Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

II Cô-rinh-tô 13:1-14 Lời Nhắn Gửi Sau Cùng

Lạy Chúa là Cha Yêu Thương của con. Con xin dâng lời cảm tạ Chúa. Ngài đã ban cho gia đình con sự bình an, vui vẻ trong suốt thời gian ở Mỹ. Ngài ban cho gia đình con mọi sự dễ dàng trong việc giấy tờ cũng như hành lý cả khi đến Mỹ và khi quay về Việt Nam và Canada. Ngài đã an ủi con cách kỳ lạ. Đến giờ con đã quá kinh ngạc với sự ban cho của Ngài. Con không đáng gì Chúa ôi! Mà Ngài lại yêu thương con nhiều đến vậy. Con cảm tạ ơn Ngài.

Hôm nay con xin ghi lại sự hiểu biết của con trong II Cô-rinh-tô 13:1-14.

Lạy Chúa, con hiểu rằng bức thư này được viết trong thời kỳ hỗn loạn của Hội Thánh Cô-rinh-tô, đầy dẫy sự chia rẽ, giáo sư giả và xa rời Phúc Âm thuần khiết. Do đó, II Cô-rinh-tô 13 là lời khuyến khích tự xét mình, kêu gọi nên thánh trọn vẹn, và kêu gọi hiệp nhất trong tình yêu thương và lẽ thật. Và đây cũng chính là những lời khuyên nhủ và khuyến khích cuối cùng của Phao-lô dành cho người Cô-rinh-tô.

Sứ Đồ Phao-lô mở đầu bức thư với một lời cảnh báo nghiêm khắc liên quan đến chuyến thăm thứ ba sắp tới của ông đến Hội Thánh Cô-rinh-tô. “Đây là lần thứ ba tôi tìm kiếm sự ảnh hưởng đến các anh chị em. Bởi miệng của hai hay ba chứng nhân mỗi lời nói sẽ được thành lập. Tôi đã nói trước đây và tôi nói trước lần thứ nhì, như đang có mặt. Và hiện nay đang vắng mặt, tôi viết cho những kẻ trước đã phạm tội và cho mọi kẻ khác rằng, nếu tôi đến với họ lần nữa thì tôi sẽ chẳng dung thứ”.

Tuyên bố của Sứ Đồ Phao-lô biểu thị cam kết của ông đối với kỷ luật sứ đồ, bắt nguồn từ nguyên tắc của Phục Truyền Luật Lệ ký 19:15 về việc xác lập sự thật bởi hai hoặc ba nhân chứng. Chuyến thăm sắp tới của ông không phải là một cuộc gặp gỡ thông thường mà là một nỗ lực có mục đích để sửa sai, hướng dẫn và kỷ luật nếu thấy cần thiết. Điều này củng cố trách nhiệm của các vị lãnh đạo trong việc duy trì tính toàn vẹn về giáo lý trong Hội Thánh.

Lời cảnh báo nghiêm khắc của Phao-lô mặc dù có vẻ gay gắt, nhưng được thúc đẩy bởi tình yêu thương và sự quan tâm sâu sắc của ông dành cho người Cô-rinh-tô. Ông khao khát sự phát triển thuộc linh của họ, hiểu rằng tội lỗi không được giải quyết có thể cản trở sự phát triển của toàn bộ Hội Thánh. Lời cảnh báo của ông đóng vai trò như một lời nhắc nhở cho các Cơ-đốc nhân ngày nay để ủng hộ và bảo vệ lẽ thật, sự công bình và trách nhiệm của những người có chức vụ trong Hội Thánh.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô đưa ra quan điểm: “Vì các anh chị em tìm kiếm chứng cớ về tiếng phán của Đấng Christ trong tôi, Đấng đối với các anh chị em chẳng yếu đuối nhưng mạnh mẽ trong các anh chị em. Vì nếu ngay cả Ngài đã bị đóng đinh bởi sự yếu đuối thì Ngài sống bởi năng lực của Thiên Chúa. Và vì chúng tôi cũng yếu đuối trong Ngài thì chúng tôi sẽ sống với Ngài bởi năng lực của Thiên Chúa, đối với các anh chị em”.

Khái niệm về sức mạnh trong sự yếu đuối của Phao-lô bắt nguồn từ con người và công việc của Chúa Jesus Christ. Ông chỉ ra sự đóng đinh của Đấng Christ, một sự kiện bề ngoài có vẻ như là một khoảnh khắc thất bại và yếu đuối. Tuy nhiên, chính qua "sự yếu đuối" này mà quyền năng của Đức Chúa Trời được bày tỏ một cách tột bậc, mà đỉnh điểm là sự sống lại. Những người mặc dù "yếu đuối" theo cách nói của thế gian, nhưng được thấm nhuần quyền năng sức mạnh nhờ Đấng Christ. Đây là một chân lý cho tất cả con dân Chúa trong những phút yếu đuối. Quyền năng của Thiên Chúa được làm nên trọn vẹn khi một người thừa nhận những điểm yếu đuối của mình và trao tất cả những yếu đuối đó cho Thiên Chúa thì người ấy được ban cho quyền năng sức mạnh của Ngài thay vì sức mạnh của chính người ấy.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô kêu gọi tự xét mình. “Hãy tự xét, nếu các anh chị em ở trong đức tin! Hãy tự chứng minh! Hay các anh chị em không nhận biết chính mình; vì Đức Chúa Jesus Christ ở trong các anh chị em, nếu chẳng phải các anh chị em là không xứng đáng về sự gì. Nhưng tôi mong rằng, các anh chị em nhận biết rằng, chúng ta chẳng phải là không xứng đáng”.

Lời khuyên của Phao-lô khuyến khích người Cô-rinh-tô xem xét đức tin và hành vi của họ một cách nghiêm túc, đảm bảo rằng họ phù hợp với lẽ thật của Phúc Âm.

Đây không phải là lời kêu gọi nghi ngờ bản thân mà là con đường dẫn đến sự đảm bảo về mặt thuộc linh, khẳng định rằng Đấng Christ đang hành động trong họ. Trong suốt hành trình theo Chúa, lời kêu gọi tự xét mình này cực kỳ quan trọng. Nó thôi thúc con dân Ngài xem xét nội tâm, đảm bảo đức tin của con dân Ngài phù hợp với những lời dạy của Thiên Chúa. Một người tin Chúa thường xuyên kiểm tra niềm tin, thái độ và hành động của người ấy dưới ánh sáng của Lời Chúa, người ấy có thể điều hướng cuộc hành trình thuộc linh của mình một cách tự tin hơn, lớn lên trong ân điển và trưởng thành trong đức tin.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô tiếp tục lời khuyên của ông bằng cách bày tỏ ước muốn của ông về sự trưởng thành thuộc linh của người Cô-rinh-tô. “Nhưng tôi cầu xin với Đức Chúa Trời cho các anh chị em đừng làm việc ác nào, chẳng phải để tỏ ra chúng tôi được chấp nhận, nhưng để cho các anh chị em làm điều thiện, cho dù chúng tôi như là không xứng đáng”.

Mối quan tâm chính của Phao-lô không phải là danh tiếng hay giá trị của chức vụ sứ đồ của ông. Thay vào đó, mong muốn sâu sắc nhất của ông là người Cô-rinh-tô trưởng thành trong đức tin của họ, làm những điều đáng kính và đúng đắn trước mặt Đức Chúa Trời, ngay cả khi họ không đủ tiêu chuẩn hoặc yếu kém theo quan điểm của họ. Đó cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo Cơ-đốc về việc nuôi dưỡng và hướng dẫn các tín đồ hướng tới sự tăng trưởng, ngày càng trở nên giống Đấng Christ.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô là người hăng hái ủng hộ lẽ thật, một nan đề mà ông nhiều lần nhấn mạnh trong các lá thư của mình. “Vì chúng tôi chẳng có năng lực làm điều gì nghịch lại lẽ thật, nhưng làm vì lẽ thật”.

Đối với Phao-lô, lẽ thật không phải là một khái niệm trừu tượng, nó được kết nối sâu sắc với con người và công việc của Chúa Jesus Christ. Bằng cách tuyên bố rằng ông không thể làm gì trái với lẽ thật, Phao-lô thừa nhận vai trò của ông là tôi tớ của lẽ thật. Ông hiểu rằng quyền hành sứ đồ của ông không nhằm mục đích thay đổi hay thao túng lẽ thật mà là để ủng hộ và phát huy lẽ thật.

Trong một thế giới đầy dẫy những lẽ thật tương đối và những sự thật thay thế, sự cam kết của Phao-lô đối với lẽ thật là một lời nhắc nhở kịp thời cho con dân Chúa được kêu gọi gắn kết cuộc sống với chân lý và lẽ thật của Tin Lành.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô đưa ra lời khẩn cầu chân thành về sự hiệp nhất và yêu thương. “Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy vui mừng! Hãy nên trọn vẹn! Hãy được an ủi! Hãy đồng một tâm trí! Hãy sống hòa thuận! Thì Đức Chúa Trời của tình yêu và của sự bình an sẽ ở với các anh chị em”.

Phao-lô coi sự hiệp nhất là yếu tố quyết định trong Hội Thánh giúp Hội Thánh có thể chống lại những áp lực bên ngoài và những xung đột nội bộ. Ông coi tình yêu thương là động lực gắn kết các tín hữu lại với nhau, phản ánh tình yêu của chính Chúa Jesus Christ. Lời khuyên của Phao-lô giúp con dân Ngài gây dựng cộng đồng Hội Thánh vững mạnh mà ở đó Phúc Âm của Chúa làm nên sự tồn tại và lớn mạnh cho Hội Thánh.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Phao-lô kết thúc bức thư của mình bằng lời chúc ngắn gọn nhưng sâu sắc, gói gọn trọng tâm của đức tin Cơ-đốc. “Hãy chào nhau bằng nụ hôn thánh. Hết thảy các thánh đồ chào các anh chị em. Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, và tình yêu của Đức Chúa Trời, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở với tất cả các anh chị em! A-men!”

Đây không chỉ là một chương ở cuối một bức thư mà còn là những nguyên tắc để sống bày tỏ đức tin Cơ-đốc của con dân Chúa. Lời cảnh báo của Sứ Đồ Phao-lô, những lời dạy của ông về quyền năng của Đấng Christ trong sự yếu đuối, lời kêu gọi tự xét mình, ước muốn trưởng thành thuộc linh, ý nghĩa của lẽ thật, và lời kêu gọi hiệp nhất và yêu thương, tất cả đều là mong muốn con dân Chúa lớn lên trong đức tin, tình yêu thương và sự thánh khiết.

Nguyện Chúa cho chúng con bám chặt vào lẽ thật, duy trì sự hiệp nhất và tình yêu thương trong anh chị em, trong Hội Thánh.

Nguyện Chúa cho chúng con biết áp dụng những lời dạy này vào cuộc sống để chúng con tăng trưởng trong sự hiểu biết và bày tỏ đức tin Cơ-đốc trong cuộc hành trình theo Chúa của mình.

Trong ân điển của Chúa Cứu Thế Jesus Christ. A-men!

Hồng Liên

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ