Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Khải Huyền 16:1-11 Bảy Tai Họa Cuối Cùng – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương Đời Đời của chúng con, con xin dâng lời cảm tạ ơn Cha vì những ân điển lớn lao mà Cha đã ban, giúp cho con luôn sống trong sự bình an của Ngài. Thì giờ này, xin Cha hướng dẫn con khi con suy ngẫm Lời Ngài trong Khải Huyền 16:1-11, để con hiểu rõ hơn về sự công chính và quyền tể trị của Chúa.

1 Tôi đã nghe một tiếng lớn từ Đền Thờ, truyền cho bảy thiên sứ: "Hãy lui ra! Hãy trút bảy chén thịnh nộ của Đức Chúa Trời trên đất."
2 Vị thứ nhất đã đi ra và đã trút chén của mình trên đất: Một cơn lở loét dữ và tệ hại đã giáng xuống trên những người đã có dấu của con thú và những kẻ thờ phượng tượng của nó.
3 Thiên sứ thứ nhì đã trút chén của mình trên biển: Nó đã trở nên giống như máu của người chết và mọi linh hồn sống đã chết trong biển.
4 Thiên sứ thứ ba đã trút chén của mình trên các sông và các nguồn nước; thì chúng đã trở nên máu.
5 Tôi đã nghe thiên sứ của các nguồn nước thưa: "Lạy Chúa! Đấng Hiện Có, Đã Có, và Còn Đến; Ngài là công chính vì Ngài đã phán xét như vậy.
6 Vì chúng đã làm đổ máu của những thánh đồ và các tiên tri nên Ngài đã ban cho chúng máu để uống. Vì chúng là đáng bị như vậy."
7 Tôi đã nghe một tiếng khác từ bàn thờ thưa: "Thật! Lạy Chúa! Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng. Sự phán xét của Ngài là chân thật và công chính."
8 Thiên sứ thứ tư đã trút chén của mình trên mặt trời: Đã được ban cho nó thiêu đốt loài người bằng lửa.
9 Loài người đã bị thiêu đốt bằng sức nóng lớn và chúng đã phạm thượng danh của Đức Chúa Trời, Đấng có quyền trên các tai họa này. Chúng đã không cải hối để dâng sự vinh quang lên Ngài.
10 Thiên sứ thứ năm đã trút chén của mình trên ngai của con thú: Vương quốc của nó đã trở nên bị tối tăm. Chúng cắn lưỡi mình vì đau đớn.
11 Chúng đã phạm thượng Đức Chúa Trời của trời, vì những sự đau đớn của chúng và những lở loét của chúng, mà không cải hối những việc làm của chúng.

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên mô tả bảy chén thịnh nộ của Đức Chúa Trời được trút lên trên đất, thể hiện sự phán xét công chính và nghiêm khắc của Chúa đối với những kẻ chống lại Ngài. Mỗi chén thịnh nộ mang đến một hình phạt tàn khốc: từ lở loét trên những người thờ phượng con thú, biển và nước trở thành máu, đến việc mặt trời thiêu đốt loài người. Mặc dù đối diện với những đau đớn và sự hủy diệt nhưng loài người vẫn cứng lòng, không chịu ăn năn mà tiếp tục phạm thượng đến danh của Đức Chúa Trời. Sự phán xét này phản ánh sự công chính và quyền năng của Đức Chúa Trời, đồng thời cảnh báo về sự bất trị và sự cứng lòng của những kẻ từ chối ăn năn chống nghịch Chúa.

Thưa Cha, bảy tai họa cuối cùng được mô tả trong Khải Huyền liên quan đến đất, biển, nguồn nước, mặt trời, ngai của con thú, Sông Ơ-phơ-rát, và khoảng không theo con nghĩ là vì để nhấn mạnh sự toàn diện và quyền tể trị tuyệt đối sự phán xét của Đức Chúa Trời. Các hình ảnh: Đất, biển và nguồn nước tượng trưng cho các yếu tố thiết yếu cho sự sống mà con người phụ thuộc để tồn tại, trong khi mặt trời đại diện cho ánh sáng và năng lượng duy trì sự sống. Còn ngai của con thú là biểu tượng cho quyền lực của sự ác đang thống trị thế gian, và Sông Ơ-phơ-rát gắn liền với các sự kiện lịch sử và tiên tri về cuộc xung đột cuối cùng như trong trận chiến của Thi Thiên 83 và trong Khải Huyền 16:12. Sông Ơ-phơ-rát được nhắc đến với vai trò tiên tri, khi nước của nó bị cạn kiệt, tạo điều kiện cho các đội quân từ phía đông tiến vào chiến trường, báo hiệu một cuộc xung đột vĩ đại cuối cùng trong Kỳ Tận Thế. Khoảng không được nói đến ở đây, bao gồm bầu khí quyển và không gian, phản ánh quyền kiểm soát tối thượng của Đức Chúa Trời trên toàn bộ cõi vũ trụ và tạo vật.

Thưa Cha, trong Khải Huyền 16:2, nói rằng cơn lở loét chỉ giáng xuống trên những người có dấu của con thú và thờ phượng tượng của nó. Điều này cho con thấy rằng con dân của Chúa và những người không nhận dấu của con thú và không thờ phượng nó sẽ không phải chịu tai họa này. Đây là một phần trong sự bảo vệ mà Đức Chúa Trời dành cho dân sự Ngài trong những ngày cuối cùng này, thể hiện sự phân biệt rõ ràng giữa những người thuộc về Ngài và những người theo con thú. Sự kiện này khẳng định rằng, dù trong lúc thử thách và phán xét, Đức Chúa Trời luôn che chở và bảo vệ những người trung tín với Ngài. Theo cách mô tả trong Khải Huyền 16:2 thì con hiểu rằng cơn lở loét này chủ yếu nhắm đến những người đã chọn theo con thú, tức là những người thực sự tham gia vào sự thờ phượng và nhận dấu của nó. Những người chưa tin Chúa nhưng không nhận dấu con thú, mặc dù họ chưa phải là con dân của Chúa thì có lẽ họ sẽ không phải chịu hình phạt này, vì họ chưa tham gia vào sự tôn thờ con thú. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ không phải chịu sự phán xét cuối cùng nếu họ không ăn năn và quay về với Đức Chúa Trời. Sự cứu rỗi trong Thánh Kinh được dạy rằng chỉ qua đức tin vào Đức Chúa Jesus Christ mới có thể được cứu, và những ai không tin vào Ngài sẽ phải đối diện với sự phán xét trong ngày tận thế sắp đến. Do đó, mặc dù không nhận dấu của con thú, nhưng những người chưa tin Chúa vẫn cần phải có sự ăn năn và tin nhận Chúa để được cứu chuộc từ Ngài.

Thưa Cha, con nghĩ rằng có sự khác biệt giữa "trở nên giống như máu" trong câu 3 và "trở nên máu" trong câu 4, ở đây là nó phản ánh sự khác biệt về mức độ và tính chất của tai họa. Trong câu 3, biển "trở nên giống như máu của người chết" ám chỉ sự hủy diệt mà không thực sự biến thành máu, mà chỉ giống như máu về màu sắc, nó tượng trưng cho sự chết, tức là tính chất của nước chưa hoàn toàn thay đổi bên trong. Ngược lại, trong câu 4, các sông và nguồn nước "trở nên máu" thì sự biến đổi này là trực tiếp và toàn diện cả bên ngoài lẫn bên trong khiến nước không thể sử dụng được nó, không còn tính chất của nước nữa. Nước đã thực sự trở thành máu, biểu tượng cho sự ô uế và không thể sử dụng được, nói lên sự phán xét mạnh mẽ của Đức Chúa Trời đối với thế gian.

Thưa Cha, theo con nghĩ thì "các sông và các nguồn nước" đã thật sự "trở nên máu" vì ở đây nó không chỉ là một hiện tượng của tự nhiên, mà ở đây có thể được hiểu là một phép lạ siêu nhiên từ Chúa, để phản ánh sự phán xét trực tiếp của Đức Chúa Trời, với mục đích thể hiện sự ô uế và sự chết. Các nguồn nước, vốn là nguồn cung cấp sự sống cho con người, giờ đây bị biến thành máu đã thay đổi hoàn toàn về tính chất, sự kiện này con thấy tương tự như một trong những tai vạ mà Chúa đã giáng xuống xứ Ê-díp-tô trong 10 tai vạ (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:14-25). Trong tai vạ thứ nhất, Chúa đã biến sông và tất cả các nguồn nước ở Ê-díp-tô thành máu, khiến nước không thể uống được và mọi sự sống trong nước đều chết (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:17-21). Mặc dù sự kiện này có thể được hiểu theo nghĩa đen là thật sự nước đã biến thành máu, nhưng nó cũng mang ý nghĩa biểu tượng về sự hủy diệt và sự thanh tẩy của Đức Chúa Trời đối với sự ác và tội lỗi của con người.

Thưa Cha, mặc dù trong Khải Huyền 16:4, các sông và nguồn nước bị biến thành máu như một hình phạt của Đức Chúa Trời, nhưng con nghĩ rằng con dân Ngài sẽ được Ngài bảo vệ một cách siêu nhiên. Cũng giống như khi Đức Chúa Trời cung cấp nước từ đá cho dân I-sơ-ra-ên trong hoang mạc (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:6) hay khi Ngài làm cho nước từ đá chảy ra khi dân I-sơ-ra-ên thiếu nước (Dân Số Ký 20:11), Ngài có thể tiếp tục cung cấp nước sạch cho dân sự Ngài trong thời điểm phán xét cuối cùng này. Điều này tương tự như trong 10 tai vạ Chúa giáng xuống xứ Ai Cập, nơi mà các hình phạt chỉ giáng xuống trên dân Ai Cập, con dân của Đức Chúa Trời được bảo vệ và không bị chịu ảnh hưởng. Trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký, con thấy rằng mặc dù Đức Chúa Trời giáng các tai vạ lên xứ Ai Cập để buộc Pha-ra-ôn phải thả dân I-sơ-ra-en nhưng con dân của Ngài vẫn được bảo vệ khỏi những tai vạ này, ví dụ như sự tối tăm hay sự chết của con đầu lòng. Thì cũng như vậy, trong Khải Huyền:16 này con nghĩ rằng mặc dù các tai vạ cuối cùng giáng xuống loài người, nhưng Đức Chúa Trời vẫn có thể bảo vệ con dân của Ngài khỏi những tai họa. Điều này phản ánh một điều đó là Đức Chúa Trời sẽ luôn chăm sóc và bảo vệ con dân Ngài trong thời gian phán xét và thử thách, giống như Ngài đã làm với dân I-sơ-ra-ên trong quá khứ.

Thưa Cha, để giải thích sự kiện mặt trời có thể "thiêu đốt loài người bằng lửa" theo góc độ của khoa học thì con nghĩ có thể lý giải thông qua một số hiện tượng thiên nhiên có thể xảy ra như sau:

+ Thứ nhất có thể là do sự tăng cường bức xạ mặt trời, trong những giai đoạn nhất định của chu kỳ mặt trời, hoạt động mặt trời mạnh có thể gia tăng, dẫn đến các bức xạ nhiệt mạnh mẽ hơn, nó làm ảnh hưởng đến bề mặt trái đất. Các đợt bức xạ này có thể làm tăng nhiệt độ toàn cầu và gây ra hiện tượng nóng đột ngột, làm cho con người bị "thiêu đốt" nếu không có biện pháp bảo vệ. Giống như thời gian qua thì mặt trời cũng có các sự thay đổi nên gây ra các hiện tượng bão mặt trời đã gây ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của con người.

+ Thứ hai có thể do sự phá hủy tầng ozone, vì tầng ozone bảo vệ trái đất khỏi các tia cực tím (UV) từ mặt trời. Nếu tầng ozone bị phá hủy hoặc suy yếu, lượng tia UV chiếu xuống bề mặt trái đất sẽ tăng lên đáng kể, nên gây ra sự nóng dữ dội và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.

+ Thứ ba là có thể do biến đổi khí hậu, một trong những điều mà loài người nói đến rất nhiều để giải thích cho sự nóng lên của trái đất. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra bởi sự gia tăng các khí nhà kính có thể làm thay đổi thời tiết và khí hậu một cách cực đoan, khiến các khu vực bị nóng lên nhanh chóng, thậm chí có thể dẫn đến hiện tượng nóng cực đoan như mô tả trong Khải Huyền 16:8.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của Khải Huyền 16, điều này được miêu tả không phải là hiện tượng tự nhiên mà đây là sự can thiệp siêu nhiên của Đức Chúa Trời trong quá trình phán xét thế gian. Sự nóng dữ dội từ mặt trời trong đoạn này không chỉ là kết quả của các hiện tượng tự nhiên mà là một dấu hiệu rõ ràng của quyền năng và sự công chính của Đức Chúa Trời đã được tỏ ra trong thời kỳ tận thế.

Thưa Cha, về sự loài người "bị thiêu đốt" bởi mặt trời mà vẫn "không cải hối" nhưng tiếp tục "phạm thượng danh của Đức Chúa Trời" đã cho con nhìn thấy bản chất ngoan cố và lòng cứng cỏi của loài người trước sự phán xét của Đức Chúa Trời. Dù bị thiêu đốt bởi mặt trời và chịu đau đớn tột cùng, nhưng họ không chỉ từ chối ăn năn mà còn tiếp tục phạm thượng đến danh của Chúa, điều này đã bày tỏ sự phản nghịch sâu sắc chống lại Chúa. Đây là hậu quả của việc đặt lòng trung thành vào con thú và hệ thống của nó, dẫn đến sự mù quáng tâm linh trong họ và họ cũng không thể nhận ra lẽ thật cùng sự cứu rỗi từ Chúa nữa. Sự kiện này cho con thấy được tính công chính tuyệt đối của Đức Chúa Trời, khi Ngài đã dùng các tai họa như lời cảnh tỉnh nhưng con người vẫn cứng lòng không cải hối. Điều này cho con thấy rằng sự phán xét của Đức Chúa Trời là chân thật và công chính như trong câu 7 đã khẳng định: “Thật! Lạy Chúa! Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng. Sự phán xét của Ngài là chân thật và công chính." Đối với con dân của Chúa thì phân đoạn Thánh Kinh này là lời nhắc nhở tầm quan trọng của việc giữ tấm lòng mềm mại, sẵn sàng ăn năn trước mọi sự nhắc nhở của Đức Thánh Linh, đồng thời thúc giục chúng con tiếp tục cầu thay và rao truyền Tin Lành của Chúa cho mọi người, vì thời gian ân điển sẽ không kéo dài mãi mãi. Đây cũng là lời cảnh báo về hậu quả khủng khiếp khi con người từ chối quyền năng và sự thương xót của Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, con nghĩ rằng những người cải hối ăn năn quay lại đầu phục Chúa thì người ấy sẽ được cứu, vì như Lời Chúa trong sách I Giăng 1:9 đã khẳng định rằng bất kỳ ai thật lòng ăn năn và tin vào Đức Chúa Jesus Christ đều có thể được tha thứ: “Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.” Còn những người đã nhận dấu ấn của con thú thì con nghĩ rằng họ sẽ rất khó hoặc không thể được cứu vì hành động nhận dấu con thú như một biểu hiện cho sự lựa chọn dứt khoát chống lại Đức Chúa Trời của họ, trong sách Khải Huyền 14:9-11 Chúa đã cảnh báo rằng những người nhận dấu của con thú và thờ phượng nó sẽ chịu cơn thịnh nộ đời đời của Đức Chúa Trời. Phân đoạn này không nhắc đến khả năng họ ăn năn, mà chỉ nhấn mạnh hậu quả nghiêm trọng và vĩnh viễn của hành động này. Điều đó cho con thấy việc nhận dấu con thú không chỉ là một hành động bên ngoài mà nó phản ánh sự chọn lựa rõ ràng của những người đã cố ý chối Chúa đến cuối cùng. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, Ngài có thể làm mềm lòng bất kỳ ai theo ý muốn của Ngài.

Thưa Cha, sự "tối tăm" được nói đến trong Khải Huyền 16:10 con nghĩ rằng đó không nhất thiết là sự tối tăm toàn cầu, mà nó chỉ tập trung vào vương quốc của con thú, nơi chịu sự cai trị và quyền lực của nó. Sự tối tăm này cũng mang ý nghĩa tượng trưng, thể hiện sự hỗn loạn, thất bại và bại hoại của hệ thống do con thú lãnh đạo hoặc cũng có thể là một sự tối tăm siêu nhiên thực sự, giống như tai vạ thứ 9 trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký 10:21-23.

Nếu mà sự tối tăm lan rộng trên toàn cầu thì con nghĩ rằng Đức Chúa Trời vẫn có thể ban sự bảo vệ siêu nhiên cho con dân của Ngài, như Ngài đã làm với dân I-sơ-ra-ên khi họ có ánh sáng trong nhà mình dù cả xứ Ai Cập chìm trong bóng tối. Ngoài ánh sáng vật lý thực tế ra, thì con dân Chúa cũng được ban ánh sáng thuộc linh qua sự hiện diện của Đức Chúa Trời, giúp cho họ tiếp tục sống trong hy vọng và sự dẫn dắt của Ngài ngay giữa hoàn cảnh đen tối nhất của cuộc đời. Điều này khích lệ chúng con tin cậy vào sự chăm sóc và quyền năng của Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, câu "chúng cắn lưỡi mình vì đau đớn" trong Khải Huyền 16:10 cho con thấy sự đau đớn tột cùng và tuyệt vọng của những người chống nghịch Chúa dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời. Hành động cắn lưỡi này tượng trưng cho sự đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần, khi con người không thể chịu đựng được nỗi thống khổ mà vẫn tiếp tục phản kháng và không ăn năn. Nó cũng phản ánh sự giận dữ và ngoan cố của họ đối với Đức Chúa Trời, cho con thấy rằng mặc dù chịu đựng sự đau đớn tột cùng như muốn kết thúc cuộc sống nhưng họ vẫn từ chối sự cứu rỗi từ nơi Chúa. Điều này cho con thấy hậu quả nghiêm trọng của việc từ chối ân điển và sự cứu rỗi của Chúa, cũng như sự bại hoại của tội lỗi trong lòng con người, nó làm cho con người bị mù lòa về thuộc linh. Câu này cũng là một lời cảnh tỉnh đối với tất cả mọi người, và là lời khích lệ con dân của Chúa sống trong ân điển của Chúa và cầu nguyện cho những người chưa tin nhận Chúa trước khi thời gian ân điển kết thúc.

Thưa Cha, bốn tai họa được đề cập trong Khải Huyền 16:8-11 con thấy đó là những hình phạt nghiêm khắc của Đức Chúa Trời đối với những kẻ không ăn năn, tiếp tục sống trong tội lỗi và chống nghịch lại Chúa. Đầu tiên, sự thiêu đốt từ mặt trời (câu 8-9) tượng trưng cho hình phạt đau đớn mà con người phải chịu vì không ăn năn mà vẫn tiếp tục phạm thượng danh Đức Chúa Trời, nó cho con thấy bản chất ngoan cố và bướng bỉnh của con người trước sự phán xét của Đức Chúa Trời. Tiếp theo là sự tối tăm (câu 10) trút lên ngai của con thú, muốn nói lên sự thiếu vắng ánh sáng thiêng liêng của Chúa và sự khốn cùng trong tâm linh của những kẻ sống trong tội lỗi, từ chối sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Bất chấp những tai họa này, con người vẫn không ăn năn mà tiếp tục phạm thượng đến danh của Chúa, cho con thấy sự cố chấp của họ trong việc từ chối sự cứu rỗi và không nhận ra sự công chính của Đức Chúa Trời. Cuối cùng, dù phải chịu đau đớn tột cùng thì con người vẫn tiếp tục cắn lưỡi vì đau đớn nhưng không chịu hối cải (câu 11), nói lên sự bướng bỉnh và sự cứng lòng của những người chống nghịch Chúa. Tất cả những hình phạt này đã cho con thấy quyền năng và sự công chính của Đức Chúa Trời, đồng thời là lời cảnh báo cho những ai chưa ăn năn hãy quay về với Chúa.

Thưa Cha, khi con là con dân Chúa, trong Kỳ Tận Thế, thì con sẽ cảm nhận giữa niềm tin vững vàng vào Chúa và có chút lo âu trước những tai họa mà thế giới sẽ phải gánh chịu trong thời gian tới. Mặc dù có sự phán xét nghiêm khắc từ Đức Chúa Trời nhưng con vẫn sẽ tin tưởng vào lời hứa của Chúa về sự bảo vệ và cứu rỗi của Chúa cho những ai trung thành với Ngài. Trong thời gian thử thách này, con cần kiên trì giữ vững đức tin vào Chúa vì Kỳ Tận Thế là một thời kỳ không chỉ của sự phán xét mà còn là thời của sự bách hại và đau khổ mà thế gian gây ra cho con dân của Chúa. Tuy nhiên, con sẽ tìm sự an ủi và sức mạnh từ lời hứa của Đức Chúa Trời, và tin rằng Ngài sẽ không bỏ rơi những ai tin vào Ngài. Dù thế giới xung quanh có hỗn loạn ra sao thì con vẫn có thể tìm thấy bình an trong sự hiện diện của Chúa. Đồng thời, con sẽ cầu nguyện và làm chứng cho những người chưa biết Chúa, hy vọng có thể giúp cho họ tìm thấy sự cứu rỗi trước khi Đức Chúa Jesus quay trở lại thế gian.

Thưa Cha, khi suy ngẫm về việc Đức Chúa Trời kêu gọi con dân Ngài ra xa khỏi Kỳ Tận Thế, con nhận ra đây là lời mời gọi của Chúa để chuẩn bị cho sự trở lại của Đấng Christ. Là con cái của Chúa, con được kêu gọi sống một cuộc đời thánh khiết, trung tín và đầy ơn phước, luôn sẵn sàng cho ngày Đức Chúa Jesus trở lại. Để có thể đi cùng Đấng Christ khi Ngài trở lại với Hội Thánh, thì con cần duy trì mối quan hệ mật thiết với Ngài qua sự cầu nguyện, học hỏi suy ngẫm và áp dụng Lời Ngài trong cuộc sống hằng ngày. Sự chuẩn bị này không chỉ là việc riêng của mỗi cá nhân con mà còn là trách nhiệm chung của cả Hội Thánh, giúp mỗi chúng con hiểu rõ ý nghĩa của sự kêu gọi và chuẩn bị cho sự trở lại của Đấng Christ. Ngoài ra, con cũng cần làm chứng về tình yêu và sự cứu rỗi của Chúa cho những người xung quanh, để họ cũng có thể được vào trong sự cứu rỗi và cùng đi với Chúa.

Thưa Cha, qua việc đọc và suy ngẫm Lời chúa qua phân đoạn Thánh Kinh sách Khải Huyền 16:1-11 đã cho con rút ra nhiều bài học bổ ích trên bước đường con đi theo Chúa, các bài học cụ thể là:

+ Thứ nhất là các tai họa được giáng xuống thế gian, đó là sự thể hiện rõ ràng của sự công chính và quyền năng của Đức Chúa Trời. Mỗi hình phạt đều có mục đích và phản ánh sự công chính của Đức Chúa Trời trong việc phán xét tội lỗi và sự ngoan cố của nhân loại. Điều này nhắc nhở chúng con rằng, Đức Chúa Trời luôn công chính trong mọi quyết định và hành động của Ngài.

+ Thứ hai là dù phải chịu đau đớn tột cùng từ những tai họa, nhưng loài người vẫn ngoan cố từ chối ăn năn và tiếp tục phạm thượng danh Đức Chúa Trời (câu 9). Điều này chỉ ra bản chất tội lỗi của con người khi bị che mắt bởi quyền lực của sự tối tăm khi không chịu hạ mình ăn năn và quay trở lại với Chúa. Đây là lời cảnh tỉnh cho chúng con về nguy cơ sống trong sự cứng lòng và ngoan cố trước sự kêu gọi của Đức Chúa Trời.

+ Thứ ba là một bài học quan trọng từ phân đoạn này, đó là, mặc dù tội lỗi có thể dẫn đến hình phạt nghiêm khắc, nhưng lòng ăn năn vẫn là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi. Những người không ăn năn sẽ tiếp tục phải đối diện với sự phán xét của Đức Chúa Trời, trong khi những ai thật lòng ăn năn tội sẽ nhận được sự tha thứ và cứu chuộc từ nơi Chúa.

+ Thứ tư là các tai họa mà Chúa giáng xuống thế gian cho thấy sự khẩn cấp trong việc chuẩn bị cho sự trở lại của Đấng Christ. Chúng con cần sống trong sự tỉnh thức và chuẩn bị tinh thần để không bị lạc lối trong những thử thách của Chúa. Điều này bao gồm việc chúng con duy trì một đời sống thánh khiết, trung tín và gắn kết với Lời của Chúa.

Con cảm tạ Ngài vì dù trong những tai họa khủng khiếp được mô tả trong sách Khải Huyền 16:1-11, con tin rằng con dân Ngài sẽ được bảo vệ và gìn giữ bởi quyền năng Ngài. Xin Chúa giúp con luôn giữ lòng trung tín, đứng vững trong đức tin, và lan tỏa sứ điệp cứu rỗi của Ngài đến những người xung quanh. Con cầu xin trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
06/12/2024

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ