Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Khải Huyền 9:12-21 Tiếng Loa Thứ Sáu: Tai Họa Đoàn Quân Hai Trăm Triệu

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì những ân điển lớn lao mà Cha đã ban cho chúng con để chúng con luôn được bình an ở trong Ngài, thì giờ này Cha lại ban cho con thì giờ con suy ngẫm Lời Chúa trong sách Khải Huyền 9:12-21.

12 Một cơn khốn đã qua. Này, hai cơn khốn nữa sẽ đến, theo sau những sự này.
13 Thiên sứ thứ sáu đã thổi loa. Tôi đã nghe một tiếng từ bốn sừng của bàn thờ bằng vàng, trước mặt Đức Chúa Trời,
14 phán với thiên sứ thứ sáu, người đã có loa: "Hãy thả bốn sứ giả đang bị trói tại sông lớn Ơ-phơ-rát."
15 Bốn sứ giả đã được thả ra, đã sẵn sàng cho giờ, ngày, tháng, năm để giết một phần ba loài người.
16 Quân số của đoàn kỵ mã là hai trăm triệu. Tôi đã nghe con số của họ.
17 Vậy, tôi đã thấy những ngựa trong khải tượng. Những kẻ cưỡi trên chúng có những giáp ngực màu lửa, màu hồng bảo thạch, và màu lưu huỳnh. Những đầu của những ngựa giống như những đầu của những sư tử. Từ những miệng của chúng phun ra lửa, khói, và lưu huỳnh.
18 Bởi ba chất này, một phần ba loài người đã bị giết: bởi lửa, bởi khói, và bởi lưu huỳnh phun ra từ những miệng của chúng.
19 Vì quyền lực của chúng ở trong miệng của chúng và trong những đuôi của chúng. Vì những đuôi của chúng giống như những rắn, có những đầu, nhờ đó chúng làm hại.
20 Những người còn lại là những kẻ chưa bị giết bởi các tai họa này vẫn chưa cải hối về những việc của tay họ, để họ không thờ phượng ma quỷ và các thần tượng bằng vàng, bạc, đồng, đá, gỗ là những thứ chẳng thể thấy, cũng không nghe, hoặc không bước đi.
21 Họ cũng không cải hối về những sự giết người của họ, về những sự tà thuật của họ, về những sự tà dâm của họ, và về những sự trộm cắp của họ.

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên mô tả tiếng kèn thứ sáu vang lên, báo hiệu cơn khốn nạn thứ hai. Khi đó, bốn sứ giả bị trói ở sông Ơ-phơ-rát được thả ra để giết một phần ba loài người, cùng với một đội quân kỵ mã đông đảo với 200 triệu quân, chúng có quyền lực khủng khiếp phun ra lửa, khói và lưu huỳnh. Mặc dù chứng kiến tai họa kinh khiếp này nhưng những người sống sót vẫn không chịu ăn năn, tiếp tục thờ ma quỷ và thần tượng, cũng như thực hành các tội lỗi như giết người, tà thuật, tà dâm và trộm cắp. Phân đoạn Thánh Kinh này thể hiện sự nghiêm khắc trong sự phán xét của Chúa và sự cứng lòng của con người, ngay trong thời kỳ đại nạn khi đã được Chúa cảnh báo.

Thưa Cha, ba "cơn khốn" được nói đến trong câu 12 con hiểu rằng đó là ba tai họa lớn trong thời kỳ cuối này, liên kết với ba tiếng kèn cuối cùng trong số bảy tiếng kèn mà các thiên sứ thổi, trong đó:

+ Cơn khốn thứ nhất đây là tai họa xảy ra khi thiên sứ thứ năm thổi kèn (Khải Huyền 9:1-11). Trong cơn khốn này, những con châu chấu đặc biệt được thả ra từ vực sâu, chúng gây đau đớn nhưng không giết chết con người, và hành hạ những người không được đóng ấn của Chúa. Đây là "cơn khốn đã qua" được đề cập trong câu 12 này.

+ Cơn khốn thứ hai là cơn khốn xảy ra khi thiên sứ thứ sáu thổi kèn (Khải Huyền 9:13-21). Khi đó, bốn thiên sứ bị trói ở sông Ơ-phơ-rát được thả ra, dẫn đến một đội quân hủy diệt khổng lồ làm chết một phần ba loài người. Đây là cơn khốn thứ hai được cảnh báo sẽ đến sau cơn khốn thứ nhất.

+ Cơn khốn thứ ba đây là cơn khốn cuối cùng, xảy ra khi thiên sứ thứ bảy thổi kèn (Khải Huyền 11:15-19). Khi thiên sứ thứ bảy thổi kèn thì có tiếng từ trời tuyên bố rằng vương quốc của thế gian trở thành vương quốc của Chúa và của Đấng Christ. Cơn khốn thứ ba mở ra thời điểm cuối cùng của sự phán xét và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, dẫn đến các tai họa cuối cùng và sự kết thúc của mọi sự.

Thưa Cha, con nghĩ rằng "bốn sừng bàn thờ" là một hình ảnh mang tính biểu tượng sâu sắc về quyền lực và sự hiện diện của Chúa. Bàn thờ vàng trong Thánh Kinh thường đại diện cho nơi dâng hương, nơi lời cầu nguyện của các thánh đồ được dâng lên trước mặt Đức Chúa Trời (Khải Huyền 8:3). Bốn sừng của bàn thờ còn tượng trưng cho sức mạnh và quyền năng của Chúa trong việc thi hành sự phán xét của Ngài đối với thế gian. Khi "bốn sừng bàn thờ" phát ra tiếng nói, điều này ám chỉ rằng lệnh phán xét từ Chúa đã được phát ra từ nơi linh thiêng nhất là bàn thờ, nói lên tính thiêng liêng và sự công chính của Chúa cho những gì sắp xảy ra. Và lời phán phát ra từ bàn thờ biểu hiện ý chỉ của Chúa và phản ánh sự uy nghiêm, không thay đổi của Ngài trong việc thi hành công lý. Điều này cho thấy sự phán xét đến từ Đức Chúa Trời không chỉ là hành động báo ứng mà còn là sự thực thi công lý của Ngài đối với thế gian.

Thưa Cha, hình ảnh bốn thiên sứ bị trói ở sông Ơ-phơ-rát cho thấy rằng họ đã được chỉ định làm một nhiệm vụ đặc biệt, nhưng phải chờ đợi cho đến thời điểm chính xác đã được định sẵn trong kế hoạch của Chúa. Việc họ bị "trói" con nghĩ có thể biểu hiện cho quyền lực của họ bị hạn chế hoặc kiềm hãm cho đến khi đến ngày giờ của sự phán xét. Điều này cũng nhắc nhở chúng con về sự kiểm soát tuyệt đối của Chúa trên tất cả mọi việc. Và sự giải phóng của các thiên sứ này vào thời điểm định trước trong kế hoạch của Chúa một lần nữa khẳng định tính trật tự và mục đích của Ngài, rằng mọi biến cố đều nằm trong sự điều khiển của Chúa để thực hiện ý muốn và công lý của Chúa trên thế gian.

Thưa Cha, cụm từ "giờ, ngày, tháng, năm" trong câu 15 cho chúng con thấy sự chính xác và tỉ mỉ trong kế hoạch của Chúa. Việc nêu cụ thể các đơn vị thời gian theo thứ tự từ lớn đến nhỏ (năm, tháng, ngày, giờ) không chỉ làm nổi bật sự tính toán kỹ lưỡng mà còn khẳng định rằng tai họa này xảy ra theo đúng thời điểm đã được Chúa định sẵn từ trước. Điều này phản ánh một nguyên tắc quan trọng trong Thánh Kinh về sự tể trị tuyệt đối của Chúa: Ngài là Đấng toàn tri Ngài không chỉ biết trước mọi việc mà còn kiểm soát và định trước từng sự kiện trong lịch sử. Điều này nhắc nhở chúng con rằng các sự kiện trong chương trình của Chúa không phải là ngẫu nhiên hay bất ngờ, mà tất cả đều là một phần của một kế hoạch rộng lớn và hoàn hảo mà chỉ mình Ngài mới biết rõ. Sự chính xác trong thời điểm này cũng tạo nên một cảm giác chắc chắn rằng những điều xảy ra là không thể tránh khỏi và sẽ diễn ra theo đúng thời gian mà Chúa đã định, bất kể phản ứng của con người hay các thế lực nào khác. Điều này củng cố niềm tin của chúng con rằng mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch của Ngài , mang đến cho chúng con niềm an ủi lớn về quyền tể trị toàn năng của Chúa, ngay cả trong những thời kỳ khốn khó với niềm mong ngóng Đức Chúa Jesus tái lâm trở lại thế gian.

Thưa Cha, khi nói đến "một phần ba loài người", con thấy đây là con số vô cùng lớn, như trong bối cảnh dân số toàn cầu hiện nay. Nếu áp dụng tỷ lệ này vào dân số thế giới hiện tại thì số người bị ảnh hưởng sẽ lên đến hàng tỷ người. Cụ thể, với dân số thế giới khoảng 8 tỷ người như hiện nay thì một phần ba sẽ tương đương với khoảng 2,67 tỷ người, một con số khổng lồ cho thấy mức độ tàn phá của tai họa này. Việc một phần ba loài người bị giết cho chúng con thấy sự nghiêm trọng trong hình phạt và mức độ ảnh hưởng của sự phán xét của Chúa. Đây không chỉ là một thảm họa mang tính toàn cầu mà còn là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với nhân loại về hậu quả của việc xa rời đức tin và không chịu ăn năn. Con số này cho chúng con thấy rằng tai họa này không chỉ nhắm đến một khu vực hay nhóm dân nhất định, mà là sự phán xét trên quy mô toàn cầu, khẳng định sự toàn năng và công chính của Chúa trong việc thi hành công lý trên toàn nhân loại. Con số này làm con liên tưởng đến số người bị nhiễm COVID-19 trong cơn đại dịch toàn cầu vừa qua cũng rất là khủng khiếp với con số người nhiễm là 770 triệu người thì con số 2,67 tỷ người bị chết với số lượng gấp 3,5 lần thì mức độ ảnh hưởng con thấy thật kinh hoàng cho nhân loại khi tai họa này xảy ra.

Thưa Cha, con thấy phạm vi giết hại "một phần ba loài người" ở đây là mang tính toàn cầu, cho thấy tai họa này sẽ không giới hạn ở một khu vực địa lý cụ thể mà ảnh hưởng rộng lớn khắp nơi. Sự kiện này cho chúng con thấy một hình ảnh tượng trưng cho các thảm họa nghiêm trọng và lan rộng, như chiến tranh, dịch bệnh, hoặc các tai họa thiên nhiên, làm chấn động toàn thế giới, tương tự như đại dịch toàn cầu COVID-19 năm 2019 mới xảy ra trong năm qua, việc không giới hạn tai họa ở một khu vực cụ thể cho chúng con thấy tính toàn năng của Chúa trong việc thực thi sự phán xét công chính trên tất cả các dân tộc. Điều này đồng thời mang tính cảnh báo cho toàn nhân loại về hậu quả của sự bất tuân và nhắc nhở rằng không ai có thể thoát khỏi sự phán xét của Chúa khi thời điểm đến, qua đây cũng là lời kêu gọi khẩn thiết đối với nhân loại cần phải ăn năn và tìm kiếm sự tha thứ trước khi thời gian đã được định.

Thưa Cha, đoạn mô tả trong Khải Huyền 9:17-19 cho con thấy một hình ảnh tượng trưng mạnh mẽ về đội quân kỵ mã hủy diệt, phản ánh quyền lực và sự tàn phá ghê gớm của chúng. Với hình ảnh "đầu sư tử" biểu thị sức mạnh và sự hung bạo không thể cưỡng lại, trong khi "miệng phun ra lửa, khói và lưu huỳnh" tượng trưng cho sự tàn phá khủng khiếp, với lửa và khói tiêu diệt mọi thứ trên con đường chúng đi qua, còn lưu huỳnh liên kết với sự chết chóc và hủy diệt. "Đuôi giống như rắn, có đầu" ám chỉ sự lừa dối và nguy hiểm âm thầm, như con rắn trong Thánh Kinh, nơi tượng trưng cho gian ác và sự hủy diệt tinh vi được nói đến trong sách Sáng Thế Ký. Những hình ảnh này tạo ra một hình ảnh về sự tàn khốc, không chỉ hủy diệt trực tiếp mà còn gợi lên sự sợ hãi từ một lực lượng không thể chống lại với sức mạnh và sự hủy diệt khiến một phần ba loài người phải gánh chịu sự tàn phá này.

Thưa Cha, trong câu 20, 21 của phân đoạn này con thấy những người còn sống vào lúc ấy họ không ăn năn mà vẫn thờ lạy ma quỷ và thần tượng, vẫn cứ tiếp tục sống trong tội vì vào những ngày cuối cùng này thế gian đã bị bại hoại và suy đồi về đạo đức con người đã không còn biết vâng giữ các điều răn của Chúa, họ sống theo các thú vui ham muốn của mình, điều này đã được Sứ Đồ Phao-lô nói trong II Ti-mô-thê 3:1-5 rằng: Hãy biết điều này: Trong những ngày sau cùng, những thời kỳ khó khăn sẽ đến. Vì loài người sẽ là những kẻ ích kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, phạm thượng, không vâng phục cha mẹ, không biết ơn, không tin kính, không có tình cảm tự nhiên, không hòa thuận, hay vu khống, không tiết độ, hung dữ, chống nghịch những sự lành và những người lành, phản bội, nóng tính, lên mình kiêu ngạo, yêu sự khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa, có hình thức của sự tin kính, nhưng chối bỏ quyền lực của sự ấy. Con hãy tránh những kẻ như vậy.” Và khi họ đắm chìm trong tội lỗi và sùng bái thần tượng thì khiến cho họ không còn nhận thức được quyền năng của Đức Chúa Trời. Những ảnh hưởng của tội lỗi và việc thờ phượng ma quỷ làm cho họ mất đi khả năng ăn năn và sợ hãi trước sự phán xét của Chúa, thay vào đó là sự ngoan cố và tiếp tục sống trong tội ác, bất chấp những tai họa và cảnh báo của Chúa đối với họ. Sự cứng lòng của loài người trong thời kỳ Khải Huyền này làm con nhớ đến thời kỳ của ông Nô-ê trước cơn nước lụt. Cả hai thời kỳ đều cho con thấy một thế gian đầy tội lỗi với sự mê đắm trong các thú vui xác thịt, không còn quan tâm đến sự vâng phục Chúa. Trong thời của Nô-ê, mặc dù Chúa đã cảnh báo và kêu gọi sự ăn năn nhưng loài người vẫn tiếp tục sống trong tội lỗi, không hề nhận ra sự nguy hiểm đang đến gần. Và Chúa đã phải giáng cơn nước lụt xuống để thanh tẩy thế gian và xóa bỏ sự gian ác của loài người. Tương tự, trong Khải Huyền mặc dù có những tai họa nghiêm trọng và sự phán xét của Chúa đang diễn ra, nhưng loài người vẫn ngoan cố, tiếp tục thờ phượng ma quỷ và thần tượng, không chịu ăn năn. Điều này cho thấy rằng dù Chúa có sự cảnh báo và Chúa có giáng những tai họa, nhưng nếu con người không ăn năn và quay về với Ngài thì kết quả là họ không thoát khỏi sự diệt vong.

Trong cả hai thời kỳ này đều nhấn mạnh sự cần thiết con người phải ăn năn và quay lại với Chúa để tránh khỏi sự phán xét cuối cùng của Ngài.

Thưa Cha, cảm nhận của con khi đọc Khải Huyền 9:12-21, con cảm nhận một bức tranh thảm khốc và đầy cảnh báo về sự tàn phá và phán xét của Đức Chúa Trời. Những câu này mô tả một loạt các tai họa và sự huỷ diệt lớn lao mà Chúa giáng xuống thế gian nhưng dù những tai họa ấy đã xảy ra thì loài người vẫn tiếp tục từ chối ăn năn và quay về với Chúa. Từ những hình ảnh về các đội quân kỵ mã với sức mạnh kinh hoàng đến sự không ăn năn của loài người, cho con một cảm giác có một sự buồn giận và tuyệt vọng đối với loài người. Dù những tai họa khủng khiếp đã đến, nhưng con người vẫn kiên quyết sống trong tội lỗi, thờ lạy thần tượng và ma quỷ mà không chịu quay đầu lại với ơn cứu rỗi mà Chúa dành cho họ. Điều này không chỉ nhắc nhở chúng con về sự nghiêm trọng của tội lỗi mà còn cho chúng con thấy sự cần thiết phải ăn năn và quay trở về với Chúa trước khi quá muộn. Và đây cũng là một lời cảnh tỉnh đối với tất cả chúng con, rằng dù có những thử thách và tai họa lớn lao xảy ra trong cuộc sống, thì thái độ cứng lòng của con người trước Chúa sẽ chỉ dẫn đến sự hủy diệt, giống như những người trong thời Nô-ê, khi họ không nghe lời cảnh báo và tiếp tục sống trong tội lỗi. Ngoài ra, các câu trong phân đoạn Thánh Kinh này cũng khơi dậy trong chúng con một sự nhận thức về sự quan trọng của việc đáp ứng lời kêu gọi ăn năn và quay về với Chúa. Đây là một lời nhắc nhở về sự khẩn cấp trong việc tìm kiếm sự tha thứ và sự cứu rỗi từ Chúa, khi mà thời gian và cơ hội đối với chúng con không phải là vô tận.

Thưa Cha, qua câu 20, 21 của phân đoạn Thánh Kinh này giúp chúng con hiểu về mệnh lệnh của Chúa trong việc phủi bụi nơi chân đối với những ai không tiếp nhận Tin Lành. Như trong sách Ma-thi-ơ 10:14 và Lu-ca 9:5 Đức Chúa Jesus dạy các môn đồ rằng khi người ta không tiếp nhận Tin Lành, hãy phủi bụi nơi chân và ra đi. Đây là một hành động biểu trưng cho sự tách biệt khỏi những người cứng lòng và từ chối đón nhận Lời Chúa. Điều này cũng giống như những người trong thời kỳ cuối cùng này khi nhìn thấy được những tai họa, thấy được những sự cảnh báo của Chúa mà họ vẫn từ chối ăn năn quay lại với Ngài, thì khi chúng con đi làm chứng Tin Lành của Chúa sau 3 lần nói về Chúa cho họ là chúng con đã làm tròn trách nhiệm của Chúa giao cho chúng con đó làHãy rao truyền sự chết của Chúa cho đến khi Ngài đến” còn việc chấp nhận hay từ chối là quyền của mỗi cá nhân của họ. Tuy nhiên, sự phủi bụi là một cách nhắc nhở rằng chúng con không nên tiếp tục đặt hy vọng vào việc thay đổi những người không chịu tiếp nhận và cứng lòng. Và sự phủi bụi nơi chân đối với những người không tiếp nhận Tin Lành có áp dụng cho cả người thân của mỗi chúng con, sau nhiều lần làm chứng về Chúa mà họ vẫn cứng lòng không nghe thì chúng con chỉ biết dâng trình họ lên Chúa và cầu xin sự thương xót của Chúa đối với họ để một lúc nào đó họ kịp nhận ra lỗi lầm mà quay lại ăn năn với Chúa trước khi quá muộn.

Thưa Cha, phân đoạn Khải Huyền 9:12-21 là một lời nhắc nhở chúng con về sự phán xét, sự tàn phá của tội lỗi, và sự cần thiết phải ăn năn và quay về với Chúa. Đồng thời, nó cũng cảnh tỉnh về sự cứng lòng của con người và tầm quan trọng của việc sống đúng đắn, luôn giữ một trái tim hướng về Chúa. Qua việc suy ngẫm Lời Chúa trong phân đoạn Thánh Kinh sách Khải Huyền 9:12-21 cũng cho con rút ra được nhiều bài học bổ ích áp dụng trên bước đường con bước đi theo Chúa, cụ thể:

+ Thứ nhất là phân đoạn này cho thấy rằng các tai họa và sự tàn phá diễn ra trên thế gian không phải là ngẫu nhiên mà là một phần của kế hoạch phán xét công chính của Chúa. Nó nhắc nhở chúng con rằng tội lỗi có hậu quả, và Chúa sẽ không để sự gian ác tiếp tục vô hạn mà không có hình phạt. Vì thế, mỗi chúng con cần nhận thức rằng có một ngày mà sự phán xét của Chúa sẽ đến, và chúng con cần phải sống trong sự kính sợ và tuân theo các điều răn của Ngài.

+ Thứ hai là mặc dù trải qua những tai họa khủng khiếp nhưng loài người vẫn cứng lòng không ăn năn và quay về với Chúa. Điều này là bài học về sự cứng lòng của con người, cho chúng con thấy rằng tội lỗi có thể làm cho con người trở nên mù quáng, cứng lòng và không thể nhận thức được ơn cứu rỗi mà Chúa dành cho họ. Vì vậy, chúng con phải luôn giữ lòng khiêm nhường, sẵn sàng ăn năn và quay về với Chúa, để không trở thành những người cứng lòng như vậy.

+ Thứ ba là câu chuyện trong Khải Huyền 9:12-21 là một lời nhắc nhở chúng con rằng dù Chúa ban cơ hội ăn năn và quay về với Ngài, nhưng không phải ai cũng sẽ chấp nhận. Điều này khuyến khích chúng con trong cuộc sống hằng ngày phải nỗ lực sống theo Lời Chúa, luôn duy trì một mối quan hệ gần gũi với Ngài và sẵn sàng ăn năn mỗi khi phạm lỗi.

+ Thứ tư là các hình ảnh như đội quân kỵ mã với đầu sư tử, miệng phun lửa, và đuôi rắn, phản ánh quyền lực và sự tàn phá không thể cản ngừng của Chúa khi Ngài thực thi công lý trên thế gian. Chúng con cần nhận thức rằng, trong tay Chúa, mọi quyền năng và sự tàn phá đều có mục đích rõ ràng và đúng đắn. Điều này khuyến khích chúng con phải sống trong sự tôn kính, kính sợ và phục tùng tuyệt đối đối với Chúa.

+ Thứ năm là phân đoạn Thánh Kinh này cũng nhấn mạnh rằng, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt thì sự cứu rỗi chỉ có thể đến từ Chúa, trên thế gian này không có sự cứu rỗi nào khác. Những lời cảnh báo từ các thiên sứ của Chúa chúng con không thể bị bỏ qua, và chúng con phải nhìn nhận sự cứu rỗi qua Đức Chúa Jesus như là con đường duy nhất.

Chúng con cảm tạ Chúa vì Lời Ngài, là ánh sáng dẫn dắt chúng con qua những thời kỳ khó khăn và thử thách. Cảm ơn Chúa đã mở mắt chúng con để nhìn thấy sự công chính và phán xét của Ngài qua những cảnh tượng trong Khải Huyền 9:12-21. Xin Chúa giúp chúng con nhận thức rõ ràng về sự nghiêm trọng của tội lỗi và sự phán xét của Ngài, để chúng con không bao giờ rơi vào sự cứng lòng như những người trong thời kỳ này nhưng chúng con luôn biết ăn năn, quay về với Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy giúp chúng con sống trong sự kính sợ Ngài, biết lắng nghe và vâng phục lời của Chúa mỗi ngày. Xin cho chúng con một trái tim mềm mại và sẵn sàng ăn năn khi chúng con sai lầm. Xin cho chúng con luôn nhận thức được quyền năng tuyệt đối của Chúa và sống xứng đáng với ơn cứu rỗi mà Ngài đã ban cho chúng con qua Đức Chúa Jesus. Chúng con cũng cầu xin sự bảo vệ của Chúa trong những thử thách trong đời sống, để chúng con luôn kiên cường trong đức tin và không bị lôi cuốn vào tội lỗi. Xin giúp chúng con sống một cuộc đời đẹp lòng Chúa để qua đó chúng con làm sáng danh Ngài và người khác cũng thấy việc của chúng con làm mà tôn vinh Cha của chúng con ở trên trời.

Chúng con dâng lời cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jesus Christ, A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
10/11/2024

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ