Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Khải Huyền 4:1-11 Ngai của Đức Chúa Trời

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì những ân điển lớn lao mà Cha đã ban cho chúng con để chúng con luôn được bình an ở trong Ngài, thì giờ này Cha lại ban cho con thì giờ con suy ngẫm Lời Chúa trong sách Khải Huyền 4:1-11.

1 Sau những sự này, tôi đã nhìn xem, và này, một cái cửa đã được mở ra trên trời. Tiếng đầu tiên mà tôi đã nghe giống như một tiếng loa, phán với tôi rằng: "Hãy lên đây! Ta sẽ tỏ cho ngươi những gì sẽ xảy ra sau những sự này."
2 Liền theo đó, tôi đã ở trong thần linh. Tôi đã thấy một ngai được đặt trên trời, có một Đấng đang ngự trên ngai.
3 Đấng đang ngồi thì trông như ngọc thạch anh và ngọc mã não. Có cầu vồng bao chung quanh ngai, trông như ngọc lục cẩm thạch.
4 Chung quanh ngai có hai mươi bốn ngai. Trên các ngai, tôi đã thấy hai mươi bốn trưởng lão đang ngồi, mặc trong trang phục trắng. Họ đã có trên đầu của họ các mão vàng.
5 Từ nơi ngai đã phát ra chớp nhoáng, sấm vang, và âm thanh. Bảy ngọn đèn lửa đang cháy trước ngai ấy là bảy Thần Linh của Đức Chúa Trời.
6 Trước ngai, một biển thủy tinh như pha lê. Trong giữa ngai và chung quanh ngai, bốn sinh vật đầy những mắt phía trước và phía sau.
7 Sinh vật thứ nhất giống như sư tử, sinh vật thứ nhì giống như bò đực, sinh vật thứ ba có mặt như người, sinh vật thứ tư giống như đại bàng đang bay.
8 Bốn sinh vật, mỗi một chúng có sáu cánh chung quanh và bên trong cánh đầy những mắt. Ngày lẫn đêm, chúng không ngừng nghỉ, nói: "Thánh thay! Thánh thay! Thánh thay! Chúa, Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Trị, Đấng Đã Có, Đấng Hiện Có, và Đấng Sẽ Đến."
9 Khi các sinh vật dâng sự vinh quang, sự tôn quý, và lời cảm tạ lên Đấng đang ngự trên ngai, Đấng Sống cho tới Đời Đời,
10 hai mươi bốn trưởng lão hạ mình xuống trước Đấng đang ngự trên ngai mà thờ phượng Đấng Sống cho tới Đời Đời. Họ ném các mão của họ trước ngai, thưa rằng:
11 "Lạy Chúa! Ngài là xứng đáng để nhận sự vinh quang, sự tôn quý, và quyền thế. Vì Ngài đã tạo dựng muôn vật. Vì ý muốn của Ngài mà chúng hiện hữu và đã được tạo thành."

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên mô tả Sứ Đồ Giăng được mời lên trên trời và chứng kiến một khải tượng về ngai của Đức Chúa Trời. Ngài ngự trên ngai với hình ảnh tượng trưng cho sự thánh khiết và vinh quang. Xung quanh ngai là hai mươi bốn trưởng lão mặc áo trắng, đội mão vàng, cùng bốn sinh vật có sáu cánh và đầy mắt, đại diện cho các loài sống. Họ không ngừng ca ngợi Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Trị, Đấng Đã Có, Đấng Hiện Có, và Đấng Sẽ Đến. Trước sự thờ phượng của các sinh vật, hai mươi bốn trưởng lão đã hạ mình và ném mão xuống, tôn thờ Đức Chúa Trời, Đấng Sáng Tạo muôn vật.

Thưa Cha, tiếng phán trong câu 1 là tiếng của chính Đức Chúa Jesus. Tiếng này được mô tả "giống như một tiếng loa", và lời mời "Hãy lên đây!" chỉ ra rằng Ngài sẽ tỏ cho Sứ Đồ Giăng những điều sẽ xảy ra, tương tự như cách Đức Chúa Jesus thường phán bảo các sứ đồ khi Ngài còn ở trên đất.

Còn trong câu 2 và 3 nói Đấng đang ngự trên ngai, đó chính là Đức Chúa Trời. Hình ảnh của Ngài được mô tả với những viên ngọc quý như thạch anh và mã não tượng trưng cho sự thánh khiết, uy nghiêm, vinh quang và vĩnh cửu của Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, trong câu 4 có nói về “hai mươi bốn trưởng lão” con nghĩ đây có thể là tượng trưng cho sự đại diện của toàn thể dân sự Đức Chúa Trời, đó là sự kết hợp giữa mười hai tổ phụ của I-sơ-ra-ên và mười hai sứ đồ của Đức Chúa Jesus, họ là những nhân vật quan trọng trong Thánh Kinh, có vai trò đặc biệt trong lịch sử cứu rỗi và sự thành lập dân sự của Đức Chúa Trời. Còn mão vàng là tiêu biểu cho sự vinh quang, chiến thắng và vương quyền mà họ nhận được từ Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, trong câu 5 "bảy ngọn đèn lửa đang cháy trước ngai" được gọi "là bảy Thần Linh của Đức Chúa Trời" vì đây là một hình ảnh mang tính biểu tượng quan trọng, và ý nghĩa của nó có thể được hiểu qua các khía cạnh sau:

+ Qua tính trọn vẹn và hoàn hảo của thánh linh: Số 7 trong Thánh Kinh thường được sử dụng để biểu trưng cho sự hoàn hảo, trọn vẹn và đầy đủ. Do đó, "bảy Thần Linh của Đức Chúa Trời" không có nghĩa là có bảy Thần Linh khác nhau, mà ám chỉ sự toàn diện và trọn vẹn của Đức Thánh Linh. Điều này cho thấy quyền năng và sự hiện diện đầy đủ của Đức Thánh Linh trước ngai của Đức Chúa Trời.

+ Qua hình ảnh ánh sáng và lửa: Lửa và đèn cháy thường tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời và thánh linh của Ngài. Chẳng hạn, trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký 3:2, Đức Chúa Trời hiện ra với Môi-se qua một bụi gai đang cháy. Lửa biểu thị cho sự thánh khiết, thanh tẩy và sự sáng soi của Đức Chúa Trời. Ánh sáng của bảy ngọn đèn biểu hiện sự dẫn dắt và chiếu sáng thuộc linh mà Đức Thánh Linh mang đến cho con người.

+ Qua bảy khía cạnh của Thần Linh: Trong sách Ê-sai 11:2 mô tả các khía cạnh của Thần Linh đó là Thần của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thần Khôn Sáng và Hiểu Biết, Thần Mưu Định và Mạnh Sức, Thần Tri Thức và Kính Sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” Đây có thể được xem là bảy phẩm chất của Đức Thánh Linh, tượng trưng cho sự trọn vẹn trong công việc của Ngài.

Thưa Cha, trong câu 6 có nêu "biển thủy tinh như pha lê" làm con hình dung là một bề mặt rộng lớn, phẳng lặng, trong suốt và rực rỡ. Nó tượng trưng cho sự thánh khiết, thanh tịnh, trật tự và đẹp đẽ hoàn hảo trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Hình ảnh biển thủy tinh này còn biểu hiện cho sự phân cách thiêng liêng giữa thế gian đầy tội lỗi và sự thánh khiết của thiên đàng. Sự phẳng lặng và trong suốt của mặt biển phản ánh sự khác biệt sâu sắc giữa sự hỗn loạn của thế gian và sự bình an vĩnh cửu của thiên đàng. Còn pha lê là một hình ảnh đại diện cho sự tinh khiết và rực rỡ đồng thời phản chiếu ánh sáng. Điều này biểu tượng cho vinh quang của Đức Chúa Trời lan tỏa và phản chiếu qua mọi tạo vật, cho thấy sự uy nghi của Ngài. Điều này cũng biểu hiện cho sự uy nghiêm và thánh khiết của Đức Chúa Trời trong một khung cảnh hoàn hảo và thanh tịnh, nơi mà Ngài được thờ phượng và tôn vinh.
Còn mệnh đề "trong giữa ngai và chung quanh ngai" theo con mệnh đề này chỉ ra rằng bốn sinh vật được đặt ở cả phía trong và quanh ngai của Đức Chúa Trời, cho thấy vị trí đặc biệt của bốn sinh vật trong khung cảnh xung quanh ngai Đức Chúa Trời. Bốn sinh vật này không chỉ được đặt ở phía trước mà còn bao quanh toàn bộ ngai, biểu thị sự hiện diện liên tục sâu sắc và tôn thờ của họ trước mặt Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, bốn sinh vật quanh ngai của Đức Chúa Trời trong câu 6-8 là đại diện cho các khía cạnh của tạo vật. Qua hình ảnh của bốn sinh vật này, chúng con thấy sự đa dạng và hoàn hảo trong tạo vật của Đức Chúa Trời, với mỗi sinh vật tượng trưng cho một khía cạnh thiết yếu của thế giới tự nhiên và của sự cai quản thánh khiết. Mỗi sinh vật với hình dạng đặc trưng đều biểu thị những phẩm chất cụ thể như:

+ Sinh vật thứ nhất giống sư tử, tượng trưng cho sức mạnh và quyền uy. Sư tử là "vua của muôn thú", biểu hiện quyền lực và sự thống trị, phản ánh sức mạnh thiêng liêng trong tạo vật.

+ Sinh vật thứ hai giống bò đực, biểu tượng cho sự phục vụ, kiên nhẫn, và sức lao động. Hình ảnh con bò, một con vật trong lao động cần cù, tượng trưng cho sự phục vụ trung thành và bền bỉ trong công việc.

+ Sinh vật thứ ba có mặt giống như người, đại diện cho sự thông minh, trí tuệ, và sự hiểu biết. Loài người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và có khả năng suy nghĩ, hiểu biết và sáng tạo.

+ Sinh vật thứ tư giống đại bàng đang bay, biểu tượng cho sự tự do và tốc độ, cũng như sự cao quý. Đại bàng là loài chim mạnh mẽ, bay cao trên bầu trời, tượng trưng cho sự thăng hoa và tự do tinh thần, cũng như tầm nhìn và sự quan sát từ trên cao.

Các sinh vật này cũng "đầy mắt", biểu tượng cho sự hiểu biết toàn diện và khả năng quan sát sâu sắc, biểu thị rằng không điều gì thoát khỏi sự hiểu biết của họ và sự cai quản của Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, hành động "ném các mão của họ trước ngai" của hai mươi bốn trưởng lão trong câu 10 hàm ý tượng trưng cho việc họ công nhận rằng mọi quyền uy, vinh quang và danh dự mà họ có đều xuất phát từ Đức Chúa Trời. Đây là một hành động khiêm nhường và tôn vinh Chúa, chỉ ra rằng Ngài là Đấng xứng đáng nhất. Mão vàng mà họ đội, vốn là biểu tượng cho sự vinh dự và quyền uy mà họ nhận được, giờ đây được dâng lại cho Đức Chúa Trời như một sự thừa nhận rằng mọi quyền năng, vinh quang và danh dự của họ đều đến từ Ngài. Hành động ném mão cũng là một cách để các trưởng lão thờ phượng và tôn vinh Đức Chúa Trời. Họ không giữ lấy bất cứ vinh quang nào cho riêng mình, mà họ dâng tất cả lên cho Đấng đã ban cho họ mọi sự. Đó cũng là điều mỗi chúng con cần phải có để chúng con dâng mọi vinh quang đắc thắng quyền uy và vinh quang đều thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa đời đời vô cùng của chúng con.

Thưa Cha, trong câu 11 nói về "sự vinh quang", "sự tôn quý" và "quyền thế" của Đức Chúa Trời, đây đều là những thuộc tính tuyệt đối của Đức Chúa Trời, khẳng định sự uy quyền tuyệt đối của Ngài trên toàn cõi vũ trụ trong vai trò Đấng Sáng Tạo muôn loài và vạn vật, cụ thể như sau:

+ Về sự vinh quang: Đây là sự sáng chói, huy hoàng và thánh khiết vô biên của Đức Chúa Trời. Vinh quang của Ngài không chỉ bày tỏ qua sự hiện diện lộng lẫy mà còn phản ánh tính cách thánh khiết, hoàn hảo của Ngài. Vinh quang này là điều mà tạo vật không thể tự mình sánh bằng, và nó thể hiện quyền năng của Ngài trên tất cả mọi vật.

+ Về sự tôn quý: Tôn quý ở đây đề cập đến sự cao cả, đáng kính và tôn trọng mà Đức Chúa Trời xứng đáng nhận được. Ngài là Đấng trên mọi sự, nên Ngài đáng được tôn kính không chỉ vì quyền năng của Ngài mà còn vì Ngài là Đấng xứng đáng nhận mọi sự tôn vinh từ muôn loài.

+ Về quyền thế: Đây là sức mạnh tối thượng và quyền cai trị vô hạn của Đức Chúa Trời trên toàn cõi vũ trụ. Quyền thế của Ngài là tuyệt đối, không có giới hạn. Ngài điều khiển mọi sự theo ý muốn của Ngài và không có bất cứ điều gì ngoài tầm kiểm soát của Ngài.

Tất cả những thuộc tính này hợp lại để chỉ ra rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa duy nhất và quyền năng tuyệt đối, và Ngài xứng đáng được tôn thờ từ mọi tạo vật. Điều này cũng nhấn mạnh lý do tại sao các trưởng lão, sinh vật, và cả thiên đàng đều không ngừng ca ngợi, tôn kính Ngài không thôi.

Thưa Cha, qua phân đoạn Thánh Kinh trên cũng giúp con áp dụng nhiều điều trong cuộc sống khi con bước đi theo Chúa. Đó là thái độ của con trong khi nhóm hiệp thờ phượng Chúa. Con cần đến với Chúa bằng thái độ khiêm nhường để nhận biết sự vĩ đại của Đức Chúa Trời và thấy sự nhỏ bé của con. Con đến với Chúa với lòng chân thành để con tập trung vào việc thờ phượng thật lòng, không chỉ qua hình thức bên ngoài, đặt hết tâm trí của con vào Chúa, tránh để sự sao lãng chi phối, vì thờ phượng là cơ hội để con gần gũi với Ngài, tôn kính để con nhận thức rằng mình đang đứng trước Đấng Thánh và Đấng Tạo Hóa. Con phải có sự kính trọng, thận trọng trong lời nói, hành động và suy nghĩ với tấm lòng kính sợ Chúa. Thờ phượng Chúa không chỉ là một hoạt động bên ngoài mà còn là sự bày tỏ của lòng biết ơn và yêu kính Chúa vì Ngài là Đấng Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa.

Thưa Cha, con cũng thấy trách nhiệm của mình trong việc dạy bảo con cái của con cũng là cơ nghiệp đời đời mà Cha ban cho con về sự tôn kính và chuẩn bị tâm hồn tham dự sự thờ phượng Chúa, điều này con thấy mình vẫn chưa làm được tốt khi con chưa thể đưa dẫn gia đình con tin nhận Chúa, con hàng ngày vẫn cầu xin sự thương xót, nhân từ của Ngài sẽ chạm vào tấm lòng của vợ con và con của con để cho họ cũng có tấm lòng tìm kiếm và vâng phục Chúa để gia đình của con được sống vui thỏa trong Ngài.

Thưa Cha, thái độ của Hội Thánh địa phương của con khi thờ phượng Chúa đó là sự kết hợp giữa sự đồng lòng, kính sợ Chúa và trung tín. Hội thánh đã thể hiện được sự đồng lòng và hiệp một trong sự thờ phượng trong tinh thần đoàn kết, cùng nhau ca ngợi và dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Với tấm lòng kính sợ Chúa, chúng con cảm nhận sâu sắc về sự hiện diện của Chúa và sự kính tôn đối với Ngài. Và sự tham dự tích cực của mỗi thành viên của Hội Thánh không chỉ là ngồi thụ động mà phải bày tỏ tấm lòng của chúng con qua lời cầu nguyện, hát thánh ca, và lắng nghe Lời Chúa với sự sẵn sàng học hỏi.

Thưa Cha, qua sách Khải Huyền 4:1-11 mang đến những thông điệp sâu sắc về sự thờ phượng, sự tôn kính Đức Chúa Trời, và vai trò của mỗi con dân Chúa trong kế hoạch vĩ đại của Ngài, nhắc nhở chúng con về tầm quan trọng của sự thờ phượng Chúa một cách chân thành, sự khiêm nhường trước quyền năng Chúa, nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và Đấng cai trị muôn loài. Các bài học con rút ra cụ thể như sau:

+ Thứ nhất là sự tôn kính tuyệt đối, đối với Đức Chúa Trời: Hình ảnh ngai và Đấng ngự trên ngai bày tỏ sự vĩ đại và uy nghiêm của Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng duy nhất xứng đáng nhận sự thờ phượng, tôn quý và vinh quang. Các sinh vật và hai mươi bốn trưởng lão đều ca ngợi sự thánh khiết của Ngài, điều này nhắc nhở chúng con về lòng tôn kính khi đứng trước mặt Đức Chúa Trời trong mọi hoạt động thờ phượng Chúa.

+ Thứ hai là sự khiêm nhường và công nhận quyền tể trị của Đức Chúa Trời: Hành động của hai mươi bốn trưởng lão “ném mão trước ngai” là biểu tượng của sự khiêm nhường, công nhận rằng mọi quyền lực, danh dự và vinh quang họ có đều từ Đức Chúa Trời mà ra. Chúng con được nhắc nhở rằng không có điều gì thuộc về chúng con mà không đến từ Ngài, và chúng con phải dâng mọi vinh quang về cho Chúa.

+ Thứ ba là sự thờ phượng liên tục và không ngừng nghỉ: Bốn sinh vật không ngừng nghỉ ca ngợi: "Thánh thay! Thánh thay! Thánh thay!" Điều này thể hiện rằng sự thờ phượng không phải là một hoạt động diễn ra ngắn hạn, mà đó là sự liên tục, không ngừng nghỉ ca ngợi và tôn vinh Đức Chúa Trời, giống như lời kêu gọi con dân Chúa hãy luôn giữ thái độ thờ phượng Chúa suốt đời sống mình.

+ Thứ tư là sự thánh khiết và quyền lực của Đức Chúa Trời: Màu sắc của các viên ngọc quý như thạch anh, mã não, cùng với cầu vồng bao quanh ngai, tượng trưng cho sự thánh khiết, sáng chói và quyền năng của Đức Chúa Trời. Biển thủy tinh trước ngai cũng là hình ảnh tiêu biểu cho sự thánh khiết và trật tự tuyệt đối. Chúng con cần giữ lòng thánh sạch trước mặt Ngài, chuẩn bị tấm lòng mình để chúng con đến gần với Chúa.

+ Thứ năm là Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa xứng đáng nhận mọi sự thờ phượng. Phân đoạn kết thúc với lời ca ngợi về việc Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng mọi vật. Điều này dạy chúng con rằng Chúa không chỉ là Đấng Tạo Hóa, mà Ngài còn là chủ quyền tuyệt đối trên tất cả mọi tạo vật. Con người và vũ trụ đều hiện hữu bởi ý muốn của Ngài. Chúng con cần trình dâng trọn sự tôn kính, thờ phượng lên Ngài như Đấng xứng đáng nhất.

Lạy Đức Chúa Trời Toàn Năng, chúng con tôn kính Ngài vì Ngài là Đấng Thánh, Đấng Tạo Hóa của muôn loài. Chúng con cảm tạ Ngài vì Lời của Ngài trong sách Khải Huyền đã nhắc nhở chúng con về sự vinh hiển, quyền năng và sự thánh khiết vô hạn của Ngài.

Xin dạy chúng con biết khiêm nhường, luôn nhìn nhận rằng mọi điều tốt lành chúng con có đều đến từ Ngài. Chúng con nguyện dâng lên Ngài tất cả vinh quang, danh dự và sự tôn quý, vì Ngài là Đấng duy nhất xứng đáng nhận sự thờ phượng từ mọi tạo vật.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một tấm lòng thờ phượng chân thành, biết sống một đời sống thánh khiết, và luôn tỉnh thức để sẵn sàng cho những điều Ngài sẽ làm trong tương lai. Nguyện mọi điều chúng con làm đều làm sáng danh Ngài, vì Ngài là Đấng quyền năng và tể trị muôn loài.

Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
27/10/2024

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ