Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

I Giăng 5:14-21 Con Dân Chúa Cầu Thay cho Nhau và Tự Giữ Mình Thánh Khiết

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì những ân điển lớn lao mà Cha đã ban cho chúng con để chúng con luôn được bình an ở trong Ngài, thì giờ này Cha ban cho con thì giờ con suy ngẫm Lời Chúa trong sách I Giăng 5:14-21.

14 Này là điều chúng ta dạn dĩ ở trong Ngài, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.
15 Nếu chúng ta biết, mình xin bất cứ điều gì Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận được điều mình xin Ngài.
16 Nếu có ai thấy anh chị em cùng Cha của mình phạm tội, mà tội không đến nỗi chết, thì hãy cầu xin, và Ngài sẽ ban sự sống cho, tức là ban cho những kẻ phạm tội mà chưa đến nỗi chết. Cũng có tội đến nỗi chết; ấy chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin.
17 Mọi sự không công chính đều là tội; mà cũng có tội không đến nỗi chết.
18 Chúng ta biết rằng ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng sống trong tội; nhưng ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì tự giữ lấy mình, ma quỷ chẳng làm hại người được.
19 Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian đều nằm trong sự dữ.
20 Chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến và ban trí khôn cho chúng ta, để chúng ta biết Đấng Chân Thật, và chúng ta ở trong Đấng Chân Thật, là ở trong Con Ngài: là Đức Chúa Jesus Christ, là Thiên Chúa Chân Thật và Sự Sống Vĩnh Cửu.
21 Hỡi các con cái bé nhỏ, hãy giữ mình khỏi những thần tượng! A-men
!

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên nói nên sự dạn dĩ trong cầu nguyện, nhấn mạnh rằng nếu chúng con cầu xin theo ý muốn của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ lắng nghe và đáp lời chúng con. Đồng thời, phân đoạn trên kêu gọi người tin nhận Chúa cầu nguyện cho những người phạm tội không đến nỗi chết, nhưng không cần cầu xin cho tội đến nỗi chết vì có những tội mà người phạm tội sẽ không được Chúa tha thứ, như tội phạm với Đức Thánh Linh thì sự cầu nguyện cũng trở lên vô ích. Những ai thuộc về Đức Chúa Trời sẽ không sống trong tội lỗi và sẽ được bảo vệ khỏi ma quỷ. Đoạn kết khẳng định rằng Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Chân Thật và Sự Sống Vĩnh Cửu, và người tin nhận Chúa cần giữ mình khỏi những thần tượng.

Thưa Cha, cầu xin "theo ý muốn" của Đức Chúa Trời có nghĩa là xin những điều phù hợp với kế hoạch, mục đích, và bản tính của Ngài thể hiện qua điều răn luật pháp của Chúa. Để biết ý muốn của Chúa, chúng con cần đọc và suy ngẫm Lời Ngài trong Thánh Kinh ngày và đêm, lắng nghe sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, và cầu nguyện với tâm trí khiêm nhường, sẵn sàng vâng phục ý Chúa, ngay cả khi điều đó không phải là điều mong muốn cá nhân của mình. Để lời cầu xin của chúng con đúng với ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng con cần tuân theo những nguyên tắc sau:

+ Hiểu rõ ý muốn của Đức Chúa Trời qua Thánh Kinh: Lời của Chúa trong Thánh Kinh chính là nguồn hướng dẫn quan trọng nhất. Khi chúng con suy ngẫm Thánh Kinh, chúng con sẽ hiểu rõ hơn về ý muốn của Ngài đối với cuộc sống của chúng con. Những lời cầu xin phù hợp với các nguyên tắc trong Thánh Kinh sẽ được Chúa đáp lời.

+ Cầu xin dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh: Đức Thánh Linh giúp chúng con nhận biết và hiểu rõ điều gì là đúng theo ý muốn của Chúa. Khi chúng con cầu nguyện trong Đức Thánh Linh (Rô-ma 8:26-27), Ngài giúp chúng con cầu nguyện một cách đúng đắn, ngay cả khi chúng con không biết cầu xin điều gì.

+ Cầu xin với thái độ khiêm nhường và vâng phục: Khi chúng con cầu nguyện, cần phải đặt ý muốn của Đức Chúa Trời lên trên ý riêng của mình. Như Đức Chúa Jesus đã cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê: "Dù thế nào, không phải ý của Con, mà ý của Ngài được nên!" (Lu-ca 22:42). Chúng con nên cầu xin Đức Chúa Trời thực hiện điều tốt nhất cho chúng con theo kế hoạch, mục đích của Ngài.

+ Cầu xin với niềm tin và lòng trung thành: Đức Chúa Trời đáp lời những ai có đức tin và lòng trung thành với Ngài. Trong sách Hê-bơ-rơ 11:6 nhắc nhở rằng: “Không có đức tin thì không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời.” Chúng con cần tin tưởng rằng Ngài luôn nghe lời cầu nguyện của chúng con và Chúa sẽ đáp lời theo thời điểm và theo cách thức của Ngài.

+ Cầu nguyện theo ý muốn của Chúa về những điều cần thiết: Khi chúng con cầu xin những điều phù hợp với sứ mệnh mục đích của Đức Chúa Trời cho thế gian này, chẳng hạn như cầu xin sự tha thứ, sự khôn ngoan, lòng yêu thương, hoặc sự bình an, là chúng con đang cầu nguyện theo ý muốn của Ngài.

Thưa Cha, câu 15 nói rằng nếu chúng con biết Đức Chúa Trời nghe lời cầu xin của chúng con, thì chúng con cũng có thể tin chắc rằng Ngài sẽ ban cho chúng con điều chúng con xin. Đây là lời hứa về sự chắc chắn trong lời cầu nguyện khi chúng con cầu xin theo ý muốn của Ngài, thì Ngài là thành tín Ngài sẽ làm thành lời cầu xin đó của chúng con. Điều này mang lại sự an tâm rằng Ngài sẽ thực hiện những điều tốt nhất cho chúng con, điều chúng con cần làm là hãy dâng lên Chúa lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa và chờ đợi sự ra tay làm thành của Ngài.

Thưa Cha, "tội không đến nỗi chết" con hiểu là những tội lỗi mà người phạm tội vẫn có thể ăn năn và nhận sự tha thứ từ Đức Chúa Trời. Đó là những tội không cố tình chối bỏ ân điển và sự cứu rỗi của Chúa, hoặc không vi phạm điều răn của Ngài đến mức không thể cứu rỗi được như là tội phạm thượng chống lại Đức Thánh Linh.

Ngược lại còn "tội đến nỗi chết" thường được hiểu là tội cố tình và liên tục từ chối ân điển của Đức Chúa Trời, từ chối ơn cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ mà không chịu ăn năn khi phạm tội, cụ thể như:

+ Tội phạm thượng chống lại Đức Thánh Linh: Đây là tội lỗi mà người ta khinh miệt hoặc phủ nhận sự cứu rỗi và công việc của Đức Thánh Linh, đặc biệt là sự khải thị về Đức Chúa Jesus. Ma-thi-ơ 12:31-32 nói rằng: Mọi tội lỗi và lời phạm thượng sẽ được tha cho loài người, nhưng lời phạm đến Đức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha.”

+ Tội chối bỏ Đức Chúa Jesus: Đây là sự từ chối tin vào Đấng Cứu Rỗi và công việc cứu chuộc của Ngài, dẫn đến việc không nhận được sự tha thứ. Sự chối bỏ này không chỉ đơn giản là nghi ngờ mà là một quyết định cố tình từ chối đức tin vào Đức Chúa Jesus.

+ Tội không ăn năn: Khi một người đã biết về sự cứu rỗi qua Đức Chúa Jesus nhưng vẫn kiên quyết sống trong tội lỗi mà không có ý định thay đổi hay ăn năn từ bỏ tội, họ có thể rơi vào tình trạng không thể được cứu rỗi.

Con xin được lấy một số ví dụ về "sự không công chính" nhưng chưa phải là "tội đến nỗi chết" cụ thể như những tội sau:

+ Tội nói dối: Mặc dù là tội, nhưng nếu ăn năn, người nói dối vẫn có thể được tha thứ.

+ Tội ghen tỵ: Đây là sự không công chính, nhưng khi nhận ra và cầu xin Chúa tha thứ, tội này không dẫn đến sự chết.

+ Tội nóng giận không kiểm soát: Tuy gây ra tổn thương, nhưng nếu người phạm tội hối cải và cầu xin sự tha thứ, tội này không phải là "tội đến nỗi chết".

Thưa Cha, khi con đã tin nhận Chúa, con cần phải "tự giữ lấy mình" nghĩa là con sống theo sự hướng dẫn của thánh linh, tránh xa tội lỗi, vâng giữ các điều răn của Chúa và giữ mình khỏi những cám dỗ của thế gian. Con cần liên tục tỉnh thức, cầu nguyện, và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Đức Chúa Trời để không bị sa ngã, sập bẫy của ma quỷ vì Thánh Kinh sách I Phi-e-rơ 5:8 viết rằng: Hãy tỉnh thức và cảnh giác! Kẻ thù nghịch các anh chị em là Ma Quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh các anh chị em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.

Thưa Cha, "cả thế gian đều nằm trong sự dữ" có nghĩa là cả thế gian, trong tình trạng hiện tại đang bị ảnh hưởng bởi tội lỗi và quyền lực của ma quỷ. Điều này đề cập đến tình trạng chung của loài người xa cách Chúa, sống trong một hệ thống bị kiểm soát bởi những ham muốn, tham vọng, và sự cám dỗ từ ma quỷ.

Thưa Cha, câu 20 Chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến và ban trí khôn cho chúng ta, để chúng ta biết Đấng Chân Thật, và chúng ta ở trong Đấng Chân Thật, là ở trong Con Ngài: là Đức Chúa Jesus Christ, là Thiên Chúa Chân Thật và Sự Sống Vĩnh Cửu.” Đây là sự khẳng định Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Chân Thật, Thiên Chúa Chân Thật và Sự Sống Vĩnh Cửu. Đây là một trong những đoạn Thánh Kinh nhấn mạnh thần tính của Đức Chúa Jesus, cho thấy Ngài không chỉ là Đấng Cứu Rỗi mà còn là Thiên Chúa. Một sự thật đã được Thánh Kinh xác nhận nhưng con vẫn thấy có những người có sự giảng dạy họ phủ nhận thần tính và bản chất của Đức Chúa Jesus, khi họ không công nhận Đức Chúa Jesus cũng là Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, "những thần tượng" ở đây không chỉ là các hình tượng tôn giáo hay các vật thể thờ phượng, mà còn có thể là bất kỳ thứ gì chiếm chỗ của Đức Chúa Trời trong lòng con người. Thần tượng có thể là tiền bạc, quyền lực, danh vọng, hoặc thậm chí là những mối quan hệ trong cuộc sống mà chúng con coi trọng hơn Chúa.

Thần tượng được loài người thờ lạy nhiều nhất có lẽ là tiền bạc, con hay thấy thế gian họ thờ thần tài hay ma môn vì tiền bạc có thể mang lại quyền lực và khả năng kiểm soát trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, nó thường ban cho con người ta nhiều thứ mà người ta có thể dùng tiền mua được để có thể hưởng thụ những thú vui xác thịt và nó là nguồn cám dỗ lớn nhất, lấn át làm cho con người thiếu sự phụ thuộc vào Đức Chúa Trời. Đó cũng là điều mà con hiểu tại sao mà người giàu vào Nước Trời lại khó như “sợi dây thừng xỏ qua lỗ kim”, trong Thánh Kinh sách Châm Ngôn 10:19 cũng nói rằng: “Có tiền bạc thì ứng cho mọi sự.”

Nhưng với chúng con những người tin nhận Chúa rồi thì tiền bạc không phải là mục tiêu cuối cùng và nó có thể dẫn đến cám dỗ và sự tha hóa, dẫn đến sự xa cách mặt Chúa nếu nó không được quản lý và dùng đúng cách như trong sách I Ti-mô-thê 6:10 có viết: “Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.” Sự khôn ngoan trong việc sử dụng tiền bạc, lòng hào phóng và chia sẻ với các anh chị em của mình trong hoàn cảnh khó khăn hơn và dự phần vào các công việc của nhà Chúa được xem là những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho mỗi chúng con.

Thưa Cha, là một người Cơ-đốc nhân con cần cầu nguyện theo ý muốn của Chúa. Đôi khi, việc xác định ý muốn này có thể khó khăn, nhưng điều quan trọng là chúng con cần luôn tương giao tìm kiếm sự hướng dẫn qua Thánh Kinh và cầu nguyện để tìm sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh.
Việc đối chiếu ý muốn cá nhân với Lời Chúa là một phần thiết yếu trong đời sống đức tin. Suy ngẫm Thánh Kinh ngày và đêm giúp chúng con hiểu được ý muốn của Đức Chúa Trời trên đời sống của chúng con, giúp cho chúng con nhận diện và điều chỉnh suy nghĩ, hành động của mình theo thánh ý của Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, để không còn phạm những tội không đến nỗi chết thì con cần thông công và có một mối quan hệ gần gũi với Đức Chúa Trời, thường xuyên tự tra xét lòng mình về những việc làm chưa đẹp lòng Chúa để kịp thời ăn năn tội và cầu xin sự giúp đỡ từ Đức Thánh Linh. Việc sống trong Hội Thánh với các anh chị em cùng đức tin cũng hỗ trợ con trong việc giữ gìn đức tin. Vì như Lời Chúa có chép trong sách Truyền Đạo 4:9-10 nói rằng: Hai người hơn một, vì sẽ được công giá tốt về việc làm của họ. Vì nếu họ ngã, thì một người sẽ đỡ bạn mình lên. Khốn cho kẻ ở một mình khi bị ngã, mà không có người khác đỡ mình lên!”

Thưa Cha, trong Thánh Kinh cũng có nhiều câu khẳng định thần tính của Đức Chúa Jesus, chẳng hạn như trong Giăng 1:1 "Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa."

Hay trong sách Hê-bơ-rơ 1:3 "Đấng ấy là sự chói sáng của sự vinh quang và hình thể của bản thể Ngài, và nâng đỡ muôn vật bởi tiếng phán năng lực của Ngài. Chính Ngài làm xong sự rửa sạch những tội lỗi của chúng ta; ngự bên phải của Đấng Tôn Nghiêm trên cao." 

Thưa Cha, con biết rằng sự giữ mình khỏi "thần tôi", khỏi sự kiêu ngạo và tự ái không đúng, khỏi sự chiều theo những ham muốn bất chính của xác thịt. Đây là sự thử thách mà chúng con phải đối mặt khi chúng con bước đi với Chúa. Để giữ mình, chúng con cần thường xuyên cầu nguyện, tự tra xét lại mình và nhận diện những điều của bản thân chưa làm đẹp lòng Chúa và phải biết dùng sức toàn năng của Chúa để mà giữ mình khỏi “thần tôi”, sự kiêu ngạo và tự ái không đúng. Chúng con cần sống trong Hội Thánh và học hỏi từ các anh chị em trong việc duy trì sự khiêm nhường và sống đúng theo Lời Chúa. Xưa kia cũng chính vì sự kiêu ngạo muốn được như Đức Chúa Trời mà ông A-đam và bà Ê-va đã phạm tội mà ăn trái cấm, để từ đó mà tội lỗi đi vào thế gian. Hay như Lucifer cũng chính vì sự kiêu ngạo muốn được tôn cao như Chúa mà đã phản nghịch chống lại Chúa để bị sự hư mất đời đời. Trong Hội Thánh của chúng con vừa qua cũng thật đau lòng khi có nhiều người đã tin nhận Chúa, nhận biết Ngài rồi nhưng cũng vì sự kiêu ngạo thờ thần tôi, tự ái không đúng mà cũng tự dứt thông công ra khỏi Hội Thánh, con cầu xin Chúa cũng thương xót, xử phạt họ đủ nặng để cho họ nhận ra lỗi lầm của mình mà ăn năn tội quay về với Hội Thánh của Ngài khi ngày Chúa trở lại đã rất gần rồi.

Thưa Cha, qua phân đoạn Thánh Kinh trên giúp con rút ra được những bài học về sự trung tín, lòng yêu thương và sự tận tâm đối với Đức Chúa Trời, cùng với việc sống đời sống đạo đức và vâng lời để bảo vệ bản thân khỏi ảnh hưởng của thế gian trên bước đường con bước theo Chúa, những bài học cụ thể như:

+ Sự dạn dĩ trong cầu nguyện: Chúng con có thể cầu nguyện với sự tự tin và chắc chắn khi biết rằng nếu cầu xin theo ý muốn của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ nghe và đáp ứng lời cầu xin của chúng con. Đây là lời hứa mang lại niềm an ủi lớn cho những người tin nhận Chúa, vì chúng con biết rằng Chúa luôn lắng nghe và quan tâm đến những lời cầu xin của con cái Ngài.

+ Trách nhiệm cầu nguyện cho người khác: Phân đoạn này nhắc nhở chúng con về trách nhiệm của việc cầu nguyện cho những người khác, đặc biệt là anh chị em cùng đức tin khi họ phạm tội. Sự cầu nguyện có thể mang lại sự sống và sự tha thứ từ Chúa cho họ, nếu họ phạm tội không đến nỗi chết. Điều này nhấn mạnh tình yêu thương và sự quan tâm lẫn nhau trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

+ Sự bảo vệ khỏi tội lỗi: Người được sinh bởi Đức Chúa Trời không sống trong tội lỗi một cách liên tục và cố ý. Chúng con được kêu gọi giữ mình khỏi tội lỗi và ma quỷ. Điều này dạy chúng con về sự cần thiết của việc duy trì một đời sống trong sạch, dựa vào sức mạnh và sự bảo vệ của Chúa để không rơi vào cạm bẫy của ma quỷ.

+ Nhận biết Đức Chúa Jesus là Đấng Chân Thật: Chúng con được ban cho sự khôn ngoan để nhận biết và sống trong mối quan hệ với Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Chân Thật và là Sự Sống Vĩnh Cửu. Việc hiểu biết và sống theo sự thật trong Chúa mang lại sự bình an và hy vọng trong đời sống này và sự sống đời đời.

+ Giữ mình khỏi các thần tượng: Cuối cùng, lời cảnh báo giữ mình khỏi các thần tượng nhắc nhở chúng con không chỉ về các hình thức thờ thần ngoại giáo, mà còn về việc tránh những thứ có thể chiếm lấy lòng trung thành và niềm tin của chúng con thay cho Đức Chúa Trời. Đây có thể bao gồm sự thờ thần tôi, lòng tham lam, hoặc những ham muốn giá trị của thế gian.

Cảm tạ Chúa đã cho con thì giờ con suy ngẫm Lời Chúa, nguyện Lời Chúa mãi là ngọn đèn soi cho chân con để con luôn bước đi với Chúa, luôn trung tín với Ngài cho đến khi Ngài đến. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
20/09/2024

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ