi vua chúa và quyền lực trên thế gian. Mặc dù có nhiều vị vua và lãnh đạo trong lịch sử, nhưng tất cả đều phải khuất phục dưới quyền năng của Ngài. Tương tự, "Chúa của Các Chúa" nhấn mạnh rằng Đức Chúa Jesus là Đấng duy nhất có quyền tối thượng, quyền thống trị vượt qua mọi quyền lực tinh thần và vật chất trên thế gian. Danh xưng này để khẳng định sự vĩ đại, uy quyền và quyền kiểm soát tuyệt đối của Ngài, cho thấy Ngài là Đấng duy nhất có thẩm quyền cai trị tất cả các vương quốc và chủ quyền. Việc danh xưng "Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa" được viết trên đùi của Đức Chúa Jesus trong Khải Huyền 19:16 con hiểu là vì trong văn hóa xưa, đùi được xem là phần cơ thể đại diện cho sức mạnh và sự vững chãi, vì nó giúp hỗ trợ di chuyển và chiến đấu. Việc khắc danh xưng này trên đùi của Đức Chúa Jesus khẳng định rằng quyền năng của Ngài là kiên định, không thể lay chuyển và thống trị trên tất cả mọi sự, từ vương quốc vật chất đến vương quốc thiên đàng.

Thưa Cha, sự thành tín và chân thật của Đấng Christ đối với con mang một ý nghĩa sâu sắc và vững chắc trong mối quan hệ của con với Chúa. Con biết rằng Đấng Christ luôn giữ lời hứa của Ngài và không bao giờ thay đổi, bất kể hoàn cảnh, điều này mang lại cho con niềm tin vững vàng vào sự cứu chuộc và sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống. Ngài là Đấng mà con có thể hoàn toàn tin tưởng, vì Ngài không bao giờ từ bỏ con và mọi lời hứa của Ngài đều được thực hiện đúng thời điểm. Đồng thời, sự chân thật của Đấng Christ với bản chất thánh khiết và công chính của Ngài, là nền tảng giúp con nhận thức rõ ràng sự thật trong đời sống và giúp con tìm kiếm những giá trị đích thực. Sự chân thật của Ngài cũng soi sáng cho con trong việc sống công chính và tìm kiếm lẽ thật trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy, sự thành tín và chân thật của Đấng Christ không chỉ là đặc tính của Ngài mà còn là nguồn sức mạnh và nền tảng cho đức tin của con.

Để đáp lại sự thành tín và chân thật của Đấng Christ, thì con phải sống một đời sống phản ánh lòng tin và sự trung thành đối với Ngài. Trước hết, con cần tin tưởng hoàn toàn vào lời hứa của Chúa, vì Ngài luôn thành tín và không bao giờ thay đổi. Dù trong thử thách hay khó khăn trong cuộc sống con phải giữ vững đức tin và không nghi ngờ sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của con. Thứ hai, con cần sống trong sự chân thật, giống như Đấng Christ con luôn nói sự thật và hành động đúng với Lời của Chúa. Con phải tránh xa sự giả dối và tìm kiếm sự công chính trong mọi quyết định của con vì Ngài là mẫu mực của sự công chính. Ngoài ra, con cũng cần hết mình trong công tác truyền giảng Tin Lành của Chúa và giúp đỡ những người xung quanh con nhận biết lẽ thật và tình yêu của Đấng Christ. Cuối cùng, con cần tôn vinh Ngài trong mọi hành động, để cuộc sống của con trở thành chứng nhân cho sự thành tín và chân thật của Ngài. Bằng cách đó là con đang đáp lại tình yêu và sự thành tín của Đấng Christ đối với con.

Thưa Cha, con hiểu rằng trong Đấng Christ, con được mời gọi tham gia vào vương quốc vĩnh cửu của Ngài, và theo nghĩa đó con có thể được coi là một "vua trong các vua." Điều này không có nghĩa là con có quyền lực giống như những vua trần gian, mà con là một phần trong vương quốc của Chúa, là nơi Ngài là Vua của tất cả. Trong Khải Huyền 1:6 nói rằng: “Ngài đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha của Ngài.” Ở đây chúng con được Đức Chúa Jesus lập nên làm "vua và thầy tế lễ" để phục vụ và tôn vinh Ngài. Vì vậy, mặc dù con không cai trị như những vua ở trần gian, nhưng con có thể sống như một người được trao quyền và trách nhiệm để đại diện cho Đấng Christ trên đất, thực hiện ý muốn của Ngài và phản ánh sự công chính và tình yêu của Ngài. Sự hiểu biết này nhắc nhở con về trách nhiệm lớn lao trong việc sống xứng đáng với địa vị mà con đã được nhận, con hàng ngày đang rèn luyện, dọn mình cho xứng với địa vị vua mà Ngài đã ban cho con, để con sống với sự khiêm nhường và trong tình yêu của Chúa, và luôn nhớ rằng quyền lực thực sự và tối cao thuộc về Đấng Christ và con chỉ là một phần của vương quốc Ngài mà thôi.

Thưa Cha, qua việc đọc và suy ngẫm Lời của Chúa trong sách Khải Huyền 19:11-16 đã cho con rút ra được nhiều bài học bổ ích để con áp dụng trong cuộc sống, những bài học con rút ra như sau:

+ Thứ nhất là con học được rằng Đấng Christ là Đấng Thành Tín và Chân Thật, Ngài luôn công bằng và chính trực trong mọi quyết định của Ngài. Sự thành tín của Ngài là nền tảng vững chắc cho đức tin của con, và điều này nhắc nhở con rằng dù trong mọi thử thách, con luôn có thể tin tưởng vào Lời hứa của Ngài.

+ Thứ hai là con hiểu rằng Đức Chúa Jesus sẽ quay trở lại để thực thi công lý và cai trị bằng quyền năng của Ngài. Điều này khuyến khích con sống đúng đắn và công chính, vì một ngày nào đó Ngài sẽ phán xét mọi hành động của con.

+ Thứ ba là con nhận ra rằng, trong Đấng Christ, con cũng được gọi làm "vua" và "thầy tế lễ" trong vương quốc của Ngài. Điều này nhắc nhở con về trách nhiệm lớn lao của con trong việc sống xứng đáng với địa vị cao quý mà Chúa ban và tôn vinh Ngài qua hành động và lời nói mỗi ngày.

+ Thứ tư là con hiểu rằng việc nhận biết Đấng Christ là "Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa" phải được thể hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống con. Con được kêu gọi tôn vinh Ngài trong mọi hành động, và luôn giữ sự khiêm nhường, trung tín với Chúa trong mọi lĩnh vực.

Con cảm tạ Ngài vì Lời của Ngài đã soi sáng con, giúp con hiểu rõ sự thành tín và công lý của Đấng Christ. Xin Chúa giúp con sống xứng đáng với địa vị mà Ngài đã ban cho con, để luôn phản ánh tình yêu sự công chính và khiêm nhường trong mọi việc. Xin cho con luôn tìm kiếm sự thật và công lý của Ngài trong mọi hoàn cảnh, và nhớ rằng Ngài là "Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa." Xin ban sức mạnh và khôn ngoan để con sống xứng đáng với ân điển của Ngài. Cảm tạ Cha vì tình yêu và sự cứu chuộc qua Đấng Christ cho chúng con. Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
29/12/2024

***

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ