Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Khải Huyền 5:9-14 Bài Ca Tôn Vinh Chiên Con

Kính lạy Cha Thánh của chúng con ở trên trời, con dâng lời cảm tạ lên Cha và lòng biết ơn về những ân huệ mà Cha đã ban cho con trong những ngày qua, có những điều khi con mới nghĩ tới thì Cha đã làm thành cho con. Cha ban cho con sự bình an khi con đối diện với những khó khăn thử thách, cho con thêm đức tin vào Chúa với tấm lòng tin cậy nơi Ngài. Thì giờ này Cha lại ban cho con thời gian để con ngồi suy ngẫm Lời của Chúa trong phân đoạn Thánh Kinh sách Khải Huyền 5:9-14.

9 Họ đã hát một bài ca mới rằng: "Ngài là xứng đáng để lấy cuộn sách và tháo các dấu ấn của nó. Vì Ngài đã chịu bị giết, đã bởi máu của Ngài, chuộc chúng tôi cho Đức Chúa Trời từ mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân, và mọi quốc gia.
10 Ngài đã làm cho chúng tôi thành những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cai trị trên đất."
11 Rồi, tôi đã nhìn xem và đã nghe tiếng của nhiều thiên sứ chung quanh ngai, các sinh vật, và các trưởng lão. Số của họ đã là mười ngàn lần mười ngàn và nhiều ngàn của nhiều ngàn.
12 Họ lớn tiếng nói: "Chiên Con, Đấng chịu bị giết, là xứng đáng nhận quyền thế, sự giàu có, sự khôn sáng, sức mạnh, sự tôn quý, sự vinh quang, và lời ca tụng."
13 Tôi đã nghe mọi tạo vật ở trên trời, trên đất, bên dưới đất, những vật ở trong biển, tất cả trong chúng, nói: "Lời ca tụng, sự tôn quý, sự vinh quang, và quyền thế thuộc về Đấng đang ngự trên ngai và Chiên Con cho tới đời đời!"
14 Rồi, bốn sinh vật đã nói: "A-men!" Và hai mươi bốn trưởng lão đã hạ mình xuống thờ phượng Đấng Sống cho tới Đời Đời.

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên là sự mô tả cảnh thiên đàng khi Đức Chúa Jesus, Chiên Con nhận cuộn sách để mở các dấu ấn, đánh dấu sự khởi đầu của sự phán xét. Mọi tạo vật từ mọi dân tộc, ngôn ngữ, và quốc gia đều ca ngợi Ngài, vì Ngài đã chịu chết để cứu chuộc họ về cho Đức Chúa Trời, biến họ thành vua và thầy tế lễ để cai trị trên đất. Vô số thiên sứ và mọi tạo vật trong vũ trụ đều tôn vinh Ngài, thừa nhận rằng Chiên Con xứng đáng nhận quyền thế, vinh quang, và lời ca tụng đời đời. Cảnh tượng kết thúc khi tất cả cùng thờ phượng Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, trong câu 9 nói rằng "một bài ca mới" vì nó tượng trưng cho một sự khải thị mới, một khúc hát tôn vinh Đức Chúa Jesus sau khi Ngài hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại. Nội dung bài ca này được gọi là mới vì nó tập trung vào sự hy sinh cứu chuộc của Chiên Con, đánh dấu một sự kiện lịch sử lớn lao trong việc cứu rỗi toàn thể loài người. Trong Thánh Kinh, "bài ca mới" thường được dùng để biểu thị một hành động vĩ đại của Đức Chúa Trời, như trong sách Thi Thiên 96:1 viết: “Hãy hát một bài ca mới cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; hỡi cả trái đất, hãy hát xướng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Về ngôn ngữ, bài ca này có thể được hát bằng ngôn ngữ thiên đàng một ngôn ngữ thánh và siêu nhiên, hoặc cũng có thể là sự hòa hợp của nhiều ngôn ngữ khác nhau, vì những người hát bài ca này đến từ mọi chi tộc, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia.

Thưa Cha, trong câu 9 có nói về sự cứu chuộc của Chúa cho "mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân, và mọi quốc gia", con hiểu rằng các từ này đại diện cho sự đa dạng và toàn diện của nhân loại, cụ thể: Chi tộc là nói về các dòng họ, gia phả cụ thể trong các dân tộc. Ngôn ngữ là các ngôn ngữ khác nhau mà mọi người sử dụng trên khắp thế giới. Dân là các nhóm xã hội hoặc sắc tộc và quốc gia là các quốc gia, những cộng đồng có sự thống nhất về văn hóa, chính trị. Việc liệt kê cả bốn thành phần này nhằm nhấn mạnh rằng sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus không phân biệt bất kỳ ai, và mọi nhóm người đều được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa.

Thưa Cha, trong câu 10 có nói đến bổn phận của "những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời", họ sẽ có hai bổn phận chính đó là:

+ Bổn phận làm vua: Họ sẽ cai trị trong Nước Đức Chúa Trời, tham gia vào việc quản lý và thực thi ý muốn của Đức Chúa Trời trên thế gian.

+ Bổn phận làm thầy tế lễ: Họ sẽ đóng vai trò trung gian giữa Đức Chúa Trời và con người, phục vụ Đức Chúa Trời và dâng lên Ngài sự thờ phượng, như trong I Phi-e-rơ 2:9, họ sẽ làm việc để kết nối người khác với Đức Chúa Trời qua sự thờ phượng và phục vụ.

Thưa Cha, trong câu 10 nói rằng "số của họ đã là mười ngàn lần mười ngàn và nhiều ngàn của nhiều ngàn", con hiểu nghĩa là một số lượng vô cùng lớn các thiên sứ, các sinh vật và trưởng lão xung quanh ngai của Đức Chúa Trời. "Mười ngàn lần mười ngàn" chỉ đến hàng triệu, nghĩa là một số lượng không thể đếm được, thể hiện sự hoàng tráng và lớn lao của cảnh tượng tôn thờ Chúa trong thiên đàng.

Thưa Cha, trong câu 12 nói về sự tôn vinh mà mọi tạo vật dâng lên cho Chiên Con bằng bảy điều sau đây: "quyền thế, sự giàu có, sự khôn sáng, sức mạnh, sự tôn quý, sự vinh quang, và lời ca tụng". Con thấy rằng những điều mà mọi tạo vật dâng lên Chiên Con trong Khải Huyền 5:12 là biểu tượng của sự tôn vinh tối cao dành cho Ngài, cụ thể như sau:

+ Quyền thế là khả năng và quyền năng tối cao trong việc cai trị và quản lý muôn loài, khẳng định vị trí thống trị của Ngài.

+ Sự giàu có là không chỉ đề cập đến của cải vật chất mà còn bao hàm sự giàu có về ân điển, phước lành, và lòng thương xót của Chúa.

+ Sự khôn sáng là trí tuệ vô hạn, sự hiểu biết và khôn ngoan trong việc điều hành, dẫn dắt toàn vũ trụ và đưa ra những phán quyết đúng đắn.

+ Sức mạnh là năng lực vượt trội để hoàn thành mọi điều, không bị giới hạn bởi bất kỳ điều gì.

+ Sự tôn quý là địa vị cao trọng và đáng kính, mà mọi loài thọ tạo phải bày tỏ lòng kính trọng.

+ Sự vinh quang là vẻ đẹp thuộc về sự thánh khiết, sáng ngời và rực rỡ của Ngài, phản ánh bản tính hoàn hảo và thần thánh của Chúa.

+ Lời ca tụng là mọi lời ngợi khen và tôn vinh, đến từ sự thờ phượng chân thành của mọi tạo vật, dành riêng cho Ngài.

Điều này thể hiện rằng mọi khía cạnh của vũ trụ đều hướng về việc tôn vinh quyền năng và tình yêu cứu chuộc của Chiên Con.

Thưa Cha, trong câu 13 của phân đoạn sách Khải Huyền này nhấn mạnh rằng mọi tạo vật, từ trên trời, dưới đất đến trong biển, đều tham gia vào việc tôn vinh Đức Chúa Trời và Chiên Con. Con nghĩ điều này không nhất thiết ám chỉ rằng mọi sinh vật vật lý có khả năng nói giống như con người, mà mỗi loài sẽ có ngôn ngữ riêng của mình, có thể hiểu rằng tất cả tạo vật, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều góp phần vào sự tôn thờ Chúa. Đây là cách tượng trưng để thể hiện sự hòa hợp, sự phục tùng và ngợi tôn Chúa của toàn bộ vũ trụ trước quyền năng của Đức Chúa Trời. Còn về ngôn ngữ, con suy đoán rằng đó có thể là một ngôn ngữ thiêng liêng, như ngôn ngữ của thiên đàng mà mọi tạo vật đều hiểu được, vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ thế gian vật chất này.

Thưa Cha, danh xưng "Chiên Con" được dùng, thay vì các danh xưng: Ngôi Lời, Đức Chúa Jesus, Đấng Christ, Đức Chúa Jesus Christ là vì danh xưng "Chiên Con" được sử dụng trong Thánh Kinh, đặc biệt trong sách Khải Huyền, không chỉ mang một ý nghĩa Thần học sâu sắc mà còn nhấn mạnh vai trò cứu chuộc của Đức Chúa Jesus.

Thứ nhất, "Chiên Con" tượng trưng cho sự hy sinh, phản ánh truyền thống trong Thánh Kinh về việc dâng chiên làm lễ tế. Trong Cựu Ước thì chiên thường được dùng để tế lễ tội lỗi, và Đức Chúa Jesus, với vai trò là "Chiên Con" đã chịu chết để chuộc tội cho nhân loại (Giăng 1:29 Kìa! Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian.)

Thứ hai, danh xưng này thể hiện sự yếu đuối và khiêm nhường, khi Đức Chúa Jesus đến thế gian trong hình hài một con người, thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu với nỗi đau khổ của con người. "Chiên Con" cho thấy Ngài sẵn sàng chịu đau khổ và hy sinh vì lợi ích của chúng con.

Thứ ba, dù mang hình ảnh của một con chiên, Chiên Con cũng được tôn vinh với quyền năng và vinh quang, làm nổi bật thông điệp rằng sự yếu đuối và hy sinh có thể dẫn đến sự chiến thắng và cứu rỗi. Chiên Con là Đấng đã chịu chết nhưng cũng đã phục sinh, khẳng định quyền năng tối thượng của Ngài.

Thứ tư, danh xưng này còn kết nối với các lời tiên tri trong Cựu Ước, như trong Ê-sai 53, nơi mô tả Đấng Mê-si-a sẽ đến như một người phục vụ và là "chiên con bị đưa đến lò mổ." Việc sử dụng danh xưng này kết nối Đức Chúa Jesus với các lời tiên tri trước đó, khẳng định Ngài là Đấng Mê-si-a mà dân I-sơ-ra-ên đã mong chờ.

Cuối cùng, danh xưng "Chiên Con" phản ánh tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, với sự hy sinh của Ngài thể hiện một tình yêu vô điều kiện. Điều này cho thấy Đức Chúa Trời không chỉ là một vị thần quyền năng, mà còn là một vị thần gần gũi, sẵn sàng hy sinh cho sự cứu rỗi của chúng con.

Thưa Cha, qua phân đoạn Thánh Kinh trên cũng giúp cho con áp dụng được nhiều điều quý báu bổ ích trên bước đường con đi theo Chúa. Hàng ngày con luôn tìm những bài ca mới để hát tôn vinh Chúa. Việc con tìm kiếm những bài ca mới không chỉ là về âm nhạc các bài thánh ca mà còn là về thái độ và tâm linh của con luôn đổi mới trong việc thờ phượng Chúa, tìm kiếm những cơ hội để tôn vinh Ngài qua mọi hành động và suy nghĩ của con. Đó có thể là tìm kiếm những khoảnh khắc yên lặng, suy ngẫm Lời Chúa hoặc đọc một phân đoạn Thánh Kinh mới mỗi ngày, xin Chúa soi sáng để con nhận ra sự dẫn dắt mới từ Ngài. Hay là sự con thay đổi thái độ làm việc, luôn làm mọi việc với tâm tình tạ ơn và hết lòng như làm cho Chúa. Mỗi thử thách trong công việc có thể là một cơ hội để con bày tỏ niềm tin vào Ngài và dâng công việc lên Chúa. Hoặc con tìm kiếm cơ hội để bày tỏ tình yêu của Chúa qua lời nói và hành động của con, qua sự tha thứ, lắng nghe và phục vụ người khác. Đây cũng là một hình thức thờ phượng Chúa khi con sống như một tấm gương phản chiếu sự yêu thương và vinh quang của Chúa để cho mọi người nhìn thấy và ngợi tôn Cha của chúng con ở trên trời. Con cũng dâng lời cảm tạ ơn Cha vì Cha đã ban cho con biết những phần mềm trí tuệ nhân tạo để giúp con có thể làm ra những bài nhạc với nhiều phong cách để con ngợi tôn Chúa với lời là những bài hát do người chăn của chúng con viết lời.

Thưa Cha, từ khi tin nhận Chúa thì con cũng luôn nhận biết con trong chức vụ là vua và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời. Vai trò "vua và thầy tế lễ" không chỉ là danh hiệu, mà còn là một trách nhiệm lớn đòi hỏi sự tận hiến và cam kết của con. Đức Chúa Trời kêu gọi mỗi người chúng con sống với hai trách nhiệm song hành này, để thực thi quyền năng và sứ mệnh mà Ngài đã giao phó.

Với chức vụ "vua" nhấn mạnh đến việc lãnh đạo, quản trị của con trong cuộc sống, của bản thân con, trong gia đình và công việc với sự khôn ngoan, công chính và tinh thần phục vụ. Con được kêu gọi không chỉ làm người quản lý những gì Chúa đã giao phó (tài năng, gia đình, công việc) mà còn dẫn dắt theo cách thức làm vinh hiển danh Chúa.

Với vai trò thầy tế lễ là cầu nguyện, tương giao với Chúa và làm cầu nối cho người khác đến với Ngài. Con được kêu gọi để dâng lên Chúa, chẳng hạn như thời gian, lòng kính trọng, và những việc làm yêu thương để tôn vinh Chúa.

Thưa Cha, câu hỏi về việc cuộc sống hàng ngày của con có phản ánh sự thờ phượng và ca tụng Chúa hay không? Đó chính là lời nhắc nhở rằng thờ phượng Chúa không chỉ giới hạn trong những thời gian con dành ra để cầu nguyện hoặc dự nhóm. Mà thờ phượng còn mở rộng ra mọi hành động, suy nghĩ, và cách đối xử của con với người khác trong suốt cuộc sống hằng ngày của con, cụ thể như:

+ Con thờ phượng Chúa qua công việc: Mỗi nhiệm vụ, dù lớn hay nhỏ, đều là cơ hội để con làm việc với tinh thần trách nhiệm và trung tín. Khi làm việc với sự tận tụy và trung thực, con không chỉ hoàn thành nhiệm vụ, mà còn bày tỏ lòng tôn kính đối với Chúa. Công việc của con có thể trở thành một hình thức thờ phượng khi con làm nó "như làm cho Chúa" (Cô-lô-se 3:23).

+ Con thờ phượng Chúa qua cách con đối xử với người khác: Thái độ yêu thương, tha thứ và khiêm nhường đối với người xung quanh chính là những của lễ thuộc linh con dâng lên Chúa. Khi con chọn yêu thương thay vì oán giận, kiên nhẫn thay vì nóng giận là con đang phản ánh tình yêu và sự công chính của Chúa qua cuộc sống mình. Con có thể tự hỏi: Cách con đối xử với gia đình, đồng nghiệp, và người xung quanh có bày tỏ lòng yêu thương và sự tha thứ của Chúa không?

+ Con thờ phượng Chúa qua suy nghĩ và thái độ của con: Những suy nghĩ trong đầu của con dù không ai biết, nhưng chúng cũng ảnh hưởng lớn đến thái độ và hành động của con. Con phải giữ cho tâm trí con luôn suy ngẫm về những điều tốt đẹp thuộc về Chúa, và con để Ngài dẫn dắt mỗi suy nghĩ, giúp con giữ được tinh thần tôn kính và vinh danh Ngài trong mọi hoàn cảnh.

Thưa Cha, qua phân đoạn Thánh Kinh trong sách Khải Huyền 5:9-14, giúp con rút ra một số bài học sâu sắc, chúng con được kêu gọi sống một đời sống tôn vinh Đức Chúa Jesus, Đấng đã cứu chuộc chúng con và xứng đáng nhận mọi quyền lực, sự tôn kính và vinh quang. Những bài học con rút ra cụ thể như sau:

+ Thứ nhất là phân đoạn này khẳng định rằng Đức Chúa Jesus, Chiên Con, là Đấng duy nhất xứng đáng để mở cuộn sách và tháo các dấu ấn. Điều này nhấn mạnh rằng Ngài đã chịu chết để chuộc chúng con, và vì sự hy sinh của Ngài, Ngài xứng đáng nhận mọi sự tôn vinh, quyền lực, và vinh quang. Bài học này mời gọi chúng con nhận thức về tầm quan trọng của sự cứu rỗi qua Đức Chúa Jesus, và sống một cuộc đời tôn vinh Ngài.

+ Thứ hai là Đức Chúa Jesus đã cứu chuộc chúng con "từ mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân, và mọi quốc gia." Điều này nhắc nhở chúng con rằng tình yêu và sự cứu rỗi của Ngài là không giới hạn bởi ranh giới văn hóa, chủng tộc hay địa lý. Bài học rút ra ở đây là chúng con cần có một cái nhìn bao dung và không phân biệt đối xử trong sự thờ phượng và sứ mệnh của mình, biết rằng Đức Chúa Trời kêu gọi mọi người đến với Ngài.

+ Thứ ba là phân đoạn này nói rằng Chúa đã làm cho chúng con trở thành những vua và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, và chúng con sẽ cai trị trên đất. Đây là một lời nhắc nhở rằng chúng con không chỉ được cứu để hưởng sự sống đời đời, mà còn được trao quyền và trách nhiệm để sống một đời sống thánh khiết, công chính, và phục vụ trong Vương quốc của Ngài. Vai trò "vua và thầy tế lễ" kêu gọi chúng con lãnh đạo, cầu nguyện, và phục vụ người khác với tinh thần của Chúa.

+ Thứ tư là trong phân đoạn này chúng con thấy mọi tạo vật trên trời, trên đất, và dưới đất đều thờ phượng Đức Chúa Jesus, công nhận Ngài là Đấng tối cao xứng đáng nhận sự tôn vinh và quyền lực. Bài học này khích lệ chúng con sống một đời sống thờ phượng toàn diện, không chỉ trong những giờ cầu nguyện hay ca hát, mà trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

+ Thứ năm là các thiên sứ, các sinh vật, và các trưởng lão đều thờ phượng Chiên Con đời đời, biểu thị rằng sự thờ phượng không có điểm dừng. Bài học ở đây là thờ phượng Chúa không chỉ là một hành động trong thời gian ngắn mà là một phần quan trọng trong mối quan hệ đời đời của chúng con với Ngài.

Con cảm tạ Chúa vì Lời Ngài trong Khải Huyền 5:9-14, đã bày tỏ cho chúng con thấy sự vinh quang của Chiên Con – Đức Chúa Jesus Christ. Chúng con nhận biết rằng Ngài là Đấng duy nhất xứng đáng để nhận cuộn sách và tháo các ấn của nó, vì chính Ngài đã chịu chết để chuộc lấy chúng con bằng huyết Ngài từ mọi chi tộc, mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống trong tinh thần của những người được kêu gọi làm vua và thầy tế lễ cho Ngài. Xin cho cuộc đời chúng con luôn phản ánh sự công chính, khôn ngoan và tình yêu của Chúa trong mọi việc chúng con làm. Xin Chúa dạy chúng con biết phục vụ người khác bằng tấm lòng tận hiến, và biết cầu nguyện, thờ phượng Ngài qua từng lời nói, hành động, và suy nghĩ của chúng con.

Chúng con tôn vinh Ngài, Đấng xứng đáng nhận mọi sự tôn quý, vinh quang và quyền thế. Xin cho cuộc đời chúng con trở thành một bản thánh ca dâng lên Ngài mỗi ngày, không chỉ qua lời nói mà còn qua cả cách sống của chúng con.

Chúng con nguyện dâng mọi sự vinh quang, quyền phép và tôn quý lên cho Ngài và chúng con thành kính cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jesus Christ, A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
29/10/2024

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ