Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Khải Huyền 7:1-8 Một Trăm Bốn Mươi Bốn Ngàn Người I-sơ-ra-ên Được Đóng Dấu – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì những ân điển lớn lao mà Cha đã ban cho chúng con để chúng con luôn được bình an ở trong Ngài, thì giờ này Cha ban cho con thì giờ để con suy ngẫm Lời Chúa trong sách Khải Huyền 7:1-8.

1 Sau những sự đó, tôi đã thấy bốn thiên sứ đang đứng tại bốn góc đất, giữ bốn hướng gió của đất để gió không thổi trên đất, hoặc trên biển, hoặc trên cây nào.
2 Tôi đã thấy một thiên sứ khác, lên từ phía mặt trời mọc, có con dấu của Thiên Chúa Hằng Sống và kêu lớn tiếng đến bốn thiên sứ, mà đã được ban cho họ quyền làm hại đất và biển,
3 rằng: "Chớ làm hại đất, hoặc biển, hoặc những cây cối cho tới khi chúng ta đã đóng dấu ấn những tôi tớ của Đức Chúa Trời chúng ta, trên trán của họ."
4 Tôi đã nghe con số những người được đóng ấn đã được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn, từ mỗi chi tộc của con cháu I-sơ-ra-ên.
5 Mười hai ngàn người từ chi tộc Giu-đa được đóng ấn. Mười hai ngàn người từ chi tộc Ru-bên được đóng ấn. Mười hai ngàn người từ chi tộc Gát được đóng ấn.
6 Mười hai ngàn người từ chi tộc A-se được đóng ấn. Mười hai ngàn người từ chi tộc Nép-ta-li được đóng ấn. Mười hai ngàn người từ chi tộc Ma-na-se được đóng ấn.
7 Mười hai ngàn người từ chi tộc Si-mê-ôn được đóng ấn. Mười hai ngàn người từ chi tộc Lê-vi được đóng ấn. Mười hai ngàn người từ chi tộc I-sa-ca được đóng ấn.
8 Mười hai ngàn người từ chi tộc Sa-bu-lôn được đóng ấn. Mười hai ngàn người từ chi tộc Giô-sép được đóng ấn. Mười hai ngàn người từ chi tộc Bên-gia-min được đóng ấn.

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên mô tả cảnh bốn thiên sứ đứng ở bốn góc đất để giữ gió không thổi, tượng trưng cho sự tạm ngưng của mọi tai họa sắp xảy ra. Một thiên sứ khác, mang theo con dấu của Đức Chúa Trời, xuất hiện từ phía mặt trời mọc và truyền lệnh cho bốn thiên sứ không được làm hại đất, biển và cây cối cho đến khi các tôi tớ của Đức Chúa Trời được đóng dấu trên trán. Tổng cộng có 144.000 người từ mỗi chi tộc của con cháu I-sơ-ra-en được chọn và đóng ấn, biểu trưng cho sự trọn vẹn và sự bảo vệ thiêng liêng của Đức Chúa Trời cho dân của Ngài trước những thử thách và tai họa sắp đến.

Thưa Cha, thành ngữ "bốn góc đất" trong câu 1 là một lối diễn đạt tượng trưng được dùng để chỉ bốn phương trời (đông, tây, nam, bắc) hoặc toàn bộ thế giới. Nó không nhằm chỉ ra hình dáng vật lý của trái đất, như hình vuông hay hình thoi, mà là cách nói hình ảnh để biểu thị tính toàn diện. Với ý nghĩa là mọi góc của trái đất, bất kể phương nào, đều nằm dưới quyền kiểm soát của Đức Chúa Trời. Thành ngữ này nhằm nhấn mạnh sự bao trùm của quyền năng Chúa đối với toàn thế giới và mọi sự việc diễn ra trong nó.

Thưa Cha, ở đây các thiên sứ làm hại đất và biển bằng cách làm ra các tai họa, những thiên tai để thi hành các cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời trên những kẻ bất tuân và không đại diện cho nguyên nhân của các thiên tai tự nhiên. Đoạn này nhấn mạnh rằng mọi hiện tượng, bao gồm cả thiên tai đều nằm dưới quyền tể trị của Đức Chúa Trời và để phục vụ cho mục đích của Ngài khi cần thiết. Đây là một lời nhắc nhở chúng con về quyền năng bao trùm của Ngài, không chỉ trên thiên nhiên mà còn trên cả các lực lượng siêu nhiên, cho thấy mọi điều trên thế gian này đều được điều phối theo ý muốn tối cao của Đức Chúa Trời. Như câu chuyện trong sách Gióp cũng cho chúng con thấy rõ rằng ngay cả Sa-tan cũng không thể tự ý hành động mà phải được sự cho phép của Đức Chúa Trời. Trong Gióp 1:12 và Gióp 2:6, chúng con thấy rằng Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan thử thách Gióp, nhưng Ngài cũng giới hạn quyền lực của Sa-tan, chỉ cho phép hắn hành động trong phạm vi nhất định. Khi Sa-tan dùng "cơn gió lớn" để phá hủy nhà của con cái ông Gióp, điều này được thực hiện dưới sự cho phép và giới hạn từ Đức Chúa Trời. Điều này cho thấy một chân lý sâu sắc về quyền tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời: Ngài không chỉ kiểm soát mọi sự kiện trên đất mà còn tể trị cả các thế lực chống đối. Mọi sự, dù là thiên tai hay thử thách, cuối cùng đều không nằm ngoài kế hoạch và mục đích của Ngài.

Trong sách Khải Huyền, quyền kiểm soát của Đức Chúa Trời trên các tai họa và các thiên sứ cũng tương tự. Các thiên sứ chỉ có thể thi hành phán xét làm ra các tai họa khi được Ngài ban quyền, và ngay cả những tai họa lớn lao nhất cũng không xảy ra ngoài thẩm quyền của Ngài. Điều này nhắc nhở chúng con rằng ngay cả khi thế gian có vẻ hỗn loạn, mọi sự đều nằm trong sự kiểm soát của Đức Chúa Trời và sẽ phục vụ cho kế hoạch của Ngài.

Thưa Cha, con nghĩ rằng sự đóng dấu ấn trên trán những tôi tớ của Đức Chúa Trời không phải là sự đóng dấu ấn vật lý theo nghĩa đen mà nó một hình ảnh biểu tượng thể hiện sự bảo vệ và nhận diện của Đức Chúa Trời trên dân sự của Ngài. Trong nhiều đoạn Thánh Kinh, dấu ấn trên trán không chỉ đại diện cho sự thuộc về, mà còn là minh chứng của sự chọn lựa và bảo vệ đặc biệt của Chúa. Như trong II Cô-rinh-tô 1:22 viết: Đấng cũng đóng ấn chúng con và ban sự bảo chứng của Đấng Thần Linh trong lòng của chúng con.” Hay trong Ê-phê-sô 1:13 Trong Đấng ấy các anh chị em cũng đã nghe Lời của Lẽ Thật, là Tin Lành về sự cứu rỗi của các anh chị em. Cũng trong Đấng ấy mà sau khi các anh chị em tin, thì được đóng dấu bằng thánh linh của lời hứa.” Dấu ấn này biểu thị rằng những người được đóng dấu thuộc về Đức Chúa Trời, và họ được Ngài gìn giữ trong thời kỳ thử thách. Đặc biệt trong sách Khải Huyền, khi các thiên sứ được ban quyền làm hại đất và biển, dấu ấn bảo đảm rằng những người thuộc về Chúa sẽ không chịu chung số phận với những kẻ bất tuân, chống nghịch Chúa. Đây là lời hứa rằng, dù thế giới có thể bị phán xét nhưng những người tin Chúa vẫn sẽ được giữ gìn an toàn.

Thưa Cha, câu "những tôi tớ của Đức Chúa Trời" trong Khải Huyền 7:3 có nghĩa nói đến nhóm người đặc biệt được Đức Chúa Trời chọn lựa và bảo vệ. Những người này không chỉ là các Cơ-đốc nhân thông thường, mà đó là những người đã thể hiện lòng trung thành và đức tin vững bền trong những thời điểm thử thách. Họ có thể đã trải qua khó khăn nhưng vẫn kiên định với đức tin của mình theo Chúa đã được xác nhận bởi dấu ấn mà Ngài đặt lên họ.

Khái niệm "những tôi tớ của Đức Chúa Trời" thường được tìm thấy trong Thánh Kinh, nơi những người trung thành với Chúa được coi là "tôi tớ" của Ngài. Họ không chỉ có trách nhiệm phục vụ Ngài mà còn nhận được sự bảo vệ và phước lành trong những thời điểm khó khăn. Sự đóng dấu này tượng trưng cho sự xác nhận rằng họ thuộc về Ngài và họ sẽ được gìn giữ trong những thời kỳ thử thách và cơn thịnh nộ của Ngài, cho thấy sự quan tâm và lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với những ai tin cậy Ngài.

Thưa Cha, con nghĩ rằng công việc của những người được đóng ấn trong Khải Huyền 7:4 chủ yếu liên quan đến việc giữ vững đức tin và trung thành với Đức Chúa Trời trong thời kỳ thử thách và khốn khó này. Mặc dù Thánh Kinh không mô tả chi tiết các nhiệm vụ cụ thể của họ, nhưng sự đóng ấn trên trán biểu thị rằng họ có một sứ mạng thiêng liêng quan trọng. Họ được gọi để làm chứng cho Đức Chúa Trời qua đời sống và hành động của họ ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Sự hiện diện của dấu ấn trên trán không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ mà còn thể hiện sự kêu gọi của họ trong việc làm chứng về đức tin và lòng trung thành với Chúa. Điều này có thể bao gồm việc chia sẻ Tin Lành, khuyến khích những người khác trong đức tin vào Chúa và tiếp tục sống một cách công chính, bất chấp những tai họa có thể đến với thế gian. Họ là những người được chọn để chịu đựng thử thách mà không bị tổn hại, điều này thể hiện sự quan phòng và bảo vệ đặc biệt của Đức Chúa Trời đối với những người tin tưởng và phụng sự Ngài trong những thời kỳ khó khăn.

Thưa Cha, trong danh sách các chi tộc I-sơ-ra-ên trong Khải Huyền 7:5-8 có sự khác biệt so với các danh sách trong Cựu Ước, đặc biệt là việc không có tên chi tộc Đan và sự thay thế bằng chi tộc Ma-na-se, con trai của Giô-sép. Con nghĩ lý do cho sự thay đổi này có thể là do chi tộc Đan đã quay lưng lại với niềm tin chân chính vào Đức Chúa Trời và họ đã theo đuổi thần tượng, dẫn đến việc họ không được ghi danh trong số những người được bảo vệ đặc biệt trong những ngày cuối cùng này. Sự tái xác định này phản ánh mặt thuộc linh và nhiệm vụ của các chi tộc trong thời kỳ khốn khó, nhấn mạnh rằng không phải tất cả các chi tộc đều được bảo vệ mà chỉ những chi tộc nào trung thành với Đức Chúa Trời. Ngoài ra, sự thay đổi này còn mang tính biểu tượng, cho thấy rằng sự cứu rỗi không chỉ dựa trên nguồn gốc dòng tộc mà còn phụ thuộc vào mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Chi tộc Ma-na-se, được chọn thay cho Đan đại diện cho sự trung thành và cam kết với Ngài. Cuối cùng, danh sách này cũng nhấn mạnh rằng những người thuộc về Đức Chúa Trời có thể đến từ nhiều nơi có nguồn gốc khác nhau và sự trung thành với Ngài có thể vượt qua các ranh giới văn hóa và tôn giáo, phản ánh kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại.

Điều này nhấn mạnh rằng việc được chọn hay thuộc về Đức Chúa Trời không có nghĩa là một sự bảo đảm vĩnh viễn về sự cứu rỗi. Những người được chọn phải duy trì đức tin và vâng theo ý muốn của Chúa trong suốt cuộc đời của họ. Thực tế này làm nổi bật sự sai trái của giáo lý "được cứu một lần, được cứu vĩnh viễn", vì sự trung thành với Lời Chúa là điều kiện cần thiết để duy trì mối quan hệ với Ngài. Ngày hôm nay, chúng con có thể tự hào là con cái của Chúa, nhưng nếu ngày mai chúng con không còn giữ vững sự vâng lời và sống theo Lời Ngài, thì Chúa cũng có thể rút lại ân điển của Ngài. Điều này nhắc nhở chúng con về trách nhiệm cá nhân trong việc theo đuổi một cuộc sống trung thành và thánh khiết trước mặt Đức Chúa Trời, luôn kiên định trong đức tin và sự vâng phục Chúa.

Thưa Cha, qua phân đoạn Thánh Kinh trên giúp cho con áp dụng được nhiều điều trong cuộc sống, con không tin rằng Thánh Kinh cho biết đất là một mặt phẳng, có bốn góc, không phải là một vật thể có hình cầu. Đất được miêu tả như một mặt phẳng với bốn góc nó là sự tượng trưng để thể hiện quyền lực của Đức Chúa Trời trên toàn bộ vũ trụ, chứ không phải để khẳng định hình dáng vật lý của trái đất.
Con không tin thuyết "đất phẳng" nhưng những người xưng mình là con dân Chúa nhưng tin thuyết "đất phẳng" như vậy. Thì đó là một điều vô cùng nguy hiểm về đức tin mà con sẽ khuyên những người này hiểu đúng theo Lẽ Thật của Lời Chúa. Thuyết trái đất phẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đức tin của các con dân Chúa bằng cách gây ra sự hiểu lầm, giảm niềm tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời, tạo ra phân chia trong Hội Thánh, và làm suy yếu khả năng tiếp cận với các khía cạnh của thế giới hiện đại. Việc duy trì một cái nhìn chính xác và toàn diện về Thánh Kinh cùng với sự tôn trọng đối với khoa học là cần thiết để giữ vững đức tin và sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Và cũng là một sự đau buồn trong Hội Thánh của chúng con cũng có một người đã tin vào thuyết “đất phẳng” này, sau khi được Hội Thánh khuyên răn thì đã không tiếp nhận và Hội Thánh đã phải dứt thông công người đó. Con cũng cầu xin Chúa thương xót người đó để cho họ kịp nhận ra những điều không đúng với Thánh Kinh kịp thời ăn năn quay về với Chúa về với Hội Thánh khi ngày của Chúa đã đến rất gần rồi.

Thưa Cha, con nghĩ rằng con dân Chúa trong Hội Thánh có thể được xem như những tôi tớ của Đức Chúa Trời, họ đã nhận được sự đóng dấu ấn thiêng liêng trong đời sống của mình. Sự đóng ấn này không chỉ thể hiện qua sự hiện diện của Đức Thánh Linh mà còn thông qua cách họ sống theo Lời Chúa và tuân thủ các nguyên tắc của Ngài. Đức Thánh Linh hoạt động trong cuộc sống của họ, dẫn dắt và ban cho họ sức mạnh để sống đời sống thánh khiết, giúp họ nhận diện và thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời. Sự hiện diện này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ là con cái của Ngài, họ được lựa chọn và bảo vệ cách đặc biệt trong bối cảnh của những thử thách và gian khổ sắp tới. Việc sống theo Lời Chúa không chỉ là sự tuân thủ các giáo lý mà còn là sự phản ánh bản chất của Đức Chúa Trời trong cuộc sống hàng ngày của họ đó là công bình, thánh khiết và yêu thương. Điều này minh chứng cho sự chọn lựa và sự bảo vệ của Ngài, nhắc nhở họ về trách nhiệm và sứ mạng của họ trong việc làm chứng cho tình yêu thương và sự cứu rỗi của Chúa. Như vậy, sự đóng dấu ấn của Đức Chúa Trời không chỉ là một dấu hiệu bên ngoài mà còn là một sự khẳng định sâu sắc về danh tính và sứ mệnh của con dân Ngài trong Hội Thánh.

Thưa Cha, con đang thực hiện công việc của một người được đóng ấn, đó là một trách nhiệm quan trọng đối với một con dân Chúa. Con luôn tự hỏi bản thân rằng liệu con có đang sống và thực hiện các nhiệm vụ của một người được Đức Chúa Trời đóng dấu ấn hay không? Điều này bao gồm việc làm chứng cho đức tin của con qua những hành động và lời nói hàng ngày, thể hiện tình yêu thương và sự nhân từ đối với người khác. Ngoài ra, việc con sống theo Lời Chúa cũng là một phần thiết yếu, thể hiện sự vâng phục và cam kết của con đối với Chúa. Hơn nữa, trong những thời điểm khó khăn, khả năng chịu đựng và kiên cường là minh chứng cho sức mạnh của đức tin và sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của con. Việc này giúp con nhận diện vị trí của con trong mối quan hệ với Chúa mà còn là động lực để giúp con phát triển và trưởng thành hơn trong đức tin. Khi con thực hiện những công việc này, con không chỉ khẳng định danh tính của mình là con cái của Đức Chúa Trời mà còn góp phần làm sáng danh Ngài trong thế gian này. Để con trở thành “muối của đất là ánh sáng của thế gian”.

Thưa Cha, con thấy sự khác biệt trong danh sách mười hai chi tộc I-sơ-ra-ên trong Kỳ Tận Thế so với thời Gia-cốp khiến con cảm thấy rằng sự trung thành và lòng tin vào Đức Chúa Trời là yếu tố quyết định cho việc con được ở trong dân sự của Ngài hay không? Điều này đặc biệt rõ nét khi chi tộc Đan không còn xuất hiện, điều này nhấn mạnh rằng những ai không trung thành với niềm tin và lạc xa khỏi con đường của Chúa sẽ bị loại ra khỏi danh sách dân sự của Ngài.

Sự thay đổi danh sách này cũng nhắc nhở con về tầm quan trọng của việc duy trì đức tin và sự vâng phục trong đời sống hằng ngày. Trong bối cảnh hiện đại, điều này thúc đẩy mỗi chúng con cần xem xét cách chúng con sống, liệu có phản ánh được sự trung thành với Chúa hay không? Thực tế này có thể khiến con nhận ra rằng đức tin không chỉ là một trạng thái tâm lý mà còn là một hành động liên tục, đòi hỏi sự cam kết và quyết tâm thực hiện theo ý muốn của Chúa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Sự khác biệt này không chỉ là một bài học lịch sử mà còn là một lời nhắc nhở sống động cho mỗi con dân Chúa trong hành trình đức tin của mình.

Thưa Cha, qua việc suy ngẫm Lời Chúa trong phân đoạn Thánh Kinh Khải Huyền 7:1-8 đã giúp cho con rút ra được nhiều bài học sâu sắc trên bước đường con đi theo Chúa. Phân đoạn này không chỉ là một lời nhắc nhở về sự bảo vệ và chọn lựa của Đức Chúa Trời mà còn khuyến khích chúng con sống một cuộc đời trung thành với Ngài, làm chứng cho đức tin và hỗ trợ lẫn nhau trong hành trình đức tin. Bài học con rút ra cụ thể như sau:

+ Thứ nhất là việc đóng dấu ấn trên trán những người được chọn cho thấy rằng Đức Chúa Trời luôn quan tâm và bảo vệ dân sự của Ngài giữa những thử thách. Điều này nhắc nhở chúng con rằng trong những thời điểm khó khăn, chúng con có thể tin cậy vào sự che chở và hướng dẫn của Ngài.

+ Thứ hai là những người được đóng ấn không chỉ nhận được sự bảo vệ mà còn có trách nhiệm sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúng con được kêu gọi làm chứng cho đức tin và sống một cuộc đời phản ánh sự trung thành và vâng phục đối với Ngài.

+ Thứ ba là danh sách các chi tộc I-sơ-ra-ên được nêu trong phân đoạn này cho thấy sự chọn lọc đặc biệt của Đức Chúa Trời đối với những người tin kính. Sự thay đổi trong danh sách chi tộc nhấn mạnh rằng không phải tất cả những ai xưng là con cái của Chúa đều sẽ được giữ lại, mà điều đó phụ thuộc vào sự trung thành của họ.

+ Thứ tư là sự thiếu vắng của chi tộc Đan và sự hiện diện của chi tộc Ma-na-se nhắc nhở chúng con rằng lòng trung thành với Đức Chúa Trời và sự giữ vững đức tin là rất quan trọng. Đức tin không chỉ là điều gì đó một lần mà cần phải được duy trì và thực hành liên tục.

+ Thứ năm là những lời hứa về sự cứu rỗi và bảo vệ từ Đức Chúa Trời mang đến hy vọng và khích lệ cho chúng con, nhắc nhở chúng con rằng dù phải đối mặt với khó khăn nhưng chúng con không đơn độc mà luôn có sự hiện diện của Ngài ở bên cạnh.

Chúng con cảm tạ Ngài vì Lời của Ngài, là nguồn sáng dẫn đường và sự khích lệ cho linh hồn chúng con. Qua đoạn Thánh Kinh Khải Huyền 7:1-8, chúng con nhận thức được tình yêu và sự bảo vệ vĩ đại của Ngài dành cho dân sự của Ngài. Xin Ngài giúp chúng con luôn nhớ rằng chúng con đã được đóng ấn bởi Đức Thánh Linh, và điều đó chính là dấu hiệu của sự chúng con thuộc về Ngài.

Chúng con cầu xin Ngài ban cho chúng con sức mạnh và sự can đảm để giữ vững đức tin trong mọi thử thách mà chúng con gặp phải. Xin Ngài giúp chúng con trở thành những chứng nhân trung thành, sống theo Lời Ngài và phản ánh tình yêu của Ngài đến với thế giới xung quanh.

Xin hãy nhắc nhở chúng con rằng sự trung thành và lòng tin của chúng con là yếu tố quyết định cho việc chúng con được giữ gìn trong thời kỳ khó khăn này, xin Ngài cho chúng con luôn giữ vững niềm hy vọng vào sự cứu rỗi và bảo vệ của Ngài, để chúng con có thể sống một cuộc đời xứng đáng với danh nghĩa là con cái của Ngài. Chúng con dâng lên Ngài tất cả mọi sự trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ!

Bùi Thành Chinh
03/11/2024

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ