Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13-22 Lòng Khảng Khái của Phi-e-rơ và Giăng

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì con luôn được sống trong sự quan phòng che chở của Ba Ngôi Thiên Chúa, giờ này con cầu xin Đức Thánh Linh ban cho con sự khôn sáng để con có thể đọc, hiểu được ý muốn của Ngài trên đời sống của con qua việc đọc và suy ngẫm Lời Chúa trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13-22.

13 Khi chúng đã thấy sự nói năng dạn dĩ của Phi-e-rơ và Giăng, đã nhận biết rằng, họ là người bình dân và không học, thì chúng lấy làm lạ. Chúng cũng biết rõ rằng, họ từng ở với Đức Chúa Jesus.
14 Nhưng thấy người được chữa lành đứng với họ, chúng đã không có lời gì để phản bác.
15 Chúng đã ra lệnh cho họ ra khỏi phiên tòa. Chúng đã hội ý với nhau,
16 nói: "Chúng ta sẽ làm gì với các người này? Vì ấy thật là một dấu lạ đáng kể đã được làm bởi họ, tỏ ra cho hết thảy những cư dân Giê-ru-sa-lem, mà chúng ta không thể chối bỏ.
17 Nhưng để chẳng lan truyền thêm nhiều trong dân chúng, chúng ta hãy hăm dọa họ với lời hăm dọa rằng, từ nay, họ chớ nói với người nào trong danh ấy."
18 Chúng đã gọi họ và đã ra lệnh cho họ, không được nói hay dạy gì trong danh của Đức Chúa Jesus.
19 Nhưng Phi-e-rơ và Giăng đã trả lời, nói với họ: "Các ông hãy xét lấy, có phải nghe theo các ông hơn thay vì nghe theo Đức Chúa Trời là điều công chính trước mặt Đức Chúa Trời?
20 Vì chúng tôi không thể chẳng nói những điều mà chúng tôi đã thấy và đã nghe."
21 Chúng đã lại hăm dọa, rồi đã thả họ, không tìm thấy cách nào để hình phạt họ; vì cớ dân chúng, bởi ai nấy đã tôn vinh Đức Chúa Trời về việc đã xảy ra.
22 Vì người mà dấu lạ chữa lành ấy đã xảy ra cho là người đã hơn bốn mươi tuổi.

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên kể về những người lãnh đạo Do-thái kinh ngạc khi thấy Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng, những con người bình dân, không qua trường lớp, lại có thể giảng dạy đầy quyền năng. Nhưng họ không thể chối bỏ phép lạ mà Chúa đã làm, là người què bốn mươi năm nay đã được chữa lành, đứng đó như một chứng nhân sống động. Dù bị hội đồng hăm dọa, nhưng Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng không chùn bước, họ công khai tuyên bố rằng họ phải vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời con người: "Chúng tôi không thể chẳng nói những điều mà chúng tôi đã thấy và đã nghe." Lời ấy như một lời nhắc nhở trong lòng con rằng khi Chúa hành động, không gì có thể ngăn cản. Và ngay cả kẻ chống đối cũng không thể phủ nhận sự vinh hiển của Ngài.

Thưa Cha, con nhận ra rằng sự dạn dĩ của Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng không đến từ chính họ, mà đến từ Đức Chúa Trời. Vì họ không phải là những nhà học giả tôn giáo, không được đào tạo trong các trường kinh luật của người Do-thái, nhưng lại giảng dạy với quyền năng và sự tự tin khiến những lãnh đạo tôn giáo kinh ngạc. Con nghĩ rằng sự dạn dĩ ấy đến từ Đức Thánh Linh – Đấng đã đổ đầy họ kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần. Đức Chúa Jesus đã hứa rằng Ngài sẽ ban thánh linh để họ làm chứng cách mạnh mẽ (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8), và đúng như vậy, con thấy họ không còn sợ hãi như trước kia. Vì trước kia Sứ Đồ Phi-e-rơ, người từng chối Chúa ba lần vì sợ hãi, giờ đây đứng trước hội đồng quyền lực mà con thấy ông không hề nao núng. Hơn nữa, vì các ông đã từng ở với Đức Chúa Jesus. Những năm tháng đồng hành với Ngài đã khiến thay đổi họ hoàn toàn. Khi họ đã tận mắt chứng kiến những phép lạ, đã lắng nghe lời dạy đầy quyền năng, và trên hết, họ đã thấy Chúa phục sinh. Sự sống lại của Ngài là bằng chứng không thể chối cãi rằng Ngài thật là Đấng Christ, điều đó khiến họ không thể im lặng, dù phải đối diện với hiểm nguy.

Thưa Cha, sự dạn dĩ của Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng, con nghĩ rằng điều này không đến từ chính họ, mà là kết quả của việc họ đã từng ở với Đức Chúa Jesus. Những lãnh đạo Do-thái kinh ngạc khi thấy hai người dân chài bình thường lại có thể nói cách mạnh mẽ và đầy thẩm quyền. Vì họ cũng biết rằng Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng không được đào tạo trong các trường kinh luật, không có địa vị trong xã hội, nhưng lại có sự khôn ngoan và chắc chắn lạ thường. Điều này chỉ có thể giải thích bởi một sự thật là: “họ từng ở với Đức Chúa Jesus” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13). Vì con nghĩ rằng trong suốt ba năm bước đi với Ngài, con thấy họ đã tận mắt chứng kiến những phép lạ, lắng nghe sự dạy dỗ đầy thẩm quyền và thấy cách Chúa đối diện với sự chống đối mà không hề nao núng. Đức Chúa Jesus luôn nói lẽ thật mà không sợ hãi trước quyền lực con người, và họ cũng đã học được tinh thần đó từ Ngài. Nhưng điều con nghĩ quan trọng hơn, đó là họ đã chứng kiến sự phục sinh của Chúa. Nếu trước đây họ từng sợ hãi khi Chúa bị bắt và bị đóng đinh, thì nay họ hoàn toàn vững vàng, bởi họ biết rằng Ngài đã chiến thắng sự chết. Một khi đã tận mắt chứng kiến quyền năng của Chúa sống lại, thì con nghĩ rằng không gì có thể khiến họ sợ hãi nữa. Nhìn vào đời sống họ, con được nhắc nhở rằng sự dạn dĩ trong đức tin không đến từ tri thức hay khả năng của con, mà đến từ mối quan hệ của con có với Chúa. Khi con ở gần Ngài, học hỏi Lời Ngài và kinh nghiệm quyền năng Ngài, con cũng sẽ có sự dạn dĩ để làm chứng về Ngài, bất chấp mọi thử thách hay cám dỗ.

Thưa Cha, con nghĩ rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái cảm thấy khó chịu và tìm cách ngăn cản danh Đức Chúa Jesus được lan truyền là vì nhiều lý do. Trước hết, sự giảng dạy và những phép lạ mà các sứ đồ làm nhân danh Đức Chúa Jesus là một mối đe dọa trực tiếp đến quyền lực và địa vị của họ. Những thầy tế lễ cả, thầy thông giáo và người Sa-đu-sê có ảnh hưởng lớn trong tôn giáo và chính trị, họ không muốn mất sự kiểm soát đối với dân chúng. Nhưng khi Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng giảng dạy về sự phục sinh của Đức Chúa Jesus, thì hàng ngàn người đã tin nhận Ngài, chính điều này đã khiến họ lo sợ rằng mình sẽ mất đi quyền lực và ảnh hưởng. Thứ hai, là vì sự kiện Đức Chúa Jesus phục sinh là điều họ không thể chối bỏ nhưng cũng không muốn thừa nhận. Vì trước đó, chính họ đã góp phần vào việc kết án và đóng đinh Chúa. Nếu dân chúng tin rằng Đức Chúa Jesus thực sự sống lại, điều đó đồng nghĩa với việc họ đã phạm sai lầm và phạm tội nghiêm trọng, điều này không chỉ làm mất uy tín mà còn có thể khiến dân chúng quay lưng lại với họ. Vì thế, nên họ cố gắng dập tắt phong trào này trước khi nó lan rộng hơn. Thứ ba, con nghĩ là do sự cứng lòng và ghen tỵ cũng khiến họ chống đối danh Chúa. Thay vì nhìn nhận phép lạ chữa lành như một dấu lạ từ Đức Chúa Trời, thì họ lại tìm cách phủ nhận và bóp nghẹt sự thật. Họ biết rõ rằng một người què từ khi sinh ra đã được chữa lành ngay trước mắt họ, nhưng vì lòng ganh ghét và sợ mất quyền lợi, họ không chấp nhận lẽ thật đó. Cuối cùng, con nghĩ là vì họ tin rằng việc ngăn cản danh Đức Chúa Jesus sẽ giúp họ giữ được trật tự tôn giáo. Vì thế họ đã ra lệnh cho Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng không được giảng dạy hay nói gì trong danh Chúa nữa, nhưng điều này chỉ thể hiện nỗi sợ hãi của họ. Họ sợ rằng nếu danh Chúa tiếp tục lan rộng, dân chúng sẽ không còn bị ràng buộc bởi truyền thống tôn giáo mà họ đặt ra. Suy ngẫm về điều này, con nhận ra rằng danh Đức Chúa Jesus luôn là một sự thách thức đối với những gì thuộc về thế gian. Khi ánh sáng lẽ thật chiếu vào, bóng tối luôn tìm cách chống lại. Ngày nay, con thấy vẫn còn nhiều nơi trên thế giới tìm cách ngăn cản danh Ngài như tại các nước độc tài Triều Tiên hay I-ran, nhưng cũng như Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng, con được nhắc nhở rằng không có thế lực nào có thể dập tắt được Tin Lành của Chúa, vì đó là quyền năng và sự cứu rỗi cho những ai tin.

Thưa Cha, con nghĩ rằng các lãnh đạo Do-thái không thể chối bỏ dấu lạ mà Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng đã thực hiện vì nhiều lý do rõ ràng. Trước hết, người được chữa lành đang đứng ngay trước mặt họ, là một người đã hơn 40 tuổi và từng bị tật nguyền, nhưng giờ đây đã hoàn toàn khỏe mạnh. Đây không phải là một câu chuyện xa vời hay một tin đồn, mà là một thực tế hiển nhiên, khiến họ không thể phủ nhận. Hơn nữa, phép lạ này không xảy ra trong bí mật mà đã được nhiều người chứng kiến. Cả Thành Giê-ru-sa-lem đều biết và dân chúng đồng loạt tôn vinh Đức Chúa Trời, làm cho các lãnh đạo không thể tìm cách bác bỏ mà không đánh mất uy tín trước dân chúng. Mà họ cũng không thể đưa ra một lời giải thích nào hợp lý khác ngoài việc thừa nhận đây là một dấu lạ đáng kể. Đặc biệt, khi Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng chỉ là những người bình dân, không có học thức cao, điều đó càng chứng tỏ quyền năng mà họ có đến từ Đức Chúa Trời chứ không phải từ con người. Quan trọng hơn, con nghĩ rằng phép lạ này được thực hiện nhân danh Đức Chúa Jesus, Đấng mà họ đã cố gắng phủ nhận nhưng vẫn tiếp tục hành động trong đời sống của các môn đồ Ngài. Vì vậy, dù có hăm dọa và tìm cách ngăn cản, họ vẫn không thể chối bỏ dấu lạ mà Đức Chúa Trời đã làm. Điều này nhắc nhở con rằng quyền năng của Chúa không bao giờ bị dập tắt, và khi đã thực sự kinh nghiệm những điều kỳ diệu Ngài làm, con không thể nào im lặng, nhưng phải mạnh dạn làm chứng như sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng đã nói: "Vì chúng tôi không thể chẳng nói những điều mà chúng tôi đã thấy và đã nghe." (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:20).

Thưa Cha, con thấy rằng Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng đã đặt sự vâng lời Đức Chúa Trời lên trên sự vâng lời loài người, ngay cả khi phải đối diện với sự đe dọa từ các lãnh đạo Do-thái. Họ mạnh dạn tuyên bố rằng "có phải nghe theo các ông hơn thay vì nghe theo Đức Chúa Trời là điều công chính trước mặt Đức Chúa Trời?" (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:19), cho con thấy được lòng trung thành tuyệt đối của họ đối với Chúa. Điều này dạy con rằng đức tin chân thật không chỉ nằm ở lời nói, mà phải được bày tỏ qua hành động dạn dĩ, sẵn sàng đứng vững cho lẽ thật của Ngài, ngay cả khi đối diện với sự chống đối hoặc thử thách. Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng không để nỗi sợ hãi khiến họ thỏa hiệp hay im lặng, vì họ biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng có thẩm quyền tuyệt đối trên đời sống mình. Con nhận ra rằng trong cuộc sống ngày nay, có những lúc con cũng phải đối diện với áp lực xã hội hay những hoàn cảnh khiến con phải lựa chọn giữa sự vâng lời Chúa và làm theo ý muốn của con người. Tuy nhiên, từ tấm gương của hai sứ đồ, con hiểu rằng sự vâng lời Chúa không dựa trên hoàn cảnh, mà dựa trên lòng tin quyết rằng Ngài là Đấng tể trị, và Ngài sẽ ban sức mạnh để con đứng vững. Câu nói của Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng: "Vì chúng tôi không thể chẳng nói những điều mà chúng tôi đã thấy và đã nghe" (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:20), đã trở thành một lời nhắc nhở mạnh mẽ để con sống một đời sống bày tỏ đức tin cách rõ ràng, không ngần ngại làm chứng về Chúa, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thưa Cha, qua câu nói của Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng: "Vì chúng tôi không thể chẳng nói những điều mà chúng tôi đã thấy và đã nghe" (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:20), con nhận ra đây không chỉ là một lời tuyên xưng, mà còn là một sự thúc giục mạnh mẽ đối với sứ mệnh chia sẻ Tin Lành. Câu nói này cho con thấy rằng khi một người đã thực sự kinh nghiệm quyền năng, tình yêu và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì họ không thể giữ im lặng. Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng đã tận mắt chứng kiến sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus, họ đã thấy phép lạ Ngài làm, nghe những lời giảng dạy đầy quyền năng và cảm nhận sự biến đổi trong chính đời sống mình. Vì vậy, dù cho có bị đe dọa hay cấm đoán, thì họ vẫn sẵn sàng nói ra điều họ đã thấy và đã nghe, bởi đó là lẽ thật không thể chối bỏ. Điều này dạy con rằng sứ mệnh chia sẻ Tin Lành không chỉ là một nhiệm vụ, mà là một phản ứng tự nhiên của một người đã thực sự tin nhận và kinh nghiệm Chúa. Nếu con nhận biết tình yêu và ân điển cứu rỗi của Ngài, con không thể giữ điều đó cho riêng mình, mà con cần chia sẻ với người khác. Nhiều khi áp lực từ xã hội hay nỗi sợ bị từ chối có thể khiến con chần chừ, nhưng tấm gương của Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng nhắc nhở con rằng Tin Lành là sự sống, và không điều gì có thể ngăn cản con chia sẻ về Đấng đã cứu rỗi con. Câu nói này cũng giúp cho con xem lại thái độ của con đối với việc rao giảng Tin Lành rằng: Con có đang sống với sự xác tín và lòng nhiệt thành như họ không? Con có dám mạnh dạn chia sẻ về Chúa, hay để nỗi sợ làm con im lặng?

Thưa Cha, con thấy rằng ở đây dân chúng lại tôn vinh Đức Chúa Trời thay vì chỉ tập trung vào người được chữa lành là vì họ hiểu rằng quyền năng làm nên phép lạ không đến từ Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng hay từ chính người được chữa lành, mà đến từ Đức Chúa Trời. Người đàn ông này đã bị tật nguyền hơn 40 năm, một tình trạng không thể chữa lành theo cách thông thường. Nhưng giờ đây, ông hoàn toàn khỏe mạnh và có thể bước đi trước mặt mọi người. Dân chúng nhận ra rằng đây không phải là công việc của con người, mà là một dấu lạ đến từ chính Đức Chúa Trời. Hơn nữa, Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng không nhận vinh hiển về mình, mà ngay từ đầu họ đã công bố rằng phép lạ này được thực hiện nhân danh Đức Chúa Jesus Christ: "Ta chẳng có vàng và bạc, nhưng điều ta có thì ta cho ngươi. Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ ở Na-xa-rét, hãy trỗi dậy và bước đi!" (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:6). Ở đây con thấy họ không dùng danh tiếng hay khả năng riêng của mình để thu hút sự chú ý, nhưng hướng lòng mọi người về Đức Chúa Trời. Khi thấy điều đó, thì dân chúng không thể làm gì khác hơn ngoài việc tôn vinh Đức Chúa Trời, bởi Ngài là Đấng duy nhất có thể làm điều không ai làm được. Điều này dạy con rằng mọi phép lạ và mọi điều tốt lành trong cuộc sống đều phải đưa con đến sự ngợi tôn Chúa, chứ không chỉ dừng lại ở việc trầm trồ trước kết quả. Khi chứng kiến những điều tốt đẹp, con cần nhớ rằng nguồn gốc của mọi sự phước hạnh là từ Đức Chúa Trời, và con phải luôn dâng vinh hiển cho Ngài. Hơn nữa, con được nhắc nhở rằng khi con phục vụ Chúa, con không được tìm kiếm vinh quang cho chính mình, mà phải luôn hướng mọi người đến Ngài, để danh Chúa được tôn cao trên hết.

Thưa Cha, con thấy rằng những dấu lạ của Chúa làm không chỉ xảy ra trong thời các sứ đồ mà vẫn tiếp tục xảy ra để chứng minh cho quyền năng của Ngài ngày nay. Phép lạ mà Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng thực hiện đã cho con thấy rằng Chúa luôn hành động để bày tỏ sự vinh quang của Ngài, và điều này vẫn đúng trong thế giới hôm nay. Dù khoa học và y học có nhiều tiến bộ, nhưng con thấy vẫn có những điều không thể giải thích được ngoài sự can thiệp siêu nhiên của Đức Chúa Trời. Những sự chữa lành kỳ diệu, những sự giải cứu khỏi nguy nan hay sự biến đổi của những con người bị ràng buộc trong tội lỗi đều là minh chứng rằng Chúa vẫn đang làm việc. Ngoài ra, một trong những phép lạ lớn nhất vẫn đang diễn ra chính là sự thay đổi đời sống con người. Như trong phân đoạn này người què đã được chữa lành và trở thành nhân chứng sống động về quyền năng của Chúa, thì ngày nay, con thấy nhiều người cũng đã được biến đổi kỳ diệu khi họ tiếp nhận Đức Chúa Jesus làm Cứu Chúa. Con thấy có những người từng chìm đắm trong tuyệt vọng, nghiện ngập, đĩ điếm bị tổn thương hay vô vọng đã được giải cứu, phục hồi và tìm thấy ý nghĩa mới trong Ngài. Đây chính là bằng chứng mạnh mẽ rằng Tin Lành không chỉ là những câu chuyện của quá khứ, mà là quyền năng của Đức Chúa Trời vẫn đang hành động trong hiện tại. Hơn thế nữa, chính công việc của Hội Thánh và sự lan rộng của Tin Lành trên khắp thế giới cũng là một phép lạ. Dù trải qua nhiều thử thách, bắt bớ, nhưng Hội Thánh của Chúa vẫn đứng vững, và ngày càng có nhiều người nhận biết danh Ngài. Điều này nhắc nhở con rằng quyền năng của Chúa không bao giờ bị dập tắt, và những dấu lạ của Ngài vẫn tiếp tục bày tỏ giữa thế gian này.

Thưa Cha, khi con nhìn thấy tấm lòng dạn dĩ và đức tin vững vàng của Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng. Dù đối diện với sự đe dọa và cấm đoán từ những nhà lãnh đạo tôn giáo, nhưng con thấy họ vẫn kiên quyết tuyên xưng rằng: "Vì chúng tôi không thể chẳng nói những điều mà chúng tôi đã thấy và đã nghe" (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:20). Ở đây họ đã không để nỗi sợ hãi hay áp lực con người làm họ im lặng, nhưng đặt sự vâng lời Đức Chúa Trời lên trên hết. Điều này khiến con tự hỏi: Liệu con có sẵn sàng đứng vững trong đức tin khi gặp thử thách hay không? Khi thế gian tìm cách cản trở con chia sẻ Tin Lành, con có đủ mạnh mẽ để không thỏa hiệp mà tiếp tục làm chứng về Chúa không? Con nhận ra rằng, để giữ vững đức tin, thì con cần sự ban sức từ Đức Chúa Trời. Như chính Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng cũng không thể tự mình mạnh dạn, nhưng họ đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh và nhận năng quyền từ Chúa. Vì vậy, con cầu xin Chúa ban cho con lòng dạn dĩ, để dù đối diện với sự chống đối hay áp lực từ xã hội, con vẫn có thể trung tín rao giảng về danh Ngài.

Thưa Cha, con nhận ra rằng Chúa kêu gọi con dạn dĩ rao giảng Tin Lành, giống như Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng đã làm. Họ không ngần ngại tuyên xưng đức tin dù đối diện với sự cấm đoán, vì họ biết rằng Tin Lành không thể bị ngăn cản. Điều này khiến con tự nhìn lại đời sống mình và nhận ra rằng có những lúc con còn do dự, e ngại khi chia sẻ về Chúa, nhất là trong môi trường công sở, gia đình hoặc với những người xung quanh con chưa tin Ngài. Có thể là do con sợ bị từ chối, sợ người khác hiểu lầm hoặc lo rằng mình chưa đủ kiến thức để nói về Chúa. Nhưng qua Lời Chúa hôm nay, con hiểu rằng sự dạn dĩ không đến từ chính con, mà đến từ Đức Thánh Linh. Vì vậy, con muốn cầu xin Ngài ban cho con lòng can đảm để mạnh dạn nói về Tin Lành, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thưa Cha, nhiều khi con tự hỏi: Trong những quyết định quan trọng của đời sống, con có thực sự ưu tiên ý muốn của Đức Chúa Trời hơn ý muốn của người khác hay không? Có những lúc con cảm thấy bị giằng co giữa điều Chúa muốn con làm và điều thế gian mong đợi. Có thể đó là những áp lực từ gia đình, bạn bè, xã hội hoặc thậm chí từ chính bản thân con. Đôi khi con sợ làm người khác thất vọng, sợ bị đánh giá hoặc lo rằng chọn theo ý muốn Chúa sẽ khiến con gặp khó khăn. Nhưng khi nhìn lại tấm gương của Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng, con thấy rằng sự vâng phục Đức Chúa Trời là điều quan trọng nhất, ngay cả khi điều đó đi ngược lại ý muốn của con người. Họ sẵn sàng đối diện với nguy hiểm, vì họ biết rằng quyền năng và thẩm quyền cao nhất thuộc về Chúa, chứ không phải bất kỳ con người nào. Điều này thúc giục con xem xét lại những quyết định trong đời sống của con. Khi đứng trước lựa chọn giữa điều Chúa muốn và điều người khác mong đợi, con có dám đứng vững để làm theo ý Chúa không? Con hiểu rằng ưu tiên ý muốn của Ngài không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng luôn là lựa chọn đúng đắn nhất.

Thưa Cha, trong cuộc sống có những lúc con cần nói như Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng: "Có phải nghe theo con người hơn là nghe theo Đức Chúa Trời?" Đó là những khi con phải đối diện với sự chống đối hoặc chế giễu từ những người xung quanh vì đức tin của mình. Có thể bạn bè, đồng nghiệp hoặc thậm chí người thân của con họ khuyến khích con từ bỏ những giá trị mà Chúa dạy. Nhưng trong lúc đó, con cần đứng vững và nói rằng: "Con chọn vâng lời Đức Chúa Trời hơn là nghe theo con người." Hay một hoàn cảnh khác là khi con bị cám dỗ làm những điều trái với Lời Chúa chỉ để được chấp nhận hoặc để có lợi ích cá nhân. Đó là khi con thấy dễ dàng nói dối, gian lận, hoặc tham gia vào những điều không đẹp lòng Chúa để đạt được thành công theo tiêu chuẩn thế gian. Nhưng khi đối diện với những lựa chọn đó, con phải mạnh mẽ khẳng định rằng: "Con không thể thỏa hiệp với tội lỗi, vì con vâng lời Đức Chúa Trời hơn là nghe theo con người." Ngoài ra, con cũng cần giữ vững lập trường khi con được kêu gọi chia sẻ Tin Lành, nhưng gặp phải sự phản đối hoặc bị cấm đoán. Có thể con sẽ bị hiểu lầm, bị từ chối hoặc gặp khó khăn, nhưng giống như Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng, con cần can đảm tuyên xưng rằng: "Con không thể im lặng về những điều mà con đã thấy và đã nghe về Chúa." Những lời của Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng nhắc nhở con rằng sự vâng phục Đức Chúa Trời luôn quan trọng hơn sự chấp thuận của con người. Dù con phải đối diện với áp lực, sự chế giễu hay những khó khăn, con cầu xin Chúa ban cho con sự dạn dĩ để luôn đặt Ngài lên trên hết, sẵn sàng chọn con đường của Ngài dù có phải đi ngược lại với số đông.

Thưa Cha, những điều con đã thấy và cảm nhận được về công việc của Đức Chúa Trời trong đời sống của con. Đó là những lúc con cảm thấy yếu đuối, lo lắng và mất phương hướng, nhưng chính Chúa đã ban cho con sự bình an và dẫn dắt con qua những giai đoạn khó khăn. Có những lần con cầu nguyện và nhận được sự đáp lời cách lạ lùng, khi Chúa mở đường, ban phước, và bày tỏ tình yêu Ngài theo cách mà con không thể tưởng tượng. Con cũng đã thấy sự thay đổi trong chính con, khi Chúa giúp con từ bỏ những thói quen không tốt, biến đổi tâm lòng con để yêu thương và tha thứ nhiều hơn. Con đã nghe lời chứng của những người khác về sự chữa lành, sự chu cấp và sự giải cứu của Ngài, và tất cả đều xác nhận rằng Đức Chúa Trời vẫn đang hành động mạnh mẽ trong thế gian này và Ngài vẫn thực hữu trong mọi việc.

Thưa Cha, con thấy Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng đã không run sợ trước những đe dọa của con người, bởi họ đã kinh nghiệm và xác quyết rằng Chúa là Đấng quyền năng và thành tín, luôn giữ lời hứa và hành động cách mạnh mẽ. Điều này khiến con tự hỏi: Con có thường xuyên nhắc nhở bản thân về quyền năng và sự thành tín của Chúa để củng cố niềm tin của mình không? Đôi khi, giữa những áp lực và thử thách trong cuộc sống, con thấy mình dễ bị lung lay và quên mất rằng Chúa đã từng giải cứu, chu cấp và dẫn dắt con như thế nào. Nhưng mỗi khi con nhớ lại những lần Ngài bày tỏ quyền năng trong đời sống con, qua những sự chữa lành, sự chu cấp đúng lúc, sự dẫn dắt trong những quyết định quan trọng, đức tin của con lại được củng cố. Con nhận ra rằng Chúa không bao giờ thất tín, và Ngài luôn thành tín dù con yếu đuối hay nghi ngờ. Vì vậy, con cần nhắc nhở chính mình về quyền năng của Chúa bằng cách đọc Lời Ngài mỗi ngày, cầu nguyện để nhớ lại những gì Ngài đã làm trong đời sống con, và chia sẻ những lời chứng của con để khích lệ người khác. Khi con ghi nhớ những công việc quyền năng và sự thành tín của Ngài, con sẽ không còn sợ hãi hay ngờ vực khi đối diện với những thử thách hay khó khăn trong cuộc sống.

Thưa Cha, con nhận ra rằng dân chúng đã tôn vinh Đức Chúa Trời khi chứng kiến phép lạ Ngài làm qua Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng. Họ không chỉ trầm trồ về sự chữa lành của người què, mà họ đã nhận biết rằng Chúa là Đấng thực hiện công việc đó, và họ đã bày tỏ sự ngợi tôn Ngài. Điều này khiến con tự hỏi: Khi thấy Chúa làm việc trong cuộc sống con và những người xung quanh, con có dâng lời tôn vinh Ngài không? Có những lúc Chúa ban phước, dẫn dắt con vượt qua khó khăn, đáp lời cầu nguyện của con cách kỳ diệu, nhưng con lại quá bận rộn hoặc vô tình quên cảm tạ Ngài. Con nhận ra rằng sự cảm tạ không chỉ nên là một phản ứng khi nhận được điều tốt đẹp, mà phải trở thành một thói quen mỗi ngày. Khi con thấy Chúa bày tỏ quyền năng, dù qua sự chu cấp, sự bảo vệ hay sự thay đổi trong đời sống con hoặc người khác thì con cần dừng lại để tôn vinh Ngài. Sự cảm tạ không chỉ là lời nói, mà còn được thể hiện qua thái độ sống, qua sự vâng phục và lòng tin cậy nơi Chúa.

Thưa Cha, qua việc Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng đã không thể im lặng về những điều họ đã thấy và đã nghe, và nhờ đó, dân chúng đã tôn vinh Đức Chúa Trời. Điều này khiến con tự hỏi: Con có đang làm điều gì để giúp người khác nhận ra quyền năng của Chúa qua đời sống và lời chứng của con không? Con nhận ra rằng lời nói về Chúa rất quan trọng, nhưng đời sống con cũng phải phản ánh đức tin mà con tuyên xưng. Nếu con nói về Chúa nhưng đời sống con không có sự khác biệt, không bày tỏ tình yêu thương, lòng nhân từ và sự ngay thẳng, thì những người xung quanh con sẽ khó nhìn thấy quyền năng của Ngài. Vì vậy, con muốn sống cách trung thực, tử tế và tràn đầy tình yêu thương để người khác có thể thấy Chúa qua con, giống như Lời Chúa trong sách Ma-thi-ơ 5:16 nói rằng: “Sự sáng của các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, để họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời”. Bên cạnh đó, con cũng muốn chủ động chia sẻ lời chứng, kể lại những điều Chúa đã làm trong đời sống của con để khích lệ người khác tin cậy Ngài. Có thể đó là một câu chuyện về sự đáp lời cầu nguyện, một sự thay đổi mà Chúa đã thực hiện trong con, hoặc một phép lạ nhỏ nhưng đầy ý nghĩa mà con đã kinh nghiệm. Con cũng sẽ sống bày tỏ tình yêu thương, kiên nhẫn và lòng tin cậy nơi Chúa, để những người xung quanh có thể thấy sự khác biệt mà Ngài tạo ra trong con.

Thưa Cha, sau khi đọc và suy ngẫm Lời Chúa trong phân đoạn Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13-22, con nhận ra nhiều bài học quý báu cho đời sống đức tin. Trước hết, sự dạn dĩ đến từ Đức Thánh Linh, như cách Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng là những người bình dân, không có học thức cao vẫn có thể giảng dạy mạnh mẽ bởi họ được đầy dẫy thánh linh. Điều này nhắc nhở con rằng sự dạn dĩ để làm chứng về Chúa không đến từ con người, mà đến từ quyền năng của Ngài. Thứ hai, con học được rằng vâng lời Đức Chúa Trời quan trọng hơn vâng lời con người. Khi bị cấm giảng về danh Chúa, Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng đã mạnh dạn tuyên bố rằng họ phải nghe theo Đức Chúa Trời hơn là nghe theo loài người. Điều này thúc giục con luôn đặt ý muốn Chúa lên trên hết trong mọi quyết định. Thứ ba, con không thể im lặng về những điều Chúa đã làm. Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng khẳng định rằng họ "không thể chẳng nói những điều mà họ đã thấy và đã nghe", và con cũng cần dạn dĩ chia sẻ về những công việc Chúa đã làm trong đời sống con. Thứ tư, con nhận ra rằng phép lạ và công việc của Chúa là không thể chối bỏ. Dù các lãnh đạo Do-thái cố gắng cấm đoán, họ vẫn không thể phủ nhận rằng một người què đã được chữa lành. Điều này nhắc nhở con rằng Chúa vẫn hành động ngày nay, và con cần nhận biết những công việc kỳ diệu Ngài đang làm. Cuối cùng, sự bắt bớ đã không thể ngăn cản Tin Lành. Dù Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng bị đe dọa, ngăn cản thì Tin Lành vẫn tiếp tục lan rộng và dân chúng đã tôn vinh Chúa. Điều này cho con biết rằng dù gặp thử thách, con vẫn phải trung tín làm chứng về Chúa, vì không gì có thể ngăn cản công việc của Ngài và đó cũng là một mệnh lệnh của Chúa giao cho mỗi chúng con rằng: “Hãy đi rao truyền sự chết của Chúa cho đến lúc Ngài đến”.

Lạy Chúa, xin giúp con sống một đời sống vững vàng trong đức tin, mạnh dạn làm chứng về Ngài và luôn tôn cao danh Ngài trong mọi hoàn cảnh. Nguyện xin Chúa dùng con làm công cụ hữu ích cho công việc của nhà Chúa. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
02/03/2025

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ