Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Khải Huyền 12:7-17 Sa-tan bị ném xuống đất

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì những ân điển lớn lao mà Cha đã ban cho chúng con để chúng con luôn được bình an ở trong Ngài, thì giờ này Cha ban cho con thì giờ để con suy ngẫm Lời của Ngài trong sách Khải Huyền 12:7-17.

7 Đã có chiến tranh trên trời. Mi-chen và các thiên sứ của người đã chiến cự nghịch lại con rồng. Con rồng và các sứ giả của nó đã chiến cự lại.
8 Chúng đã không thắng được. Cũng đã không còn tìm thấy chỗ cho chúng trên trời nữa.
9 Con rồng lớn là con rắn xưa, được gọi là Ma Quỷ và Sa-tan, kẻ lừa gạt khắp đất. Nó đã bị ném xuống đất. Các sứ giả của nó với nó đã bị ném xuống.
10 Tôi đã nghe một tiếng lớn trên trời nói: "Bây giờ sự cứu rỗi, sức mạnh, Vương Quốc của Đức Chúa Trời chúng ta và thẩm quyền của Đấng Christ của Ngài đã đến. Vì kẻ kiện cáo các anh chị em của chúng ta, kẻ đã ngày đêm kiện cáo họ trước Đức Chúa Trời của chúng ta, đã bị quăng xuống.
11 Họ đã thắng nó bởi máu của Chiên Con, và bởi lời làm chứng của họ. Họ đã không yêu mạng sống của mình cho tới chết.
12 Bởi đó, hỡi các tầng trời và những ai cư trú trong chúng hãy vui mừng! Khốn cho những cư dân trên đất và biển! Vì Ma Quỷ đã xuống cùng các ngươi có cơn giận lớn, biết rằng, nó có một thời gian ngắn."
13 Khi con rồng thấy mình đã bị quăng xuống đất, nó đã rượt theo người đàn bà đã sinh con trai.
14 Người đàn bà đã được ban cho đôi cánh của đại bàng lớn để nàng bay vào trong đồng hoang, vào trong chỗ của nàng, nơi nàng được nuôi dưỡng một thì, các thì, và nửa thì, khỏi mặt của con rắn. [Tức là 3 năm rưỡi.]
15 Con rắn đã phun nước từ miệng của nó ra như một cơn lụt, theo sau người đàn bà, để nó khiến nàng bị cuốn đi bởi cơn lụt.
16 Đất đã giúp người đàn bà. Đất đã mở miệng của nó, nuốt cơn lụt mà con rồng đã phun ra từ miệng của nó.
17 Con rồng đã nổi giận với người đàn bà. Nó đã đi gây chiến với những ai còn lại thuộc dòng dõi của nàng, những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và có lời chứng của Đức Chúa Jesus. Nó đã đứng trên bãi cát biển.

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên mô tả cuộc chiến thuộc linh giữa tổng lãnh thiên sứ Mi-chen cùng các thiên sứ của Đức Chúa Trời và con rồng đại diện cho Sa-tan và các sứ giả của nó. Kết quả, Sa-tan đã bị đánh bại và ném xuống đất, không còn chỗ ở trên trời. Một tiếng lớn trên trời công bố rằng Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến, bởi máu Chiên Con và lời chứng của các thánh đồ đã mang lại sự chiến thắng. Tuy nhiên, Sa-tan với cơn giận lớn, tiếp tục tấn công người đàn bà (biểu tượng cho dân sự của Đức Chúa Trời) và dòng dõi của nàng. Dù vậy, Đức Chúa Trời đã bảo vệ người đàn bà, ban cho nàng cánh đại bàng để trốn vào nơi an toàn. Khi không thể làm hại được nàng thì Sa-tan chuyển sang gây chiến với những người giữ điều răn của Đức Chúa Trời và có lời chứng của Đức Chúa Jesus. Qua phân đoạn Thánh Kinh này nhấn mạnh sự chiến thắng cuối cùng thuộc về Đức Chúa Trời và sự bảo vệ của Ngài dành cho dân sự của Chúa giữa mọi sự bách hại.

Thưa Cha, con nghĩ rằng cuộc "chiến tranh trên trời" ở câu 7 là xảy ra trong tầng trời thứ 3, trong cõi thiên đàng thuộc linh, là nơi Đức Chúa Trời ngự và các thiên sứ phục vụ Ngài. Đây không phải là bầu trời vật lý mà con người quan sát được, mà là tầng trời nơi các thực tại thuộc linh diễn ra, bao gồm sự đối đầu giữa các thế lực trên trời và các thế lực phản loạn như Sa-tan và các thiên sứ sa ngã.

Ở trong câu 7 con có thấy nhắc đến Mi-chen, ông là tổng lãnh thiên sứ, người được Đức Chúa Trời giao trách nhiệm lãnh đạo các thiên sứ trong trận chiến chống lại Sa-tan và các thiên sứ sa ngã của nó. Ông được nhắc đến như người bảo vệ dân sự của Đức Chúa Trời, biểu trưng cho sức mạnh và sự chiến thắng của thiên đàng trước thế lực gian ác. Được thể hiện trong sách Đa-ni-ên 12:1 thì Mi-chen được miêu tả là "vị hoàng tử lớn" đứng lên bảo vệ dân sự của Đức Chúa Trời trong những thời kỳ khó khăn và hoạn nạn. Ông được giao nhiệm vụ can thiệp và chiến đấu để bảo đảm sự bảo vệ và giải cứu cho những người trung tín, đặc biệt trong giai đoạn hoạn nạn cuối cùng trước khi Đức Chúa Trời hoàn tất kế hoạch cứu chuộc, và trong sách Giu-đe 1:9 thì ông tranh luận với Sa-tan về thi hài của Môi-se, thể hiện vai trò chiến đấu và bảo vệ của ông.

Còn "những sứ giả" của con rồng con hiểu đó là các thiên sứ sa ngã, đó là những thực thể thuộc linh đã theo Sa-tan trong cuộc phản loạn chống lại Đức Chúa Trời nơi thiên đàng. Chúng được gọi là ma quỷ hoặc tà linh trong Thánh Kinh. Những thực thể này hoạt động dưới sự lãnh đạo của Sa-tan, tìm cách chống lại mục đích của Đức Chúa Trời và làm tổn hại con dân của Ngài.

Thưa Cha, con nghĩ rằng thời điểm Sa-tan và các sứ giả của nó "bị ném xuống đất" đó là lúc Đức Chúa Jesus hoàn thành công tác cứu chuộc trên thập tự giá, Ngài đã chiến thắng quyền lực của tội lỗi và sự chết qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, Đức Chúa Jesus đã chiến thắng mọi quyền lực tà ác, bao gồm Sa-tan và các sứ giả của hắn. Điều này đánh dấu một sự thay đổi vĩnh viễn trong cõi thuộc linh, khi quyền lực của Sa-tan bị tước bỏ và hắn không còn có thể đứng trước Đức Chúa Trời để kiện cáo dân sự của Ngài nữa vì Đức Chúa Jesus, Ngài đã đã dáng thế và đổ huyết báu của Ngài ra để cứu chuộc tất cả các tội lỗi của nhân loại “một lần đủ cả”.
Mặc dù Sa-tan vẫn hoạt động trong thế gian và có ảnh hưởng trên các dân tộc, nhưng qua sự chiến thắng của Đức Chúa Jesus, quyền lực của hắn đã bị hạn chế và kết thúc phần nào ngay từ khi công cuộc cứu chuộc của Đức Chúa Trời được hoàn tất. Thời điểm này cũng có thể được xem là một phần trong cuộc chiến thuộc linh mà sách Khải Huyền mô tả, khi Sa-tan bị đánh bại và bị đuổi ra khỏi thiên đàng.

Thưa Cha, con nghĩ rằng Sa-tan "ngày đêm kiện cáo" con dân Chúa "trước Đức Chúa Trời" là về những tội lỗi, sự yếu đuối, và sự bất toàn của chúng con, nhằm mục đích phá hoại mối quan hệ giữa chúng con với Đức Chúa Trời. Hắn tìm cách chỉ trích, tố cáo, và làm cho chúng con cảm thấy xấu hổ, không xứng đáng được tương giao với Chúa từ đó làm suy yếu niềm tin và sự vững vàng trong mối quan hệ của chúng con với Ngài.

Tuy nhiên, máu của Chiên Con (Đức Chúa Jesus) đã bảo đảm sự tha thứ cho chúng con, làm cho mọi lời kiện cáo của Sa-tan đều trở nên vô hiệu. Đức Chúa Jesus qua cái chết và sự phục sinh của Ngài đã đền tội cho chúng con, khiến chúng con được xưng công chính trước mặt Đức Chúa Trời. Vì vậy, mặc dù Sa-tan vẫn tiếp tục kiện cáo, nhưng máu của Chiên Con chính là bằng chứng mạnh mẽ về chiến thắng và sự tha thứ mà con dân Chúa đã nhận được đó là điều chúng con phải trân quý.

Thưa Cha, cụm từ "thắng bởi máu của Chiên Con", con hiểu đó là nói đến sự chiến thắng thuộc linh mà các tín đồ nhận được thông qua sự hy sinh của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá. Máu của Ngài, tượng trưng cho sự chuộc tội, đã giải phóng chúng con khỏi quyền lực của Sa-tan và mọi thế lực tà ác. Sự chết của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá không chỉ tha thứ cho tội lỗi của chúng con mà còn phá vỡ mọi ràng buộc của tội lỗi và sự chết, giúp chúng con được hòa giải với Đức Chúa Trời. Đây là chiến thắng tối thượng mà chúng con có thể đạt được, không phải qua sức mạnh cá nhân hay hành động của chính chúng con, mà qua sự hy sinh, lòng thương xót và quyền năng cứu chuộc của Đức Chúa Jesus. Máu của Chiên Con cũng đại diện cho sự bảo vệ và quyền năng của Chúa trong việc chống lại mọi cáo buộc của Sa-tan, là sự bảo đảm cho niềm hy vọng và sự cứu rỗi của con dân của Chúa.

Thưa Cha, con nghĩ rằng Sa-tan nổi "cơn giận lớn" là vì nó nhận thức rằng quyền lực của nó đã bị hạn chế và sự phán xét cuối cùng của Chúa sắp đến. Sau khi bị quăng xuống đất, nó biết rằng thời gian của mình trên thế gian là sắp hết, và nó chỉ còn một khoảng thời gian ngắn để thực hiện những kế hoạch tấn công và lừa dối con người trước khi phải đối mặt với sự phán xét của Đức Chúa Trời.

Khoảng thời gian "ngắn" này con nghĩ đó là giai đoạn cuối cùng của lịch sử, từ khi Sa-tan bị ném xuống đất cho đến khi Đức Chúa Jesus tái lâm và hoàn tất công tác phán xét. Trong thời gian này, Sa-tan sẽ gia tăng cơn thịnh nộ và làm mọi cách để cám dỗ, xáo trộn và gây hại cho những người nào vâng phục Đức Chúa Trời, mục đích của nó là để cho kế hoạch của Chúa không được hoàn thành. Cơn giận này đã phản ánh sự tuyệt vọng của Sa-tan khi nhận thấy mình sắp đối diện với sự hủy diệt hoàn toàn.

Thưa Cha, hình ảnh "đôi cánh của đại bàng lớn" trong câu 14 con hiểu đó là biểu trưng cho sự bảo vệ và chu cấp siêu nhiên của Đức Chúa Trời đối với dân sự của Ngài trong thời kỳ khó khăn và thử thách. Hình ảnh này liên hệ đến việc Đức Chúa Trời chăm sóc và giải cứu dân Ngài khỏi sự tấn công của Sa-tan, giống như cách mà đại bàng bảo vệ và chăm sóc con non của mình. Hình ảnh này cũng làm con nhắc nhớ về sự kiện trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký 19:4, nơi Đức Chúa Trời đã nói với dân I-sơ-ra-ên rằng Ngài đã mang họ ra khỏi xứ Ai Cập: "Ta chở các ngươi trên cánh chim ưng làm sao, và dẫn các ngươi đến với Ta thế nào." Điều này nhấn mạnh rằng sự cứu giúp của Đức Chúa Trời là mạnh mẽ và trực tiếp, giúp dân sự của Ngài thoát khỏi sự bắt bớ và hiểm nguy. Trong bối cảnh của Khải Huyền 12:14, đôi cánh đại bàng lớn còn tượng trưng cho sự bảo vệ kỳ diệu mà Đức Chúa Trời ban cho "người đàn bà" (biểu tượng cho dân sự của Chúa) khi Sa-tan tìm cách tấn công và tiêu diệt con dân của Chúa.

Thưa Cha, hình ảnh nước phun từ miệng của con rắn (Sa-tan) trong Khải Huyền 12:15 con nghĩ rằng đó là hình ảnh tượng trưng cho những sự tấn công, lời dối trá, và sự bắt bớ mà Sa-tan dùng để chống lại dân sự của Đức Chúa Trời. Nước này có thể được hiểu như là những sự cám dỗ, sự gian ác, hoặc sự bức hại mà Sa-tan làm ra nhằm làm suy yếu hoặc tiêu diệt Hội Thánh của Chúa. Trong Thánh Kinh nước còn được dùng như một hình ảnh của những thử thách và khó khăn mà con dân Chúa phải đối mặt như trong sách Ê-sai 43:2 viết: “Khi ngươi vượt qua các dòng nước, Ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi.” Hay trong sách Thi Thiên 69:1-2 viết: “Thiên Chúa ôi! Xin cứu tôi, vì những nước đã thấu đến linh hồn tôi. Tôi lún trong bùn sâu, nơi không đụng cẳng; tôi bị chìm trong nước sâu, dòng nước ngập tôi.” Tuy nhiên, dù nước có vẻ như một lực lượng mạnh mẽ, nó cũng không thể ngăn cản sự bảo vệ của Đức Chúa Trời, giống như hình ảnh trong câu 16 nói: “Đất đã mở miệng của nó, nuốt cơn lụt mà con rồng đã phun ra từ miệng của nó”, điều đó cho chúng con thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ và cứu giúp con dân của Ngài khỏi mọi cuộc tấn công của Sa-tan.

Thưa Cha, trong Khải Huyền 12:16, khi "đất mở miệng của nó, nuốt cơn lụt" từ miệng con rắn, con hiểu rằng hình ảnh này là biểu tượng cho sự can thiệp của Đức Chúa Trời trong việc bảo vệ con dân của Ngài khỏi sự tấn công của Sa-tan. Cụ thể, đất mở miệng là đại diện cho các phương tiện, cách thức mà Đức Chúa Trời sử dụng để bảo vệ dân của Ngài và tiêu diệt các âm mưu của kẻ thù. Điều này có thể bao gồm những sự kiện tự nhiên, sự thay đổi trong hoàn cảnh, hoặc thậm chí những can thiệp siêu nhiên mà Đức Chúa Trời thực hiện để ngăn chặn những sự tấn công của Sa-tan đối với dân sự của Ngài.
Trong Cựu Ước, đất thường được biểu tượng cho sự cứu rỗi và bảo vệ của Đức Chúa Trời. Tương tự, trong Khải Huyền nói đất mở miệng và nuốt cơn lụt là sự biểu hiện của Đức Chúa Trời hành động để bảo vệ và cứu chuộc dân sự của Ngài, ngăn cản Sa-tan và những âm mưu của nó. Điều này nhấn mạnh rằng dù Sa-tan có thể tấn công và gây khó khăn cho con dân Chúa, nhưng Đức Chúa Trời vẫn luôn can thiệp để bảo vệ chúng con và làm hỏng các kế hoạch của kẻ thù.

Thưa Cha, mệnh đề "những ai còn lại thuộc dòng dõi của nàng" con nghĩ là chỉ về những tín đồ trung thành với Đức Chúa Trời trong thời kỳ cuối cùng này, đặc biệt là những người giữ các điều răn của Ngài và có lời chứng của Đức Chúa Jesus. Đây là một hình ảnh biểu tượng cho những tín đồ bị Sa-tan tấn công và bắt bớ, nhưng họ vẫn giữ vững đức tin và trung thành với Chúa. Cụm từ "dòng dõi của nàng" liên kết với hình ảnh người phụ nữ trong Khải Huyền 12 là người đại diện cho dân I-sơ-ra-ên và Hội Thánh, được bảo vệ khỏi sự tấn công của Sa-tan. Từ "Dòng dõi" là ám chỉ những người thuộc về Chúa, những người đã tiếp nhận sự cứu chuộc qua Đức Chúa Jesus và sống theo sự dẫn dắt của Ngài. Những người này tiếp tục giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và làm chứng cho Đức Chúa Jesus, bất chấp sự bắt bớ và khổ sở mà họ phải đối mặt. Câu này mô tả những tín đồ trong thời kỳ cuối cùng, một giai đoạn mà Sa-tan sẽ gia tăng sự tấn công và chống lại dân sự của Đức Chúa Trời, nhưng họ sẽ thắng lợi qua đức tin vào Chúa.

Thưa Cha, trong Khải Huyền 12:10 con biết rằng Sa-tan được gọi là "kẻ kiện cáo" có nghĩa là nó không ngừng tìm kiếm và lợi dụng những sai phạm của chúng con để buộc tội chúng con trước Đức Chúa Trời. Điều này nhắc nhở chúng con cần cẩn trọng trong đời sống, vì bất cứ hành động nào trái với ý muốn Đức Chúa Trời đều có thể trở thành cơ hội cho Sa-tan kiện cáo, với bản thân con thì con luôn tự tra xét lòng mình, xem xét lời nói, hành động, suy nghĩ của con có phản ánh danh xưng là con cái của Đức Chúa Trời hay không? Con luôn cố gắng giữ mình sao cho không làm điều gì phạm tội với Chúa, nhưng đôi lúc vì những sự thiếu hiểu biết hay những lúc yếu lòng là khiến con phạm tội với Chúa thì con nhanh chóng ăn năn và xin sự tha thứ nhờ máu của Chiên Con như Lời Chúa đã hứa: "Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính." (I Giăng 1:9). Và con luôn tìm kiếm sự hướng dẫn của Lời Chúa qua Đức Thánh Linh bằng việc đọc và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày để Lời Ngài giữ tấm lòng con khỏi sự cám dỗ như sách Thi Thiên 119:11 nói: “Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa.

Thưa Cha, con biết rằng máu của Chiên Con chính là cơ sở để cho chúng con được xưng công chính. Không phải bởi công việc hay sức lực của chúng con, mà chính nhờ sự hy sinh của và lòng thương xót của Đức Chúa Jesus mà tội lỗi của chúng con đã được tha thứ và chúng con được đứng vững trước Đức Chúa Trời. Điều này cũng nhắc nhở con rằng chiến thắng đã được đảm bảo bởi Đức Chúa Jesus. Khi bị cám dỗ, thử thách hay bị tấn công, con hãy xưng nhận niềm tin vào công việc cứu chuộc của Ngài.

Thưa Cha, để con có thể thắng mọi cám dỗ và mọi sự tấn công của ma quỷ bằng máu của Chiên Con, thì con cần phải dựa vào các công việc như sau:

+ Dựa vào máu của Chiên Con: Máu của Đức Chúa Jesus không chỉ rửa sạch tội lỗi mà còn bảo vệ con khỏi mọi sự kiện cáo của Sa-tan. Con tin rằng con đang đứng vững trong ân điển và sự xưng công chính của Ngài.

+ Dựa vào lời làm chứng: Dùng lời làm chứng của con về những gì Chúa đã làm để chống lại các tấn công thuộc linh. Mà Sa-tan không thể đứng vững trước những lời làm chứng chân thật từ con cái Chúa.

+ Không yêu mạng sống con đến chết: Sự chiến thắng thuộc linh đòi hỏi một lòng tin cậy hoàn toàn, sẵn sàng chịu khổ hay thậm chí hy sinh vì đức tin nơi Chúa. Đây là cách con thể hiện lòng trung tín với Ngài.

Thưa Cha, qua việc đọc và suy ngẫm Lời Chúa trong phân đoạn Thánh Kinh sách Khải Huyền 12:7-17, đã giúp cho con rút ra được nhiều bài học quý báu để con áp dụng trên bước đường con đi theo Chúa, bài học con rút ra cụ thể như sau:

+ Thứ nhất là cuộc chiến giữa Sa-tan và Đức Chúa Trời không phải là điều trừu tượng mà là thực tế. Sa-tan đã bị đuổi khỏi thiên đàng nhưng nó vẫn hoạt động mạnh mẽ trên đất để chống phá con dân của Chúa. Là Cơ-đốc nhân thì chúng con phải nhận thức rằng đời sống thuộc linh không phải là sự yên tĩnh, mà là một trận chiến liên tục, nên chúng con hãy mặc lấy toàn bộ khí giới của Đức Chúa Trời để đứng vững trước mưu kế của Ma Quỷ (Ê-phê-sô 6:10-18).

+ Thứ hai là chiến thắng không đến từ sức riêng của chúng con, mà bởi sự hy sinh của Đức Chúa Jesus và niềm tin nơi Ngài. Máu của Ngài chính là nguồn sức mạnh giúp chúng con vượt qua mọi sự kiện cáo và cám dỗ của Sa-tan. Vì vậy chúng con hãy đặt niềm tin vững chắc nơi Đức Chúa Jesus, và nhắc nhở chính con về sự cứu rỗi Ngài đã ban, và mạnh dạn làm chứng về công việc Ngài trong đời sống của chúng con.

+ Thứ ba là Sa-tan biết rằng thời gian của nó có giới hạn, nên nó càng gia tăng sự tấn công, đặc biệt là đối với những người tin kính Chúa. Vậy nên chúng con đừng để bị lừa dối hoặc nản lòng trước sự tấn công của ma quỷ. Hãy kiên nhẫn, nhờ cậy Chúa, và biết rằng sự đắc thắng cuối cùng thuộc về dân sự của Ngài.

+ Thứ tư là Đức Chúa Trời không bao giờ bỏ mặc con cái Ngài trong những lúc khó khăn. Ngài luôn sẵn sàng bảo vệ, hướng dẫn và cung cấp nơi an toàn. Vậy nên khi đối diện với thử thách, chúng con hãy tin tưởng rằng Chúa đang bảo vệ chúng con ngay cả khi chúng con không nhận ra. Chúng con hãy đến gần Ngài qua sự cầu nguyện và Lời Chúa.

+ Thứ năm là con dân Chúa, chúng con sẽ gặp sự chống đối và bắt bớ. Nhưng những người nào giữ Lời Đức Chúa Trời và làm chứng về Ngài sẽ nhận được phần thưởng vĩnh cửu. Vì thế chúng con đừng sợ hãi trước sự bắt bớ hay khó khăn. Hãy tiếp tục trung tín và vâng phục Chúa, tin rằng Ngài sẽ ban cho chúng con sức mạnh để vượt qua.

Chúng con tạ ơn Ngài vì đã ban cho chúng con Lời Ngài trong sách Khải Huyền 12:7-17 này, đó là một sự khích lệ mạnh mẽ và lời nhắc nhở về sự chiến thắng cuối cùng trong Ngài. Chúng con cảm tạ Chúa vì Ngài đã đánh bại Sa-tan và đảm bảo cho chúng con được sự đắc thắng qua máu của Chiên Con.

Chúa ơi, xin giúp chúng con nhận thức rằng cuộc chiến thuộc linh vẫn đang diễn ra hàng ngày và Sa-tan đang tìm cách tấn công đời sống của chúng con. Xin ban cho chúng con năng lực, sự khôn ngoan để chúng con đứng vững trong đức tin, mặc lấy toàn bộ khí giới của Đức Chúa Trời, và sống đời sống thánh khiết làm sáng danh Ngài. Chúng con cầu xin Chúa thêm sức cho chúng con, để chúng con biết nương dựa vào quyền năng của máu Chiên Con và mạnh dạn làm chứng về sự cứu chuộc của Ngài. Xin giúp chúng con sống không sợ hãi, nhưng luôn trung tín và sẵn sàng hy sinh vì danh Chúa, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chúng con cảm tạ ơn Chúa và thành kính cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
20/11/2024

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ