Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Công Vụ Các Sứ Đồ 4:23-31 Lòng Dạn Dĩ của Hội Thánh

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì con luôn được sống trong sự quan phòng che chở của Ba Ngôi Thiên Chúa, con cầu xin Đức Thánh Linh ban cho con sự khôn sáng để con có thể đọc, hiểu được Lời của Ngài trong phân đoạn Thánh Kinh sách Công Vụ Các Sứ Đồ 4:23-31, sau đây là những suy ngẫm của con trong phân đoạn Thánh Kinh này:

23 Được thả ra, họ đã đến với các anh chị em mình, thuật lại mọi điều các thầy tế lễ và các trưởng lão đã nói với họ.
24 Những người nghe đã đồng lòng cất tiếng lên Đức Chúa Trời rằng: "Lạy Đấng Chủ Tể, Ngài là Đức Chúa Trời đã dựng nên trời, đất, biển, cùng muôn vật trong chúng. [Xuất Ê-díp-tô Ký 20:11]
25 Bởi miệng của tôi tớ Ngài là Đa-vít, Ngài đã phán: "Vì sao các dân tộc nổi giận và các dân nghị định những sự vô ích?
26 Các vua trên đất đã đứng lên, các kẻ cầm quyền đã cùng hiệp nhau, nghịch lại Chúa và nghịch lại Đấng Christ của Ngài." [Thi Thiên 2:1-2]
27 Vì cả Hê-rốt và Bôn-xơ Phi-lát, với các dân tộc và dân I-sơ-ra-ên thật đã nhóm hiệp để nghịch lại Con Thánh của Ngài là Jesus mà Ngài đã xức dầu,
28 để làm mọi việc tay Ngài và ý Ngài đã định trước cho hoàn thành.
29 Giờ đây, Lạy Chúa, xin xem xét những sự hăm dọa của họ, và ban cho các tôi tớ của Ngài với hết thảy sự dạn dĩ để họ nói Lời của Ngài.
30 Xin Ngài đưa ra tay của Ngài cho sự chữa lành, và những dấu lạ cùng những phép lạ được hoàn thành qua danh Con Thánh của Ngài là Jesus."
31 Khi họ đã cầu nguyện, trong nơi mà họ nhóm lại đã rúng động. Hết thảy họ đã được đầy dẫy thánh linh, họ đã giảng Lời của Đức Chúa Trời với sự dạn dĩ.

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên thuật lại sự kiện Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng sau khi được thả ra đã trở về với các tín hữu và thuật lại mọi điều các thầy tế lễ và các trưởng lão đã nói với họ. Khi nghe xong, các tín hữu đồng lòng cầu nguyện, tôn vinh Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Đấng đã dựng nên trời, đất, biển và muôn vật. Họ trích dẫn lời tiên tri trong Thi Thiên 2:1-2, nói về sự chống đối của các vua chúa trần gian đối với Đấng Christ, và nhận thấy rằng điều này đã ứng nghiệm khi Hê-rốt, Phi-lát, dân ngoại và dân I-sơ-ra-ên cùng hiệp lại để chống nghịch Đức Chúa Jesus. Dù vậy, họ tin rằng mọi sự xảy ra đều nằm trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Trong lời cầu nguyện, họ không xin sự bảo vệ cho bản thân mà xin Chúa ban cho họ sự dạn dĩ để tiếp tục giảng dạy của Lời Ngài, đồng thời xin Chúa thực hiện những dấu lạ và phép lạ qua danh Đức Chúa Jesus. Ngay khi họ cầu nguyện xong, nơi họ nhóm lại đã rúng động, một dấu hiệu cho thấy Đức Thánh Linh đang hành động mạnh mẽ. Tất cả đều được đầy dẫy thánh linh và tiếp tục giảng đạo cách dạn dĩ. Phân đoạn này cho con thấy sự hiệp một trong sự cầu nguyện, sự tin cậy vào chương trình của Đức Chúa Trời, lòng can đảm trong sứ mệnh rao truyền Tin Lành, và quyền năng của Đức Thánh Linh giữa vòng các tín hữu.

Thưa Cha, con nghĩ rằng điều đã thôi thúc Hội Thánh đầu tiên đồng lòng cầu nguyện khi nghe những lời hăm dọa đó chính là niềm tin tuyệt đối vào quyền tể trị của Đức Chúa Trời và sự khao khát trung tín trong sứ mệnh rao giảng Tin Lành. Ở đây con thấy họ không sợ hãi hay tìm cách trốn tránh sự bách hại, mà thay vào đó, họ chạy đến với Chúa trong sự cầu nguyện, nhận biết rằng sự chống đối từ các nhà cầm quyền đã được tiên tri từ trước trong sách Thi Thiên 2:1-2. Họ hiểu rằng sự bắt bớ không phải là điều bất ngờ hay ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời, mà là một phần trong kế hoạch lớn lao của Ngài. Điều đáng chú ý là con thấy họ không cầu xin sự bảo vệ hay an toàn cho bản thân, mà xin Chúa ban cho họ sự dạn dĩ để tiếp tục giảng dạy Lời của Ngài và xin Ngài thực hiện các dấu kỳ, phép lạ để bày tỏ vinh quang quyền năng của Ngài. Chính niềm tin mạnh mẽ vào Chúa và sứ mệnh Ngài giao đã khiến họ hiệp một trong sự cầu nguyện. Kết quả là Chúa đã đáp lời họ cách mạnh mẽ trong câu 31: “trong nơi mà họ nhóm lại đã rúng động. Hết thảy họ đã được đầy dẫy thánh linh, họ đã giảng Lời của Đức Chúa Trời với sự dạn dĩ.”

Thưa Cha, con cũng thấy sự hiệp nhất trong Hội Thánh được thể hiện rõ ràng qua cách các tín hữu cùng nhau đối diện với sự bắt bớ. Ngay khi Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng được thả ra, họ không đơn độc mà lập tức tìm đến anh chị em trong Chúa để thuật lại những gì đã xảy ra. Điều này cho con thấy Hội Thánh đầu tiên không chỉ là những cá nhân riêng lẻ, mà là một thân trong Đấng Christ, cùng chia sẻ niềm tin và nâng đỡ nhau. Sự hiệp nhất của họ được thể hiện rõ nhất qua sự cầu nguyện, khi cả Hội Thánh đồng lòng hướng về Đức Chúa Trời, không ai cầu nguyện cho riêng mình mà tất cả cùng tìm kiếm ý muốn của Chúa. Họ không cầu xin sự bảo vệ hay an toàn, nhưng cầu xin Chúa ban cho họ sự dạn dĩ để tiếp tục giảng Lời Ngài. Họ cũng cùng nhận biết rằng sự bách hại họ đang đối diện không phải là điều bất ngờ, mà đã được tiên tri trong Thánh Kinh từ trước. Chính sự hiệp một trong đức tin giúp họ mạnh mẽ hơn, không bị lung lay hay sợ hãi trước những lời hăm dọa. Và Chúa đã đáp lời sự hiệp một đó cách mạnh mẽ khi tại nơi họ nhóm lại rúng động, tất cả đều được đầy dẫy thánh linh và tiếp tục rao giảng Lời Chúa cách dạn dĩ. Điều này cho con thấy rằng khi Hội Thánh cùng hiệp một trong sự cầu nguyện và đặt trọn niềm tin nơi Chúa, thì Ngài sẽ hành động một cách đầy quyền năng. Sự hiệp nhất không chỉ là cùng nhóm lại, mà là cùng có một đức tin, cùng một mục tiêu và một lòng hướng về Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, con nhận thấy rằng trước khi các tín hữu trình bày lời cầu xin, họ đã xưng nhận Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Đấng dựng nên trời, đất, biển và muôn vật. Tại vì ở đây họ muốn thể hiện một đức tin mạnh mẽ và sự thờ phượng chân thành. Họ bắt đầu lời cầu nguyện bằng cách khẳng định quyền tể trị của Đức Chúa Trời, để nhắc nhở chính mình rằng Đấng mà họ đang kêu cầu có quyền trên tất cả, ngay cả là những kẻ đang bắt bớ họ. Điều này giúp cho họ củng cố đức tin và lòng tin cậy, không bị nao núng bởi những thế lực con người, nhưng nhận biết rằng mọi điều xảy ra đều nằm trong chương trình của Chúa. Họ cũng nhìn hoàn cảnh dưới ánh sáng của Lời Chúa, trích dẫn Lời Chúa trong sách Thi Thiên 2:1-2 để hiểu rằng sự chống đối Đấng Christ đã được tiên tri từ trước, và điều đó đã chứng minh rằng kế hoạch của Chúa đang được ứng nghiệm. Hơn nữa, sự xưng nhận này cho con thấy được tấm lòng thờ phượng và khiêm nhường, đặt Chúa vào đúng vị trí của Ngài là Đấng nắm quyền trên muôn vật. Điều này chuẩn bị cho lòng họ để họ cầu nguyện không phải trong sự sợ hãi, mà trong sự dạn dĩ, xin Chúa ban quyền năng để tiếp tục công việc của Ngài giao phó.

Thưa Cha, con nhận thấy rằng những lời cầu nguyện của các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên thể hiện sự tin cậy tuyệt đối nơi Đức Chúa Trời một cách rõ ràng và mạnh mẽ. Trước hết, họ không cầu xin Chúa cất đi sự bắt bớ hay khó khăn mà họ đang phải đối diện, mà thay vào đó, họ cầu xin Chúa ban cho họ sự dạn dĩ để tiếp tục rao giảng Lời Ngài (câu 29). Điều này cho con thấy họ hoàn toàn tin cậy vào quyền năng và sự tể trị của Chúa, rằng dù họ có bị chống đối hay đe dọa, thì kế hoạch của Ngài vẫn sẽ được hoàn thành. Họ không tìm cách thay đổi hoàn cảnh theo ý riêng mình, mà xin Chúa giúp cho họ đứng vững trong đức tin và thực hiện công việc Ngài giao phó. Hơn nữa, khi cầu nguyện, con thấy họ nhắc lại rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Đấng cầm quyền trên trời, đất, biển và muôn vật (câu 24). Điều này cho con thấy rằng họ không nhìn vào hoàn cảnh bằng con mắt xác thịt lo sợ, nhưng nhìn vào Chúa bằng sự tin cậy trọn vẹn. Họ biết rằng dù các vua chúa và người cầm quyền có mưu kế chống lại Đấng Christ, thì mọi việc vẫn đang diễn ra đúng theo chương trình kế hoạch của Đức Chúa Trời (câu 27-28). Điều này giúp họ giữ được sự bình an, vì họ hiểu rằng Chúa mới là Đấng kiểm soát mọi sự, chứ không phải con người. Ngoài ra, họ cũng cầu xin Chúa thực hiện những dấu lạ và phép lạ qua danh Đức Chúa Jesus (câu 30), thể hiện một niềm tin vững chắc rằng Chúa không chỉ là Đấng Toàn Năng trong quá khứ, mà Ngài vẫn đang hành động trong hiện tại. Họ tin rằng quyền năng của Chúa sẽ tiếp tục được bày tỏ để xác nhận Tin Lành, khiến nhiều người nhận biết Ngài. Cuối cùng, sự đáp lời của Chúa ngay lập tức sau khi họ cầu nguyện (câu 31) chính là một minh chứng cho đức tin của họ. Chúa đã làm rúng động tại nơi họ nhóm lại và đổ đầy thánh linh trên họ, giúp họ tiếp tục giảng Lời Chúa một cách dạn dĩ hơn. Điều này cho con thấy rằng khi đặt trọn niềm tin nơi Chúa, thì Ngài sẽ ban cho con dân Ngài sự sức mạnh và sự hiện diện của Ngài để họ không nao núng trước thử thách.

Thưa Cha, con thấy một điều thật đặc biệt trong lời cầu nguyện của các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên. Thay vì xin Chúa bảo vệ họ khỏi những kẻ bách hại, thì con lại thấy họ cầu xin Chúa ban cho họ sự dạn dĩ để tiếp tục rao giảng Lời của Chúa. Điều này cho con thấy họ không xem sự bắt bớ là một điều bất ngờ hay nằm ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời. Vì con nghĩ rằng họ hiểu sự chống đối này đã được báo trước trong sách Thi Thiên 2:1-2, nơi nói về việc các vua trên đất nổi dậy chống nghịch lại Đấng Christ. Nên con thấy họ đã không tìm cách trốn tránh thử thách, mà chấp nhận rằng đây là một phần trong kế hoạch của Chúa, và điều họ cần không phải là sự an toàn, mà là sự can đảm để trung tín với sứ mạng Chúa đã giao phó. Hơn nữa, con nghĩ rằng họ hiểu mục đích quan trọng nhất không phải là sự an toàn của chính mình, mà là sự lan rộng của Tin Lành. Nếu ở đây họ lại xin Chúa bảo vệ họ khỏi sự bắt bớ, thì có thể họ sẽ bị cám dỗ rao giảng cách thận trọng hơn, nhún nhường hơn hoặc thậm chí là im lặng. Nhưng con biết rằng điều đó không phải là ý muốn của Chúa. Ngược lại, ở đây con thấy họ cầu xin sự dạn dĩ vì họ biết rằng Tin Lành phải được rao truyền cách mạnh mẽ, bất chấp những sự đe dọa và nguy hiểm. Họ không sợ những gì con người có thể làm với họ, vì họ tin chắc rằng Chúa là Đấng đang cầm quyền trên tất cả. Họ cũng đã tận mắt chứng kiến cách Đức Chúa Trời hành động qua họ, làm nhiều phép lạ, chữa lành và bày tỏ quyền năng Ngài. Vì thế, họ không muốn sự sợ hãi ngăn trở họ, mà họ muốn tiếp tục trở thành công cụ cho quyền năng Chúa được bày tỏ. Họ không xin Chúa dẹp yên kẻ thù những kẻ đang bắt bớ bách hại họ, nhưng xin Chúa tiếp tục làm những dấu kỳ, phép lạ qua danh Đức Chúa Jesus (câu 30), để cho danh Ngài được vinh hiển và nhiều người được cứu.

Thưa Cha, sự dạn dĩ của các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên con nghĩ rằng không chỉ là một tấm gương sáng trong thời bấy giờ, mà còn trở thành động lực mạnh mẽ cho đời sống đức tin của chúng con ngày hôm nay. Khi họ đã đối diện với sự bắt bớ, sự đe dọa từ những nhà cầm quyền, nhưng họ không cầu xin Chúa loại bỏ khó khăn, mà họ xin sự dạn dĩ để tiếp tục trung tín trong sứ mạng rao giảng Tin Lành. Điều này nhắc nhở con rằng đức tin thật không phải là sự an toàn, mà là sự vâng phục Chúa trong mọi hoàn cảnh. Ngày nay, con có thể không phải đối diện với sự bắt bớ theo cách họ đã trải qua, nhưng sự sợ hãi, áp lực từ xã hội và những thử thách trong đời sống có thể khiến con ngần ngại trong việc sống cho Chúa. Khi con đọc về sự dạn dĩ của họ, con được nhắc nhở rằng Chúa không kêu gọi con sống một đức tin thụ động và yếu đuối, mà Ngài kêu gọi con đứng vững, mạnh mẽ và can đảm rao giảng Tin Lành Cứu Rỗi của Ngài. Đức tin không phải chỉ giữ Chúa cho riêng mình, mà là dạn dĩ chia sẻ tình yêu Ngài với thế gian, dù con có thể bị chế giễu, bị hiểu lầm hay gặp khó khăn. Hơn nữa, con nhận thấy rằng sự dạn dĩ không đến từ chính bản thân con, mà đến từ Đức Thánh Linh. Vì con thấy sau khi họ cầu nguyện, Chúa đã đổ đầy thánh linh của Chúa trên họ, và họ giảng Lời Ngài cách dạn dĩ hơn nữa (câu 31). Điều này dạy con rằng nếu con muốn có sự dạn dĩ trong đức tin, con không thể dựa vào sức riêng mình, mà cần tìm kiếm Chúa trong sự cầu nguyện và để Đức Thánh Linh hướng dẫn, ban quyền năng cho con. Sự dạn dĩ của họ cũng nhắc nhở con rằng Tin Lành của Đức Chúa Jesus là điều quý giá đến mức họ sẵn sàng đánh đổi mọi sự để rao giảng, ngay cả khi đối diện với nguy hiểm. Điều này đặt câu hỏi cho con: Liệu con có sẵn sàng hy sinh điều gì đó để trung tín với Chúa không? Nếu các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên đã sẵn sàng đối diện với bắt bớ vì Tin Lành, thì ngày nay con cũng không có lý do gì để e ngại hay giữ đức tin của mình trong im lặng cả.

Thưa Cha, con nhận ra rằng Đức Thánh Linh đóng vai trò quan trọng trong việc ban cho các tín hữu sự dạn dĩ để rao giảng Lời Chúa. Họ không tự mình mạnh mẽ, nhưng khi cầu nguyện, Chúa đã đổ đầy thánh linh trên họ, khiến họ giảng dạy cách mạnh mẽ hơn (câu 31). Điều này cho con thấy rằng sự dạn dĩ trong đức tin không đến từ con người, mà từ quyền năng của Đức Thánh Linh. Ngài không chỉ ban sức mạnh mà còn làm phép lạ qua họ để xác nhận Lời Chúa (câu 30). Hơn nữa, Đức Thánh Linh luôn đồng hành, đổi mới và hướng dẫn họ, giúp họ kiên trì bất chấp khó khăn. Qua đó, con học được rằng con không thể rao giảng Lời Chúa bằng sức riêng mình, nhưng cần tìm kiếm Đức Thánh Linh, để Ngài ban quyền năng và sự dạn dĩ mỗi ngày để con được mạnh mẽ trong sứ mệnh mà Ngài giao phó.

Thưa Cha, con nhận thấy hiện tượng “rúng động” ở đây không chỉ là một sự kiện vật lý, mà còn là một dấu chỉ mạnh mẽ về sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa vòng các môn đồ. Con nhớ lại rằng trong Thánh Kinh, mỗi khi Chúa hành động cách quyền năng, thường có những sự kiện kỳ diệu xảy ra, như khi Ngài hiện ra trên Núi Si-na-i hay lúc bức màn trong đền thờ bị xé đôi khi Đức Chúa Jesus chịu chết trên thập tự giá. Sự rúng động này chính là lời xác nhận của Chúa rằng Ngài đã nhậm lời cầu xin của các môn đồ, ban cho họ sự dạn dĩ để tiếp tục rao giảng Tin Lành dù phải đối diện với sự bách hại. Con nhận ra rằng khi Chúa làm "rúng động" một điều gì đó, nghĩa là Ngài đang hành động để đổi mới và biến đổi. Điều đó khiến con tự hỏi: Có khi nào Chúa cũng muốn làm rúng động tâm linh con không? Có khi nào Ngài muốn phá vỡ sự sợ hãi, nghi ngờ trong lòng con, để con trở nên một chứng nhân mạnh mẽ cho Ngài? Con không muốn chỉ là một tín hữu đứng yên thụ động, mà con muốn được đầy dẫy thánh linh, mạnh mẽ rao giảng Tin Lành, giống như các môn đồ khi xưa. Xin Chúa làm rúng động lòng con, để con không còn sống trong sự e dè, nhưng luôn mạnh mẽ, dạn dĩ bước đi trong kế hoạch Ngài dành cho con.

Thưa Cha, sau khi đọc và suy ngẫm Lời Chúa trong phân đoạn Công Vụ Các Sứ Đồ 4:23-31, con rút ra nhiều bài học quan trọng cho đời sống đức tin. Trước hết, con học được rằng sự hiệp một trong cầu nguyện là điều vô cùng quan trọng. Khi đối diện với khó khăn, thay vì đơn độc chiến đấu, con cần đến với Hội Thánh, cùng nhau dâng lên Chúa những lời cầu xin, vì khi Hội Thánh hiệp một, Ngài sẽ hành động cách đầy quyền năng. Bên cạnh đó, con nhận thấy rằng các môn đồ không cầu xin Chúa cất đi sự bắt bớ, mà họ xin Ngài ban cho họ sự dạn dĩ để tiếp tục rao giảng Tin Lành. Điều này nhắc nhở con rằng thay vì tìm kiếm một cuộc sống dễ dàng, con nên xin Chúa ban cho lòng can đảm để trung tín với Ngài dù phải đối diện với khó khăn thử thách.

Hơn nữa, con nhận ra rằng Chúa luôn đáp lời cầu nguyện của con theo cách riêng của Ngài. Ngài không chỉ nhậm lời các môn đồ mà còn bày tỏ sự hiện diện của Ngài qua sự rúng động của nơi họ nhóm lại. Điều đó khẳng định rằng khi con cầu nguyện với tấm lòng chân thành, Chúa sẽ hành động, dù không phải lúc nào cũng theo ý con, nhưng chắc chắn là theo kế hoạch tốt nhất của Ngài dành cho con. Đặc biệt, con thấy rằng sự đầy dẫy thánh linh là yếu tố quan trọng giúp con mạnh mẽ trong đức tin. Khi các môn đồ nhận được thánh linh, họ không còn sợ hãi mà dạn dĩ rao giảng Lời Chúa. Điều này khiến con hiểu rằng con không thể sống đời sống Cơ-đốc nhân bằng sức riêng của mình, mà cần để Đức Thánh Linh hướng dẫn, ban quyền năng và giúp con vững vàng trong mọi hoàn cảnh.

Sau tất cả, con nhận ra quyền năng tuyệt đối của Chúa trong Hội Thánh. Dù các thế lực trần gian có tìm cách chống đối, kế hoạch của Ngài vẫn sẽ được thực hiện. Ngài có thể làm rúng động không chỉ những nơi chốn vật lý, mà còn rúng động tâm linh con, biến đổi con từ một người yếu đuối thành một người mạnh mẽ trong đức tin. Chính vì vậy, con muốn sống một đời sống không thụ động, không sợ hãi, nhưng luôn sẵn sàng vâng phục, bước đi theo sự hướng dẫn của Ngài.

Con cảm tạ Ngài vì Lời Chúa đã dạy dỗ con hôm nay. Xin Chúa giúp con luôn hiệp một trong cầu nguyện, không sợ hãi trước thử thách, nhưng dạn dĩ rao giảng Tin Lành. Xin thánh linh của Chúa đổ đầy trên con, ban cho con sức mạnh để trung tín và bước đi theo ý muốn Ngài. Cầu xin Chúa giúp con biến đổi mỗi ngày để con không sống thụ động nhưng mạnh mẽ trong đức tin. Xin Ngài hướng dẫn con để con luôn sống đẹp lòng Ngài. Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
18/03/2025

***

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ