Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Thiên Thượng kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì con luôn được sống trong sự quan phòng, che chở của Ba Ngôi Thiên Chúa, thì giờ này Cha lại ban cho con thì giờ để con suy ngẫm Lời của Ngài trong sách Khải Huyền 11:1-6.

1 Tôi đã được ban cho một cây thước giống như cây trượng, bảo rằng: "Hãy trỗi dậy và đo Đền Thờ của Đức Chúa Trời, bàn thờ, và những kẻ thờ phượng tại đó.
2 Nhưng sân ngoài Đền Thờ thì chừa lại, đừng đo nó. Vì nó đã được ban cho các dân tộc. Thành thánh sẽ bị chúng giày đạp trong bốn mươi hai tháng.
3 Ta sẽ ban quyền lực cho hai chứng nhân của Ta. Họ sẽ mặc áo tang, nói tiên tri trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.
4 Họ là hai cây ô-li-ve và hai chân đèn đứng trước Đức Chúa Trời của đất.
5 Nếu ai muốn làm hại họ thì lửa ra từ miệng của họ, thiêu nuốt những kẻ thù nghịch của họ. Nếu ai muốn làm hại họ, kẻ đó phải bị giết như vậy.
6 Họ có quyền lực đóng trời, khiến không có mưa rơi xuống trong những ngày tiên tri của họ. Họ có quyền lực trên những nguồn nước, khiến chúng trở thành máu và làm hại đất bằng mỗi loại tai họa bất kỳ lúc nào, nếu họ muốn.

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên mô tả một cảnh tượng trong thời kỳ cuối cùng khi Chúa phán xét thế gian, khi Đức Chúa Trời chỉ đạo sứ đồ Giăng đo lường Đền Thờ, bàn thờ và những người thờ phượng, nhưng sân ngoài Đền Thờ thì chừa lại và sẽ bị các dân tộc chiếm đoạt và thành thánh sẽ bị giày đạp trong 42 tháng. Hai chứng nhân của Đức Chúa Trời sẽ được ban quyền năng để tiên tri trong 1.260 ngày, họ mặc áo tang và biểu thị sự hiện diện của Đức Chúa Trời như hai cây ô-li-ve và hai chân đèn. Họ được Chúa ban cho quyền triệu hồi lửa tiêu diệt kẻ thù và kiểm soát thiên nhiên, như ngừng mưa và biến nước thành máu, để thực hiện những phép lạ và cảnh báo tai họa mà Chúa sẽ giáng xuống cho thế gian.

Thưa Cha, Đền Thờ mà sứ đồ Giăng được bảo "hãy trỗi dậy và đo" trong Khải Huyền 11:1-2 con thấy có thể được hiểu theo hai cách. Một cách là Đền Thờ thiêng liêng trên trời, biểu tượng cho sự hiện diện vinh quang và thánh khiết của Đức Chúa Trời, nơi những người thờ phượng Ngài sẽ được bảo vệ và xác nhận. Cách thứ hai là Đền Thờ ở trần gian, có thể là Đền Thờ tại thành Giê-ru-sa-lem đặc biệt trong bối cảnh những sự kiện của thời kỳ cuối cùng này, khi Đức Chúa Trời xác nhận và bảo vệ những người thuộc về Ngài giữa những thử thách lớn lao của thế gian. Thì việc đo đạc Đền Thờ trong phân đoạn này còn mang ý nghĩa xác nhận sự thánh khiết và bảo vệ những người con dân của Đức Chúa Trời trong thời gian gian nan.

Thưa Cha, câu "thành thánh sẽ bị chúng giày đạp trong bốn mươi hai tháng" (Khải Huyền 11:2) con nghĩ câu này muốn ám chỉ một thời kỳ khó khăn và bị bức hại mà "thành thánh" (thường hiểu là Giê-ru-sa-lem hoặc là biểu tượng của dân thánh của Đức Chúa Trời) sẽ phải trải qua dưới sự tấn công, bách hại của các thế lực ngoại bang hoặc những kẻ thù của Đức Chúa Trời. Thời gian 42 tháng (khoảng 3,5 năm) được xem là một giai đoạn đặc biệt của sự thử thách sự gian truân, trong đó thành thánh sẽ bị chà đạp và đàn áp. Khoảng thời gian này có thể liên kết với những sự kiện trong thời kỳ cuối cùng, khi Đức Chúa Trời sẽ để cho tội ác và sự gian ác của loài người gia tăng trước khi Ngài ra tay can thiệp và phán xét. Sau giai đoạn khốn khó này, sự can thiệp của Đức Chúa Trời sẽ đem lại sự cứu chuộc và công lý cho dân của Ngài.

Thưa Cha, hai chứng nhân của Đức Chúa Trời "mặc áo tang" con hiểu là vì muốn thể hiện sự đau buồn và lòng thương xót trước tình trạng tội lỗi và sự xa cách của thế gian với Đức Chúa Trời. Áo tang thường biểu trưng cho sự đau thương tang tóc than khóc và sự trang trọng trong các nghi thức tang lễ, nó cho thấy sự mất mát, thống hối, và sự nghiêm túc. Ở đây việc mặc áo tang nhấn mạnh sự cảnh báo và lời kêu gọi khẩn thiết đối với nhân loại, để họ nhận thức về tình trạng của mình và ăn năn với Chúa. Nó cho thấy rằng sứ mệnh của hai chứng nhân không chỉ là tuyên báo về những hình phạt sẽ đến mà còn là một lời mời gọi đầy lòng thương xót để con người quay về với Đức Chúa Trời trước khi quá muộn.

Và ở đây, con nghĩ rằng hai chứng nhân có thể được hiểu theo hai cách: Một là hai cá nhân cụ thể được Đức Chúa Trời chọn để làm chứng trong thời kỳ sau rốt này, hai là một biểu tượng đại diện cho những cơ đốc nhân trung tín của Ngài.
Hình ảnh "hai cây ô-li-ve và hai chân đèn" cũng đã được nhắc đến trong sách Xa-cha-ri 4:2-3 “Người nói với ta rằng: Ngươi thấy gì? Ta đáp rằng: Tôi nhìn xem, kìa một cái chân đèn toàn bằng vàng, và một cái chậu trên đỉnh nó, nó có bảy ngọn đèn; có bảy cái ống cho mỗi ngọn đèn ở trên đỉnh nó. Ở kề bên lại có hai cây ô-li-ve, một cây ở bên phải cái chậu, và một cây ở bên trái.” và trong Xa-cha-ri 4:11-14 “Ta đáp lại cùng Người rằng: Hai nhánh ô-li-ve ở bên phải và bên trái chân đèn là gì? Ta lại cất tiếng nói với Người lần thứ hai mà rằng: Hai nhánh ô-li-ve ở kề bên hai ống vòi vàng, có dầu vàng chảy ra, là gì? Người đáp rằng: Ngươi không biết những điều đó là gì sao? Ta nói: Thưa Chúa, tôi không biết. Người nói rằng: Ấy là hai con trai của dầu, đứng bên Chúa của cả đất.”, hình ảnh này là biểu trưng cho sự xức dầu và quyền năng của Đức Thánh Linh. Cây ô-li-ve và chân đèn trong phân đoạn này gợi nhắc rằng những chứng nhân này nhận được sự ban quyền và dẫn dắt trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Sự hiện diện của cây ô-li-ve và chân đèn cũng cho thấy rằng sứ mệnh của hai chứng nhân là để chiếu sáng ra giữa bóng tối đầy tội lỗi của thế gian, nhấn mạnh sự liên tục của ánh sáng và quyền năng thiên thượng của Chúa dù đối mặt với sự chống đối và khủng hoảng. Điều này biểu thị rằng họ được Đức Chúa Trời ban thẩm quyền đặc biệt, được đặt đứng trước Ngài như những người được biệt riêng để hoàn thành nhiệm vụ Chúa giao cho trong thế gian.

Thưa Cha, trong câu 4 dùng cách nói "Đức Chúa Trời của đất" còn trong câu 13 thì dùng cách nói "Đức Chúa Trời của trời" con nghĩ rằng cách gọi “Đức Chúa Trời của đất” và “Đức Chúa Trời của trời” trong Khải Huyền:11 là để thể hiện sự toàn diện và quyền năng tối thượng của Ngài trên toàn cõi. “Đức Chúa Trời của đất” nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết của Ngài với nhân loại và những sự kiện đang diễn ra trên đất. Điều này khẳng định rằng Ngài không chỉ là Đấng Tạo Hóa xa cách mà còn là Đấng rất gần gũi can thiệp trực tiếp vào đời sống của con người, đặc biệt qua hai chứng nhân được Ngài sai đến để truyền đạt sứ điệp và quyền năng của Ngài. Trong khi đó, cách gọi “Đức Chúa Trời của trời” lại làm nổi bật bản chất siêu việt của Ngài, cho thấy Ngài là Đấng chủ tể trên cả cõi không trung và đất, cai trị từ nơi cao nhất và vượt lên mọi giới hạn. Sự khác biệt này nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời vừa hiện diện cùng thế gian, vừa là Đấng Tối Cao vượt trên tất cả, nắm quyền kiểm soát toàn bộ vũ trụ với thẩm quyền tuyệt đối của Ngài.

Thưa Cha, con nghĩ rằng việc sử dụng hai cách diễn đạt khác nhau trong Khải Huyền 11:2 và 11:3 “trong bốn mươi hai tháng” và “trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày” dù đều chỉ về ba năm rưỡi, là để nhằm nhấn mạnh hai khía cạnh khác nhau của giai đoạn thử thách. Cụm từ “bốn mươi hai tháng” tập trung vào sự thử thách kéo dài và liên tục mà dân của Chúa và thành thánh phải chịu dưới sự áp bức của các dân tộc. Trong khi đó, “một ngàn hai trăm sáu mươi ngày” thì lại nhấn mạnh tính chính xác chi tiết hơn và sự kiên trì trong công tác tiên tri của hai chứng nhân, muốn nói rằng từng ngày trong ba năm rưỡi này đều được dành riêng cho sứ mệnh Đức Chúa Trời giao phó. Sự khác biệt trong cách diễn đạt giúp mọi người phân biệt rõ ràng giữa thời kỳ thử thách chung của Hội Thánh và thời gian đặc biệt của hai chứng nhân, đồng thời nhấn mạnh sự kiểm soát tuyệt đối của Đức Chúa Trời trong mọi chi tiết của kế hoạch cứu rỗi của Ngài.

Thưa Cha, con nghĩ rằng "lửa ra từ miệng" của hai chứng nhân trong Khải Huyền 11:5 không phải là một mô tả theo nghĩa đen, mà đó là một biểu tượng mạnh mẽ của sự phán xét và quyền năng thiêng liêng mà Đức Chúa Trời ban cho hai chứng nhân. Trong Thánh Kinh thì lửa thường được dùng để chỉ sự thanh tẩy, phán xét và sức mạnh của Đức Chúa Trời. Vì vậy, việc nói "lửa ra từ miệng" có thể ám chỉ rằng lời của hai chứng nhân này mang theo quyền năng sự phán xét của Chúa, có khả năng làm cho những kẻ thù nghịch bị hủy diệt bằng cách thực hiện ý định của Đức Chúa Trời qua lời cảnh báo và sứ điệp của họ truyền cho thế gian. Điều này nhấn mạnh rằng sức mạnh thiêng liêng trong việc tuyên bố lẽ thật và sự phán xét nên không nhất thiết đó là một hành động vật lý cụ thể mà nó là một biểu tượng cho quyền lực của lời nói và sự công chính của Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, trong Khải Huyền 11:6, khi nói rằng hai chứng nhân "biến nước thành máu” như máu của loài người hoặc loài thú con nghĩ rằng đây là một hình ảnh tượng trưng chứ không phải một hành động xảy ra theo nghĩa đen. Trong Thánh Kinh thường sử dụng hình ảnh và biểu tượng để truyền đạt những thông điệp sâu sắc và trong trường hợp này, hình ảnh nước biến thành máu có thể là một biểu tượng của sự phán xét khốc liệt từ Đức Chúa Trời đối với tội lỗi và sự phản nghịch của nhân loại. Hình ảnh này làm con liên tưởng đến các tai họa trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký khi Chúa giáng 10 tại họa xuống xứ Ê-díp-tô, nơi mà nước bị biến thành máu như một dấu hiệu của sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với xứ Ai Cập. Điều này cũng nhắc đến sự chết chóc và sự hủy diệt mà tội lỗi mang lại. Vì vậy nên việc "biến nước thành máu" con nghĩ không phải là hành động xảy ra theo nghĩa đen, mà là một hình ảnh tượng trưng cho sự phán xét nghiêm khắc, cảnh báo con người về hậu quả của việc không ăn năn và chống đối Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, theo con Đức Chúa Trời ban cho hai chứng nhân quyền lực như được mô tả trong Khải Huyền 11:5-6 là vì để xác nhận sự chính danh và sứ mệnh tiên tri của họ. Quyền lực này bao gồm khả năng thiêu đốt kẻ thù và biến nước thành máu, điều này không chỉ nhằm bảo vệ họ khỏi sự phản kháng mà còn để thể hiện sự phán xét nghiêm khắc của Đức Chúa Trời đối với những ai chống đối. Sự ban cho quyền năng này làm chứng rằng lời của họ không phải là lời của loài người mà chính là lời của Đức Chúa Trời và không ai có thể ngăn cản được. Ngoài ra, quyền lực mà Đức Chúa Trời ban cho hai chứng nhân cũng nhấn mạnh tính thiêng liêng và sự uy nghiêm của sứ mạng họ được Chúa giao phó. Trong khi họ thực hiện công tác tiên tri là họ đang đại diện cho Đức Chúa Trời và có thể thực hiện những phép lạ, cũng như áp đặt những hình phạt của Chúa lên những kẻ không ăn năn. Điều này không chỉ là một cảnh báo về sự phán xét của Đức Chúa Trời mà còn là một lời kêu gọi nghiêm khắc đối với thế gian về sự cần thiết phải ăn năn và quay về với Ngài.

Thưa Cha, con nghĩ rằng việc Đức Chúa Trời cho phép các dân ngoại giày đạp thành thánh trong 42 tháng và sự bách hại con dân của Ngài trong một thời gian dài là để nhấn mạnh rằng thử thách và khổ nạn là một phần trong kế hoạch vĩ đại của Ngài. Điều này nhắc nhở chúng con rằng những khó khăn trong cuộc sống không phải là vô nghĩa mà có mục đích sâu xa trong công cuộc cứu chuộc. Đức Chúa Trời cho phép sự bách hại và thử thách xảy ra nhưng Ngài cũng bảo vệ và duy trì con dân Ngài trong mọi hoàn cảnh. Những đau khổ này cũng giúp đức tin của chúng con được thử thách và tôi luyện, làm cho chúng con được trưởng thành hơn trong đức tin. Đồng thời, sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời trong việc để cho những kẻ chưa tin Chúa sống trong tội và phạm thượng có mục đích là kêu gọi họ ăn năn và trở về với Ngài. Tất cả những điều này đều tôn vinh sự công chính của Đức Chúa Trời và thể hiện quyền kiểm soát tuyệt đối của Ngài.

Và việc Đức Chúa Trời cho phép nhiều người sống trong tội trong một khoảng thời gian phản ánh lòng kiên nhẫn chậm giận và sự yêu thương vô hạn của Ngài. Đức Chúa Trời không muốn bất kỳ ai phải hư mất, nhưng Ngài muốn tất cả mọi người ăn năn và quay về với Ngài như trong sách II Phi-e-rơ 3:9 nói “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như một số người tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng khoan nhẫn đối với chúng ta, không muốn cho một người nào chết mất, nhưng muốn cho mọi người đều ăn năn.”. Nhưng sự kiên nhẫn này của Chúa không phải là vô hạn, và chúng con được cảnh báo rằng sẽ có một thời điểm sự phán xét của Ngài sẽ đến. Thời gian mà Ngài cho phép những ai sống trong tội có thể là cơ hội cuối cùng để họ nhận ra sự sai lầm và tìm kiếm sự tha thứ của Ngài. Đây là sự thể hiện tình yêu của Đức Chúa Trời, nhưng cũng là sự cảnh báo về sự nghiêm minh trong phán xét của Ngài. Sự kiên nhẫn của Ngài có mục đích dẫn dắt con người đến sự ăn năn và cứu chuộc.

Thưa Cha, khi con nhận được sự cáo trách từ Đức Thánh Linh hay từ các anh chị em cùng đức tin về lỗi lầm của con thì điều quan trọng là sự đáp ứng lại lời cáo trách đó của con. Con cần có một trái tim mềm mại và khiêm nhường, con nhận thức được rằng sự cáo trách đó là từ Chúa và là cơ hội để con sửa đổi và ăn năn. Con biết rằng đây không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng, bởi vì lòng kiêu căng và tự mãn có thể khiến cho con khó chấp nhận sự thật về những sai phạm của mình. Nhưng nếu con thật sự yêu mến Chúa và muốn sống thánh khiết theo ý Ngài thì con sẽ nhanh chóng tiếp nhận sự cáo trách và ăn năn. Sự ăn năn ở đây không chỉ là việc thú nhận tội lỗi mà còn là sự quay trở lại với Ngài khôi phục mối quan hệ với Ngài và bước đi trong sự công chính của Ngài. Đây là một phần thiết yếu trong quá trình trưởng thành thuộc linh và thể hiện tình yêu của con đối với Chúa.

Thưa Cha, qua việc suy ngẫm Lời Chúa trong phân đoạn Thánh Kinh sách Khải Huyền 11:1-6 cho con học được rằng Đức Chúa Trời không chỉ kiểm soát tất cả mọi sự mà Chúa còn có kế hoạch cứu chuộc tuyệt vời dành cho con cái Ngài dù phải trải qua những thử thách và sự đau khổ. Những bài học con rút ra cụ thể như sau:

+ Thứ nhất là dù thành thánh phải chịu bao sự giày xéo của các dân ngoại trong một thời gian dài nhưng Đức Chúa Trời vẫn bảo vệ và canh giữ chúng con những người tin cậy Ngài. Điều này nhắc nhở chúng con rằng, dù gặp phải sự chống đối hay bách hại thì Đức Chúa Trời luôn ở bên và sẽ bảo vệ chúng con.

+ Thứ hai là các thử thách, khổ nạn và sự bách hại đối với chúng con không phải là vô nghĩa mà Chúa có mục đích sâu sắc trong việc tôi luyện đức tin của chúng con. Thời gian thử thách này là để làm cho chúng con trưởng thành hơn trong đức tin và giúp chúng con nhận ra tầm quan trọng của sự kiên nhẫn, sự vững vàng trong sự cậy trông vào Chúa.

+ Thứ ba là Đức Chúa Trời cho phép các dân ngoại và những người chưa tin Chúa sống trong tội và phạm thượng trong một khoảng thời gian, nhưng mục đích cuối cùng của Ngài là kêu gọi họ ăn năn và quay lại với Ngài. Điều này dạy chúng con về lòng kiên nhẫn sự chịu đựng và tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với tất cả mọi người, cũng như sự nghiêm minh của phán xét Ngài khi thời gian ăn năn kết thúc.

+ Thứ tư là hai chứng nhân trong Khải huyền 11:3-6 là hình ảnh của những người được Đức Chúa Trời ủy thác sứ mạng tiên tri lời của Chúa. Họ không chỉ chịu đựng gian khổ mà còn được ban cho quyền lực đặc biệt để thực hiện các phép lạ, điều này chứng minh rằng sứ điệp của họ là từ Đức Chúa Trời không phải từ loài người. Điều này khuyến khích chúng con sống mạnh mẽ trong đức tin, trở thành những nhân chứng cho sự thật của Đức Chúa Trời trong thế gian.

+ Thứ năm là khi chúng con nhận sự cáo trách từ Đức Thánh Linh hoặc từ các anh chị em trong đức tin, chúng con cần đáp ứng bằng sự khiêm nhường mềm mại ăn năn, sửa đổi và phục hồi mối quan hệ với Chúa. Sự ăn năn này là bước quan trọng để chúng con tiến vào sự phục hồi tâm linh và sống trong sự công chính của Ngài.

Kính lạy Đức Chúa Trời, chúng con tạ ơn Ngài vì lời của Ngài trong Khải huyền 11:1-6, là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự kiên nhẫn và lòng trung tín trong những thời kỳ thử thách. Cảm tạ Ngài vì Ngài đã ban cho chúng con sức mạnh để đứng vững và làm chứng cho Ngài ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Chúng con xin Ngài tiếp tục làm cho đức tin của chúng con được tinh luyện qua mọi thử thách và giúp chúng con luôn nhìn thấy sự vinh hiển của Ngài trong những gì xảy ra xung quanh chúng con.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận biết rằng dù trong những lúc đau khổ, sự bách hại hay thử thách, Ngài vẫn luôn ở bên chúng con. Xin cho chúng con được vững vàng trong đức tin và luôn biết trông cậy vào sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Xin Ngài ban cho chúng con sức mạnh để trung tín và làm chứng cho sự công chính của Ngài cho dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào. Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những anh chị em cùng đức tin của chúng con đang đối diện với thử thách, xin Ngài ban cho họ sự an ủi và sức mạnh, giúp họ đứng vững trong Chúa và giữ vững đức tin vào Chúa cho đến cuối cùng.

Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jesus Christ. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
14/11/2024.

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ