Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

II Phi-e-rơ 3:10-18 Lời Hứa về Trời Mới Đất Mới

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu đời đời của chúng con, con kính dâng lên Cha lời cảm tạ và biết ơn về những ân điển của Cha ban cho con trong những ngày qua, Cha ban cho con sự bình an khi con phải đối diện với những nan đề trong cuộc sống, cho con thêm đức tin để con vững vàng bước đi theo Chúa, con cũng rất vui và cảm tạ Chúa trong thời gian gần đây Cha đã đưa dẫn những con chiên đi lạc được quay trở về nhà Cha. Thì giờ này Cha lại ban cho con thời gian để con ngồi suy ngẫm Lời của Chúa trong phân đoạn Thánh Kinh II Phi-e-rơ 3:10-18.

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh này là một lời cảnh báo và khích lệ từ Sứ Đồ Phi-e-rơ cho các Cơ-đốc Nhân. Ông nhắc nhở họ về sự trở lại của Chúa, điều sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm trong đêm. Ông nhấn mạnh rằng thế gian và mọi thứ trong đó sẽ qua đi, bị hủy diệt bởi lửa. Do đó mọi người được kêu gọi sống thánh khiết, đạo đức, vâng giữ những điều răn luật pháp của Chúa và luôn trông mong ngày Chúa đến.

Ông cũng khuyên mọi người kiên trì trong đức tin, không bị dẫn dắt bởi những kẻ ác, những tiên tri giả, giáo sư giả mà hãy phát triển trong ân điển và sự hiểu biết về Đức Chúa Jesus Christ. Sứ Đồ Phi-e-rơ cầu nguyện rằng sự vinh quang thuộc về Chúa từ nay cho đến mãi mãi. Và phân đoạn này còn là lời khích lệ các Cơ-đốc Nhân sống đời sống thánh khiết, kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa trở lại, và luôn giữ vững đức tin trong mọi hoàn cảnh.

Thưa Cha, câu "Ngày của Chúa" trong câu 10 là chỉ thời kỳ sau một ngàn năm bình an thì Sa-tan được thả ra nó quyến dụ thế gian phạm tội. Đây là một ngày bất ngờ và không ai có thể biết trước thời điểm chính xác, mà thì và giờ chỉ có Đức Chúa Cha mới biết mà thôi vì vậy nên được ví như "kẻ trộm trong đêm" đến bất ngờ. Ngày đó Chúa sẽ hủy phá toàn bộ thế gian này để xây dựng lên một “trời mới đất mới”.

Thưa Cha, các câu 10-12 mô tả một viễn cảnh về sự hủy diệt thế giới vật chất hiện tại. Đây có thể được hiểu là sự biến đổi triệt để và tái tạo lại toàn bộ tạo vật, để thay thế bởi "trời mới và đất mới" nơi sự công chính cư ngụ. Theo nghĩa bóng có thể hiểu việc hủy diệt này thể hiện sự thanh tẩy và làm mới một cách toàn diện mọi vật.

Thưa Cha, câu "nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình" trong câu 11 là ám chỉ việc sống một đời sống vâng giữ với tiêu chuẩn của Chúa, thể hiện qua những việc làm lành, lòng kính sợ Chúa, và giữ cho bản thân khỏi tội lỗi. Vì Chúa là thánh nên khi chúng con bước đi với Chúa thì chúng con cũng cần phải nên thánh. Trong mọi hành động và lối sống người tin Chúa phải phản ánh bản chất thánh thiện của Ngài.

Thưa Cha, câu "các tầng trời mới và đất mới" được gọi "là nơi sự công chính cư ngụ" trong câu 13. "Tầng trời mới và đất mới" là hình ảnh về một thế giới hoàn toàn mới, nơi mà sự công chính nghĩa là nơi mọi thứ đều theo tiêu chuẩn của Chúa sẽ thống trị, là nơi không có tội lỗi, bất công, hay đau khổ – chỉ có sự hiện diện của Chúa và sự công chính của Ngài mà thôi.

Thưa Cha, câu "được bình an, không tì, không vết" trong câu 14. Con hiểu rằng "Bình an" ở đây là một trạng thái tâm lý yên ổn và thanh thản của các con dân Chúa khi đặt niềm tin và hy vọng vào Ngài. Đây không chỉ là sự vắng bóng của lo lắng mà còn là một cảm giác an toàn, bảo vệ, và hài lòng sâu sắc, dù hoàn cảnh xung quanh có thể khó khăn hoặc bất ổn có xảy ra.

Sự bình an này đến từ việc chúng con tin rằng Chúa luôn ở bên, kiểm soát mọi tình huống, và Ngài có kế hoạch tốt lành cho cuộc đời của mỗi người. Trong Thánh Kinh, sự bình an của Chúa được miêu tả trong sách Phi-líp 4:7 "Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng của các anh chị em trong Đấng Christ Jesus", nghĩa là một sự bình an không phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, mà xuất phát từ mối quan hệ gần gũi với Chúa và sự tin cậy vào Chúa.

Khi chúng con sống trong sự bình an của Chúa thì chúng con không chỉ cảm nhận được sự an ủi trong tâm hồn, mà còn có sự can đảm và hy vọng khi đối diện với thử thách và khó khăn. Sự bình an này là món quà từ Chúa được ban cho những ai tìm kiếm và đặt niềm tin nơi Ngài.
Còn từ "Không tì, không vết" ám chỉ sự tinh sạch, không bị ảnh hưởng bởi tội lỗi hay sự ô uế. Đây là tình trạng mà các cơ đốc nhận được kêu gọi để đạt đến khi nhờ vào ân điển của Chúa.

Thưa Cha, trong câu 16 "những kẻ dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa" của Thánh Kinh thì "chuốc lấy sự hư mất riêng cho chúng nó”, con hiểu rằng những kẻ dốt nát và không vững chắc là những kẻ không có kiến thức hay sự vững chắc trong đức tin hay sự hiểu biết Lời Chúa dễ bị lầm lạc và diễn giải sai lạc ý nghĩa của Lời Chúa trong Thánh Kinh. Điều này vô cùng nguy hiểm vì có câu “sai một ly đi một dặm” chính vì việc hiểu sai ý nghĩa của Lời Chúa mà có thể dẫn đến hành động và niềm tin sai lầm, dẫn đến sự hư mất đời đời cho chính họ. Và điều đặc biệt còn nguy hiểm hơn nữa nếu những người này là những người có chức vụ khi họ hiểu sai thì họ sẽ đưa dẫn những người khác đi sai đường như họ, họ giống như những ông được gọi là mục sư trong các giáo hội Tin Lành và các linh mục trong Giáo Hội Công Giáo hay những người trong Giáo Hội Ân Tứ Ngũ Tuần.
Để không "bị dẫn đi sai lạc bởi sự lầm lạc của những kẻ ác, mà mất sự vững vàng của mình" thì con cần phải giữ sự cẩn trọng, luôn bám chặt vào chân lý của Lời Chúa trong Thánh Kinh và không để bản thân bị lôi kéo bởi những giáo lý sai lạc. Bằng cách so sánh lời họ rao giảng với Lời Chúa trong Thánh Kinh, đồng thời con cũng nhìn xem đời sống của họ có chiếu ra những bông trái thánh linh không? Điều này đòi hỏi sự cảnh giác và có một đời sống cầu nguyện luôn tương giao với Chúa, suy ngẫm Lời Chúa ngày và đêm để cẩn thận làm theo và đồng thời con cần có đức tin mạnh mẽ vào sự quan phòng và kế hoạch của Chúa.

Thưa Cha, để "tấn tới" trong ân điển và sự hiểu biết Chúa, thì các con dân của Chúa cần phải liên tục tìm kiếm và sống theo sự chỉ dẫn của Chúa qua việc đọc Thánh Kinh, cầu nguyện, tham dự vào những linh vụ của Hội Thánh và làm theo tấm gương sống của Đức Chúa Jesus Christ. Sự tấn tới này là một quá trình không ngừng nghỉ của chúng con và cần có sự kiên trì, lòng khao khát được gần Chúa hơn mỗi ngày.

Thưa Cha, con tin rằng thế giới vật chất này sẽ qua đi như lời tiên tri của Sứ Đồ Phi-e-rơ vì con tin rằng Thánh Kinh chính là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời nên Thánh Kinh sẽ luôn đúng, khi nhìn vào những lời tiên tri của Chúa trong Thánh Kinh về ngày Chúa sẽ trở lại thì con nhìn thấy ngày đó đang dần hiện ra và rất có thể nó sẽ xảy ra trong thế hệ của chúng con. Khi năm xưa cũng vì tội lỗi của thế gian đã tràn lan trên đất là Chúa đã giáng cơn đại hồng thủy để nhấn chìm toàn bộ thế gian chỉ để lại gia đình ông Nô-ê là những người có lòng kính sợ Chúa ở lại. Còn ngày nay thì con cũng nhìn thấy những sự tội lỗi gớm ghiếc này đang ngày càng nhiều trên thế giới, nơi mà những sự xấu xa tội lỗi lại được phơi bày một cách công khai không còn thấy xấu hổ nữa đó là sự đồng tính luyến ái, sự phá thai,... hay vừa rồi tại buổi lễ khai mạc Ô-lim-pic Pari 2024 người ta đã công khai tôn vinh những người đồng tính và nhạo báng những người có đức tin vào Chúa.

Sống trong thế gian đầy tội lỗi này con cũng như các Cơ-đốc nhân khác phải luôn giữ mình nên thánh không tỳ không vết đó cũng là điều kiện để con có thể được ở gần Chúa. Đó là mục tiêu liên tục và đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong đời sống hằng ngày của mỗi chúng con. Để giữ mình nên thánh thì con cần sống theo Lời Chúa, cầu nguyện, ăn năn tội lỗi, và nhờ cậy ân điển của Chúa. Đồng thời con cần tránh xa những cám dỗ và môi trường xấu, và duy trì mối quan hệ thân mật với Chúa qua việc đọc Thánh Kinh hằng ngày và tham gia vào các linh vụ của Hội Thánh.

Thưa Cha, ngày nay con thấy có những kẻ dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa Lời Chúa trong các giáo hội mang danh Chúa cũng rất nhiều, họ là những người trong Giáo Hội Công Giáo họ rao giảng rằng ngày Sa-bát của Chúa đã chuyển sang ngày Chủ Nhật, rồi khi chết thì con người ta phải qua ngục luyện tội sau đó mới được về Thiên Đàng họ đã phủ nhận máu chuộc tội của Đức Chúa Jesus không đủ để giúp con người ta được sạch tội. Hay có những người họ giảng rằng con người ta được cứu một lần thì sẽ được cứu vĩnh viễn, sau khi tin nhận Chúa rồi thì có thể tha hồ phạm tội vì ân điển của Chúa thì họ sẽ được tha thứ hết. Đó là một sự giảng dạy sai lầm mà sẽ đưa con người ta đi vào sự hư mất đời đời thưa Cha.

Để nhận biết những lời giải thích đó có đúng với Thánh Kinh thì con cần phải có sự học hỏi Lời Chúa mỗi ngày, con cần tương giao với Chúa và được hướng dẫn bởi sự soi sáng của Đức Thánh Linh và lấy Lời Chúa trong Thánh Kinh làm gốc để so sánh.

Thưa Cha, khi bước đi với Chúa con cần luôn tấn tới trong ân điển và trong sự hiểu biết Chúa vì đây cũng là mục tiêu mà con cần hướng tới, dù con biết rằng đó là một hành trình lâu dài liên tục và đầy khó khăn thử thách đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng khao khát, và sự dựa dẫm vào ân điển của Chúa.

Khi một người con dân Chúa được tấn tới trong mối quan hệ với Chúa, thì chúng con thường cảm nhận được sự an ủi, sự trưởng thành trong đức tin, và sự bình an sâu sắc hơn trong tâm hồn khi chúng con đối diện với các nan đề trong cuộc sống.
Thưa Cha, qua phân đoạn Thánh Kinh trên cũng cho con rút ra những bài học sâu sắc cho chính con:

+ Về sự chắc chắn về ngày của Chúa: Ngày của Chúa sẽ đến bất ngờ và không thể đoán trước, giống như một kẻ trộm trong đêm. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị sẵn sàng và sống cuộc đời theo ý muốn của Chúa.

+ Về sự hủy diệt và đổi mới của thế giới vật chất: Toàn bộ thế giới vật chất sẽ bị hủy diệt và biến mất. Dù thế giới hiện tại sẽ qua đi, nhưng chúng con có hy vọng về một "tầng trời mới và đất mới" nơi mà sự công chính cư ngụ. Đây là niềm hy vọng và động lực để sống đời sống ngay thẳng và trung tín của mỗi con dân Chúa.

+ Về sự bình an trong mối quan hệ với Chúa: Các Cơ-đốc Nhân được sống cuộc sống bình an, không tì vết, trong sự chuẩn bị cho ngày của Chúa đến. Sự bình an này đến từ mối quan hệ gần gũi với Chúa và sự sống theo Lời Ngài.

+ Luôn cảnh giác với sự xuyên tạc Thánh Kinh: Con dân Chúa phải luôn cảnh giác và tỉnh thức với những lời rao giảng của những người thiếu hiểu biết có thể giải thích sai Lời Chúa, dẫn đến sự lầm lạc. Điều này cảnh báo về sự cần thiết phải đọc, nghiên cứu Thánh Kinh cẩn thận và thận trọng khi tiếp nhận những lời rao giảng về Lời Chúa.

+ Về duy trì sự vững vàng trong đức tin: Để không bị dẫn đi sai lạc, các Cơ-đốc Nhân cần phải cẩn thận và giữ vững sự vững vàng trong đức tin của mình. Điều này bao gồm việc học hỏi, cầu nguyện, và sống theo Lời của Chúa trong Thánh Kinh.

+ Về sự tăng trưởng trong ân điển và sự hiểu biết Chúa: Những con dân của Chúa được khuyến khích không ngừng tấn tới trong ân điển và sự hiểu biết về Lời Chúa. Sự tấn tới này đòi hỏi nỗ lực liên tục, kiên trì và sự phụ thuộc vào ân điển của Chúa.

Cảm tạ Chúa đã ban cho con những bài học quý giá này, qua đây nhấn mạnh sự cần thiết con dân Chúa phải sống một đời sống thánh khiết, giữ vững đức tin, và trông cậy vào sự hướng dẫn và ân điển của Chúa khi chờ đợi ngày Ngài trở lại.

Nguyện Lời Chúa là linh lương nuôi dưỡng cho con trong bước đường con bước đi với Chúa, xin Đức Thánh Linh cũng ban cho cho sự khôn sáng và sự tỉnh thức để con luôn sống vâng theo Lời của Chúa mỗi ngày. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Bùi Thành Chinh

18/08/2024

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ