Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Khải Huyền 10:1-7 Thiên Sứ Mạnh Sức và Cuộn Sách Nhỏ

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì con luôn được sống trong sự quan phòng che chở của Ba Ngôi Thiên Chúa, thì giờ này Cha lại ban cho con thì giờ để con suy ngẫm Lời của Ngài trong sách Khải Huyền 10:1-7.

1 Tôi đã thấy một thiên sứ mạnh sức khác, từ trời xuống; đã được mây bao phủ và có một cầu vồng trên đầu; mặt của người như mặt trời và chân của người như các trụ lửa.
2 Trong tay của người có một cuộn sách nhỏ mở ra. Người đã đặt chân phải của người trên biển và chân trái trên đất.
3 Người đã kêu lớn tiếng như sư tử rống. Khi người đã kêu, có bảy tiếng sấm vang phát ra những tiếng nói của chúng.
4 Khi bảy tiếng sấm vang đã phát ra những tiếng nói của chúng, tôi đã sắp ghi chép thì tôi đã nghe tiếng nói từ trời bảo tôi: "Hãy niêm phong những điều bảy tiếng sấm vang đã nói. Đừng ghi chép chúng!"
5 Thiên sứ mà tôi đã thấy đứng trên biển và trên đất, đã đưa tay của người lên trời,
6 và thề bởi Đấng Sống Đời Đời, Đấng đã dựng nên trời cùng những vật trong nó, đất cùng những vật trong nó, biển cùng những vật trong nó, rằng: "Sẽ không còn thì giờ nữa!
7 Nhưng trong những ngày tiếng của thiên sứ thứ bảy, khi người bắt đầu thổi loa, sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời sẽ được hoàn thành, như Ngài đã công bố cho các tôi tớ của Ngài, là các tiên tri."

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên mô tả có một thiên sứ mạnh mẽ từ trời hiện đến, được bao phủ bởi mây, có cầu vồng trên đầu, mặt như mặt trời và chân như trụ lửa. Trong tay thiên sứ là cuộn sách nhỏ mở ra và người đặt chân phải trên biển, chân trái trên đất, rồi kêu lớn tiếng như sư tử rống. Khi đó, bảy tiếng sấm vang lên và phát ra những tiếng nói, nhưng Sứ Đồ Giăng nhận lệnh từ trời phải niêm phong những điều bảy tiếng sấm nói và không được ghi chép lại. Thiên sứ giơ tay thề bởi Đấng Sống Đời Đời, Đấng dựng nên trời, đất, và biển cùng mọi vật, rằng thời gian không còn nữa. Khi thiên sứ thứ bảy thổi loa, mọi sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời sẽ hoàn tất như Ngài đã phán với các tiên tri của Ngài.

Thưa Cha, con nghĩ rằng "thiên sứ mạnh sức" được nói trong câu 1 không phải là Đức Chúa Jesus. Mặc dù thiên sứ này có những đặc điểm thể hiện quyền năng và vinh hiển giống với những mô tả về Đức Chúa Jesus, như hình ảnh mặt trời và các trụ lửa, các lý do sau đây cho con thấy đây là một sứ giả của Chúa, không phải là Đức Chúa Jesus:

+ Thứ nhất là vì từ “thiên sứ”. Trong Thánh Kinh, từ "thiên sứ" thường chỉ các sứ giả của Đức Chúa Trời. Đây là những tạo vật, phục vụ trong vai trò mang thông điệp của Chúa và khác biệt về bản chất so với Chúa. Ngược lại, Đức Chúa Jesus thường được gọi là "Chiên Con" hoặc "Con Người" trong Khải Huyền, những danh xưng dành riêng để mô tả Ngài trong vai trò Cứu Chúa và Đấng Tái Lâm.

+ Thứ hai là vì lời thề nhân danh Đức Chúa Trời. Trong câu 6, thiên sứ này thề bởi Đấng Sống Đời Đời (tức là Đức Chúa Trời). Nếu thiên sứ này là chính Đức Chúa Jesus, Ngài không cần phải thề nhân danh Đức Chúa Trời vì Ngài chính là Đức Chúa Trời trong bản chất. Hành động thề này có ngụ ý rằng thiên sứ đang hoạt động dưới thẩm quyền của Chúa, thay vì là chính Ngài.

+ Thứ ba là vì vai trò và chức vụ, ở đây Đức Chúa Jesus đặc biệt trong sách Khải Huyền, được thể hiện qua những hình ảnh rõ ràng và có vai trò khác biệt. Ngài xuất hiện như "Chiên Con" (Khải Huyền 5) để mở các dấu ấn, hay trong hình ảnh “Con Người” trong sự phán xét và vinh quang. Thiên sứ mạnh sức này thể hiện một vai trò sứ giả, truyền đạt những điều huyền nhiệm từ Đức Chúa Trời, và điều này phù hợp hơn với một thiên sứ của Chúa.

Thưa Cha, lời diễn tả “đã được mây bao phủ và có một cầu vồng trên đầu; mặt của người như mặt trời và chân của người như các trụ lửa” trong Khải Huyền 10:1 con thấy mang những hàm ý sâu sắc liên quan đến quyền năng, sự hiện diện và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Qua đây nhấn mạnh thiên sứ mạnh sức này không chỉ là một sứ giả thông thường mà là đại diện của sự quyền năng và thánh khiết tuyệt đối từ Đức Chúa Trời, cụ thể của lời diễn tả:

+ Thứ nhất là hình ảnh mây bao phủ: Trong Thánh Kinh, mây thường là biểu tượng của sự hiện diện và vinh hiển của Đức Chúa Trời. Mây xuất hiện khi Đức Chúa Trời hiện ra với dân I-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:10) và trong các dịp Ngài tỏ bày sự vĩ đại của Ngài. Mây bao phủ thiên sứ mạnh sức này gợi lên sự hiện diện thiêng liêng và quyền năng vô cùng của Đức Chúa Trời.

+ Thứ hai là hình ảnh cầu vồng trên đầu: Cầu vồng là dấu hiệu của giao ước mà Đức Chúa Trời đã thiết lập với loài người, cụ thể là sau trận đại hồng thủy (Sáng Thế Ký 9:13-17). Nó biểu tượng cho sự thành tín của Chúa trong việc giữ lời hứa và sự bảo vệ của Ngài đối với nhân loại. Cầu vồng trên đầu thiên sứ mạnh sức này cho chúng con sự thành tín và các giao ước vĩnh cửu mà Chúa đã lập, khẳng định rằng sự cứu chuộc của Ngài sẽ được hoàn thành.

+ Thứ ba là hình ảnh mặt như mặt trời: Mặt sáng như mặt trời thể hiện ánh sáng rực rỡ, là biểu tượng của sự thánh khiết và vinh hiển của Đức Chúa Trời. Trong Thánh Kinh, ánh sáng của Chúa luôn được liên kết với sự thánh khiết và sự soi sáng tâm linh, chiếu rọi vào mọi sự tối tăm. Mặt của thiên sứ này như mặt trời thể hiện sự chiếu sáng thánh khiết từ Đức Chúa Trời.

+ Thứ tư là hình ảnh chân như các trụ lửa: Chân của thiên sứ như các trụ lửa là hình ảnh của quyền lực, sự phán xét và sự công chính của Đức Chúa Trời. Lửa trong Thánh Kinh thường biểu tượng cho sự phán xét và thanh tẩy (Ma-la-chi 3:2-3), và các trụ lửa tượng trưng cho sự kiên cường, vững chắc trong việc thực thi công lý và phán xét của Chúa.

Thưa Cha, con nghĩ rằng cuộn sách nhỏ trong Khải Huyền 10:2 không phải là cuộn sách mà Chiên Con tháo các dấu ấn trong Khải Huyền đoạn 5. Cuộn sách trong Khải Huyền đoạn 5 thì mang tính chất toàn cầu, chứa đựng các sự kiện vĩ mô và sự phán xét lớn lao của Đức Chúa Trời đối với thế gian, mở ra sự kiện cuối cùng của lịch sử nhân loại. Còn cuộn sách nhỏ trong Khải Huyền đoạn 10 này con thấy có vẻ như có một phạm vi hạn chế hơn và nó chỉ về những sự kiện cụ thể hơn, liên quan đến những giai đoạn gần cuối của sự phán xét thế gian của Đức Chúa Trời. Cuộn sách nhỏ có thể chứa đựng những mặc khải về các sự kiện sắp tới, những thử thách hoặc những lời cảnh báo mà nhân loại sẽ phải đối diện. Điều này có thể bao gồm các sự kiện lớn nhưng mang tính cụ thể hơn, như các sự kiện sẽ xảy ra trong những ngày cuối cùng của thế gian trước khi sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời được hoàn thành.

Thưa Cha, hành động của thiên sứ khi đứng trên cả đất và biển trong Khải Huyền 10:2 con thấy nó mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc về quyền cai trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời đối với toàn bộ tạo vật. Đất và biển đại diện cho các phạm vi khác nhau của toàn thế giới, trái đất với ¾ là biển và ¼ là đất liền đất tượng trưng cho nhân loại và mọi sinh vật sống trên đất, dưới biển sẽ đều bị ảnh hưởng bởi sự phán xét này. Khi thiên sứ đứng trên cả hai: Đất và biển, điều này nhấn mạnh rằng sự cai trị và phán xét của Đức Chúa Trời không bị giới hạn, mà bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của tạo vật, không có gì thoát khỏi sự kiểm soát của Ngài. Thông điệp của thiên sứ ban ra vì thế sẽ có tác động sâu rộng, ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới và mọi sinh vật sống trên đó. Đây cũng là một lời nhắc nhở chúng con rằng, trong ngày cuối cùng mọi quyền lực, từ đất đến biển, đều sẽ quy phục dưới sự quyền năng của Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, con thấy nội dung của bảy tiếng sấm vang mà Sứ Đồ Giăng không được phép ghi chép lại trong câu 3 và 4 vẫn là một bí ẩn, và việc không được phép ghi lại những điều này phản ánh một sự giới hạn trong sự hiểu biết của con người về các kế hoạch tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Qua đây cũng nhấn mạnh rằng không phải mọi điều trong chương trình của Đức Chúa Trời đều được tiết lộ cho loài người, và có những điều thuộc về Ngài chỉ mình Ngài mới biết được, như sự kiện thời điểm chính xác của sự Chúa tái lâm hay ngày Chúa quay lại phán xét thế gian. Trong sách Ma-thi-ơ 24:36, Chúa Jesus nói rõ: Về ngày và giờ đó, chẳng ai biết, các thiên sứ trên trời cũng không, nhưng chỉ Cha Ta biết mà chúng con không cần biết hoặc chưa đến thời điểm để Ngài cho biết. Con nghĩ rằng bảy tiếng sấm có thể liên quan đến các phán xét hoặc cảnh báo mà Đức Chúa Trời muốn giữ kín, có thể là những điều rất nghiêm trọng và khẩn cấp, chỉ được Ngài tiết lộ vào thời điểm thích hợp hoặc cho những người có thẩm quyền nhất định biết mà thôi. Điều này cũng ám chỉ rằng có những điều trong kế hoạch cuối cùng của Đức Chúa Trời chỉ Ngài mới biết rõ, và con người không cần phải nắm bắt hết mọi chi tiết, vì điều quan trọng là chúng con hãy tin cậy vào Ngài và sống tuân theo những điều răn luật pháp của Ngài đã ban cho chúng con.

Thưa Cha, câu "sẽ không còn thì giờ nữa!" trong Khải Huyền 10:6 con hiểu là muốn ám chỉ rằng thời gian của sự kiên nhẫn của Chúa và cơ hội ăn năn của con người đang đến hồi kết thúc. Đây là một lời cảnh báo về sự gần kề của thời điểm quyết định, khi mà không còn cơ hội để ăn năn hay trì hoãn sự phán xét của Đức Chúa Trời nữa. Lời tuyên bố này mang hàm ý rằng thời gian ân điển của Đức Chúa Trời đối với nhân loại sắp sửa chấm dứt. Khi thiên sứ tuyên bố rằng "sẽ không còn thì giờ nữa" điều này có nghĩa là sự hoàn tất của kế hoạch cuối cùng của Đức Chúa Trời đang đến gần, và sẽ không có thêm thời gian để chuẩn bị hay sửa chữa. Mọi người sẽ phải đối mặt với phán xét và kết quả của những lựa chọn của mình, và không còn cơ hội để thay đổi quyết định hay ăn năn nữa. Giống như khi chúng con đi thi thì giờ làm bài đã hết thì chúng con sẽ không còn thì giờ để ngồi viết thêm ý cho bài thi của mình nữa mà đến giờ chúng con phải nộp bài và chờ kết quả từ bài làm thi của chúng con, giống như chờ sự phán xét của Chúa mà thôi, những ai trung tín với Chúa thì được Ngài cứu ra khỏi cơn đại nạn còn những ai không tin nhận Ngài thì sẽ phải chịu sự phán xét của Chúa. Lời cảnh báo này khuyến khích chúng con sống tỉnh thức, không chần chừ, và luôn sẵn sàng vì không ai biết chắc thời điểm Chúa trở lại.

Thưa Cha, "sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời" trong Khải Huyền 10:7 con hiểu rằng đó là toàn bộ kế hoạch cứu rỗi và phán xét thế gian mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị qua Đấng Christ. Kế hoạch này bắt đầu từ sự hy sinh của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá cho đến sự phục sinh của Ngài, và lời hứa về sự tái lâm của Chúa. Sự mầu nhiệm này cũng bao gồm sự phán xét cuối cùng và sự hoàn tất của chương trình cứu rỗi, khi mọi sự sẽ được thực hiện theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi thiên sứ thứ bảy thổi loa thì "sự mầu nhiệm" này sẽ được hoàn thành, báo hiệu thời điểm không thể trì hoãn thêm nữa và mọi lời hứa của Chúa sẽ được thực hiện trong sự vinh hiển, vinh quang của Ngài. Sự mầu nhiệm này là sự tái lập mọi sự dưới quyền cai trị của Đức Chúa Trời, khi mọi sự phán xét sẽ hoàn tất và những điều đã được hứa ban cho loài người sẽ được hiện ra.

Thưa Cha, khi đọc các câu Thánh Kinh trong phân đoạn này, con cảm nhận được sự nghiêm trọng và khẩn cấp của thời kỳ cuối cùng mà Đức Chúa Trời đã định. Các hình ảnh và biểu tượng trong sách Khải Huyền này như thiên sứ mạnh sức, cuộn sách nhỏ, và những tiếng sấm không được phép ghi chép lại, nhắc nhở con về sự vĩ đại và quyền năng của Đức Chúa Trời. Ở đây không chỉ là về những phán xét, mà còn là một lời mời gọi khẩn thiết cho con người ăn năn và quay về với Ngài. Con cảm thấy sợ hãi và khiếp sợ trước những hình phạt mà Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống thế gian trong Kỳ Tận Thế, nhưng con cũng nhận ra sự công chính và thánh khiết của Ngài. Con biết rằng những hình phạt này là hậu quả của sự từ chối Ngài và sống trong tội lỗi, nhưng đồng thời con cũng cảm nhận được tình yêu thương vô bờ của Đức Chúa Trời dành cho loài người, khi Ngài luôn dành cơ hội cho nhân loại ăn năn và trở quay về với Ngài.

Con tin rằng sự gắng sức rao giảng Tin Lành của chúng con có thể cứu được nhiều người. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi Cơ-đốc nhân và khi chúng con trung thành trong việc chia sẻ tình yêu và Tin Lành của Chúa thì Ngài sẽ dùng những nỗ lực đó của chúng con để dẫn dắt những người chưa biết Ngài đến với sự cứu rỗi. Sự gắng sức rao giảng không chỉ thay đổi đời sống của người nghe mà còn tác động đến cả cộng đồng. Việc phân phát danh thiếp giới thiệu khu mạng Kỳ Tận Thế và các trang web như https://thewordtoyou.net/bible/ là một cách hữu ích để chúng con rao giảng Tin Lành trong thời đại số này. Đây là một phương tiện tiện lợi để tiếp cận với những người chưa biết Chúa và cung cấp cho họ thông tin về sự cứu rỗi qua các nguồn tài liệu trực tuyến. Tuy nhiên, việc này chúng con cần phải đi đôi với sự cầu nguyện, cầu xin sự dẫn dắt của Chúa, và sự tận tâm, yêu thương trong việc rao giảng Tin Lành để đạt hiệu quả tối đa trong việc chia sẻ Lời Chúa.

Thưa Cha, sau khi suy ngẫm Lời Chúa trong phân đoạn Khải Huyền 10:1-7 đã mang lại cho con một số bài học sâu sắc về sự vững tin, sự khiêm nhường, và lòng kiên nhẫn đối với kế hoạch của Đức Chúa Trời, với bài học cụ thể là:

+ Thứ nhất là hình ảnh thiên sứ đặt chân trên cả biển và đất thể hiện quyền lực tối thượng của Đức Chúa Trời. Qua đó, con được nhắc nhở rằng mọi sự, cả trên trời, dưới đất và dưới biển, đều thuộc quyền kiểm soát của Ngài. Chúng con có thể an tâm rằng Đức Chúa Trời luôn cầm quyền tể trị, ngay cả trong những hoàn cảnh dường như ngặt ngèo hoặc nằm ngoài tầm sự hiểu biết của con người.

+ Thứ hai là lệnh niêm phong những gì bảy tiếng sấm đã nói cho chúng con thấy rằng không phải mọi mầu nhiệm của Đức Chúa Trời đều được tiết lộ cho con người. Đôi khi, có những điều chúng con không thể hiểu rõ hoặc không cần biết cho đến khi thời điểm thích hợp đến. Đây là một bài học về sự khiêm nhường, chúng con phải biết chấp nhận rằng có những điều thuộc về sự bí mật của Đức Chúa Trời mà chỉ mình Ngài mới biết và chúng con không nên cố gắng vượt qua giới hạn mà Ngài đặt ra.

+ Thứ ba là thiên sứ tuyên bố rằng "sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời sẽ được hoàn thành" qua đó nhắc nhở chúng con rằng mọi lời hứa và lời tiên tri của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện đúng theo thời điểm Ngài định. Dù chúng con có thể không hiểu được mọi khía cạnh của kế hoạch ấy nhưng chúng con có thể tin tưởng rằng Đức Chúa Trời là thành tín Ngài sẽ hoàn tất lời hứa của Ngài.

+ Thứ tư là thiên sứ tuyên bố "sẽ không còn thì giờ nữa!" nhắc nhở chúng con về sự cấp thiết của thời kỳ sau cùng. Đây là lời khuyên cho mỗi người chúng con về việc chuẩn bị dọn lòng sẵn sàng trong đức tin và đời sống, bởi vì chúng con không biết thời điểm chính xác mà Đức Chúa Trời sẽ hoàn tất kế hoạch của Ngài.

+ Thứ năm là dù chưa thể biết rõ mọi điều nhưng chúng con được kêu gọi trung tín, giữ lòng kiên nhẫn và tin cậy vào Đức Chúa Trời. Đây là một bài học quan trọng trong việc giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời, dẫu cho có những điều chúng con chưa thể thấu hiểu hoặc những khó khăn trước mắt đang bủa vây chúng con.

Chúng con tạ ơn Ngài vì Lời Ngài đã soi sáng và dẫn dắt chúng con qua phân đoạn Khải Huyền 10:1-7. Xin cho chúng con luôn nhận biết quyền năng tối thượng của Ngài và tìm thấy sự an ủi trong sự cầm quyền của Ngài trên cả đất, biển và mọi sự trong vũ trụ, có những điều Ngài giữ lại cho đến thời điểm Ngài định. Xin cho chúng con được sống trong đức tin và sự khiêm nhường, chấp nhận rằng có những điều thuộc về sự mầu nhiệm của Ngài mà chúng con chưa hiểu hết. Xin ban cho chúng con lòng kiên nhẫn và đức tin vững mạnh, để luôn trông đợi nơi Ngài.

Chúng con cầu xin rằng Ngài sẽ giúp chúng con sẵn sàng, sống xứng đáng với những ngày Ngài đã ban cho chúng con và trung tín trong sự kêu gọi của Ngài. Xin thêm sức cho chúng con để chúng con luôn vững tin bước đi theo Chúa.
Chúng con nguyện kính dâng tất cả lên Ngài với lòng tôn kính và biết ơn. Nhân danh Đức Chúa Jesus Christ, A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
11/11/2024

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ