Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả
Bài này thuộc chủ đề: Khải Huyền 13:1-10 AntiChrist

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì con luôn được sống trong sự quan phòng che chở của Ba Ngôi Thiên Chúa, thì giờ này Cha lại ban cho con thì giờ để con suy ngẫm Lời của Ngài trong sách Khải Huyền 13:1-10.

1 Tôi đã thấy một con thú có mười sừng và bảy đầu lên từ biển. Trên các sừng của nó có mười cái mão. Trên các đầu của nó có các danh phạm thượng.
2 Con thú mà tôi đã thấy đã giống như một con beo, chân của nó như chân của gấu, miệng của nó như miệng của sư tử. Con rồng đã ban cho nó quyền lực của mình, ngai của mình, và thẩm quyền lớn.
3 Một trong các đầu của nó như đã bị thương đến chết và vết thương chí tử của nó đã được lành. Cả thế gian trầm trồ về con thú.
4 Họ đã thờ phượng con rồng, kẻ đã ban thẩm quyền cho con thú. Họ đã thờ phượng con thú, nói rằng: "Ai giống như con thú? Ai có thể gây chiến với nó?"
5 Đã được ban cho nó một cái miệng nói những sự vĩ đại và những lời phạm thượng. Đã được ban cho nó thẩm quyền hành động trong bốn mươi hai tháng.
6 Nó đã mở miệng của nó cho những lời phạm thượng đến Đức Chúa Trời, phạm thượng Danh của Ngài và Đền Tạm của Ngài, cùng những ai cư trú trên trời.
7 Đã được ban cho nó gây chiến với những thánh đồ và thắng họ. Đã được ban cho nó thẩm quyền cai trị trên mọi chi tộc, dân, ngôn ngữ, và quốc gia.
8 Hết thảy cư dân trên đất sẽ thờ phượng nó. Những kẻ tên của chúng, từ khi lập nền thế gian, đã không được ghi trong Sách Sự Sống của Chiên Con đã bị giết. [Khải Huyền 17:8]
9 Nếu ai có tai, hãy nghe!
10 Nếu ai bắt người vào trong sự cầm tù nó sẽ đi vào sự cầm tù. Nếu ai giết người bằng gươm nó phải bị giết bằng gươm. Đây là sự nhẫn nại và đức tin của những thánh đồ.

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên mô tả sự xuất hiện của một con thú từ biển, hình ảnh tượng trưng cho các quyền lực thế gian bị Sa-tan điều khiển nhằm chống lại Đức Chúa Trời và bách hại dân sự của Ngài. Con thú nhận quyền năng từ con rồng (Sa-tan) và được phép hành động trong 42 tháng, nó gây ra sự sợ hãi và cám dỗ khiến nhiều người trên đất thờ phượng nó. Tuy nhiên, chỉ những ai không có tên trong Sách Sự Sống mới đi theo con thú này. Phân đoạn này nhấn mạnh rằng dân sự của Chúa được kêu gọi giữ vững đức tin và sống nhẫn nại trong sự bách hại, không tìm cách trả thù nhưng phó thác sự công bình cho Đức Chúa Trời. Lời kêu gọi khích lệ họ tin cậy vào sự bảo đảm rằng danh họ đã được ghi trong Sách Sự Sống của Chiên Con từ trước khi lập nền thế gian.

Thưa Cha, hình ảnh “mười sừng và bảy đầu lên từ biển” trong Khải Huyền 13:1 con hiểu đó là biểu trưng cho sức mạnh, quyền lực, và bản chất gian ác phức tạp của các đế chế hoặc hệ thống chính trị do Sa-tan điều khiển. Biển, trong bối cảnh này, tượng trưng cho thế gian hỗn loạn hoặc các dân tộc, quốc gia, nơi con thú trỗi dậy, cho thấy nguồn gốc của nó không thuộc về Đức Chúa Trời. Mười sừng đại diện cho quyền lực quân sự hoặc chính trị toàn diện, trong khi bảy đầu biểu trưng cho các lãnh đạo, đồng thời nhấn mạnh sự hoàn thiện trong bản chất gian ác của nó. Số bảy, vốn thường biểu thị sự hoàn hảo trong Thánh Kinh, ở đây được dùng để ám chỉ sự hoàn thiện trong mưu mô tội ác. Điều này khẳng định rằng quyền lực của con thú không chỉ mạnh mẽ mà còn được Sa-tan điều hành với một kế hoạch gian ác rõ ràng.

Thưa Cha, trong Khải Huyền 13:1 được gọi là "con thú" theo con nghĩ là vì để nhấn mạnh bản chất hung dữ, tàn bạo và vô nhân đạo của các quyền lực thế gian, đặc biệt là những thế lực đang chống lại Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài. Từ "con thú" tượng trưng cho sự dã man, sự thao túng vô cảm và quyền lực độc tài của các chính quyền hay hệ thống quyền lực do Sa-tan điều khiển. Điều này tạo ra sự tương phản rõ rệt với sự thánh khiết, tình yêu thương và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Qua hình ảnh này Chúa muốn cảnh báo chúng con về những quyền lực thế gian sẽ gây hại cho con dân Chúa trong Kỳ Tận Thế, đồng thời khẳng định rằng những quyền lực này chỉ là những công cụ trong tay của Sa-tan, không có sự công bằng và nhân đạo.

Thưa Cha, các điểm mô tả về con thú trong Khải Huyền 13:2 con hiểu đó là tiêu biểu cho những đặc tính mạnh mẽ, nguy hiểm và ác độc của các quyền lực thế gian. Câu "giống như con beo" là biểu thị sự nhanh nhẹn, khéo léo và khả năng tấn công bất ngờ của con thú, tượng trưng cho các đế chế hoặc quyền lực có thể thao túng tình hình và đối phó một cách linh hoạt. Hình ảnh "chân như chân của gấu" là biểu thị sức mạnh tàn bạo và sự khắc nghiệt của con thú, giống như gấu có thể đè bẹp đối thủ với sức mạnh vô biên. Còn hình ảnh "miệng như miệng của sư tử" là thể hiện sự thống trị và quyền uy đáng sợ, tượng trưng cho quyền lực áp bức, khả năng gây ra sự sợ hãi và sự tôn trọng hoặc khiếp sợ từ người khác. Những mô tả này kết hợp lại để cho thấy con thú là hình ảnh của sự kết hợp giữa nhiều đặc điểm nguy hiểm, tượng trưng cho các đế chế mạnh mẽ và ác độc trong lịch sử, đại diện cho sự tàn bạo và lạm dụng quyền lực, thường được sử dụng bởi các thế lực đen tối trong việc áp bức và bách hại con dân của Chúa.

Thưa Cha, trong Khải Huyền 13:3 nói về "vết thương chí tử" của con thú dường như đã được chữa lành, con nghĩ rằng đó là hình ảnh tượng trưng cho sự phục hồi hoặc tái sinh quyền lực của con thú, khiến cả thế gian kinh ngạc và bị cuốn theo nó. Điều này hàm ý rằng con thú, dù bị đánh bại hoặc gặp phải sự suy yếu, nhưng sẽ có sự phục hồi quyền lực một cách thần kỳ, tạo ra sự lừa dối lớn lao. Sự phục hồi này có thể làm cho nhiều người tin tưởng vào quyền lực của nó, tưởng rằng đó là sự sống lại, nhưng thực ra đó chỉ là sự lừa dối của Sa-tan. Nó nhằm mục đích làm mê hoặc và dẫn dắt mọi người xa rời lẽ thật của Đức Chúa Trời, vì chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền ban sự sống lại thật sự. Sự kiện này cũng nhấn mạnh rằng quyền lực của con thú chỉ là giả dối và tạm thời, còn quyền năng thật sự chỉ thuộc về Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, con thấy theo Khải Huyền 13:2 thì Sa-tan được mô tả là con rồng, chính là nguồn gốc ban quyền lực và thẩm quyền cho con thú. Điều này thể hiện mối liên hệ giữa con thú và quyền lực đen tối của sự ác. Sa-tan đã ban cho con thú một cái miệng để nói những sự vĩ đại và những lời phạm thượng, nhằm tôn vinh bản thân, chống nghịch Đức Chúa Trời và lừa dối thế gian. Đồng thời, con thú được ban thẩm quyền hành động trong bốn mươi hai tháng (3 năm rưỡi), một giai đoạn thuộc kế hoạch của Kỳ Tận Thế, cũng được đề cập đến trong sách Đa-ni-ên 7:25 “ Hắn sẽ nói những lời nghịch lại Đấng Rất Cao, làm hao mòn các thánh đồ của Đấng Rất Cao, và định ý đổi những thời kỳ và luật pháp. Họ sẽ bị phó trong tay hắn cho đến một kỳ, nhiều kỳ, và nửa kỳ. [một năm, hai năm, và nửa năm.]”. Mặc dù Sa-tan trực tiếp trao quyền cho con thú, sự việc này vẫn nằm trong sự cho phép tối thượng của Đức Chúa Trời, để hoàn thành ý muốn và kế hoạch của Ngài, nhằm hoàn thành ý muốn của Ngài trong Kỳ Tận Thế.

Thưa Cha, khoảng thời gian bốn mươi hai tháng (tương đương 3 năm rưỡi) được đề cập trong Khải Huyền 13:5 con hiểu nó thuộc về giai đoạn Đại Nạn, tức nửa cuối cùng của 7 năm hoạn nạn mà tiên tri Đa-ni-ên đã nói đến trong Đa-ni-ên 9:27 : “Người sẽ tái xác nhận giao ước với nhiều người trong một tuần năm, và đến giữa tuần năm ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi. Bởi cánh gớm ghiếc người sẽ làm cho hoang vu, cho đến kỳ sau rốt, là kỳ đã định.” Thời kỳ này con nghĩ đó là giai đoạn mà một chính quyền toàn cầu, do con thú dẫn dắt, đạt được quyền lực tối cao. Như theo Khải Huyền 13:7, con thú được ban thẩm quyền "cai trị trên mọi chi tộc, dân, ngôn ngữ và quốc gia," cho thấy một hình ảnh về quyền lực mang tính toàn cầu. Chính quyền này không chỉ kiểm soát về mặt chính trị mà còn ép buộc mọi người trên đất phải thờ phượng con thú (Khải Huyền 13:8), thể hiện sự kết hợp giữa quyền lực chính trị và tôn giáo. Đây là thời kỳ khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại, khi quyền lực ác toàn cầu, do con thú dẫn dắt, đạt đến đỉnh điểm. Giai đoạn này được đánh dấu bởi sự bức hại nghiêm trọng đối với các thánh đồ của Đức Chúa Trời, sự thờ phượng con thú và những lời phạm thượng nhắm vào Đức Chúa Trời và Đền Tạm của Ngài. Đây cũng là thời gian mà sự phán xét cuối cùng của Đức Chúa Trời tiến đến gần, để hoàn thành kế hoạch cứu chuộc và phục hồi thế gian.

Thưa Cha, quyền lực để con thú "gây chiến với những thánh đồ và thắng họ," cùng với "thẩm quyền cai trị trên mọi chi tộc, dân, ngôn ngữ, và quốc gia," con hiểu là đến từ Sa-tan, nhưng cũng được Đức Chúa Trời cho phép trong một giới hạn tạm thời. Mặc dù quyền lực này xuất phát từ Sa-tan và con thú đại diện cho thế lực tà ác nhưng Đức Chúa Trời vẫn có sự kiểm soát tối thượng và không để quyền lực tà ác vượt qua ý muốn của Ngài. Điều này được chứng minh qua các câu như Giăng 19:11, nơi Đức Chúa Jesus nói với Phi-lát: "Ngươi chẳng có quyền trên Ta nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi.". Hay trong Khải Huyền 17:17, nói rằng "Vì Đức Chúa Trời đã đặt để trong lòng của chúng sự làm theo ý của Ngài." Điều này cho thấy mặc dù quyền lực tà ác có thể gây ra sự bách hại và kiểm soát trong thời kỳ cuối, nhưng mọi sự vẫn nằm trong kế hoạch và sự cho phép của Đức Chúa Trời, để cuối cùng Ngài sẽ chiến thắng tất cả sự ác trong sự phán xét cuối cùng.

Thưa Cha, câu "hết thảy cư dân trên đất sẽ thờ phượng nó" trong Khải Huyền 13:8 con thấy không mâu thuẫn với sự kiện có những thánh đồ của Chúa trong Kỳ Tận Thế. Câu này ám chỉ rằng những người không có tên trong Sách Sự Sống của Chiên Con sẽ thờ phượng con thú, tức là những người chưa được cứu hoặc không trung tín với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, những thánh đồ của Đức Chúa Trời, mặc dù bị bách hại, vẫn từ chối thờ phượng con thú và trung thành với Đức Chúa Trời, ngay cả khi phải đối mặt với sự đau khổ và hy sinh. Điều này thể hiện rõ sự phân biệt giữa những người tin Chúa và những người không tin trong Kỳ Tận Thế. Các thánh đồ trung tín sẽ không cúi đầu trước con thú, mà sẽ kiên trì giữ đức tin của mình, ngay cả khi họ phải đối mặt với sự bức hại tàn bạo. Sự trung thành này của các thánh đồ là một phần quan trọng của sự nhẫn nại và đức tin trong thời kỳ cuối cùng như được nói đến trong Khải Huyền 13:10 rằng: “Nếu ai [bắt người] vào trong sự cầm tù nó sẽ đi vào sự cầm tù. Nếu ai giết [người] bằng gươm nó phải bị giết bằng gươm. Đây là sự nhẫn nại và đức tin của những thánh đồ.”.

Và câu Khải Huyền 13:10 con nghĩ rằng được áp dụng cho hai nhóm đối tượng. Đối với kẻ ác, câu này nhắc nhở rằng những người bắt bớ hoặc giết hại các thánh đồ của Chúa sẽ phải chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời. Điều này phản ánh sự công lý của Ngài, vì những kẻ tội lỗi sẽ không thoát khỏi kết quả của những hành động ác của mình. Như lời cảnh báo trong Ma-thi-ơ 26:52: "Ai lấy gươm sẽ chết bởi gươm", những kẻ gieo rắc đau khổ sẽ gặt lấy sự trừng phạt. Đối với các thánh đồ thì câu này kêu gọi sự kiên nhẫn chịu đựng trong khi chờ đợi sự công lý của Đức Chúa Trời được thực thi. Dù phải đối mặt với bách hại và đau khổ nhưng các thánh đồ được kêu gọi giữ vững đức tin, tin tưởng rằng Đức Chúa Trời sẽ hành động và thực thi công lý vào thời điểm Ngài đã định. Câu này cũng là một lời khích lệ đối với những ai trung tín trong cơn thử thách, rằng sự kiên nhẫn và đức tin vào Chúa sẽ được tưởng thưởng khi Đức Chúa Trời can thiệp và làm sáng tỏ công lý

Thưa Cha, ngày nay mặc dù không phải ai cũng thờ phượng "con rồng" theo cách trực tiếp như mô tả trong Khải Huyền, nhưng con vẫn có thể nhận ra những người thờ phượng con rồng qua những hình thức thờ phượng Sa-tan, dưới nhiều dạng khác nhau. Hình ảnh con rồng trong Khải Huyền đại diện cho Sa-tan, kẻ cám dỗ và dẫn dắt con người vào con đường tội lỗi và hủy diệt. Khi con người ta quay lưng lại với Đức Chúa Trời mà theo đuổi những điều xấu xa như vật chất, quyền lực, và những giá trị tạm bợ nơi thế gian này thì là họ cũng đang thờ phượng con rồng. Những hành động như tôn thờ sự ích kỷ, vật chất, hoặc quyền lực không công bằng chính là những hình thức thờ phượng ma quỷ. Thực tế, nhiều người có thể không nhận ra rằng sự tôn sùng này đang diễn ra khi họ đặt những thứ này lên trên tình yêu và sự vâng phục đối với Đức Chúa Trời. Vì vậy, mặc dù không phải luôn rõ ràng, nhưng trong thực tế, vẫn có nhiều người thờ phượng "con rồng" qua những hành động và suy nghĩ sai lệch của mình.

Thưa Cha, ở đây con thấy sứ đồ Giăng sử dụng cả hình ảnh "con rắn" và "con rồng" để mô tả Sa-tan con nghĩ là để làm nổi bật những đặc tính và cách thức hoạt động khác nhau của hắn. "Con rắn" (Khải Huyền 12:9) gợi lên hình ảnh của sự lừa dối và gian trá, điều này liên quan đến lần Sa-tan xúi giục E-va trong vườn Ê-đen, nơi hắn dùng lời nói dối để dẫn dắt con người vào tội lỗi. Hình ảnh này phản ánh bản chất lừa đảo, tinh vi và mưu mẹo của Sa-tan trong việc cám dỗ và làm suy yếu niềm tin của con người vào Chúa. Trong khi đó, "con rồng" (Khải Huyền 12:9) biểu thị quyền lực và sự dữ dội của Sa-tan. Con rồng là một hình ảnh mạnh mẽ, biểu trưng cho sức mạnh hủy diệt và sự thống trị. Và ở đây Sa-tan được mô tả là một kẻ thống trị cái ác, đầy tham vọng, mang trong mình sự tàn bạo và khát vọng thống trị toàn bộ thế giới. Hình ảnh này phản ánh sự hiển hiện về quyền lực lớn lao và mục tiêu của Sa-tan trong việc chống lại Đức Chúa Trời hủy hoại nhân loại. Cả hai biểu tượng này đều chỉ về Sa-tan, nhưng mỗi hình ảnh lại làm nổi bật một khía cạnh khác nhau trong bản chất và hành động của hắn: "con rắn" với sự lừa dối, "con rồng" với sức mạnh hủy diệt và tham vọng quyền lực.

Thưa Cha, con nghĩ rằng con dân Chúa thì không nên ưa thích hoặc sử dụng hình ảnh con rồng dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trên các mặt hàng tiêu dùng. Trong Thánh Kinh, hình ảnh con rồng là biểu tượng của Sa-tan và các quyền lực tà ác, vì vậy việc ưa chuộng hoặc mua các sản phẩm có hình con rồng có thể gây ra sự liên kết giữa con người với thế giới tội lỗi, bóng tối và sự thờ phượng ma quỷ. Hình ảnh này đại diện cho sự phản nghịch đối với Đức Chúa Trời và có thể làm suy yếu đức tin, thậm chí dẫn đến sự cám dỗ xa rời đường lối của Ngài. Với đức tin của con dân Chúa thì con cần phải tránh xa những biểu tượng ma quái và tập trung vào việc tôn vinh Đức Chúa Trời, giữ vững đức tin và thực hành sự thánh khiết trong mọi hoàn cảnh. Thay vì tìm kiếm những hình ảnh gắn liền với sự tội lỗi, con nên sống theo Lời Chúa, phản ánh ánh sáng và sự công chính của Ngài trong mọi hành động và quyết định của mình.

Giả sử trong trường hợp con là nạn nhân bão lụt, nhận được sự cứu trợ, trong đó có một bao gạo hiệu con rồng hoặc hiệu "Ông Địa" với hình con rồng hoặc hình "Ông Địa" in trên bao gạo, thì con sẽ từ chối sử dụng sản phẩm có hình ảnh này và thay vào đó cầu nguyện và cảm tạ Chúa dâng nan đề của con nên Chúa, vì như con đã trình bày ở trên hình ảnh con rồng này tạo ra sự liên kết với những biểu tượng hoặc tôn thờ không phù hợp với đức tin của con. Đó cũng có thể là một sự thử thách trong hoàn cảnh khó khăn để thử nghiệm đức tin của con, và con cũng luôn tin rằng Chúa của con có thể làm được mọi sự thì nếu Chúa muốn, chưa đến thời điểm Chúa cất con ra khỏi đời này thì bằng một cách nào khác Chúa sẽ cứu giúp ban cho con để con thoát khỏi tai họa mà con không phải nhận các đồ tiếp trợ có các hình ảnh phản nghịch lại Chúa như vậy.

Thưa Cha, qua việc đọc và suy ngẫm Lời Chúa trong sách Khải Huyền 13:1-10 cũng đã giúp cho con rút ra được nhiều bài học bổ ích trên bước đường con đi theo Chúa, các bài học cụ thể con rút ra như sau:

+ Thứ nhất là dù cho con thú có quyền lực và ảnh hưởng lớn, tất cả quyền năng của nó chỉ tồn tại trong khuôn khổ sự cho phép của Đức Chúa Trời mà thôi (c.5,c.7). Điều này khẳng định rằng không có điều gì xảy ra ngoài ý muốn tối cao của Ngài. Chúng con được nhắc nhở luôn đặt niềm tin vào quyền tể trị của Đức Chúa Trời.

+ Thứ hai là hình ảnh con thú với "vết thương chí tử được chữa lành" (c.3) là sự giả mạo quyền năng phục sinh nhằm lừa dối thế gian. Chúng con cần sự tỉnh táo và hiểu biết Lời Chúa để không bị dẫn dắt bởi những hiện tượng siêu nhiên giả tạo hoặc các quyền lực chống đối lại Đức Chúa Trời.

+ Thứ ba là quyền "gây chiến với các thánh đồ và thắng họ" (c.7) cho chúng con thấy sự bắt bớ là thực tế không thể tránh khỏi đối với người theo Chúa. Điều này nhắc nhở chúng con chuẩn bị tinh thần và lòng trung thành, chấp nhận chịu khổ vì danh Chúa.

+ Thứ tư là trong câu 10 nhấn mạnh sự cần thiết của đức tin và sự nhẫn nại trong những hoàn cảnh khó khăn. Sự kiên trì này giúp chúng con vượt qua thử thách và giữ vững mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Và câu 10 này cũng khẳng định rằng công lý của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện: Kẻ bắt bớ sẽ bị phán xét; kẻ giết người sẽ bị báo trả. Đây là sự khích lệ cho chúng con và nhắc nhở chúng con rằng Đức Chúa Trời là Đấng công chính và Ngài sẽ đem lại sự công lý trong thời điểm của Ngài.

+ Thứ năm là những ai không có tên trong Sách Sự Sống của Chiên Con sẽ thờ phượng con thú (c.8). Đây là lời cảnh báo để chúng con luôn sống một đời sống thánh khiết, trung thành với Chiên Con, và xa rời những giá trị sai lạc của thế gian không đúng với Lời của Chúa.

Chúng con cảm tạ Ngài vì Lời của Ngài trong Khải Huyền 13:1-10 đã dạy dỗ và cảnh báo chúng con về những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Qua phân đoạn này, chúng con nhận ra rằng mọi quyền lực, dù lớn lao đến đâu, đều nằm dưới sự kiểm soát và tể trị của Ngài. Xin giúp chúng con luôn vững vàng trong đức tin, không để chúng con bị lừa dối bởi những quyền lực chống đối Ngài, và giữ lòng trung tín với Chiên Con. Xin Chúa ban cho chúng con sự kiên nhẫn và lòng can đảm để chúng con đối diện với sự bắt bớ, biết rằng Ngài là Đấng công chính và cuối cùng sẽ mang lại sự công lý cho dân sự Ngài.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn sống đời sống thánh khiết, biết đặt trọn vẹn lòng tin nơi Ngài và không để thế gian lôi cuốn. Xin ĐứcThánh Linh dẫn dắt để chúng con có sự phân biệt giữa thật và giả, giữa điều đến từ Chúa và điều đến từ thế gian.

Nguyện danh Ngài luôn được tôn cao, và xin Chúa giữ gìn chúng con trong mọi hoàn cảnh để chúng con luôn trung thành với Ngài. Chúng con nguyện sống đời sống trung tín phản chiếu tình yêu và làm vinh hiển danh của Ngài cho đến ngày Đức Chúa Jesus trở lại.

Chúng con nguyện kính dâng tất cả lên Ngài với lòng tôn kính và biết ơn. Nhân danh Đức Chúa Jesus Christ, Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
23/11/2024

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ