Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Khải Huyền 1:17-20 Khải Tượng về Con Người – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì những ân điển lớn lao mà Cha đã ban cho chúng con để chúng con luôn được bình an ở trong Ngài, thì giờ này Cha ban cho con thì giờ con suy ngẫm Lời Chúa trong sách Khải Huyền 1:17-20.

17 Khi tôi đã thấy Ngài, tôi đã ngã xuống tại chân của Ngài, như chết. Ngài đã đặt tay phải của Ngài trên tôi, phán với tôi: "Đừng sợ! Ta là Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng.
18 Đấng Sống mà đã chết, và kìa, Ta sống cho tới đời đời! A-men! Ta có các chìa khóa của âm phủ và sự chết.
19 Hãy chép những sự ngươi thấy: những sự hiện có và những sự sẽ có sau những sự ấy;
20 sự mầu nhiệm của bảy ngôi sao mà ngươi thấy trong tay phải của Ta và bảy chân đèn bằng vàng. Bảy ngôi sao là các thiên sứ của bảy Hội Thánh và bảy chân đèn mà ngươi thấy là bảy Hội Thánh."

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên Sứ Đồ Giăng, khi thấy sự hiện diện đầy quyền năng của Đức Chúa Jesus, ông đã ngã xuống vì sợ hãi. Tuy nhiên, Đức Chúa Jesus đặt tay lên ông và trấn an rằng: Ngài là Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng, đã chết nhưng nay sống mãi mãi. Đức Chúa Jesus khẳng định Ngài có quyền trên sự chết và âm phủ. Ngài bảo Sứ Đồ Giăng ghi lại những điều đã thấy, bao gồm hiện tại và tương lai. Chúa giải thích rằng bảy ngôi sao là các thiên sứ của bảy Hội Thánh, và bảy chân đèn bằng vàng tượng trưng cho bảy Hội Thánh. Phân đoạn Thánh Kinh này nhấn mạnh quyền tể trị và sự bảo vệ của Chúa trên Hội Thánh của Ngài.

Thưa Cha, trong câu 17 nói rằng khi Sứ Đồ Giăng nhìn thấy Chúa thì ông ngã xuống như chết. Đây là vì sự kinh ngạc và kính sợ trước sự thánh khiết và vinh quang của Đấng Christ. Sự thánh khiết của Chúa quá lớn, lớn đến mức con người không thể đứng vững nổi trước Ngài. Hành động Chúa đặt tay phải trên Sứ Đồ Giăng là biểu hiện sự yêu thương, bảo vệ và ban sức mạnh của Chúa, giúp Sứ Đồ Giăng can đảm đứng vững trước mạc khải thiêng liêng để an ủi và khích lệ ông, đồng thời thể hiện rằng ông không cần phải sợ, vì Đức Chúa Jesus là Đấng bảo vệ và ban cho sự sống cho ông và cho mọi người.

Thưa Cha, cụm từ "Đấng Sống mà đã chết" trong câu 18 con hiểu là Đức Chúa Jesus Christ, Đấng đã trải qua sự chết trên thập tự giá nhưng đã sống lại từ cõi chết. Danh từ "Đấng Sống" nhấn mạnh sự sống lại sự phục sinh của Chúa và sự sống đời đời của Ngài, trong khi "mà đã chết" nhắc về sự hy sinh của Ngài để cứu chuộc loài người trên cây thập tự.

Còn cụm từ "các chìa khóa của âm phủ và sự chết" là biểu tượng cho quyền lực, sự chiến thắng trước cái chết, và sự đảm bảo cứu rỗi cho những người tin vào Ngài. Khi Đức Chúa Jesus nói Ngài có các chìa khóa của âm phủ và sự chết, điều đó có nghĩa là Ngài có quyền trên sự chết và cõi âm phủ (nơi người chết đi đến). Ngài có quyền định đoạt sự sống và cái chết, và chính Ngài đã chiến thắng sự chết qua sự phục sinh vinh quang.

Thưa Cha, trong câu 19 có nói "những sự hiện có" đây là ám chỉ đến tình trạng của các Hội Thánh vào thời điểm Sứ Đồ Giăng viết sách Khải Huyền. "Những sự sẽ có sau những sự ấy" đề cập đến các sự kiện tương lai, những điều sẽ xảy ra sau đó, bao gồm các sự kiện tiên tri về thời kỳ cuối cùng được mô tả trong sách Khải Huyền này.

Thưa Cha, trong câu 20 nói về "sự mầu nhiệm của bảy ngôi sao". Hình ảnh "ngôi sao" ở đây đại diện cho các thiên sứ của bảy Hội Thánh, có thể hiểu là người lãnh đạo hoặc người bảo vệ tinh thần của mỗi Hội Thánh được Chúa sai đến. Sự mầu nhiệm của bảy ngôi sao không chỉ là một biểu tượng về quyền lực và sự bảo vệ mà còn phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa Chúa, các thiên sứ và các Hội Thánh, cũng như trách nhiệm của các lãnh đạo trong Hội Thánh trong việc giữ gìn đức tin và dẫn dắt các con dân của Chúa.

Còn "bảy chân đèn bằng vàng" tượng trưng cho bảy Hội Thánh, tượng trưng cho việc các Hội Thánh là ánh sáng của Đức Chúa Trời, phản chiếu sự sáng của Ngài cho thế gian mờ tối này. Là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về vai trò của các Hội Thánh trong việc phản chiếu ánh sáng của Đức Chúa Trời ra thế gian. Chúng con không chỉ sống cho chính mình mà còn có trách nhiệm làm chứng cho sự vinh hiển và tình yêu của Ngài cho mọi người, khuyến khích chúng con sống một cuộc đời gương mẫu, làm lợi ích cho người khác và làm sáng danh Chúa. Vì thế Chúa đã nhắc nhở chúng con phải như “là muối của đất, là ánh sáng của thế gian” (Ma-thi-ơ 5:13-16). Muối có vai trò bảo quản thực phẩm và mang lại hương vị. Chúng con cũng được kêu gọi làm điều tốt, ngăn ngừa cái ác và mang lại sự thay đổi tích cực trong xã hội. Ánh sáng giúp soi đường và chiếu sáng những chỗ tối tăm. Đức Chúa Jesus dạy rằng chúng con phải chiếu sáng sự thật và tình yêu của Ngài trong thế gian, thông qua hành động và lối sống của mỗi chúng con.

Thưa Cha, con cảm nhận được sự an ủi và bình an từ Chúa khi con đối diện với những khó khăn, khủng hoảng hoặc sợ hãi trong cuộc sống, nó có thể là trong công việc hay là vấn đề sức khỏe của con. Khi con cầu nguyện dâng lên Chúa những nan đề của con thì con thấy được sự hiện diện của Chúa, qua sự hiện diện thiêng liêng Lời Chúa trong Thánh Kinh, hoặc sự hướng dẫn của Chúa qua cầu nguyện giúp cho con có sự bình an trong Ngài. Đặc biệt, câu trong Khải Huyền 1:17, khi Đức Chúa Jesus phán "Đừng sợ!" là một sự trấn an mạnh mẽ, nhắc nhở rằng Ngài luôn hiện diện để bảo vệ và dẫn dắt con, ngay cả trong những khoảnh khắc đen tối, khó khăn nhất của cuộc đời.

Thưa Cha, sau khi đọc xong câu 18 đã mang lại cho con niềm an ủi và hy vọng rất nhiều, rằng chúng con sẽ được sống lại và có sự sống đời đời trong Chúa. Câu 18 cũng nhấn mạnh đến sự sống lại và chiến thắng của Đức Chúa Jesus trên sự chết: "Ta sống cho tới đời đời!" Đây là một thông điệp đầy hy vọng và sự bảo đảm cho những ai tin vào Ngài. Sự sống lại của Ngài là nền tảng cho đức tin mỗi chúng con và việc Ngài nắm giữ "các chìa khóa của âm phủ và sự chết" cho thấy rằng Ngài có quyền kiểm soát tuyệt đối trên sự chết và sự sống. Điều này mang lại sự an ủi lớn cho chúng con, rằng sự chết không còn là kết thúc, mà là khởi đầu của cuộc sống vĩnh cửu bên Chúa.

Thưa Cha, sau khi đọc Lời Chúa trong Thánh Kinh thì con thấy được rằng những sự đang xảy ra trong thế gian này là bằng chứng cho sự Đức Chúa Jesus sắp đến để đón Hội Thánh ra khỏi thế gian và thi hành sự phán xét loài người trong Kỳ Tận Thế. Những dấu hiệu Thánh Kinh mô tả, đặc biệt là trong sách Khải Huyền về các dấu hiệu cho sự trở lại của Đức Chúa Jesus, nó đã và đang xảy ra trong thời đại của chúng con ngày hôm nay đó là:

+ Chiến tranh và xung đột: Trong Ma-thi-ơ 24:6-7 nói rằng sẽ có "chiến tranh và tiếng đồn về chiến tranh" và "nước này sẽ dấy lên nghịch với nước kia, và quốc gia này nghịch với quốc gia khác." Đây được coi là dấu hiệu của sự hỗn loạn và bạo lực gia tăng trên toàn thế giới, ngày nay chúng con cũng đang sống trong một thế giới hỗn loạn với các cuộc chiến tranh lớn đang xảy ra trên khắp thế giới mà có thể châm ngòi cho một cuộc đại chiến thế giới như chiến tranh giữa Nga và Ukraine hay cuộc chiến giữa I-sơ-ra-ên và I-ran.

+ Thiên tai và nạn đói: Thánh Kinh đề cập đến các hiện tượng như động đất, dịch bệnh, và nạn đói lan rộng (Ma-thi-ơ 24:7). Đây là các dấu hiệu cho thấy thế giới đang trải qua sự đau đớn và sự khủng hoảng tự nhiên. Hàng ngày có hàng triệu người bị chết đói trên toàn cầu vì thiếu lương thực, đặc biệt ở các nước ở Châu Phi, các trận động đất sóng thần xảy ra ở khắp nơi và đặc biệt là tại Nhật Bản những năm vừa qua. Hay tình hình dịch bệnh toàn cầu như đại dịch COVID-19 như một lời cảnh báo cho sự trở lại của Đức Chúa Jesus. 

+ Sự suy thoái đạo đức: Trong II Ti-mô-thê 3:1-5, Sứ Đồ Phao-lô cảnh báo về thời kỳ cuối cùng khi con người trở nên "tự yêu mình, tham tiền, khoe khoang, ngạo mạn," và không còn kính sợ Chúa. Sự suy thoái về đạo đức, lòng nhân ái và tình yêu thương là dấu hiệu của thời kỳ Tận Thế. Ngày nay con cũng có thể cảm thấy những sự suy thoái các giá trị nhân văn mà Chúa ban cho loài người đã bị con người từ bỏ, họ sống theo cái tôi cái bụng của mình sống theo sự thỏa mãn của xác thịt, họ chạy theo lạc thú, coi trọng vui chơi và những giá trị thế tục hơn là đời sống tin kính và sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Con có thể thấy sự phá thai và việc quan hệ đồng tính là những điều bị Chúa lên án và rủa sả thì ngày nay họ coi như một chuyện bình thường và đáng tự hào.

+ Tín đồ bị bách hại: Thánh Kinh dự đoán rằng những người tin Chúa sẽ bị bách hại và chịu khổ vì đức tin của mình. Trong Ma-thi-ơ 24:9 nói rằng các tín đồ sẽ bị giao nộp, giết chết và bị mọi dân tộc ghét vì danh Đức Chúa Jesus. Những điều này con có thể thấy được ở trong các nước độc tài cộng sản hay Hồi Giáo họ bách hại cũng con dân của Chúa. Hay ngày nay con thấy trên tin tức ngay cả các con dân của Chúa tại Hoa Kỳ họ cũng bị bách hại, họ không còn được tự do cầu nguyện nữa.

+ Xuất hiện nhiều tiên tri giả và sự lừa dối: Sách Ma-thi-ơ 24:11 cảnh báo rằng trong thời kỳ cuối, nhiều tiên tri giả sẽ xuất hiện và lừa dối nhiều người. Họ sẽ dẫn dắt người khác đi xa khỏi sự thật của Chúa. Thì ngày nay con cũng có thể thấy được rất nhiều các tiên tri giả, các giáo sư giả họ rao giảng một thứ đạo lạ họ bẻ cong Lời của Chúa để phục vụ cho các mục đích cá nhân của mình.

+ Tin Lành được rao giảng khắp thế giới: Một dấu hiệu quan trọng khác là Tin Lành sẽ được rao giảng khắp nơi trên thế giới (Ma-thi-ơ 24:14). Đây là cơ hội cuối cùng cho mọi người được nghe về sự cứu rỗi qua Đức Chúa Jesus trước khi Kỳ Tận Thế đến. Ngày nay cuốn Thánh Kinh là cuốn sách đã được in ra nhiều thứ tiếng và cũng là cuốn sách được in nhiều nhất thế giới đã được truyền bá khắp nơi trên thế giới để mọi người có thể biết được Lời của Chúa.

Thưa Cha, qua phân đoạn Thánh Kinh trong sách Khải Huyền 1:17-20 chứa đựng nhiều bài học sâu sắc về đức tin, sự thờ phượng, và sự lãnh đạo của Đức Chúa Jesus trong Hội Thánh, qua đó cũng giúp cho con rút ra được những bài học quý báu cho con cụ thể như sau:

+ Sự kính sợ và tôn kính Đức Chúa Jesus: Trong câu 17 Sứ Đồ Giăng ngã xuống như một người chết khi thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Jesus, điều này cho thấy sự kính sợ và tôn kính mà con người nên dành cho Đấng Christ. Đức Chúa Jesus không chỉ là một giáo sư hay nhà tiên tri, Ngài là Đấng Thánh và Đấng Tối Cao. Điều này nhắc nhở chúng con về sự cần thiết của việc tôn kính và kính sợ Chúa trong cuộc sống thờ phượng của chúng con.

+ Sự an ủi và khích lệ của Chúa: Mặc dù sự hiện diện của Chúa đầy uy quyền và thánh khiết, Ngài cũng thật gần gũi lại an ủi ông Giăng bằng câu nói "Đừng sợ!" Điều này cho thấy rằng, dù chúng con có cảm thấy sợ hãi hay yếu đuối trước sự vinh hiển của Chúa, nhưng Ngài vẫn luôn ở bên để khích lệ và trấn an chúng con. Đức Chúa Jesus luôn sẵn sàng nâng đỡ những ai đến với Ngài bằng đức tin và lòng kính sợ Chúa.

+ Đức Chúa Jesus là Đấng Sống và Đấng Chiến Thắng: Đức Chúa Jesus khẳng định rằng Ngài "là Đấng sống mà đã chết, và kìa, Ta sống cho tới đời đời!" Điều này nói lên chiến thắng của Ngài trên sự chết và sự sống đời đời mà Ngài ban cho những ai tin cậy nơi Ngài. Sự phục sinh của Chúa là trung tâm của niềm hy vọng và sự cứu rỗi cho mọi Cơ-đốc nhân. Chúng con học được rằng dù có khó khăn hay thử thách, chúng con luôn có hy vọng trong Đức Chúa Jesus, Đấng đã chiến thắng sự chết.

+ Đức Chúa Jesus có quyền trên sự chết và âm phủ: Đức Chúa Jesus tuyên bố rằng Ngài có các chìa khóa của âm phủ và sự chết, nghĩa là Ngài nắm giữ quyền tối cao trên mọi sự, kể cả sự sống và cái chết. Đây là một sự bảo đảm mạnh mẽ rằng không gì có thể tách chúng con khỏi tình yêu và quyền năng của Chúa. Chúng con có thể yên tâm rằng Đức Chúa Jesus kiểm soát mọi điều, bao gồm cả số phận cuối cùng của mỗi chúng con.

+ Sứ mạng ghi chép và làm chứng: Đức Chúa Jesus ra lệnh cho ông Giăng "hãy chép những sự ngươi thấy," nhắc nhở chúng con về tầm quan trọng của việc làm chứng về đức tin và chia sẻ điều Chúa đã bày tỏ cho mọi người. Điều này không chỉ áp dụng cho Sứ Đồ Giăng mà còn cho tất cả mỗi chúng con, chúng con được kêu gọi để chia sẻ Tin Lành và làm chứng về Đức Chúa Jesus trong đời sống hàng ngày.

+ Sự hiện diện của Chúa trong Hội Thánh: Đức Chúa Jesus giải thích về bảy ngôi sao và bảy chân đèn, tượng trưng cho các thiên sứ và Hội Thánh. Điều này nhắc nhở chúng con rằng Hội Thánh thuộc về Chúa và Ngài luôn hiện diện, dẫn dắt, và bảo vệ Hội Thánh của Ngài. Mỗi Hội Thánh địa phương luôn được Chúa quan tâm, và vai trò của Hội Thánh trong thế giới này là mang ánh sáng của Ngài đến cho mọi người.

Cảm tạ Chúa đã cho con thì giờ con suy ngẫm Lời Chúa trong sách Khải Huyền 1:17-20. Ngài là Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng, là Đấng Sống mà đã chết, nhưng nay sống đời đời. Chúng con biết rằng mọi quyền năng thuộc về Ngài, và trong tay Ngài nắm giữ chìa khóa của âm phủ và sự chết.

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con đừng sợ hãi khi đối mặt với thế gian và những thử thách của cuộc sống. Xin đặt tay phải của Ngài trên chúng con như Ngài đã làm với Sứ Đồ Giăng, ban cho chúng con sự bình an và lòng can đảm để bước đi trong ánh sáng và lẽ thật của Ngài. Xin giúp chúng con hiểu sâu sắc hơn về mầu nhiệm của Hội Thánh và sự kêu gọi mà Ngài đã dành cho mỗi chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trung tín trong mọi điều Ngài dạy bảo, chép lại và truyền lại những điều hiện có và sẽ đến, để chúng con trở thành những công cụ hữu ích trong tay Ngài, rao truyền vinh quang của Ngài cho thế gian. Xin giữ lòng chúng con luôn trung kiên, sống đúng theo mục đích Ngài đã đặt ra cho Hội Thánh, là ánh sáng soi rọi giữa thế gian tối tăm. Chúng con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
12/10/2024

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ