Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Công Vụ Các Sứ Đồ 1:1-11 Sự Thăng Thiên của Đấng Christ

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì con luôn được sống trong sự quan phòng che chở của Ba Ngôi Thiên Chúa, con cầu xin Đức Thánh Linh ban cho con sự khôn sáng để con có thể đọc, hiểu được Lời của Ngài trong phân đoạn Thánh Kinh sách Công Vụ Các Sứ Đồ 1:1-11, sau đây là những suy ngẫm của con trong phân đoạn Thánh Kinh này:

1 Thật! Hỡi Thê-ô-phi-lơ! Giáo lý thứ nhất tôi đã biên soạn là về mọi điều mà Đức Chúa Jesus đã bắt đầu làm và dạy,
2 cho tới ngày mà Ngài đã được cất lên. Ngài đã bởi thánh linh ra lệnh cho các sứ đồ mà Ngài đã chọn.
3 Với họ Ngài cũng đã tỏ ra chính mình Ngài là sống, trong nhiều chứng cớ, sau sự thương khó của Ngài; được nhìn thấy bởi họ bốn mươi ngày; và phán bảo những sự về Vương Quốc của Đức Chúa Trời.
4 Trong khi nhóm họp, Ngài đã truyền bảo họ, họ không nên rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng: "Hãy chờ đợi lời hứa của Đức Cha mà các ngươi đã nghe nơi Ta.
5 Vì Giăng thật đã làm báp-tem trong nước, nhưng không còn bao nhiêu những ngày này nữa, các ngươi sẽ được báp-tem trong thánh linh."
6 Rồi, thực tế, những người nhóm họp đã hỏi Ngài rằng: "Lạy Chúa! Có phải trong lúc này, Ngài sẽ lập lại vương quốc I-sơ-ra-ên?"
7 Nhưng Ngài đã phán với họ: "Các thời và các kỳ mà Đức Cha đã đặt trong quyền của Ngài, không là điều các ngươi biết.
8 Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và là những chứng nhân cho Ta chẳng những tại Giê-ru-sa-lem, tại cả xứ Giu-đê và Sa-ma-ri, mà cho đến tận cùng của trái đất."
9 Khi Ngài đã phán các lời ấy, họ đã nhìn thấy Ngài được cất lên. Có một đám mây đã tiếp Ngài khỏi mắt của họ.
10 Cùng lúc họ nhìn chăm lên trời trong khi Ngài ngự lên, thì kìa, có hai người nam đứng bên cạnh họ, trong trang phục trắng,
11 và đã nói: "Hỡi các người Ga-li-lê! Sao các ngươi đứng nhìn lên trời? Đức Chúa Jesus này đã được cất lên khỏi các ngươi vào trong thiên đàng, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài đi vào thiên đàng."

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên kể về việc Đức Chúa Jesus, sau khi phục sinh, đã hiện ra với các sứ đồ trong 40 ngày, ban cho họ những lời dạy về Nước Đức Chúa Trời và hứa về sự giáng lâm của Đức Thánh Linh. Ngài căn dặn họ ở lại Giê-ru-sa-lem để chờ đợi lời hứa này và khẳng định họ sẽ nhận được quyền năng để làm chứng cho Ngài từ Giê-ru-sa-lem, Giu-đê, Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất. Sau đó, Ngài được cất lên trời trước mắt các sứ đồ, và hai thiên sứ hiện ra, khẳng định rằng Ngài sẽ trở lại như cách Ngài đã lên trời.

Thưa Cha, khoảng thời gian 40 ngày sau khi phục sinh mà Đức Chúa Jesus ở với các môn đồ điều này mang ý nghĩa quan trọng, theo con nghĩ là vì nó đã củng cố đức tin và chuẩn bị cho sứ mệnh rao giảng Tin Lành của các sứ đồ. Trong thời gian này, Đức Chúa Jesus nhiều lần hiện ra, khẳng định sự sống lại của Ngài và giải thích sâu hơn về Nước Đức Chúa Trời, giúp các môn đồ hiểu rõ ý nghĩa và sứ mệnh của họ trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Ngài cũng chuẩn bị họ cho sự giáng lâm của Đức Thánh Linh, trang bị quyền năng và sự khôn ngoan để họ làm chứng cho Tin Lành của Chúa. Đồng thời, sự hiện diện của Chúa đã giúp họ củng cố lòng tin, xua tan đi nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ mà họ từng trải qua sau sự kiện Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá. Khoảng thời gian này cũng là giai đoạn Đức Chúa Jesus dần chuẩn bị tâm lý và thuộc linh cho các môn đồ về sự thăng thiên của Ngài, trao cho họ trách nhiệm tiếp tục sứ mệnh rao truyền Tin Lành của Chúa cho toàn thế gian.

Con nghĩ rằng khoảng thời gian 40 ngày sau khi phục sinh của Đức Chúa Jesus mang ý nghĩa to lớn đối với đức tin của các môn đồ, vì nó đã củng cố mạnh mẽ niềm tin của họ vào quyền năng và sự thành tín của Đức Chúa Trời. Sự phục sinh của Ngài là minh chứng rõ ràng rằng cho mọi lời hứa và lời dạy của Chúa đều là chân thật, giúp các môn đồ nhận ra ý nghĩa sâu sắc của kế hoạch cứu rỗi của Chúa. Trong thời gian này, Đức Chúa Jesus không chỉ hiện ra nhiều lần để khẳng định Ngài thật sự sống lại, mà còn giảng dạy thêm về Nước Đức Chúa Trời, khiến họ hiểu rõ hơn sứ mệnh và vai trò của mình trong công việc lan truyền Tin Lành của Chúa. Những lời hứa về sự giáng lâm của Đức Thánh Linh cũng đem lại cho họ hy vọng và sự tin cậy vào sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời. Qua đó, họ từ những con người từng sợ hãi và nghi ngờ đã trở nên mạnh mẽ, dạn dĩ, và sẵn sàng đối diện với mọi thách thức để trở thành những chứng nhân trung tín, lan truyền Tin Lành từ Giê-ru-sa-lem đến khắp thế gian.

Thưa Cha, con nghĩ rằng việc Đức Chúa Jesus bảo các môn đồ chờ đợi "lời hứa của Đức Cha" và "được báp-tem trong thánh linh" là một bước chuẩn bị rất quan trọng trước khi họ bắt đầu sứ mệnh rao giảng Tin Lành của Chúa. Vì sự giáng lâm của Đức Thánh Linh sẽ ban cho họ quyền năng siêu nhiên, sự khôn ngoan và lòng can đảm để hoàn thành nhiệm vụ mà Chúa giao phó điều họ không thể tự mình làm được. Đồng thời, Đức Thánh Linh sẽ là Đấng dẫn dắt và an ủi họ trong hành trình mỗi khi gặp khó khăn thử thách, giúp họ hiểu rõ ý muốn của Đức Chúa Trời. Việc chờ đợi này cũng dạy họ bài học về sự kiên nhẫn và sự phụ thuộc hoàn toàn vào Đức Chúa Trời, thay vì dựa vào sức riêng của mình. Hơn nữa, nhờ sự chờ đợi này, các môn đồ được trang bị đầy đủ về tâm linh và năng lực, sẵn sàng bắt đầu sứ mệnh lớn lao mà Chúa giao phó, họ giống như những người lính ra trận được Chúa trang bị đầy đủ vũ khí và trang bị để ra đi hoàn thành nhiệm vụ Chúa giao.

Thưa Cha, khi các môn đồ hỏi về việc "lập lại vương quốc I-sơ-ra-ên", thì con hiểu rằng họ kỳ vọng vào sự khôi phục một vương quốc vật chất, mang tính chính trị và quyền lực giống như thời Vua Đa-vít hoặc Vua Sa-lô-môn. Tuy nhiên, ở đây con thấy Đức Chúa Jesus đã chuyển hướng câu trả lời, nhấn mạnh rằng sứ mệnh quan trọng của họ là làm chứng về Ngài và lan truyền Tin Lành đến tận cùng trái đất. Điều này cho con thấy sự khác biệt sâu sắc giữa kỳ vọng của con người và kế hoạch của Đức Chúa Trời. Trong khi con người thường tập trung vào những mục tiêu hữu hình, tạm thời và gắn với lợi ích trước mắt, thì kế hoạch của Đức Chúa Trời luôn vượt trên những giới hạn đó, hướng đến mục tiêu thuộc linh, vĩnh cửu và bao trùm toàn nhân loại. Đức Chúa Jesus chỉ rõ rằng mục tiêu lớn hơn là thiết lập Nước Đức Chúa Trời trong lòng mọi người, không giới hạn bởi biên giới hay dân tộc. Điều này nhắc nhở con rằng kế hoạch của Đức Chúa Trời luôn cao cả và sâu sắc hơn những kỳ vọng ngắn hạn của con người.

Thưa Cha, lời phán của Đức Chúa Jesus rằng các môn đồ sẽ "là những chứng nhân" cho Ngài từ Giê-ru-sa-lem đến tận cùng trái đất, con nghĩ rằng nó mang ý nghĩa sâu sắc và cũng áp dụng cho Hội Thánh ngày nay. Hội Thánh được kêu gọi tiếp tục sứ mệnh rao truyền Tin Lành đến mọi nơi, bất kể ranh giới văn hóa, ngôn ngữ hay địa lý, đó cũng là điều mà Đức Chúa Jesus đã phán cho các môn đồ trong bữa tiệc thánh rằng: “Hãy rao truyền sự chết của Chúa cho đến lúc Ngài đến”. Con nghĩ rằng việc làm chứng không chỉ qua các bài giảng Tin Lành, mà còn qua đời sống yêu thương, công chính, và sự phục vụ cho mọi người nhìn thấy được bản chất của Đức Chúa Trời đó là công bình, thánh khiết và yêu thương. Hội Thánh được khích lệ bắt đầu từ "Giê-ru-sa-lem" của chính mình, nghĩa là làm chứng ngay trong gia đình, cộng đồng và quốc gia mình đang ở trước khi mở rộng sứ mệnh ra toàn thế giới. Trong thời đại kết nối và công nghệ ngày nay, thì con thấy Hội Thánh có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết để đưa Tin Lành của Chúa đến tận cùng trái đất qua truyền thông, các các trang mạng Internet, việc này Hội Thánh Chúa tại Việt Nam của chúng con cũng đã thực hiện sứ mệnh này qua các linh vụ mà Hội Thánh chúng con đang làm với mong muốn Tin Lành Cứu Rỗi của Chúa được ban ra khắp nơi trên thế giới và có nhiều người nữa được biết đến Tin Lành Cứu Rỗi của Chúa để họ cũng được cứu. Đồng thời, lời phán này nhắc nhở chúng con rằng đây là trách nhiệm chung của toàn thể Hội Thánh, không phải của riêng một nhóm người, và qua quyền năng Đức Thánh Linh, Hội Thánh tiếp tục thực hiện sứ mệnh làm sáng danh Chúa và đem sự cứu rỗi đến với mọi người

Thưa Cha, sự kiện thăng thiên của Đức Chúa Jesus, với những chi tiết như đám mây và hai người nam mặc áo trắng, con hiểu nó mang ý nghĩa thuộc linh sâu sắc. Đám mây ở đây là biểu tượng của sự hiện diện và vinh quang của Đức Chúa Trời, giống như trong Cựu Ước, khi Ngài bày tỏ chính Ngài qua cột mây trong đồng vắng hoặc trên Núi Si-na-i. Việc Đức Chúa Jesus được cất lên trong đám mây đã khẳng định rằng Ngài đã trở về với sự vinh hiển và quyền năng của Đức Chúa Trời, cho con thấy thần tính và địa vị vinh hiển của Ngài. Hai người nam mặc áo trắng, con hiểu đó là các thiên sứ, đã xuất hiện không chỉ để xác nhận tính chân thật của sự thăng thiên mà còn nhắc nhở các môn đồ rằng Đức Chúa Jesus sẽ trở lại theo cách mà Ngài đã thăng thiên. Điều này khuyến khích các môn đồ không chỉ mãi nhìn lên trời mà cần chuẩn bị sẵn sàng cho sứ mệnh Chúa đã giao phó, đồng thời sống trong hy vọng và mong đợi ngày Ngài trở lại. Những điều này cho con thấy sự vinh hiển và quyền tể trị của Đức Chúa Jesus, đồng thời khích lệ các Cơ-đốc nhân sống với lòng trông đợi và hoàn thành sứ mệnh mà Ngài đã giao phó.

Thưa Cha, lời hứa về sự trở lại của Đức Chúa Jesus, rằng "cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài đi vào thiên đàng" có ảnh hưởng sâu sắc đến cách con sống trong đức tin ngày nay. Lời hứa này mang lại niềm hy vọng vững chắc cho con rằng Chúa sẽ trở lại trong vinh hiển để hoàn tất kế hoạch cứu rỗi của Ngài, điều này khích lệ con sống với sự mong đợi và chuẩn bị, đặt trọng tâm vào những giá trị thuộc linh và đời sống công chính thay vì chạy theo những điều tạm bợ của thế gian. Đồng thời, nó nhắc nhở con về trách nhiệm sống như những quản gia trung tín của Đức Chúa Trời để chờ đợi ngày Chúa trở lại, hoàn thành sứ mệnh làm chứng cho Tin Lành và bày tỏ tình yêu thương qua đời sống hàng ngày. Lời hứa này cũng đem lại sự an ủi cho con trong những hoàn cảnh khó khăn, giúp con kiên trì và không nản lòng khi đối diện thử thách, vì tin chắc rằng sự công chính và vinh quang của Chúa sẽ được bày tỏ khi Ngài trở lại. Vì vậy, lời hứa này không chỉ là một niềm khích lệ cho con mà còn định hình toàn bộ cách sống, thúc giục con giữ vững đức tin, sống với hy vọng, trách nhiệm và sự tận hiến cho Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, việc Đức Chúa Jesus dành 40 ngày trước khi thăng thiên để dạy dỗ cho các môn đồ về Nước Đức Chúa Trời, con nghĩ đây là một hình mẫu quan trọng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học hỏi và suy ngẫm về Lời của Chúa. Con thấy con vẫn chưa tận dụng hết toàn bộ thời gian của con được Chúa ban cho để con đọc và suy ngẫm Lời của Ngài hàng ngày, điều này nó có thể đến từ nhiều lý do như do những cản trở đến từ lịch trình bận rộn với công việc, gia đình hay học tập, khiến con khó sắp xếp thời gian. Đôi khi, việc học Lời Chúa của con có thể bị phân tâm do thiếu sự ưu tiên hoặc sự phân tâm từ mạng xã hội, giải trí hay những suy nghĩ lo lắng trong đời sống hàng ngày, cũng có thể do con cảm thấy lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu hoặc cách học thế nào để hiệu quả. Để vượt qua những điều này, con nghĩ rằng con sẽ bắt đầu bằng cách dành một khoảng thời gian cụ thể mỗi ngày, dù chỉ 10-30 phút, để đọc và suy ngẫm một đoạn Thánh Kinh, và cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn để duy trì sự kỷ luật thuộc linh. Con tham gia nhóm học Thánh Kinh vào buổi sáng hàng ngày với các anh chị em mình. Con biết rằng việc dành thời gian cho Lời Chúa không chỉ là trách nhiệm mà còn là nguồn phước hạnh và sức mạnh cho đời sống thuộc linh của con.

Thưa Cha, trong cuộc sống hiện đại bận rộn như ngày nay, con thấy việc dành thời gian yên lặng để cầu nguyện và chờ đợi sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, giống như các môn đồ được lệnh chờ đợi, là một thử thách nhưng cũng vô cùng cần thiết đối với con. Nhiều khi do bị cuốn vào guồng quay của công việc, trách nhiệm gia đình và áp lực xã hội, khiến thời gian con tĩnh lặng với Chúa trở nên khó khăn. Tuy nhiên, với con đây là khoảng thời gian quý báu để con kết nối sâu sắc với Ngài, lắng nghe sự hướng dẫn và tìm kiếm sự bình an trong Ngài. Việc chờ đợi trong cầu nguyện không chỉ là để xin Chúa đáp lời, mà còn là cách để con được trang bị và chuẩn bị hành động trong sự khôn ngoan và quyền năng của Ngài. Con thường bắt đầu bằng cầu nguyện mỗi ngày trong một không gian yên tĩnh, tránh xa sự phân tâm, dành vài phút tĩnh lặng để lắng nghe sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Điều này không chỉ giúp con tìm thấy sự bình an giữa nhịp sống bận rộn, mà còn khiến con nhạy bén hơn với sự dẫn dắt của Ngài trong mọi quyết định của con trong cuộc sống. Chờ đợi sự hướng dẫn Đức Thánh Linh không phải là sự trì hoãn, mà là sự chuẩn bị để con hành động theo đúng ý muốn của Đức Chúa Trời hơn.

Thưa Cha, "Giê-ru-sa-lem" trong lời phán của Chúa ở đây con hiểu rằng không chỉ là một địa điểm cụ thể, mà nó còn tượng trưng cho nơi gần gũi nhất với con hàng ngày như là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hoặc cộng đồng xung quanh con mà Chúa đã đặt để. Đây là nơi mà con có thể bắt đầu làm chứng về Chúa qua cách sống, lời nói, và hành động hàng ngày của con. Việc làm chứng này con nghĩ rằng không nhất thiết phải bắt đầu bằng những bài giảng lớn lao, mà có thể đơn giản là sống một đời sống yêu thương, trung thực, hy sinh theo gương Chúa, hoặc lắng nghe, cầu nguyện cho những người xung quanh con, giống như Lời Chúa trong sách Ma-thi ơ 5:16 phán rằng: “Sự sáng của các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, để họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời”. Con cũng có thể chia sẻ Tin Lành của Chúa qua những cuộc trò chuyện nhỏ, mời mọi người họ tham gia tìm hiểu Lời Chúa qua các trang mạng của Hội Thánh hoặc kể cho mọi người nghe về cách Chúa đã làm việc trong cuộc đời của con. Con nghĩ rằng "Giê-ru-sa-lem" của mỗi người đơn giản là nơi Chúa ban cơ hội để cho con bày tỏ tình yêu và ánh sáng của Ngài đến những người gần gũi con nhất. Vì vậy, con luôn tự hỏi rằng: Con đang làm gì để chia sẻ về Chúa trong chính nơi mình đang sống đó? Làm chứng không chỉ là nhiệm vụ đại mạng lệnh mà Chúa giao phó cho mỗi chúng con là con dân của Chúa, mà còn là cách con sống để làm sáng danh Chúa trong cuộc sống hàng ngày của con.

Thưa Cha, các môn đồ từng mong đợi Đức Chúa Jesus thiết lập một vương quốc thật trên đất, nhưng Ngài đã hướng họ đến một kế hoạch lớn lao hơn, đó là thiết lập Nước Đức Chúa Trời trên khắp thế gian. Điều này đặt ra câu hỏi rằng: Liệu con có đang áp đặt những kỳ vọng riêng của con lên kế hoạch của Chúa cho đời sống con không? Quả thật đôi khi, giống như các môn đồ, con mong muốn Chúa hành động theo cách mà con cho là tốt nhất, dựa trên nhu cầu, ước muốn hoặc hoàn cảnh của con. Tuy nhiên, kế hoạch của Chúa luôn vượt trên sự hiểu biết hạn hẹp của con, như Lời Chúa trong sách Ê-sai 55:8-9 có phán “Vì những ý tưởng của Ta chẳng phải những ý tưởng của các ngươi, những đường lối của các ngươi chẳng phải những đường lối của Ta. Vì các tầng trời được nâng cao hơn đất, vậy nên, những đường lối của Ta được nâng cao hơn những đường lối của các ngươi và những ý tưởng của Ta được nâng cao hơn những ý tưởng của các ngươi.” Việc giữ chặt kỳ vọng riêng của con có thể khiến con thất vọng hoặc thậm chí bỏ lỡ những điều tốt đẹp hơn mà Chúa muốn ban cho con. Thay vì áp đặt, con cần học cách khiêm nhường và tin cậy vào sự dẫn dắt của Ngài, sẵn sàng buông bỏ những kỳ vọng cá nhân để bước theo ý muốn tốt lành và trọn vẹn của Chúa. Qua sự cầu nguyện và suy ngẫm Lời Chúa, con có thể nhận ra kế hoạch tốt đẹp hơn mà Ngài đã chuẩn bị cho con và sống trong sự thuận phục, tin tưởng rằng ý muốn của Ngài luôn là điều tốt nhất cho đời sống của con.

Thưa Cha, quyền năng từ Đức Thánh Linh được Chúa hứa ban không chỉ để các môn đồ làm chứng cho Ngài, mà còn là nguồn sức mạnh siêu nhiên giúp họ vượt qua mọi thử thách trong sứ mệnh rao giảng Tin Lành của Chúa. Ngày nay, câu hỏi đặt ra cho con là: Liệu con có đang sống và hành động trong sự nương cậy nơi Đức Thánh Linh, hay đang dựa vào sức riêng của mình? Nhiều khi, trong công việc, các mối quan hệ, hoặc thậm chí trong việc phục vụ Chúa, con dễ rơi vào trạng thái dựa vào năng lực, hiểu biết hoặc kinh nghiệm cá nhân của mình, dẫn đến sự mệt mỏi, thất vọng, hoặc cảm giác bất lực khi con đối diện với các nan đề trong cuộc sống. Ngược lại, việc con nương cậy nơi Đức Thánh Linh nghĩa là con nhận biết giới hạn của bản thân mình và tìm kiếm sự hướng dẫn, quyền năng từ Ngài qua sự cầu nguyện, suy ngẫm Lời Chúa, và nhạy bén với sự dẫn dắt thuộc linh. Đức Thánh Linh không chỉ ban quyền năng mà còn mang lại cho con sự bình an, khôn ngoan, và lòng can đảm để con sống một đời sống làm sáng danh Chúa. Vì vậy, con phải tự kiểm tra đời sống mình: Liệu mình có đang cầu xin sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh trong mỗi quyết định và hành động hàng ngày hay không? Vì quyền năng của Ngài không chỉ giúp con làm chứng cho Chúa mà còn dẫn dắt con sống theo ý muốn tốt lành của Ngài.

Thưa Cha, lời nhắc nhở của các thiên sứ về sự trở lại của Chúa con nghĩ đó chính là lời kêu gọi để con tự kiểm tra đời sống của mình. Nếu Chúa trở lại hôm nay, con có sẵn sàng để ra đi với Chúa không? Sự sẵn sàng này không chỉ nằm ở sự nhận biết về lời hứa Chúa sẽ trở lại, mà còn được thể hiện qua cách sống hàng ngày của con, một đời sống đầy đức tin, tình yêu và sự vâng phục Đức Chúa Trời. Đây cũng là lúc để con nhìn lại và thay đổi những điều con làm chưa đẹp lòng Chúa. Giữa nhịp sống bận rộn và những ưu tiên tạm thời, con có thể dễ quên rằng sự trở lại của Chúa có thể đến bất cứ lúc nào. Vì vậy, con phải sống một cách tỉnh thức, ăn năn những gì cần sửa đổi, cần đổi mới tấm lòng, và làm sáng danh Chúa qua lời nói và hành động, để khi Ngài trở lại, con có thể vui mừng đứng trước Ngài với sự sẵn sàng trọn vẹn.

Ở đây con thấy Chúa kêu gọi các môn đồ làm chứng nhân cho Ngài, và lời kêu gọi đó con nghĩ rằng vẫn áp dụng cho mỗi Cơ-đốc nhân ngày hôm nay. Trong công việc, gia đình và các mối quan hệ, câu hỏi quan trọng là: Liệu người khác có nhìn thấy Chúa qua cách sống của con không? Việc làm chứng không chỉ qua lời nói mà còn qua hành động, thái độ và cách đối xử với những người xung quanh. Một đời sống yêu thương, trung thực, khiêm nhường và đầy lòng tha thứ sẽ phản chiếu rõ ràng hình ảnh của Chúa, đem đến thông điệp mạnh mẽ hơn bất kỳ lời nói hay một bài giảng nào. Tuy nhiên, trong thực tế, có những áp lực từ công việc, mâu thuẫn trong gia đình hay căng thẳng trong các mối quan hệ đôi khi khiến cho con hành xử theo cách không làm sáng danh Chúa. Vì vậy, con cần dành thời gian nhìn lại và cầu xin Chúa giúp đỡ, để mỗi lời nói và hành động của con đều bày tỏ tình yêu và sự công chính của Ngài. Để con sẽ trở thành ánh sáng và muối của thế gian này.

Thưa Cha, các môn đồ xưa kia đã phải rời khỏi vùng an toàn của mình để đi khắp nơi làm chứng về Chúa, từ Giê-ru-sa-lem, Giu-đê, Sa-ma-ri cho đến tận cùng trái đất, điều này con nghĩ rằng phải đòi hỏi sự vâng phục, lòng can đảm và đức tin mạnh mẽ. Ngày nay, Chúa cũng kêu gọi con bước ra khỏi "vùng an toàn" trong đời sống của con để con thực hiện những điều lớn lao cho Ngài. "Vùng an toàn" đó con nghĩ rằng nó có thể là sự thoải mái trong công việc, nỗi sợ hãi về sự từ chối, hoặc sự ngại ngùng khi chia sẻ đức tin với người khác. Đôi khi, đó còn là sự bám víu vào những thói quen cũ, mối quan hệ quen thuộc, hoặc sự e ngại trước những thay đổi mà Chúa đang kêu gọi. Việc bước ra khỏi vùng an toàn không hề dễ dàng, nhưng chính khi làm điều này, con mới có thể kinh nghiệm sự dẫn dắt và quyền năng của Đức Thánh Linh, vì Lời Chúa trong sách Phi-líp 4:13 có phán: Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự”. Chúa không kêu gọi con hành động trong sức riêng, mà Ngài luôn đồng hành và ban sức mạnh cho con để vượt qua mọi thách thức. Vì vậy con phải cầu xin Chúa ban cho con lòng can đảm, sự tin cậy và vâng phục để con bước đi trong kế hoạch tốt lành mà Ngài dành cho con, bởi chính khi bước đi con sẽ thấy rõ hơn quyền năng và ý muốn lớn lao của Ngài trong đời sống của con.

Thưa Cha, sứ mệnh làm chứng mà Chúa giao phó cho các môn đồ, con nghĩ rằng nó đòi hỏi sự hiệp một giữa các môn đồ, bởi vì chỉ khi đồng lòng, họ mới có thể vượt qua những thử thách và thực hiện đại mệnh lệnh của Chúa một cách hiệu quả. Điều này con nghĩ rằng cũng được áp dụng cho Hội Thánh ngày nay, khi mỗi cơ đốc nhân chúng con được kêu gọi góp phần xây dựng sự hiệp một để hoàn thành sứ mệnh chung. Sự hiệp một không chỉ là sự đồng thuận về ý tưởng, mà còn thể hiện qua tình yêu thương, sự khiêm nhường, lòng tha thứ và sẵn sàng đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Con nghĩ có thể là việc duy trì sự hòa thuận trong các mối quan hệ, bằng cách tích cực tham gia vào các hoạt động chung của Hội Thánh, hoặc hỗ trợ anh chị em trong Hội Thánh bằng tình yêu thương và lời cầu nguyện. Đồng thời, cần tránh những thái độ chia rẽ như chỉ trích, ganh đua hoặc tìm kiếm lợi ích riêng. Sự hiệp một là sức mạnh giúp Hội Thánh hoàn thành đại mệnh lệnh mà Chúa đã giao. Mỗi Cơ-đốc nhân dù ở vai trò nào, đều có trách nhiệm gìn giữ sự hiệp một của Hội Thánh như giữ con ngươi của mắt trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, để cùng nhau làm sáng danh Ngài và lan truyền Tin Lành của Chúa đến khắp thế gian.

Lời hứa của Chúa rằng Ngài sẽ trở lại mang đến cho con một niềm hy vọng vững chắc, ảnh hưởng sâu sắc đến cách con sắp xếp ưu tiên và đưa ra quyết định trong cuộc sống của con. Khi sống trong sự mong đợi ngày Chúa trở lại, con nhận ra rằng những điều thuộc về thế gian chỉ là tạm bợ, trong khi các giá trị thuộc linh và đời sống vĩnh cửu mới là điều quan trọng nhất. Điều này thúc đẩy con đặt Chúa và Nước Đức Chúa Trời lên ưu tiên hàng đầu, tập trung vào việc làm sáng danh Ngài qua cách sống, công việc và các mối quan hệ hàng ngày. Niềm hy vọng này cũng nhắc nhở con đưa ra những quyết định dựa trên ý muốn của Chúa, thay vì chạy theo tham vọng cá nhân hay những điều thỏa mãn nhất thời. Nó khích lệ con đầu tư thời gian, tài năng, và nguồn lực vào những việc có giá trị vĩnh cửu, như làm chứng, phục vụ và xây dựng Hội Thánh. Đồng thời, niềm hy vọng về sự trở lại của Chúa giúp con sống cách tỉnh thức, có trách nhiệm và chuẩn bị tấm lòng sẵn sàng đón Chúa trở lại với niềm vui mừng.

Thưa Cha, qua việc đọc và suy ngẫm Lời Chúa trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ 1:1-11, con đã nhận được nhiều bài học bổ ích và quý giá cho đời sống thuộc linh của mình. Con nhận ra rằng Đức Chúa Jesus, sau khi phục sinh, đã dành thời gian để củng cố đức tin cho các môn đồ, dạy dỗ họ về Nước Đức Chúa Trời và chuẩn bị họ cho sứ mệnh lớn lao qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Điều này nhắc nhở con rằng, trong mọi kế hoạch hay nhiệm vụ, con cần chờ đợi và nương cậy vào sự hướng dẫn của Ngài, thay vì hành động theo sức riêng của mình.

Con cũng học được rằng sứ mệnh làm chứng cho Chúa không chỉ dừng lại ở nơi gần gũi nhất, mà cần lan tỏa ra khắp mọi nơi, đến tận cùng trái đất. Qua đó, con được nhắc nhở phải bắt đầu từ chính "Giê-ru-sa-lem" của mình, đó chính là gia đình, công việc và các mối quan hệ xung quanh con, để bày tỏ ra tình yêu và quyền năng của Ngài qua cách sống của con mỗi ngày.

Bên cạnh đó, lời hứa về sự trở lại của Chúa không chỉ mang lại hy vọng, mà còn thúc giục con sống một đời sống tỉnh thức, đặt ưu tiên vào những giá trị thuộc linh và luôn sẵn sàng cho ngày Đức Chúa Jesus tái lâm sắp đến.

Con cảm tạ Chúa vì Ngài luôn kiên nhẫn dẫn dắt và trang bị con qua Lời Ngài. Nguyện xin Cha giúp con sống trong sự vâng phục, tin cậy và trung tín để làm sáng danh Ngài trong mọi lĩnh vực của đời sống con. Con thành kính cầu nguyện trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
24/01/2025

***

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ