Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Khải Huyền 10:8-11 Giăng Nuốt Cuộn Sách Nhỏ

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì những ân điển lớn lao mà Cha đã ban cho chúng con để chúng con luôn được bình an ở trong Ngài, thì giờ này Cha ban cho con thì giờ để con suy ngẫm Lời Chúa trong sách Khải Huyền 10:8-11.

8 Tiếng mà tôi đã nghe từ trời lại phán với tôi rằng: "Hãy đi, lấy cuộn sách nhỏ mở ra trong tay của thiên sứ đứng trên biển và trên đất!"
9 Tôi đã đi đến thiên sứ, nói với người: "Hãy đưa cho tôi cuộn sách nhỏ!" Người đã bảo tôi: "Hãy lấy và ăn nó! Nó sẽ làm cho bụng ngươi đắng nhưng nó sẽ ngọt như mật trong miệng ngươi."
10 Tôi đã lấy cuộn sách nhỏ khỏi tay của thiên sứ và đã nuốt nó. Trong miệng tôi nó đã ngọt như mật; và vừa khi tôi đã nuốt nó thì bụng tôi đắng.
11 Người đã bảo tôi: "Ngươi còn phải nói tiên tri trước nhiều dân, nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ, và nhiều vua."

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên mô tả khải tượng trong đó sứ đồ Giăng nhận lệnh từ trời lấy cuộn sách nhỏ từ tay thiên sứ và ăn nó. Cuộn sách này ngọt ngào trong miệng nhưng đắng cay trong bụng, nó tượng trưng cho niềm vui và hy vọng khi tiếp nhận Lời Chúa, đồng thời cũng chứa đựng thử thách và nỗi buồn của sứ điệp khi bị Chúa phán xét. Sau đó, Sứ Đồ Giăng được giao nhiệm vụ tiên tri trước nhiều dân, nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ và nhiều vua, điều này nhấn mạnh tính bao quát của thông điệp từ Chúa cho khắp nơi trên thế gian, Chúa cũng kêu gọi ông hãy truyền đạt sứ điệp với lòng trung tín bất chấp khó khăn.

Thưa Cha, con nghĩ rằng khi Sứ Đồ Giăng nghe tiếng phán trong câu 8 thì ông đang ở trên thiên đàng vì ông đang ở trong một trạng thái khải tượng, và việc ông nghe tiếng phán từ trời có thể được hiểu là ông đang ở trong thiên đàng hoặc trong một trạng thái thiên thượng. Trước đó, trong Khải Huyền 4:1 “Sau những sự này, tôi đã nhìn xem, và này, một cái cửa đã được mở ra trên trời. Tiếng đầu tiên mà tôi đã nghe giống như một tiếng loa, phán với tôi rằng: "Hãy lên đây! Ta sẽ tỏ cho ngươi những gì sẽ xảy ra sau những sự này" thì Sứ Đồ Giăng đã được mời lên trời để chứng kiến khải tượng, và từ đó, ông liên tục trải nghiệm những điều đến từ thiên đàng, vì vậy khi ông nghe tiếng phán trong Khải Huyền 10:8, thì con có thể hiểu rằng ông đang ở trong một trạng thái thiên thượng để tiếp nhận lời từ Chúa.

Thưa Cha, lệnh truyền của thiên sứ trong câu 9 yêu cầu Sứ Đồ Giăng ăn cuộn sách nhỏ và con hiểu hành động này có ý nghĩa sâu sắc trong khải tượng. Việc "ăn" cuộn sách không chỉ là một hành động vật lý, mà là một biểu tượng mạnh mẽ của việc hoàn toàn tiếp nhận và hấp thụ Lời Chúa. Ở đây hành động ăn được dùng để chỉ việc tiếp nhận và tiêu hóa một cách đầy đủ Lời của Chúa để cho ông có thể hiểu và cảm nhận được hết nội dung mà thông điệp Chúa muốn ông truyền tải cho mọi người. Tương tự như trong sách Ê-xê-chi-ên 3:1-3, Chúa cũng đã phán với Tiên Tri Ê-xê-chi-ên rằng: "Ngài phán với ta rằng: Hỡi con người, hãy ăn vật ngươi thấy; hãy ăn cuộn sách này, rồi đi, và nói với nhà I-sơ-ra-ên. Ta mở miệng ra, và Ngài khiến ta ăn cuộn sách ấy. Ngài phán: Hỡi con người, hãy lấy cuộn sách Ta cho ngươi mà khiến bụng ăn và làm đầy ruột. Vậy ta ăn lấy, thì trong miệng ngọt như mật.” Việc ăn nuốt Lời Chúa này để ông có thể truyền đạt sứ điệp của Chúa một cách trọn vẹn và chân thành. Sự kết hợp giữa việc ăn và sự tiếp nhận nói lên sự toàn diện trong việc sống và làm theo Lời Chúa. Hơn nữa, hành động này còn chỉ ra rằng Sứ Đồ Giăng phải tự mình trải nghiệm và hiểu sâu sắc Lời của Chúa trước khi ông có thể chia sẻ và công bố cho người khác theo mệnh lệnh của Chúa giao cho ông như trong câu 11 “Người đã bảo tôi: "Ngươi còn phải nói tiên tri trước nhiều dân, nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ, và nhiều vua."

Thưa Cha, trong câu 9 nói rằng cuộn sách nhỏ có vị ngọt trong miệng nhưng lại đắng trong bụng. Con hiểu rằng đây là một hình ảnh mang tính biểu tượng mạnh mẽ về bản chất của Lời Chúa, đặc biệt là đối với những người được gọi để truyền bá sứ điệp của Ngài. Cụ thể là vị ngọt của cuộn sách trong miệng Sứ Đồ Giăng tượng trưng cho những phần tươi sáng, đầy hy vọng và an ủi trong Lời Chúa. Khi tiếp nhận và hiểu được thông điệp của Chúa, người ta sẽ cảm nhận được niềm vui, bình an và sự ngọt ngào của tình yêu và ân điển của Ngài. Đây là những phần trong Lời Chúa mang lại niềm hy vọng, cứu rỗi và sự an ủi, đặc biệt là khi tin vào Chúa và nhận lãnh lời Ngài vào lòng. Còn vị đắng trong bụng là tượng trưng cho những phần khó khăn, đau đớn và thử thách khi tiếp nhận và truyền đạt sứ điệp của Đức Chúa Trời. Điều này có thể bao gồm cả sự phán xét, sự cảnh báo, và những lời tiên tri về sự hình phạt mà loài người phải đối diện nếu không ăn năn. Khi truyền bá rao truyền Lời của Chúa thì chúng con không chỉ đối diện với sự ngọt ngào của sự cứu rỗi mà còn phải chấp nhận những khó khăn và đau khổ có thể đến từ việc phản đối hoặc hiểu lầm sự ghẻ lạnh của thế gian. Giống như Sứ Đồ Phao-lô đã ghi lại những điều khó khăn thử thách mà ông gặp phải khi đi rao truyền Tin Lành của Chúa như trong sách II Cô-rinh-tô 11:23-28 viết: “Họ là những người hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Tôi dại dột nói, tôi hơn nhiều trong những sự lao động; hơn nhiều trong những sự đòn roi quá mức; hơn nhiều trong những nhà tù; hơn nhiều những lần trong sự chết. Năm lần tôi đã nhận đòn bởi những người Do-thái, thiếu một roi đầy bốn chục. Ba lần tôi đã bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã chịu trong biển sâu một ngày một đêm. Những cuộc hành trình thường xuyên nguy vì sông nước; nguy vì trộm cướp; nguy bởi dân mình; nguy bởi dân ngoại; nguy trong thành phố; nguy trong đồng vắng; nguy trong biển; nguy giữa những anh chị em giả dối, trong sự lao động và sự khó nhọc, trong sự tỉnh thức. Thường xuyên ở trong sự đói và sự khát. Thường xuyên ở trong sự lạnh và sự lõa lồ. Ngoài những sự bên ngoài, những sự chống nghịch tôi suốt ngày, còn sự lo lắng về hết thảy các Hội Thánh.”

Thưa Cha, cảm nhận của con về vị đắng trong bụng mà Sứ Đồ Giăng trải qua trong Khải Huyền 10:10 đó là những thử thách và khó khăn mà người rao giảng Lời Chúa phải đối diện khi truyền tải những sứ điệp phán xét của Chúa và lời cảnh báo cho mọi người. Vị đắng phản ánh nỗi đau đớn và sự gian khổ trong việc phải đối mặt với sự khước từ và phản kháng từ những người không tiếp nhận Lời Chúa, đặc biệt là từ những người thân trong gia đình chúng con khi mà ngày của Chúa đã đến rất gần rồi nhưng họ vẫn thờ ơ với những sự cảnh báo của Chúa với họ, họ giống như đang ở giữa đám cháy mà ngọn lửa đã cháy gần đến nơi rồi nhưng vẫn không chịu đưa bàn tay của mình ra để nhận ơn cứu rỗi của Chúa. Và khi người tiên tri phải thông báo về sự phán xét, hình phạt và tai họa mà Chúa sẽ giáng xuống thế gian điều đó không chỉ làm đau lòng người rao giảng mà còn là một thử thách lớn khi phải chứng kiến sự hủy diệt và mất mát vô cùng khủng khiếp từ những tai họa mà Chúa sẽ giáng xuống thế gian vì sự bất tuân của họ. Vị đắng này cũng nhắc nhở chúng con về sự gian khổ và hi sinh trong công việc rao giảng, khi người rao giảng phải vác gánh nặng trách nhiệm mà không phải lúc nào cũng nhận được sự tiếp nhận hay ủng hộ từ phía người nghe Tin Lành. Trong mắt thế gian, những người rao giảng Lời Chúa đôi khi bị coi như rác rưởi, không có giá trị, hoặc bị xem nhẹ và bị chế giễu. Chúng con phải đối diện với sự không hiểu và sự chỉ trích từ những người không nhận ra giá trị sâu sắc của Lời Chúa. Như khi con được nghe các câu chuyện của các anh chị em trong Chúa của con là những anh hùng đức tin bên Trung Quốc trong cuốn sách “Hoa huệ giữa chông gai” đã cho con thấy được sự trung kiên luôn vâng theo Lời Chúa và luôn mong muốn rao truyền Tin Lành của Chúa đến cho mọi người dù phải chịu bao khó khăn khổ cực bị tra tấn đánh đập tù đày nhưng con thấy những điều đó không bao giờ làm cho họ phải lùi bước và luôn một lòng vừng tin nơi Ngài. Ngày nay chúng con vẫn kiên định trong sứ mệnh được Chúa giao của mình để tiếp tục rao giảng bất chấp sự khó khăn và thử thách, vì chúng con biết rằng chúng con đang làm việc cho Đức Chúa Trời và sứ mệnh của Ngài sẽ không bao giờ là vô nghĩa, như Lời Chúa trong sách Ê-sai 55:11 nói: Lời của Ta cũng vậy, đã ra từ miệng Ta, thì sẽ chẳng trở về cùng Ta cách vô ích, nhưng nó sẽ làm trọn điều Ta muốn, sẽ hoàn thành công việc Ta đã sai khiến nó.”

Thưa Cha, con thấy lời phán của Chúa cho ông Giăng: "Ngươi còn phải nói tiên tri trước nhiều dân, nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ, và nhiều vua" (Khải huyền 10:11) mang một ý nghĩa sâu sắc và rộng lớn về sứ mệnh của ông Giăng và những người theo Chúa. Trước tiên con thấy lời phán này có tính toàn cầu của sứ điệp mà ông Giăng đã được Chúa giao phó. Mặc dù ông Giăng đang ở cuối đời và thể xác đã hao mòn già yếu nhưng sứ mệnh của ông không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian. Chúa kêu gọi ông hãy tiếp tục rao giảng và truyền bá sứ điệp của Ngài đến mọi dân tộc, quốc gia, ngôn ngữ và vua. Điều này thể hiện một sứ mệnh vô cùng rộng lớn, không chỉ nhắm vào một nhóm người hay một quốc gia cụ thể, mà là tất cả nhân loại, không phân biệt dân tộc, ngôn ngữ hay địa lý. Lời phán này cũng là một sự nhắc nhở rằng lời tiên tri của Chúa không chỉ dành cho những người nghe trực tiếp mà còn mang ý nghĩa lâu dài, lan rộng đến tất cả các thế hệ sau. Sứ Đồ Giăng mặc dù không thể trực tiếp tiếp cận tất cả các quốc gia và dân tộc, nhưng qua những lời giảng và sách mà ông viết ra từ sứ điệp này sẽ tiếp tục được truyền đi và ảnh hưởng đến tất cả những ai tiếp nhận nó trên thế gian.

Thưa Cha, mỗi khi ông Giăng dự nhóm với Hội Thánh tại Ê-phê-sô phải có người khiêng ông trên cáng. Mỗi khi được khiêng vào buổi nhóm, ông đều chào Hội Thánh bằng câu: "Hỡi các anh chị em cùng Cha, hãy yêu nhau!" Đây là thể hiện một thông điệp mạnh mẽ và sâu sắc về tình yêu thương trong Hội Thánh. Dù sức khỏe của ông đã suy yếu, nhưng tinh thần và sứ mệnh của ông vẫn không thay đổi. Ông nhấn mạnh rằng tình yêu thương giữa các Cơ-đốc nhân là nền tảng của sự hiệp một trong Hội Thánh. Đây không chỉ là một lời khuyên mà là một lời nhắc nhở quan trọng về phẩm chất cốt lõi mà mọi người tin nhận Chúa cần có để thực hiện sứ mệnh của Chúa. Tình yêu thương là chìa khóa để duy trì sự đoàn kết và sức mạnh trong Hội Thánh, giúp chúng con vượt qua mọi thử thách và khó khăn. Sứ Đồ Giăng, với tư cách là một nhà tiên tri và người lãnh đạo, ông hiểu rằng nếu thiếu tình yêu thương Hội Thánh sẽ mất đi sức mạnh và sự hiệu quả trong việc rao giảng Tin Lành. Vì vậy, dù khi đã cao tuổi và già yếu nhưng ông vẫn đặt trọng tâm vào tình yêu thương như một phần không thể thiếu trong sứ mệnh của mỗi Cơ-đốc nhân. Sự nhấn mạnh vào tình yêu thương cũng phản ánh tinh thần của các giáo huấn của Đức Chúa Jesus đặc biệt là trong những lời Ngài dạy về tình yêu thương lẫn nhau, yêu kẻ thù và yêu người lân cận như chính mình. Tình yêu thương không chỉ là một cảm xúc mà là một hành động, một sự sống động trong cách chúng con đối xử với nhau, nhất là trong cộng đồng của Hội Thánh. Nếu thiếu đi tình yêu thì chúng con không còn là con cái của Chúa nữa vì Chúa của chúng con được gọi là Chúa Tình Yêu thì chúng con cũng phải chiếu ra tình yêu của Chúa cho thế gian nhận biết. Như Lời Chúa trong sách I Cô-rinh-tô 13:1-3 nói rằng: Dù tôi nói các thứ tiếng của loài người và của các thiên sứ, nhưng không có tình yêu thì tôi chỉ là đồng kêu lên hay chập chõa vang tiếng. Dù tôi có sự nói tiên tri, biết hết mọi sự mầu nhiệm và mọi trí thức, dù tôi có hết thảy đức tin để tôi có thể dời các núi, nhưng không có tình yêu thì tôi chẳng ra gì. Dù tôi nuôi ăn những người nghèo với hết thảy gia tài của tôi, dù tôi trao thân thể của mình để chịu đốt, nhưng không có tình yêu thì tôi chẳng được ích lợi gì.”

Thưa Cha, con biết rằng việc rao giảng Lời Chúa từ sách Khải Huyền không chỉ đơn thuần là sự giảng giải Lời Chúa, mà nó còn là hành động tiên tri, khi con công bố những điều mà Chúa đã định trước cho thế gian. Đây là một trọng trách đặc biệt mà Chúa giao cho mỗi một chúng con, bởi những lời tiên tri trong sách Khải Huyền liên quan trực tiếp đến sự cứu rỗi, sự phán xét, và sự hoàn thành trọn vẹn vương quốc của Chúa trên đất. Điều này đòi hỏi sự trung tín tuyệt đối và cẩn trọng trong từng lời rao giảng tránh việc hiểu lầm dẫn đến việc hiểu sai sứ điệp của Chúa, vì thế mỗi lời chia sẻ của chúng con cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên sự hiểu biết đúng đắn, đồng thời chúng con không ngừng cầu nguyện để được Đức Thánh Linh soi sáng dẫn dắt. Qua hành động này, chúng con không chỉ giúp người nghe hiểu rõ hơn về các sự kiện trong Kỳ Tận Thế, mà còn hướng dẫn họ đến với sự ăn năn và đức tin nơi Chúa. Đây cũng là một vinh dự lớn lao của chúng con vì chúng con đang được tham gia vào một phần trong kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời cho nhân loại, đồng thời thúc đẩy con sốt sắng hơn trong việc truyền tải thông điệp của Ngài với đầy đủ quyền năng, giúp nhiều người nhận biết và chuẩn bị tâm linh cho ngày Chúa trở lại. Và con luôn suốt sắng trong việc rao giảng Lời Chúa thông qua các linh vụ con tham gia cùng Hội Thánh để rao truyền sứ điệp của Chúa cho mọi người.

Thưa Cha, qua việc đọc và suy ngẫm Lời Chúa trong phân đoạn Thánh Kinh sách Khải Huyền 10:8-11 giúp cho con rút ra nhiều bài học sâu sắc dành cho những người trung tín trong việc truyền bá Lời Chúa, bài học con rút ra cụ thể như sau:

+ Thứ nhất là Lời Chúa giống như cuộn sách nhỏ, có sức mạnh mang lại sự ngọt ngào khi chúng con tiếp nhận và hiểu được ý muốn tốt đẹp của Ngài. Tuy nhiên, khi chúng con nhận thức sâu hơn, Lời Chúa cũng có thể mang đến những điều đắng cay, đặc biệt là khi đề cập đến sự phán xét và những lời cảnh báo của Chúa. Bài học ở đây là chúng con phải sẵn lòng đón nhận cả hai khía cạnh của Lời Chúa: sự an ủi lẫn những khó khăn thử thách. Chúng con không chỉ chọn những phần dễ chịu mà còn phải chấp nhận cả những phần khó khăn thử thách, vì đó là trọn vẹn ý muốn của Ngài.

+ Thứ hai là hành động "ăn cuộn sách" tượng trưng cho việc không chỉ nghe Lời Chúa mà còn phải hấp thụ và "tiêu hóa" để lời đó trở thành một phần của đời sống chúng con. Điều này nhắc nhở chúng con về tầm quan trọng của việc hiểu biết và suy ngẫm sâu sắc Lời Chúa, để từ đó áp dụng vào cuộc sống và hành động của chúng con thay vì chỉ nghe hoặc đọc qua loa.

+ Thứ ba là thiên sứ bảo Sứ Đồ Giăng rằng ông sẽ phải "nói tiên tri trước nhiều dân, nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ, và nhiều vua." Qua đây con thấy sứ mạng rao giảng Lời Chúa là một trách nhiệm quan trọng và bao gồm cả việc mang thông điệp khó nghe đến mọi người. Bài học ở đây là tấm lòng trung tín của người phục vụ Chúa: Phải can đảm nói ra chân lý, dù có thể gặp phải sự chống đối hay khó khăn. Để hoàn thành sứ mạng được Chúa giao phó chúng con cần lòng can đảm và sự trung tín với Chúa.

+ Thứ tư là Sứ Đồ Giăng được yêu cầu không chỉ ăn cuộn sách, mà còn phải rao truyền toàn bộ thông điệp đó, cả phần ngọt ngào lẫn phần đắng cay. Điều này dạy rằng chúng con rằng phải rao giảng toàn bộ Lời Chúa mà không bóp méo hay che giấu. Điều này nhắc nhở chúng con về sự toàn vẹn và trung thực với thông điệp của Thánh Kinh là một nguyên tắc quan trọng. Lời Chúa phải được truyền tải một cách trọn vẹn, không thay đổi hoặc làm nhẹ đi những phần không thoải mái.

+ Thứ năm là việc Lời Chúa trở nên đắng cay trong lòng ông Giăng cho thấy những thử thách và khổ đau có thể đến khi chúng con trung tín trong sứ mạng của mình. Người theo Chúa cần chuẩn bị tinh thần chấp nhận khó khăn và hy sinh trong quá trình phục vụ Ngài, khi chúng con bước đi theo Chúa thì Chúa cũng đã phán bảo chúng con rằng: “Bất cứ ai muốn đến theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, vác thập tự giá của mình mà theo Ta.” Đây là lời nhắc nhở rằng hành trình theo Chúa của chúng con không chỉ có sự ngọt ngào mà còn phải đối mặt với những khó khăn, và rằng sự hy sinh là một phần của việc phục vụ Chúa.

Chúng con cảm tạ Ngài vì Lời Ngài luôn sống động và mạnh mẽ, soi sáng tâm hồn chúng con. Cảm ơn Ngài vì đã ban cho chúng con sự hiểu biết qua đoạn Thánh Kinh trong sách Khải Huyền 10:8-11, để chúng con nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc vâng phục và rao giảng Lời Chúa, dù ngọt ngào hay đắng cay.
Xin Chúa giúp chúng con luôn trung tín với sứ mạng mà Ngài đã giao, dù có phải đối mặt với thử thách hay đau khổ. Xin cho chúng con có lòng can đảm để "vác thập tự giá" mỗi ngày và theo Ngài trong mọi hoàn cảnh, biết từ bỏ cái tôi, hy sinh và sống theo ý Ngài.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con tiếp nhận toàn vẹn lời Ngài, không chỉ chọn những điều dễ chịu mà còn sẵn sàng đón nhận sự phán xét và lời cảnh báo của Ngài, để cuộc đời chúng con phản ánh tình yêu và sự công chính của Ngài. Chúng con cầu xin Ngài ban cho chúng con sức mạnh và sự khôn ngoan để có thể truyền bá Tin Lành một cách trung thực, đem lại sự sống và sự thay đổi cho những ai lắng nghe.
Chúng con cảm ơn Ngài và thành kính cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
12/11/2024

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ