Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37-41 Bài Giảng Đầu Tiên của Phi-e-rơ – Phần 3

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu đời đời của chúng con, con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì con luôn được sống trong sự quan phòng che chở của Ba Ngôi Thiên Chúa, thì giờ này xin Cha ban cho con sự khôn sáng, sự tỉnh táo để con có thể đọc, hiểu được Lời của Ngài trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37-41.

37 Đã nghe vậy, họ đã bị chạm trong lòng và đã nói với Phi-e-rơ cùng các sứ đồ còn lại rằng: "Hỡi các người, hỡi các anh em, chúng tôi phải làm gì?"
38 Phi-e-rơ đã nói với họ: "Mỗi người trong các ngươi hãy hối cải và chịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ, vào trong sự tha thứ những tội, rồi các ngươi sẽ nhận sự ban cho Đức Thánh Linh.
39 Vì lời hứa là cho các ngươi và con cái của các ngươi, và cho hết thảy những người tận nơi xa, là bao nhiêu người mà Chúa, Đức Chúa Trời của chúng ta sẽ gọi."
40 Cùng với nhiều lời khác, người đã làm chứng và khuyên bảo họ rằng: "Các ngươi hãy tự cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này!"
41 Vậy, thực tế những người vui nhận lời của người đã chịu báp-tem. Ngày ấy, khoảng ba ngàn linh hồn đã được thêm vào Hội Thánh..

Thưa Cha, phân đoạn Thánh Kinh trên miêu tả vào ngày Lễ Ngũ Tuần, sau khi nghe bài giảng đầy quyền năng của Sứ Đồ Phi-e-rơ về sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus, dân chúng cảm thấy bị chạm trong lòng và hỏi phải làm gì để được cứu. Sứ Đồ Phi-e-rơ kêu gọi họ hãy ăn năn, chịu phép báp-tem nhân danh Đức Chúa Jesus Christ để được tha tội và nhận lãnh Đức Thánh Linh. Ông khẳng định rằng lời hứa cứu rỗi không chỉ dành cho họ mà còn cho con cháu họ và tất cả những người mà Đức Chúa Trời kêu gọi. Sứ Đồ Phi-e-rơ tiếp tục khuyên bảo họ tránh xa thế hệ gian ác và tiếp nhận sự cứu rỗi. Kết quả là có khoảng ba nghìn người đã tin nhận Chúa, chịu phép báp-tem và gia nhập Hội Thánh trong ngày hôm đó.

Thưa Cha, khi nghe lời giảng của Sứ Đồ Phi-e-rơ, điều khiến cho những người nghe “bị chạm trong lòng” con nghĩ là vì họ nhận ra tội lỗi của mình, đặc biệt là việc họ đã góp phần trong sự đóng đinh Đức Chúa Jesus, Đấng mà Đức Chúa Trời đã lập làm Đấng Christ và Chúa. Sứ Đồ Phi-e-rơ đã bày tỏ rằng Đức Chúa Jesus chính là Đấng Mê-si-a mà dân I-sơ-ra-ên mong đợi bấy lâu, nhưng họ đã từ chối và giao nộp Ngài cho sự chết đóng đinh Ngài trên cây thập tự. Sự nhận thức này đã khiến họ đau buồn, ăn năn và khao khát được cứu, nên họ đã hỏi các sứ đồ: "Chúng tôi phải làm gì?" Chính lúc này Đức Thánh Linh đã đánh động tấm lòng họ, giúp họ nhận thức sâu sắc về tội lỗi và thôi thúc họ tìm kiếm con đường ăn năn và sự cứu rỗi.

Thưa Cha, việc Sứ Đồ Phi-e-rơ nhấn mạnh đến việc hối cải và chịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ, con nghĩ là vì đây là điều kiện cần thiết để được tha tội và nhận lãnh Đức Thánh Linh. Sự hối cải này là bước đầu tiên quan trọng, thể hiện sự thay đổi tấm lòng, quay lưng khỏi tội lỗi và hướng về Đức Chúa Trời. Con nghĩ rằng sự hối cải không chỉ đơn thuần là cảm giác hối hận mà còn là một sự biến đổi thực sự ở trong lòng từ suy nghĩ cho đến hành động. Phép báp-tem nhân danh Đức Chúa Jesus còn là dấu hiệu công khai của đức tin cho mọi người thấy, bày tỏ ra rằng người chịu báp-tem đã được nhúng chìm rửa sạch tội trở thành một con người mới liên hiệp với Đức Chúa Jesus trong sự chết và sự sống lại của Ngài. Ở trong câu 38 Sứ Đồ Phi-e-rơ nhấn mạnh "bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ" con thấy nó mang ý nghĩa đặc biệt, vì chỉ qua danh Ngài, con người mới có thể nhận được sự tha thứ tội lỗi và sự cứu rỗi. Ngoài ra, sau khi hối cải và chịu báp-tem, thì những người tin Chúa sẽ nhận lãnh Đức Thánh Linh, được ban cho quyền năng và sự hướng dẫn từ Đức Chúa Trời để sống một đời sống mới, bắt đầu một cuộc đời được biến đổi bởi ân điển của Ngài.

Thưa Cha, cụm từ "chịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ" con hiểu đó là những người tin nhận Chúa công khai bày tỏ đức tin của mình vào Ngài, liên hiệp với sự chết và sự sống lại của Ngài, và bước vào giao ước mới với Đức Chúa Trời. Phép Báp-tem là biểu tượng của sự chết đối với đời sống cũ và sự tái sinh trong đời sống mới. Khi Sứ Đồ Phi-e-rơ kêu gọi mọi người chịu báp-tem "bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ" (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38), con hiểu là ông muốn nhấn mạnh rằng sự cứu rỗi chỉ có thể đến qua Đức Chúa Jesus, vì không có danh nào khác ban cho loài người để được cứu như đã được nhắc đến trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12 “Chẳng có sự cứu rỗi trong ai khác; vì dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho trong loài người, để chúng ta phải được cứu trong danh ấy”. Tuy nhiên, điều này con thấy không hề mâu thuẫn với lời dạy của Đức Chúa Jesus trong sách Ma-thi-ơ 28:19, khi Ngài truyền dạy rằng báp-tem phải thực hiện "vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh." Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ thường dùng cụm từ "bởi danh Đức Chúa Jesus" để nhấn mạnh vai trò cứu chuộc của Ngài, nhưng điều đó không có nghĩa là phủ nhận Ba Ngôi Đức Chúa Trời vì con biết rằng Ba Ngôi Đức Chúa Trời là ba thân vị luôn hiệp một và đồng làm việc với nhau. Do đó, cả hai cách diễn đạt đều mang ý nghĩa tương đồng, vì chịu báp-tem nhân danh Đức Chúa Jesus cũng đồng nghĩa với việc bước vào mối quan hệ với Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Ở đây với cách nói "chịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ" con hiểu không phải là sự khác biệt về bản chất mà chỉ là cách nhấn mạnh vào vai trò trung tâm của Đức Chúa Jesus trong sự cứu rỗi nhân loại mà thôi.

Thưa Cha, lời hứa của Đức Chúa Trời trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:39 đã cho con thấy rõ ràng tình yêu và ân điển vô điều kiện của Ngài dành cho nhân loại. Trước hết, tình yêu của Đức Chúa Trời không giới hạn trong một nhóm người hay một thời đại cụ thể nào, mà mở rộng đến “các ngươi, con cái của các ngươi, và cho hết thảy những người tận nơi xa.” Điều này cho con thấy sự bao dung và lòng nhân từ của Ngài dành cho mọi thế hệ và mọi dân tộc, không phân biệt giai cấp hay quá khứ tội lỗi. Bên cạnh đó, con còn thấy ân điển của Đức Chúa Trời thể hiện rõ ràng qua sự tha thứ tội lỗi, một món quà mà con người không thể tự mình đạt được, nhưng được ban cho cách nhưng không qua sự hy sinh của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá. Không những thế, Ngài còn ban Đức Thánh Linh cho chúng con để hướng dẫn, nâng đỡ và biến đổi đời sống của những ai tin nhận Ngài. Lời hứa ấy cũng minh chứng cho con thấy sự thành tín của Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài không bao giờ thất hứa. Nếu Ngài đã phán rằng những ai tin sẽ nhận được sự cứu rỗi, thì con tin chắc rằng điều đó sẽ được hoàn thành. Khi con nhận thức được tình yêu và ân điển dồi dào này của Chúa, con luôn mở lòng tiếp nhận và sống trong đức tin vào Chúa. Qua đó, con có thể vững tin rằng Ngài luôn yêu thương, che chở và thành tín trong mọi lời hứa của Ngài.

Thưa Cha, mệnh đề “tự cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này” trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:40 con hiểu nó mang ý nghĩa sâu sắc đối với cả người nghe thời đại đó và với chúng con ngày nay. Đối với thế hệ lúc bấy giờ, “dòng dõi gian tà” con hiểu là ám chỉ những người Do Thái đã chối bỏ Đức Chúa Jesus, chạy theo những tập quán tôn giáo hình thức bên ngoài nhưng lòng lại xa cách Đức Chúa Trời. Sứ Đồ Phi-e-rơ kêu gọi họ hãy ăn năn, từ bỏ con đường tội lỗi và tin nhận Đức Chúa Jesus để được sự cứu rỗi thật sự. Còn đối với chúng con ngày nay, “dòng dõi gian tà” con hiểu là một thế giới đầy dẫy sự gian ác, lừa dối và xa rời Đức Chúa Trời. Lời kêu gọi của Sứ Đồ Phi-e-rơ “tự cứu mình” ở đây không có nghĩa là con người tự tìm được sự cứu rỗi bằng sức riêng của mình, mà đó là một lời cảnh tỉnh để con không bị cuốn theo những giá trị sai lệch của thế gian, tránh xa lối sống tội lỗi và vững lòng bước đi theo Lẽ Thật của Đức Chúa Trời. Điều này nhắc nhở con rằng người tin Chúa cần có sự phân biệt rõ ràng giữa đời sống theo ý muốn Chúa và những tiêu chuẩn của thế gian. Chỉ khi đặt niềm tin nơi Đức Chúa Jesus, con mới thực sự được cứu và có thể sống một đời sống đẹp lòng Ngài.

Thưa Cha, kết quả của bài giảng đầu tiên của Sứ Đồ Phi-e-rơ được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:41, cho thấy một sự biến đổi mạnh mẽ: khoảng ba ngàn người đã tin nhận Chúa và chịu phép báp-tem chỉ trong một ngày. Điều này cho con thấy được sức mạnh của Lời Chúa và công tác của Đức Thánh Linh trên lòng người nghe. Khi Sứ Đồ Phi-e-rơ rao giảng, ông đã không dựa vào lời lẽ hoa mỹ hay sự khôn ngoan của con người giống như cách một số người họ đi rao giảng họ phải tổ chức những buổi hòa nhạc mời các ca sỹ, người nổi tiếng tham gia với mục đích kêu gọi người khác đến nghe nhạc sau đó mới kèm việc rao giảng Tin Lành, mà ở đây đơn giản ông rao truyền về Đức Chúa Jesus, sự chết và sự sống lại của Ngài, cùng lời kêu gọi mọi người hãy ăn năn. Lời Chúa đã tác động mạnh mẽ đến tâm linh dân chúng, khiến họ “bị chạm trong lòng” và nhận thức rõ tội lỗi của mình, từ đó dẫn đến sự thay đổi từ bên trong. Hơn nữa, việc ba ngàn người đồng loạt ăn năn và chịu báp-tem cho con thấy Đức Thánh Linh đã làm việc một cách quyền năng, đã biến đổi tấm lòng của những con người trước đó có thể còn nghi ngờ, chống nghịch hoặc xa lánh Tin Lành. Con nghĩ đây là một sự phục hưng vĩ đại, đánh dấu sự khởi đầu mạnh mẽ của Hội Thánh đầu tiên. Điều này cũng nhắc nhở cho con rằng sự cứu rỗi đến từ Đức Chúa Trời, không phải do nỗ lực của con người. Sứ Đồ Phi-e-rơ chỉ là người rao giảng, nhưng chính Đức Thánh Linh đã khiến lòng người mềm mại, dẫn họ đến đức tin và quyết định theo Chúa. Qua đó, con được khích lệ rằng khi Lời Chúa được rao truyền với sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, thì có thể biến đổi bất kỳ tấm lòng nào, dù chai cứng đến đâu. Sứ Đồ Phao-lô là một ví dụ cho sự biến đổi này khi ông từ một người chống nghịch đạo của Chúa sau khi được Chúa mở mắt cho ông, ông đã trở thành sứ đồ tận tụy với việc đi rao giảng Tin Lành của Chúa cho dân ngoại.

Thưa Cha, con nhận thấy rằng con đã có nhiều lần “bị chạm trong lòng” khi con đọc hoặc lắng nghe Lời Ngài. Đức Thánh Linh thường dùng Lời Chúa để cáo trách, khích lệ hoặc hướng dẫn con một cách rõ ràng. Có những lúc, Lời Chúa bày tỏ những điều trong đời sống của con chưa đẹp lòng Ngài như: Những thái độ sai lầm, sự thờ ơ trong đức tin, hoặc những quyết định chưa hoàn toàn vâng phục Chúa. Nhưng cũng có những khi con gặp phải các nan đề trong cuộc sống, Lời Chúa đến như một sự an ủi, nhắc nhở con rằng Ngài luôn yêu thương, chăm sóc và thành tín trong mọi điều Ngài hứa như trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:6 “Hãy mạnh mẽ và can đảm! Chớ sợ, cũng chớ kinh hãi trước chúng nó! Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, Ngài đi với ngươi. Ngài sẽ chẳng rời khỏi ngươi, cũng chẳng sẽ từ bỏ ngươi.” Khi Chúa chạm trong lòng, con không muốn chỉ dừng lại ở cảm xúc mà con cần phải có hành động đáp ứng vì đức tin thì cần phải có hành động thì mới là đức tin sống. Nếu khi Lời Chúa cáo trách, thì con sẽ ăn năn, cầu xin Ngài tha thứ và thay đổi lòng con để con sống thánh khiết hơn. Nếu Lời Ngài khích lệ, thì con sẽ vững tin và tiếp tục trung tín trong những gì Chúa giao phó. Nếu Lời Chúa hướng dẫn, thì con sẽ vâng phục và bước đi trong sự dẫn dắt của Ngài, ngay cả khi điều đó đòi hỏi sự hy sinh hoặc thay đổi lớn trong đời sống. Giống như những người trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37 khi nghe lời giảng của Sứ Đồ Phi-e-rơ, họ đã hỏi: Chúng tôi phải làm gì?” nên con cũng muốn có tấm lòng sẵn sàng như vậy, không chỉ nghe mà còn làm theo. Như Lời Chúa trong sách Gia-cơ 1:22 nhắc nhở rằng “Các anh chị em hãy là những người làm theo Lời, đừng là những người chỉ nghe mà thôi, tự lừa gạt chính mình.” Khi con đáp ứng đúng với Lời Chúa thì cũng chính là dấu hiệu của một tấm lòng kính sợ và yêu mến Ngài thật sự.

Thưa Cha, từ khi tin nhận Đức Chúa Jesus là Cứu Chúa của con thì con đã thật sự hối cải và đặt đức tin của mình nơi Đức Chúa Jesus Christ, cho dù nhiều khi vì thiếu sự hiểu biết cũng như do sự yếu đuối trong lòng mà con có những lúc chưa làm đẹp lòng Ngài. Con tin rằng hối cải của con không chỉ là một hành động xảy ra một lần khi con tin nhận Chúa, mà đó là một quá trình liên tục trong hành trình đức tin của con khi bước đi với Chúa. Sự hối cải thực sự không chỉ là nhận biết tội lỗi, mà còn là quay lưng với tội lỗi, từ bỏ lối sống cũ chống nghịch Chúa và bước đi trong sự vâng phục Đức Chúa Trời. Con luôn phải tự vấn lòng mình: Liệu con đã hoàn toàn từ bỏ những điều không đẹp lòng Chúa chưa? Liệu con có đang sống với sự đầu phục trọn vẹn, đặt Chúa làm chủ đời sống mình chưa? Khi con đặt đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa là con không dựa vào công đức hay sự cố gắng của mình nữa, mà con hoàn toàn tin cậy vào lòng thương xót sự cứu chuộc của Ngài qua thập tự giá. Đức tin ấy không chỉ thể hiện qua lời nói, mà phải được bày tỏ trong cách con sống hàng ngày qua sự vâng phục Ngài, lòng yêu thương, sự tha thứ và lòng sốt sắng trong công việc nhà Chúa. Nếu con nhận thấy mình chưa thật sự hối cải hoặc chưa đặt trọn vẹn đức tin nơi Chúa, điều con cần làm ngay lúc đó là con cần xét lại tấm lòng mình trong sự cầu nguyện, nhờ Đức Thánh Linh chỉ ra những điều con cần từ bỏ hoặc thay đổi, thành thật ăn năn và cầu xin Chúa tha thứ, không chỉ cảm thấy hối lỗi mà thực sự quyết định quay lưng với tội lỗi. Con cũng cần dấn thân trong đức tin, bước đi với Chúa mỗi ngày, đọc Thánh Kinh, cầu nguyện, và sống theo Lời Ngài, nhờ cậy Đức Thánh Linh để được biến đổi từ bên trong lòng của con. Con không muốn chỉ nghe về Chúa mà không thật sự sống trong Ngài. Con muốn chắc chắn rằng con đã thực sự ăn năn và đặt trọn niềm tin nơi Đức Chúa Jesus, để có thể kinh nghiệm được đời sống mới mà Ngài ban cho con.

Thưa Cha, con nhận thấy rằng lời hứa của Đức Chúa Trời không chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân con mà nó còn mang đến sự khích lệ, bảo đảm và hướng dẫn cho gia đình con và cộng đồng xung quanh con. Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ 2:39, Lời Chúa phán: “Vì lời hứa là cho các ngươi và con cái của các ngươi, và cho hết thảy những người tận nơi xa, là bao nhiêu người mà Chúa, Đức Chúa Trời của chúng ta sẽ gọi”. Điều này nhắc nhở con rằng sự cứu rỗi và phước hạnh của Chúa không chỉ dành riêng cho một cá nhân, mà còn mở rộng đến gia đình và mọi thế hệ. Đối với gia đình con, lời hứa này là một sự khích lệ lớn lao, giúp con vững tin rằng nếu con trung tín bước đi theo Chúa, Ngài cũng sẽ làm việc trên những người thân yêu của con. Con cầu nguyện để gia đình con tin nhận Chúa và luôn sống trong sự dẫn dắt của Chúa, nhận biết ân điển Ngài và bước đi trong đức tin. Đối với cộng đồng xung quanh con, lời hứa này nhắc nhở con rằng tình yêu và sự cứu rỗi của Chúa dành cho tất cả mọi người, không phân biệt địa vị, hoàn cảnh hay quá khứ. Điều này khích lệ con sống và chia sẻ Tin Lành một cách mạnh mẽ hơn, để người khác có thể biết rằng Đức Chúa Trời là thành tín, yêu thương, và sẵn sàng tiếp nhận bất cứ ai tìm kiếm Ngài. Con không muốn giữ niềm tin này cho riêng mình, mà mong muốn chia sẻ Tin Lành qua lời nói, hành động yêu thương và sự quan tâm chân thành đến những người xung quanh. Con cầu xin Chúa ban cho con lòng can đảm để không chỉ tin lời hứa Ngài mà còn sống và rao truyền điều đó cho những người xung quanh con.

Thưa Cha, khi nhìn vào xã hội ngày nay, con thấy rằng “dòng dõi gian tà” không chỉ là một khái niệm dành cho thời đại của Sứ Đồ Phi-e-rơ, mà nó vẫn đang tồn tại và bộc lộ qua nhiều hình thức trong thế giới hiện đại ngày nay. Một xã hội xa rời Đức Chúa Trời thường bị chi phối bởi sự vô tín, đạo đức suy đồi, lòng tham lam, dối trá, và sự thờ ơ với Lẽ Thật, tôn thờ vật chất. Những giá trị thế gian ngày càng làm lu mờ Lẽ Thật của Chúa, khi con người coi trọng vật chất hơn linh hồn, đề cao bản thân hơn sự khiêm nhường, và chạy theo những thú vui tạm bợ hơn là tìm kiếm ý muốn của Chúa. Ngoài ra, con nghĩ rằng những hệ tư tưởng sai lệch, những lời dạy lạc lối và lối sống vô đạo đức cũng đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi người, khiến nhiều người xa cách Chúa hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, con ý thức rằng mình cần phải giữ mình trong sự thánh khiết của Chúa bằng cách bước đi trong Lời Ngài mỗi ngày. Trước hết, con cần đặt Lời Chúa làm tiêu chuẩn cho cuộc sống, không bị lung lay bởi những giá trị sai lầm của thế gian, nhưng sống theo Lẽ Thật. Như Lời Ngài trong sách Thi Thiên 119:9 có phán: "Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch? Phải cẩn thận làm theo Lời của Ngài." Thứ hai, con cần cầu nguyện và nhờ cậy Đức Thánh Linh để giữ vững đức tin, tránh xa những cám dỗ và sự ô uế của thế gian. Thứ ba, con cần sống một đời sống làm chứng nhân, không chỉ giữ sự thánh khiết cho riêng mình mà còn phản chiếu ánh sáng của Đấng Christ, giúp người khác cũng nhận biết Lẽ Thật. Con nhận ra rằng sống trong một thế giới đầy rẫy sự gian tà không phải là điều dễ dàng, nhưng Chúa kêu gọi con phải khác biệt, phải giữ mình tinh sạch giữa một thế hệ băng hoại. Con cầu xin Chúa giúp con bước đi cách ngay thẳng, khôn ngoan và vững vàng, để con không chỉ tránh xa tội lỗi mà còn có thể ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh bằng tình yêu và Lẽ Thật của Ngài.

Thưa Cha, từ khi tin nhận Chúa con luôn tích cực tham dự các linh vụ trong Hội Thánh và cố gắng đưa dắt nhiều người đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, con hiểu rằng đây không chỉ là một trách nhiệm mà còn là một đặc ân lớn lao của Chúa ban cho con. Chúa không chỉ kêu gọi con tin nhận Ngài, mà còn kêu gọi con phục vụ và rao truyền Tin Lành để nhiều người khác cũng được hưởng sự cứu rỗi. Con phải tự xem xét chính mình: Con có đang trung tín trong việc nhóm lại, thờ phượng Chúa, và góp phần vào công việc của Hội Thánh không? Con có dùng thời gian, tài năng và tấm lòng của mình để phục vụ Chúa và gây dựng Hội Thánh không? Con có tận dụng những cơ hội để chia sẻ về Chúa với gia đình, bạn bè và những người chưa biết Ngài không? Nếu con nhận thấy mình còn lơ là hoặc chưa hết lòng trong những điều này, con biết rằng mình cần phải thay đổi.

Khi con tham dự vào các linh vụ trong Hội Thánh không chỉ là một thói quen, mà đó là một phần trong đời sống đức tin, là cách con bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu dành cho Chúa. Trong sách Hê-bơ-rơ 10:25 nhắc nhở rằng: "Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn, khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần." Con nhận thức rằng Hội Thánh không chỉ là nơi để con đến nhận phước hạnh, mà còn là nơi con được kêu gọi để dâng hiến, phục vụ, và trở thành công cụ để Chúa sử dụng. Ngoài việc tham gia các linh vụ của Hội Thánh, con cũng cần có một tấm lòng sốt sắng trong việc đưa dắt người khác đến với Chúa. Đức Chúa Jesus đã truyền dạy trong sách Ma-thi-ơ 28:19 rằng: “Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta.” Con không thể giữ đức tin cho riêng mình, mà con cần chia sẻ Tin Lành một cách chủ động, bằng lời nói, việc làm và cách sống của con để phản chiếu tình yêu thương của Đấng Christ. Nếu con chưa tích cực trong việc này, thì con cần cầu nguyện xin Chúa ban cho con lòng can đảm, cơ hội và sự khôn ngoan để có thể rao truyền Tin Lành cho nhiều người hơn. Con cầu xin Chúa giúp con trung tín trong sự nhóm lại, hết lòng phục vụ Hội Thánh và luôn sẵn sàng chia sẻ Tin Lành, để nhiều người khác cũng có thể kinh nghiệm được tình yêu và sự cứu rỗi của Ngài. Con không muốn chỉ là một người nghe, nhưng muốn trở thành một người làm theo Lời Chúa, hầu việc Ngài với trọn cả tấm lòng.

Thưa Cha, sau khi đọc và suy ngẫm Lời của Chúa trong phân đoạn Thánh Kinh sách Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37-41, con đã rút ra được nhiều bài học quý báu cho đời sống đức tin của mình.

Trước tiên, con nhận thấy Lời Chúa có quyền năng biến đổi tấm lòng. Khi dân chúng nghe bài giảng của Sứ Đồ Phi-e-rơ, họ “bị chạm trong lòng” và nhận ra tội lỗi của mình. Điều này nhắc nhở con rằng khi con để Lời Chúa tác động, Ngài sẽ bày tỏ những điều cần thay đổi trong đời sống con, để con có thể ăn năn và quay trở lại với Ngài một cách trọn vẹn.

Thứ hai, con học được rằng sự hối cải và phép báp-tem là bước đầu tiên để nhận sự cứu rỗi. Sứ Đồ Phi-e-rơ đã khẳng định: "Mỗi người trong các ngươi hãy hối cải và chịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ, vào trong sự tha thứ những tội, rồi các ngươi sẽ nhận sự ban cho Đức Thánh Linh." Điều này nhắc nhở con rằng sự cứu rỗi không chỉ là một niềm tin lý thuyết, mà đòi hỏi con phải thực sự ăn năn và cam kết bước đi theo Ngài.

Thứ ba, con nhận ra rằng lời hứa của Chúa dành cho mọi thế hệ. Ngài không chỉ cứu chuộc một nhóm người, mà lời hứa của Ngài mở rộng đến con cái và những người tận nơi xa. Điều này giúp con vững tin rằng Chúa vẫn đang hành động trong đời sống gia đình con, Hội Thánh con, và cả những người chưa tin nhận Ngài. Vì vậy, con cần có trách nhiệm sống một đời sống làm chứng nhân, chia sẻ Tin Lành và giúp đỡ những ai chưa biết đến Ngài.

Cuối cùng, con được khích lệ bởi kết quả của bài giảng đầu tiên của Sứ Đồ Phi-e-rơ: Ba ngàn người đã tin nhận Chúa và chịu phép báp-tem trong ngày ấy. Điều này cho con thấy quyền năng của Đức Thánh Linh khi Lời Ngài được rao giảng với sự xức dầu. Con cầu xin Chúa ban cho con lòng can đảm để không chỉ giữ đức tin cho riêng mình, mà sẵn sàng rao truyền Tin Lành, để nhiều người cũng được bước vào sự cứu rỗi.

Lạy Chúa, xin giúp con không chỉ là người nghe Lời Ngài mà còn hành động theo Lời Ngài. Xin giữ con trung tín trong sự thờ phượng, nhóm lại và phục vụ Hội Thánh. Xin ban cho con tấm lòng nóng cháy để rao truyền Tin Lành, dẫn dắt người khác đến với sự cứu rỗi của Ngài. Cảm tạ Chúa vì lời hứa Ngài luôn thành tín và không bao giờ lìa bỏ con. Con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Thành Chinh
07/02/2025

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ