Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

II Phi-e-rơ 3:1-9 Lời Hứa về Sự Chúa Đến

Kính lạy Cha Nhân Từ giàu lòng thương xót của chúng con, chúng con dâng lời cảm tạ ơn Cha về những ân huệ của Cha đã ban cho chúng con trong những ngày qua, thì giờ này Cha lại ban cho con thì giờ để con được đọc, suy ngẫm Lời của Ngài trong sách II Phi-e-rơ 3:1-9.

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh II Phi-e-rơ 3:1-9 là lời Sứ Đồ Phi-e-rơ viết gửi đến các tín hữu con dân của Chúa, nhắc nhở họ về lời hứa của Chúa và sự kiên nhẫn của Ngài. Sứ Đồ Phi-e-rơ muốn nhấn mạnh rằng mặc dù có những kẻ nhạo báng và nghi ngờ về lời hứa của Chúa về sự trở lại của Ngài, nhưng thực ra Chúa không chậm trễ. Mà Ngài đang bày tỏ lòng khoan dung và nhẫn nại, mong muốn rằng mọi người có cơ hội ăn năn để được cứu khỏi sự chết đời đời.
Lời nhắc nhở này của ông khuyến khích những con dân của Ngài hãy giữ vững đức tin, kiên trì chờ đợi, và luôn tỉnh thức trong đức tin của mình, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. 

Thưa Cha, trong câu 1 Sứ Đồ Phi-e-rơ có nói đến "Tâm trí thanh sạch", con hiểu đây để chỉ một linh hồn và tư duy trong sáng, không bị ô uế hay bị ảnh hưởng bởi tội lỗi và các tư tưởng sai lạc. Tâm trí thanh sạch là tâm trí của một con người trung thực, ngay thẳng, luôn tìm kiếm và hướng đến sự thật, luôn tìm kiếm Lẽ Thật và giữ vững đức tin tránh xa tội lỗi trong cuộc sống hàng ngày. Vậy để "làm cho nó tỉnh thức" thì con cần liên tục nhắc nhở bản thân và các anh chị em khác về những lời dạy dỗ trong Thánh Kinh, giữ cho tâm trí tập trung vào những giá trị và lẽ thật của Lời Chúa, luôn vâng giữ điều răn luật pháp của Chúa. Điều này con có thể được thực hiện thông qua việc tương giao cầu nguyện, đọc và suy ngẫm Lời Chúa, tham gia các linh vụ của Hội Thánh và sống một đời sống trong sự vâng phục, kính sợ Chúa và luôn tỉnh thức đối với sự hiện diện của Chúa.

Thưa Cha, trong câu 2 “để các anh chị em ghi nhớ những lời phán đã được các tiên tri thánh nói trước đây, và những mệnh lệnh đã truyền cho chúng ta bởi các sứ đồ của Chúa và Đấng Giải Cứu chúng ta.” Thì câu này có đề cập đến cả Thánh Kinh Cựu Ước và Thánh Kinh Tân Ước. Khi ông Phi-e-rơ nói về những lời phán của các "tiên tri thánh" đã nói trước đây là ông đang đề cập đến các lời tiên tri mà các sách Cựu Ước đã nói. Khi ông đề cập đến "những mệnh lệnh đã truyền cho chúng ta bởi các sứ đồ của Chúa và Đấng Giải Cứu chúng ta" là ông nói về các lời dạy của các sứ đồ và của Đức Chúa Jesus Christ trong Tân Ước. Như vậy, câu này kết nối cả hai phần của Thánh Kinh, nhấn mạnh rằng cả Cựu Ước và Tân Ước đều có giá trị và quan trọng trong việc hướng dẫn đời sống của các Cơ-đốc nhân.

Thưa Cha, "Những ngày sau cùng" được Sứ Đồ Phi-e-rơ nói ở câu 3 là chỉ khoảng thời gian từ khi Chúa Jesus Christ thăng thiên về trời cho đến khi Ngài trở lại. Đây là giai đoạn cuối cùng của lịch sử tự trị của loài người, trong đó loài người đang chờ đợi sự trở lại của Đấng Christ và sự hoàn tất của lời hứa về sự cứu rỗi, trong thời kỳ này sẽ có những kẻ nhạo báng, nghi ngờ lời hứa về sự trở lại của Chúa.

Thưa Cha, trong câu 4 có nói "muôn vật vẫn còn như lúc bắt đầu sáng thế". Câu này là lời nói của những kẻ nhạo báng, cho rằng mọi thứ vẫn như cũ kể từ khi thế giới được tạo dựng, không có sự thay đổi nào đáng kể xảy ra và do đó họ nghi ngờ lời hứa về sự trở lại của Chúa. Tuy nhiên, theo các phân đoạn khác trong Thánh Kinh thì con hiểu câu này không đúng. Vì theo Thánh Kinh, thế giới đã trải qua nhiều thay đổi lớn, bao gồm sự sa ngã của loài người, trận đại hồng thủy trong thời Nô-ê, và các biến cố khác do Đức Chúa Trời gây ra mà muôn vật đã có sự thay đổi nhiều như con thấy con người xưa kia được Chúa tạo dựng ra thì họ chỉ cần ăn thực vật cũng đủ sống và tuổi thọ của loài người rất cao, nhưng khi con người phạm tội quá nhiều và Chúa đã phải dùng cơn nước lụt để trừng phạt loài người thì sau thời gian đó con người bắt đầu ăn cả thịt động vật và tuổi thọ con người cũng không còn cao như trước.

Những kẻ nhạo báng cố ý nói như thế để biện minh cho sự hoài nghi của họ cũng như để huyễn hoặc bản thân về những việc làm chú tâm về tội lỗi của mình sẽ không bị Chúa trừng phạt trong ngày Chúa trở lại vì ngày đó không xảy ra.

Thưa Cha, trong câu 7 "Nhưng các tầng trời và đất bây giờ cũng bởi cùng một Lời mà còn lại, để dành cho lửa trong ngày phán xét và hủy phá những kẻ không tin kính.” Câu này không nói trực tiếp về sự sáng tạo ban đầu của Đức Chúa Trời khi Ngài tạo dựng lên trời đất và muôn vật trong sáu ngày, mà nói về việc Chúa sẽ phán xét thế giới hiện tại bằng Lời của Ngài. Tuy nhiên, việc Đức Chúa Trời sáng tạo muôn loài bằng lời phán của Ngài được thể hiện rõ trong các đoạn khác của Thánh Kinh như trong Sáng Thế Ký chương 1. 

Thưa Cha, chữ "Lời” trong câu 7 ở đây không trực tiếp chỉ về Ngôi Lời mà là để chỉ quyền năng và uy quyền trong lời phán của Đức Chúa Trời. Trong Tân Ước thì "Ngôi Lời" là một thuật ngữ được dùng để chỉ Chúa Jesus Christ, Đấng được xem là Lời sống động của Đức Chúa Trời, như đã được viết trong Giăng 1:1-14.
Vậy câu 7 cho con biết rằng trời và đất hiện tại, tức là toàn bộ vũ trụ đang được giữ vững bởi cùng một Lời của Đức Chúa Trời đã tạo dựng ra chúng. Điều này hàm ý rằng tất cả vạn vật đang tồn tại dưới sự kiểm soát của Đức Chúa Trời, và Ngài đã dành cho chúng một kế hoạch và mục đích nhất định. Cụ thể, trong tương lai, trời và đất sẽ phải chịu sự phán xét cuối cùng, mà qua đó những kẻ không tin kính sẽ bị hủy diệt bởi lửa. Đây là lời cảnh báo nghiêm trọng về sự phán xét chắc chắn của Đức Chúa Trời đối với toàn nhân loại.

Thưa Cha, còn trong câu 8 nhấn mạnh rằng thời gian đối với Đức Chúa Trời không giống như thời gian đối với con người. "Một ngày như một ngàn năm và một ngàn năm như một ngày" cho thấy rằng Đức Chúa Trời vượt trên sự giới hạn của thời gian, không gian và Ngài không bị ràng buộc bởi cách suy nghĩ mà con người trong sự trải nghiệm của thời gian, Ngài tạo ra muôn vật và muôn vật bởi Ngài mà ra nên Ngài nằm ngoài các quy luật tự nhiên của loài người, nên việc nhiều người khi được làm chứng về Chúa thì luôn bắt người khác chứng minh sự tồn tại của Chúa thì mới tin và dùng trí khôn hạn hữu của mình để suy luận thì con nghĩ là điều không thể và không đúng. Vì Ê-sai 55:8 có viết “Lời phán của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Vì những ý tưởng của Ta chẳng phải những ý tưởng của các ngươi, những đường lối của các ngươi chẳng phải những đường lối của Ta.” Điều này giải thích rằng sự chậm trễ trong việc thực hiện lời hứa của Ngài về sự trở lại của Đức Chúa Jesus không phải là do Ngài đã quên hoặc trì hoãn, mà là một phần của kế hoạch và mục đích lớn hơn của Ngài cho loài người.

Thưa Cha, danh từ "Chúa" trong cả câu 8 và câu 9 là chỉ về Đức Chúa Trời. Trong ngữ cảnh này, Sứ Đồ Phi-e-rơ đang nói về Đức Chúa Cha, Đấng đang thể hiện lòng khoan nhẫn và điều khiển mọi sự theo ý muốn mục đích và thời gian của Ngài. 
Thưa Cha, trong câu 9 Sứ Đồ Phi-e-rơ có viết "lấy lòng khoan nhẫn đối với chúng ta, không muốn cho một người nào chết mất, nhưng muốn cho mọi người đều ăn năn" ở đây nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời không muốn bất cứ ai phải chịu sự hủy diệt, bị hư mất đời đời mà Ngài muốn tất cả mọi người đều ăn năn và được cứu. Lòng khoan nhẫn nhân từ giàu lòng thương xót của Ngài là cơ hội để con người quay lại với Ngài trước khi sự phán xét cuối cùng đến. Tuy nhiên, dù Đức Chúa Trời có lòng khoan nhẫn, lòng nhân từ và không muốn ai phải hư mất đời đời nhưng sự thật là con người được Chúa ban cho có ý chí tự do để chấp nhận hoặc từ chối sự cứu rỗi của Ngài. Và ngày nay nhiều người vẫn cứng lòng không tin nhận sự cứu rỗi của Chúa và bị chết mất cho thấy rằng, dù Đức Chúa Trời muốn cứu mọi người, nhưng Ngài cũng tôn trọng sự lựa chọn của con người. Sự từ chối đức tin vào sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus là kết quả của tấm lòng cứng cỏi và sự chống đối của con người đối với ân điển của Chúa. Vì vậy con người phải vào sự hư mất là thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Điều này cũng thể hiện sự công chính của Chúa.

Thưa Cha, ngày nay từ khi biết Chúa và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài thì con luôn giữ cho mình một tâm trí thanh sạch, không vi phạm những điều răn luật pháp của Chúa, mỗi khi vì sự yếu lòng, thiếu sự hiểu biết mà con đã vi phạm Lời Chúa, con được Đức Thánh Linh cáo trách thì con sẽ ăn năn tội với Chúa để lòng con luôn được thánh sạch vì Ngài là thánh nên con cũng cần phải nên thánh để được gần Ngài. Con cũng giúp cho anh chị em trong Chúa luôn tỉnh thức bằng cách cùng nhau học hỏi suy ngẫm Lời Chúa vào mỗi buổi sáng, duy trì mối quan hệ thông công với các anh chị em để khi gặp các nan đề trong cuộc sống thì cùng nhau sẻ chia, nhắc nhở nhau luôn tỉnh thức trước mưu kế của ma quỷ và luôn trung tín với Chúa.

Với những tình hình biến chuyển của thế giới: Thiên tai, chiến tranh, bệnh dịch và con thấy sự bội đạo cũng ngày một xảy ra khắp nơi, tội lỗi ngày càng tràn lan khắp nơi và những lời tiên tri trong sự kiện về ngày Chúa đến cũng đã xảy ra, thì con tin rằng ngày Chúa đến đã rất gần rồi, Ngài sẽ đến để hủy diệt thế gian đầy tội lỗi này và dựng lên một trời mới đất mới, con cũng có niềm tin rằng Chúa sẽ trở lại vào thời đại của chúng con ngày hôm nay. 

Nguyện xin Chúa giữ lòng chúng con luôn tỉnh thức, dọn lòng thánh sạch để chờ đón ngày Đức Chúa Jesus trở lại và để chờ đón ngày Chúa trở lại con cần phải làm những công việc sau: 
- Sống một đời sống ngay thẳng và trong sạch luôn giữ đức tin và đạo đức, sống theo lời dạy của Chúa, không vi phạm các điều răn luật pháp của Chúa. 
- Luôn duy trì mối quan hệ thông công với Chúa, con cần cầu nguyện, học Thánh Kinh và tìm kiếm sự dẫn dắt của Chúa mỗi ngày.
- Chia sẻ Tin Lành của Chúa cho mọi người, giúp người khác biết về Chúa Jesus và ơn cứu rỗi mà Ngài mang lại. 
- Luôn sống trong sự tỉnh thức sẵn sàng về mặt tâm linh và hành động như thể sự trở lại của Đấng Christ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. 

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh từ II Phi-e-rơ 3:1-9 mang đến cho con những bài học quý giá: Nó nhắc con sự tỉnh thức và ghi nhớ Lời Chúa mà Sứ Đồ Phi-e-rơ nhắc nhở các Cơ-đốc nhân về tầm quan trọng của việc giữ tâm trí thanh sạch và tỉnh thức. Bài học ở đây là con cần liên tục suy ngẫm và ghi nhớ lời dạy dỗ của Thánh Kinh để giữ cho đức tin của con được vững vàng. Sự tỉnh thức giúp con không bị cuốn vào những cám dỗ và những điều chống nghịch lại Chúa.

Con biết lời hứa của Chúa là chắc chắn dù có những kẻ nhạo báng và nghi ngờ về sự trở lại của Chúa, con học được rằng Lời hứa của Đức Chúa Trời là không thay đổi dù cho thế gian có đổi thay. Sự chậm trễ mà một số người có thể thấy thực ra là lòng kiên nhẫn của Đức Chúa Trời, tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội ăn năn và đến với Ngài. Mà chúng con cần tin tưởng vào Lời Chúa và không để những lời nhạo báng làm lung lay đức tin của mình.
Phân đoạn này nhắc nhở con rằng thế giới sẽ phải đối diện với sự phán xét cuối cùng của Chúa nhưng Đức Chúa Trời đang giữ lại sự phán xét đó trong thời gian này để dành cho lửa trong ngày sau cùng. Điều này dạy cho con về sự công chính của Đức Chúa Trời, đồng thời nhấn mạnh đến lòng kiên nhẫn, ân điển và lòng nhân từ của Ngài cho con người cơ hội để ăn năn.

Ở đây con thấy được thời gian của Đức Chúa Trời khác với thời gian của con người. Điều này nhắc nhở mỗi chúng con cần học cách tin cậy vào kế hoạch mục đích tốt lành của Đức Chúa Trời, ngay cả khi chúng ta không hiểu hoặc thấy mọi việc xảy ra không theo cách chúng ta mong đợi. Thì chúng con cần sống trong sự tin tưởng và kiên nhẫn chờ đợi, biết rằng Chúa đang hành động theo thời gian của Ngài, không phải theo thời gian của loài người. Ở đây con cũng thấy được tấm lòng yêu thương và sự khoan dung của Đức Chúa Trời. Ngài không muốn bất kỳ ai bị hư mất mà muốn mọi người đều được cứu.

Cảm tạ Chúa đã ban cho con thì giờ để con suy ngẫm Lời Chúa, cầu xin Chúa luôn ở bên dẫn dắt con để con bước đi với Ngài cho đến khi Ngài đến, cầu xin Chúa cũng ban cho con sự khôn sáng và năng lực để con có thể đọc hiểu Lời Chúa để con áp dụng vào trong bước đường con đi theo Chúa để con trở thành đồ dùng tốt lành của nhà Ngài. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
14/08/2024

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ