Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Khải Huyền 5:1-8 Chiên Con và Cuộn Sách

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Thiên Thượng kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì con luôn được sống trong sự quan phòng, che chở của Ba Ngôi Thiên Chúa, thì giờ này Cha lại ban cho con thì giờ để con suy ngẫm Lời của Ngài trong sách Khải Huyền 5:1-8.

1 Rồi, tôi đã thấy trong tay phải của Đấng đang ngự trên ngai, một cuộn sách được viết bên trong lẫn bên ngoài, được niêm lại bằng bảy dấu ấn.
2 Tôi đã thấy một thiên sứ mạnh mẽ, lớn tiếng công bố: "Ai là xứng đáng để mở cuộn sách và tháo các dấu ấn của nó?"
3 Không ai trên trời, hoặc trên đất, hoặc bên dưới đất đã có thể mở cuộn sách hoặc nhìn nó.
4 Tôi đã khóc nức nở vì không một ai được tìm thấy xứng đáng để mở và đọc cuộn sách, hoặc để nhìn nó.
5 Rồi, một trong các trưởng lão nói với tôi: "Đừng khóc! Này, Sư Tử của Chi Tộc Giu-đa, Chồi của Đa-vít, đã đắc thắng để mở sách và tháo bảy dấu ấn của nó."
6 Tôi đã nhìn xem, và này, đứng trong giữa ngai và bốn sinh vật, trong giữa các trưởng lão, là Chiên Con như đã bị giết, có bảy sừng và bảy mắt. Các mắt ấy là bảy Thần Linh của Đức Chúa Trời được sai đi đến khắp đất.
7 Ngài đã đến và đã lấy cuộn sách khỏi tay phải của Đấng đang ngự trên ngai.
8 Khi Ngài đã lấy cuộn sách, bốn sinh vật và hai mươi bốn trưởng lão hạ mình xuống trước Chiên Con, mỗi vị có hạc cầm và bát bằng vàng đầy hương, ấy là những lời cầu nguyện của những thánh đồ.

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh này mô tả một cảnh trên trời, nơi Sứ Đồ Giăng nhìn thấy một cuộn sách niêm phong với bảy dấu ấn trong tay Đức Chúa Trời. Một thiên sứ mạnh mẽ kêu gọi tìm Đấng xứng đáng để mở cuộn sách, nhưng không ai trên trời, dưới đất, hay bên dưới đất có thể làm điều đó, khiến Sứ Đồ Giăng khóc nức nở. Tuy nhiên, một trưởng lão trấn an ông rằng Sư Tử Chi Tộc Giu-đa, Chồi của Đa-vít (Đức Chúa Jesus) đã đắc thắng để mở cuộn sách. Khi ông Giăng nhìn xem, ông thấy Chiên Con bị giết (Đức Chúa Jesus), có bảy sừng và bảy mắt biểu tượng cho quyền năng và sự hiểu biết toàn tri của Chúa. Ngài lấy cuộn sách và ngay lập tức, các sinh vật và hai mươi bốn trưởng lão hạ mình thờ phượng Ngài, dâng lên những lời cầu nguyện của các thánh đồ.

Thưa Cha, trong câu 1 gọi là “cuộn sách” vì đây là sự tượng trưng cho kế hoạch hoặc ý định của Đức Chúa Trời đối với toàn thể nhân loại và vũ trụ. Ở thời xưa, thông tin quan trọng thường được ghi lại trên các cuộn sách và được niêm phong để bảo vệ sự bí mật. Cuộn sách được hiểu là sự mạc khải về lịch sử cuối cùng, sự phán xét và sự hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời.
Và cuộn sách "được viết bên trong lẫn bên ngoài, được niêm lại bằng bảy dấu ấn" làm con hình dung ra cuộn sách được viết cả bên trong lẫn bên ngoài với ý rằng nội dung của nó rất đầy đủ và hoàn chỉnh, không có chỗ trống được viết cả bên trong lẫn bên ngoài. Còn số bảy trong Thánh Kinh thường biểu tượng cho sự toàn vẹn, hoàn hảo. Nên việc niêm phong lại bằng bảy dấu ấn thể hiện rằng nội dung của cuộn sách được bảo vệ một cách tuyệt đối, không ai có thể mở nó ra trừ Đấng xứng đáng. Bảy dấu ấn biểu tượng cho mức độ bảo mật và quyền năng tuyệt đối của cuộn sách, ngụ ý rằng chỉ một Đấng có đủ quyền năng và xứng đáng mới có thể mở ra và giải quyết nội dung bên trong. Điều này cũng thể hiện rằng những điều trong cuộn sách là bí mật thiêng liêng của Đức Chúa Trời và không thể bị mở ra hoặc hiểu được trừ khi có sự can thiệp trực tiếp của Ngài.

Thưa Cha, trong câu 3 nói rằng: “Không ai trên trời, hoặc trên đất, hoặc bên dưới đất đã có thể mở cuộn sách hoặc nhìn nó nhưng trong câu 5 lại nói rằng: “Rồi, một trong các trưởng lão nói với tôi: "Đừng khóc! Này, Sư Tử của Chi Tộc Giu-đa, Chồi của Đa-vít, đã đắc thắng để mở sách và tháo bảy dấu ấn của nó." Con thấy điều này không hề mâu thuẫn mà thực ra nó còn bổ sung cho nhau. Vì câu 3 nhấn mạnh rằng không có một tạo vật nào trên trời, dưới đất hoặc bên dưới đất có đủ quyền năng để mở cuộn sách. Điều này nhấn mạnh tính duy nhất của Đấng có thể hoàn thành sứ mệnh này. Đến câu 5, Đức Chúa Jesus được gọi là Sư Tử của Chi Tộc Giu-đa và Chồi của Đa-vít, là Đấng duy nhất xứng đáng mở cuộn sách vì Ngài đã đắc thắng qua sự hy sinh và phục sinh. Sự đắc thắng của Ngài đã giải quyết những điều mà không ai khác có thể làm, khẳng định quyền năng và sự xứng đáng độc tôn của Ngài. Vì Ngài cũng chính là Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, trong câu 5 có nói đến danh hiệu "Sư Tử của Chi Tộc Giu-đa, Chồi của Đa-vít". Danh hiệu này là chỉ về Đức Chúa Jesus Christ. "Sư Tử của Chi Tộc Giu-đa" nhấn mạnh về sức mạnh, quyền lực, và vị thế lãnh đạo của Ngài. Hình ảnh con sư tử, một loài vật mạnh mẽ và oai hùng, đại diện cho vị thế lãnh đạo và sự chiến thắng. Còn Giu-đa với tư cách là chi tộc lãnh đạo, mang lại hình ảnh về một vị vua mạnh mẽ và quyền lực trong dân I-sơ-ra-en, vì Giu-đa là chi tộc lãnh đạo trong dân I-sơ-ra-ên được nói đến trong sách Sáng Thế Ký 49:9-10. Và "Chồi của Đa-vít" nhắc đến lời hứa của Đức Chúa Trời rằng Đấng Mê-si-a sẽ đến từ dòng dõi Đa-vít và sẽ trị vì đời đời được nhắc đến trong II Sa-mu-ên 7:12-16. Ở đây ám chỉ lời hứa của Đức Chúa Trời về Đấng Mê-si-a sẽ đến từ dòng dõi của Vua Đa-vít. Lời hứa này không chỉ nhấn mạnh về nguồn gốc của Đức Chúa Jesus mà còn khẳng định Ngài sẽ trị vì một vương quốc vĩnh cửu, thực hiện ý định của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Sự kết hợp giữa hai danh hiệu này khẳng định cả quyền năng và nguồn gốc thiêng liêng của Đức Chúa Jesus, người mang đến sự cứu rỗi và vương quyền của Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, trong câu 6 có mô tả "Chiên Con như đã bị giết" đó là một biểu tượng về sự hy sinh của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá. Hình ảnh này không chỉ nhắc đến sự đau khổ và cái chết của Ngài trên thập tự giá, mà còn mang trong mình ý nghĩa về sự chuộc tội cho toàn nhân loại. Theo truyền thống, con chiên được dùng trong các buổi lễ tế, đặc biệt là Lễ Vượt Qua trong Cựu Ước, nơi con chiên vô tội được hiến tế để cứu rỗi dân I-sơ-ra-en khỏi cái chết. Sự mô tả rằng Chiên Con "như đã bị giết" cũng nhấn mạnh rằng mặc dù Đức Chúa Jesus đã chịu chết nhưng Ngài không ở lại trong cái chết. Sự phục sinh của Đức Chúa Jesus là minh chứng cho sự chiến thắng của Ngài đối với tội lỗi và cái chết, mang lại hy vọng và sự sống mới cho tất cả những ai tin vào Ngài. Qua đó, hình ảnh này không chỉ thể hiện sự hy sinh mà còn khẳng định quyền năng và sự sống vĩnh cửu của Đức Chúa Jesus.

Còn hình ảnh bảy sừng tiêu biểu cho quyền năng vô hạn và toàn năng của Đức Chúa Jesus Christ. Trong Thánh Kinh sừng thường tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực. Hình ảnh này nhấn mạnh rằng Đức Chúa Jesus có quyền lực mạnh mẽ và khả năng bảo vệ những người tin nhận vào Ngài. Và con số bảy trong Thánh Kinh thường chỉ về sự trọn vẹn và hoàn hảo. Do đó, sự kết hợp của "bảy sừng" không chỉ cho thấy quyền năng của Đức Chúa Jesus mà còn khẳng định rằng quyền năng này là toàn diện và không bị giới hạn. Điều này cho thấy Ngài có quyền năng tuyệt đối trong mọi lĩnh vực, từ việc cứu rỗi nhân loại đến quản lý toàn vũ trụ. Sự biểu tượng này củng cố niềm tin rằng Đức Chúa Jesus là Đấng toàn tri, toàn năng, có thể thực hiện mọi điều theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, mệnh đề "bát bằng vàng đầy hương, ấy là những lời cầu nguyện của những thánh đồ" trong câu 8. Con hiểu rằng hương trong bát vàng là tượng trưng cho những lời cầu nguyện của các thánh đồ, thể hiện rằng những lời cầu nguyện ấy không chỉ đơn thuần là lời nói mà còn mang trong mình một giá trị thiêng liêng. Hình ảnh này nhấn mạnh rằng những lời cầu nguyện được dâng lên Đức Chúa Trời là quý giá và có thể được Ngài lắng nghe và ghi nhận.

Việc hương thơm đẹp lòng Đức Chúa Trời cho thấy rằng Ngài trân trọng những lời cầu nguyện của con cái Ngài, và chúng được giữ gìn một cách cẩn thận trong vương quốc của Ngài. Điều này khích lệ chúng con rằng mọi lời cầu nguyện, dù lớn hay nhỏ, đều có giá trị trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời và là một phần quan trọng trong sự thờ phượng Ngài. Nó cũng nhắc nhở chúng con về sự quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống thuộc linh, vì lời cầu nguyện là phương tiện mà chúng con giao tiếp với Đức Chúa Trời và thể hiện lòng tin tưởng của chúng con vào Ngài.

Thưa Cha, qua phân đoạn Thánh Kinh trên cũng đã giúp con áp dụng được nhiều điều trên bước đường con đi theo Chúa. Con tin rằng Hội Thánh sẽ được cất lên trước Kỳ Tận Thế và sẽ chứng kiến cảnh Chiên Con nhận cuộn sách từ Đức Chúa Trời để bắt đầu sự phán xét toàn thế gian và con đã sẵn sàng để ra đi với Đấng Christ. Đây là sự chuẩn bị tâm linh của con vì nó thể hiện lòng tin tưởng và sự cam kết của con với Chúa.

Thưa Cha, trong những ngày cuối cùng này con cũng có những áp lực từ cuộc sống thường nhật có thể khiến con dễ bị cuốn vào những ưu tiên vật chất và sự thoải mái. Tuy nhiên, Thánh Kinh nhấn mạnh rằng việc tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài là ưu tiên hàng đầu, được Chúa phán trong sách Ma-thi-ơ 6:33. Điều này có nghĩa là con nên chú ý đến các việc làm mà Đức Chúa Trời đã sắp đặt cho con, như làm các linh vụ của Hội Thánh, giúp đỡ những người cần, và chia sẻ Tin Lành với những người xung quanh. Khi con đặt lòng tin vào Đức Chúa Trời và tích cực tham gia vào những việc lành này, con cảm thấy cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa hơn và gần gũi với Chúa càng hơn.

Thưa Cha, con có nhận biết những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho con đó những việc hàng ngày nó tùy vào vai trò, hoàn cảnh và ân tứ mà con nhận được từ Đức Chúa Trời. Đó là những việc lành cụ thể như:

+ Con sống đời sống yêu thương và tha thứ: Tình yêu thương là điều cốt lõi mà Đức Chúa Jesus đã nhấn mạnh trong cuộc sống của người tin nhận Chúa. Ngài dạy chúng con yêu thương người khác như chính mình (Ma-thi-ơ 22:39) và tha thứ cho những ai phạm tội với chúng con (Ê-phê-sô 4:32). Sự yêu thương và tha thứ phản ánh chính bản tính của Chúa và làm sáng danh Ngài.

+ Con chia sẻ Tin Lành của Chúa cho mọi người: Một trong những việc lành quan trọng mà Đức Chúa Trời giao phó cho tất cả chúng con là chia sẻ Tin Lành. Trong Ma-thi-ơ 28:19-20 Đức Chúa Jesus ra lệnh cho chúng con đi và làm cho muôn dân trở thành môn đồ của Ngài, làm chứng về tình yêu và sự cứu rỗi của Chúa cho thế gian.

+ Con phục vụ người khác trong tình yêu thương: Trong sách Giăng 13:14-15 cho thấy tấm gương của Đức Chúa Jesus khi Ngài rửa chân cho các môn đồ. Điều này nhấn mạnh sự khiêm nhường và phục vụ lẫn nhau. Đức Chúa Trời kêu gọi con cái Ngài sống một đời sống phục vụ, giúp đỡ người nghèo khó, góa bụa, yếu đau và những người gặp khó khăn.

+ Con sử dụng những ân tứ Chúa ban để gây dựng thân thể Đấng Christ: Mỗi người Cơ-đốc nhân được Chúa ban cho những ân tứ riêng biệt để gây dựng Hội Thánh và phục vụ mọi người. Sử dụng ân tứ mà Đức Chúa Trời ban cho để phục vụ mọi người là một trong những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng con.

+ Con sống một đời sống thánh khiết và công bình: Đức Chúa Trời kêu gọi chúng con trở thành những con người thánh khiết, phản ánh sự công chính của Ngài trong mọi việc làm. Điều này bao gồm việc sống theo những nguyên tắc của Lời Chúa, yêu mến sự công bằng và thật thà (Mi-chê 6:8), không chỉ trong hành động mà còn trong suy nghĩ và lời nói.

+ Con chăm sóc gia đình và người thân của con: Một trong những trách nhiệm căn bản mà Đức Chúa Trời giao cho mỗi một chúng con đó là yêu thương và chăm sóc gia đình của mình. Điều này thể hiện qua việc tôn kính cha mẹ, nuôi dạy con cái là cơ nghiệp đời đời Chúa ban trong sự dạy dỗ theo luật pháp Chúa (Ê-phê-sô 6:4), và yêu thương, chăm sóc bảo vệ gia đình của mình.

+ Con đóng góp cho công việc các linh vụ của Hội Thánh: Đức Chúa Trời kêu gọi con dân Ngài đóng góp cho công việc, linh vụ của Ngài qua việc dâng hiến góp phần xây dựng Hội Thánh và hỗ trợ các linh vụ truyền giáo. Điều này không chỉ về mặt tài chính mà còn về thời gian và tài năng mà chúng con có thể dành cho công việc của Chúa sắm sẵn cho chúng con.

Những việc lành này không phải là những việc chúng con làm để đạt được sự cứu rỗi, mà là kết quả tự nhiên của đức tin và sự cứu chuộc mà chúng con nhận được qua Đức Chúa Jesus. Đức Chúa Trời đã chuẩn bị trước những cơ hội, tình huống, và ân tứ để mỗi người chúng con sống và làm sáng danh Ngài thông qua các hành động, lời nói, suy nghĩ trong đời sống mỗi ngày.

Thưa Cha, qua sách Khải Huyền 5:1-8 mang đến cho con nhiều bài học sâu sắc về sự tôn vinh và kế hoạch của Đức Chúa Trời trong việc cứu chuộc nhân loại thông qua Chiên Con, tức là Đức Chúa Jesus Christ. Dưới đây là những bài học con rút ra từ phân đoạn này:

+ Thứ nhất là hình ảnh cuộn sách trong tay Đức Chúa Trời, được niêm lại bằng bảy dấu ấn, tượng trưng cho kế hoạch trọn vẹn của Ngài đối với toàn bộ lịch sử và sự cứu chuộc. Điều này khẳng định rằng Đức Chúa Trời nắm giữ quyền kiểm soát tối cao trên mọi sự và không có điều gì xảy ra ngoài ý muốn của Ngài. Cuộn sách không thể được mở trừ khi có người xứng đáng, điều này cho thấy sự toàn quyền của Đức Chúa Trời trên lịch sử và tương lai của nhân loại.

+ Thứ hai là không ai trên trời, dưới đất hoặc bên dưới đất có thể mở cuộn sách ngoại trừ "Sư Tử của Chi Tộc Giu-đa" và "Chồi của Đa-vít", tức là Đức Chúa Jesus Christ. Điều này nhấn mạnh rằng chỉ có Ngài mới xứng đáng vì Ngài đã đắc thắng thông qua sự chết và sự sống lại. Đức Chúa Jesus không chỉ là Đấng Cứu Chuộc mà còn là Vua và Thẩm Phán tối cao, người sẽ hoàn thành kế hoạch của Đức Chúa Trời cho toàn thế gian.

+ Thứ ba là khi Sứ Đồ Giăng khóc nức nở vì không tìm được ai xứng đáng để mở cuộn sách, điều này biểu tượng cho nỗi đau buồn và tuyệt vọng của nhân loại khi không có ai có thể giải cứu cho cuộc sống. Tuy nhiên, niềm vui đến khi Chiên Con xuất hiện và xứng đáng mở cuộn sách. Điều này dạy chúng con rằng mọi hy vọng và sự cứu rỗi của nhân loại đều nằm ở nơi Đức Chúa Jesus, Đấng đã chiến thắng sự chết và tội lỗi.

+ Thứ tư là hình ảnh Chiên Con "như đã bị giết" nhưng vẫn đứng vững với "bảy sừng và bảy mắt" biểu tượng cho quyền năng và sự hiện diện của Ngài khắp mọi nơi. Đức Chúa Jesus là Đấng đã chịu khổ và chết thay cho tội lỗi của nhân loại, nhưng Ngài cũng là Đấng quyền năng tối thượng, được ban cho mọi quyền lực và sự khôn ngoan để hoàn thành kế hoạch của Đức Chúa Trời.

+ Thứ năm là khi Chiên Con lấy cuộn sách, bốn sinh vật và hai mươi bốn trưởng lão đã hạ mình xuống thờ phượng Ngài. Điều này nhấn mạnh rằng Đức Chúa Jesus xứng đáng được tôn thờ như Đức Chúa Trời. Sự thờ phượng của họ, kèm theo hạc cầm và bát bằng vàng đầy hương, đại diện cho những lời cầu nguyện của các thánh đồ, chỉ ra rằng sự thờ phượng của chúng con phải đi đôi với lòng kính trọng, cầu nguyện, và tôn kính Ngài như Đấng duy nhất có quyền cai trị toàn cõi vũ trụ.

+ Thứ sáu là bát vàng đầy hương trong tay các trưởng lão, tượng trưng cho những lời cầu nguyện của các thánh đồ, điều đó nhắc nhở chúng con rằng lời cầu nguyện của chúng con có giá trị rất lớn trước Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không chỉ lắng nghe mà còn xem những lời cầu nguyện như hương thơm dâng lên trước Ngài, điều này khích lệ chúng con luôn kiên trì trong việc cầu nguyện với Chúa mỗi ngày.

Con tạ ơn Chúa vì Lời Ngài trong sách Khải Huyền 5:1-8 đã nhắc nhở con về sự quyền năng, tình yêu, và lòng thương xót vô biên của Ngài. Con cảm tạ Ngài vì Đức Chúa Jesus, Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng đã đắc thắng sự chết và tội lỗi để cứu chuộc con. Ngài là Đấng duy nhất xứng đáng để mở cuộn sách và thực hiện kế hoạch của Đức Chúa Trời cho cả nhân loại.
Chúa ơi, xin giúp con luôn nhận biết quyền tể trị của Ngài trong đời sống của con và trong mọi hoàn cảnh. Con cầu xin Ngài ban cho con lòng tin mạnh mẽ, để con luôn tin cậy rằng Ngài đang nắm giữ mọi sự trong tay và sẽ hoàn thành mọi điều tốt đẹp cho những ai thuộc về Ngài.

Xin Chúa cho con biết khiêm nhường trước Ngài, sống đời sống công bình, nhân từ, và luôn cầu nguyện với lòng biết ơn. Con xin dâng lời cầu nguyện của con lên Ngài, xin Chúa nghe và sẽ đáp lời trong thời điểm tốt nhất. Con xin dâng trọn đời sống của con để tôn thờ Ngài, Đấng đã chịu chết thay cho con với lòng thành kính và biết ơn vì ân điển vô giá mà Ngài đã ban cho con.

Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
28/10/2024

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ