Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Ga-la-ti 3:15-21 Vai Trò của Luật Pháp - Phần 1

Lạy Chúa là Cha Yêu Thương của con. Con xin dâng lời cảm tạ Chúa. Suốt những ngày qua con bận rộn với công việc nhưng con vẫn dành thời gian để suy ngẫm Lời Ngài vì con biết Lời Ngài dẫn dắt cuộc đời con, an ủi tâm linh con, là niềm tin vững chắc về lời hứa của Ngài trong ơn cứu rỗi Ngài ban cho toàn nhân loại. Nguyện xin Chúa mở sáng tâm trí con để con hiểu chân lý, lẽ thật của Lời Ngài, đi trong khuôn khổ và Luật Pháp Ngài, sống đời sống đẹp lòng Ngài, Đức Chúa Trời Hằng Sống.

Hôm nay con xin ghi lại sự hiểu biết của con trong Ga-la-ti 3:15-21.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô cho một thí dụ về một giao ước trong đời sống hằng ngày.

Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi nói theo cách của loài người: Dù là giao ước của loài người, nhưng khi đã làm thành thì không ai được phép bỏ đi hay thêm vào sự gì.”

Ông nói rõ ngay cả tờ giao ước hèn kém của con người cũng không được sửa đổi. Có một lời viết tương tự như vậy ở cuối sách Khải Huyền về sự cấm không được thêm hoặc bớt gì về giao ước của Đức Chúa Trời. Điều này nhắc nhở con dân Chúa, đặc biệt là những người rao giảng Lời Chúa tránh phạm tội, làm suy giảm hiệu lực của giao ước này khi hướng dẫn người khác trong đời sống tin kính Chúa.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô dùng ví dụ này để áp dụng cho lời giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham trước khi có Luật Pháp, để cho thấy rằng lời hứa của Đức Chúa Trời vượt lên trên Luật Pháp. Nói khác đi, sự cứu rỗi của con dân Chúa đặt căn bản trên lời hứa của Đức Chúa Trời, không phải trên Luật Pháp.

Các lời hứa là cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi của ông. Ngài không phán: Và cho các dòng dõi, như chỉ về nhiều người; nhưng như chỉ về một người: Và cho dòng dõi ngươi. Tức là Đấng Christ. Vậy thì tôi nói rằng: Giao ước mà Đức Chúa Trời trước kia đã lập thành trong Đấng Christ rồi, thì luật pháp là sự có sau đó bốn trăm ba mươi năm không thể vô hiệu hóa nó, mà làm cho lời hứa trở nên vô giá trị.”

Hai chữ “giao ước” và “lời hứa” trong các câu này đồng nghĩa với nhau tương tự như ý nghĩa giao ước trong Hê-bơ-rơ 9:15-20.

Dòng dõi mà Phao-lô nhắc đến chính là Chúa Jesus Christ. Nghĩa là các dân thế gian đều sẽ nhờ Chúa Jesus, dòng dõi của Áp-ra-ham mà được phước, được cứu.

Sứ Đồ Phao-lô nêu lên lý do mà con người không thể xóa bỏ hay thêm vào điều gì trong giao ước và lời hứa của con người thể nào, thì cũng vậy, lời hứa của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham không thể bị Luật Pháp, là điều mãi về sau mới có, xóa bỏ đi.

Lạy Chúa, con hiểu rằng cơ nghiệp là quyền công dân Nước Trời của người tin Chúa, quyền trở nên con cái Ngài. Nhưng có một điều kiện không thể bỏ qua: người muốn vào Nước Trời, làm con cái Đức Chúa Trời, phải nên thánh trọn vẹn mọi giờ mọi lúc, và phải hoàn toàn đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Vì, nếu sự hưởng cơ nghiệp là bởi luật pháp, thì không còn là bởi lời hứa nữa. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cơ nghiệp cho Áp-ra-ham bởi lời hứa.”

Con dân Chúa biết: chỉ có của lễ toàn hảo do chính Đức Chúa Trời sắm sẵn mới có thể giúp con dân Ngài thỏa được điều kiện đó. Còn một điều nữa, không một điều chi làm bởi sự tuân theo luật pháp dạy bảo có thể làm con dân Ngài thánh thiện hơn huyết Chiên Con. Đó là lý do tại sao con dân Ngài tin rằng sự cứu rỗi là ơn lạ lùng.

Cách duy nhất để con dân Chúa sống đẹp lòng Chúa là: tin vào Con Một của Ngài, chẳng cậy việc làm cá nhân. Đây là phương cách con dân Ngài được nhận phần cơ nghiệp.

Chương trình nguyên thủy của Đức Chúa Trời là ban sự cứu rỗi cho con người qua lời hứa, không phải qua luật pháp. Phao-lô dựa vào Thánh Kinh Cựu Ước để chứng minh điều đó cho những người chủ trương phải vâng giữ luật pháp để được cứu, là chủ trương đang ảnh hưởng trên người Ga-la-ti.

Lạy Chúa, con hiểu rằng điều Phao-lô muốn nói là, mục đích của Luật Pháp là cho người ta nhìn thấy rõ tội lỗi. Nói khác đi, nếu không có luật thì làm sao có việc vi phạm Luật Pháp.

Vậy thì tại sao có luật pháp? Nó đã được thêm vào vì những sự phạm pháp, cho tới khi người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã lập cho. Nó đã được ban ra bởi các thiên sứ vào trong tay của một người trung bảo.

"Người trung bảo chẳng phải là người trung bảo của một bên, và Đức Chúa Trời là một bên.”

Trước khi có Luật Pháp cũng đã có tội lỗi nhưng qua Luật Pháp, tội lỗi được định nghĩa là “sự phạm pháp” nghĩa là vi phạm Luật Pháp của Đức Chúa Trời. Trong ý nghĩa đó, luật pháp xác định rõ tội lỗi là gì và cho con người thấy nhu cầu cứu rỗi của mình.

Luật pháp được thêm vào hầu mọi miệng phải ngậm lại về bản chất hư nát của mình. Sự “thêm vào” đặc biệt này không thay đổi điều kiện của sự cứu rỗi, vì phương cách cứu rỗi mãi mãi vẫn là bởi ân điển và qua đức tin mà thôi.

Luật Pháp mang tính cách tạm thời trong khoảng thời gian giữa Môi-se và Chúa Jesus. Khi Chúa Jesus đến, Ngài là Đấng đã làm trọn Luật Pháp.

Vai trò của thiên sứ trong việc ban luật pháp “được ban ra bởi các thiên sứ” là điều được mô tả trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 33:2; Thi Thiên 68:17 và nói rõ trong Công Vụ Các Sứ Đồ 7:2 và Hê-bơ-rơ 2:2.

Người trung bảo” trong việc ban Luật Pháp là Môi-se (Giăng 1:17). Môi-se là người trung bảo, đối chiếu với Áp-ra-ham là người được Đức Chúa Trời ban cho lời hứa trực tiếp, không qua một trung gian nào. Một lần nữa cho thấy lời hứa vượt trội hơn luật pháp.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Luật Pháp không nghịch với ân điển của Chúa.

Vậy thì luật pháp nghịch lại các lời hứa của Đức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy! Vì nếu đã ban cho một luật pháp ban sự sống, thì sự công chính chắc phải bởi luật pháp mà đến.”

Luật pháp đã được ban ra để tội nhân thấy rằng họ không thể tự cứu mình. Đức Chúa Trời ban Luật Pháp để con người thấy rằng mình là tội nhân và không thể tự cứu. Và rồi Đức Chúa Trời chỉ cho con người thấy lời hứa đã được ban cho từ trước. Lời hứa đó là: tội nhân có thể được cứu bởi đức tin trong Chúa Jesus là dòng dõi của Áp-ra-ham, người được nhắc đến trong lời hứa. Sau khi tội nhân được cứu, Đức Thánh Linh sẽ khởi sự dẫn người đó vào mọi lẽ thật.

Trong ân điển của Chúa Cứu Thế Jesus Christ. A-men!

Hồng Liên

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ