Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Ê-phê-sô 6:1-9 Bổn Phận Con Cái, Cha, Tôi Tớ, và Chủ

Lạy Chúa là Cha Yêu Thương của con. Con xin dâng lời cảm tạ Chúa, Ngài đã soi sáng con bằng lẽ thật, qua đó con hiểu được con sẽ phải làm gì. Con đã đặt Chúa lên trên hết, vượt qua mọi sự sợ hãi, con kính sợ Ngài, quyết không làm chứng dối vì sợ phải đối diện với áp lực từ con người. Vì con nhân danh Chúa mà làm nên con biết Chúa sẽ bênh vực con và bảo vệ con trong cánh tay toàn năng Ngài. Lòng con yêu mến Chúa và nguyện dâng chính mình con cho Ngài.

Hôm nay con xin ghi lại sự hiểu biết của con trong Ê-phê-sô 6:1-9.

Lạy Chúa, con hiểu rằng sau quan hệ vợ chồng, Sứ Đồ Phao-lô tiếp tục nói đến quan hệ cha mẹ-con cái. Đây cũng là mối quan hệ hỗ tương: con cái vâng phục cha mẹ và cha mẹ không chọc cho con cái giận.

Hỡi những người làm con! Hãy vâng phục cha mẹ của mình trong Chúa, vì điều đó là công chính. Hãy tôn kính cha và mẹ của ngươi! Đó là điều răn thứ nhất với một lời hứa, để ngươi được phước và được sống lâu trên đất.

Điều răn thứ năm trong Cựu Ước là: “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi” và cách con cái bày tỏ lòng tôn kính cha mẹ là vâng phục, hàm ý nghe và làm theo. Bổn phận của con cái là nghe và làm theo lời cha mẹ dạy dỗ.

Phao-lô viết: “Hãy vâng phục cha mẹ của mình trong Chúa” nghĩa là con cái của Chúa, thuộc về Chúa, cũng có nghĩa là đẹp lòng Chúa. Chúa nói đó là điều công chính nghĩa là đó là điều đúng, phải lẽ và nên làm. Con cái cần phải vâng phục cha mẹ chúng vì khi làm như vậy chúng đang vâng lời Chúa. Con cái cần phải vâng phục ở trong Chúa vì một đứa con phải vâng phục cha mẹ mình, điều này tương đương với việc vâng phục Đức Chúa Trời.

Không những con cái cần phải vâng phục mà còn phải tôn kính cha mẹ của mình. Tôn kính có ý nghĩa bao quát hơn vâng phục, vâng phục thể hiện qua hành động, còn tôn kính là thái độ ở đằng sau hành động đó. Một người con tôn kính cha mẹ mình thì tự nhiên người ấy sẽ vâng phục họ. Tôn kính còn có nghĩa là xem trọng và giữ cha mẹ mình trong sự tôn trọng rất lớn.

Khi một đứa trẻ lớn lên biết vâng phục, hiếu kính và tôn trọng cha mẹ, đứa trẻ đó cũng sẽ vâng phục, hiếu kính và tôn trọng những thẩm quyền khác như các vị thầy giáo, những ông chủ, luật pháp và nhà cầm quyền. Ngược lại, khi một đứa trẻ không được dạy dỗ phải hiếu kính và vâng phục cha mẹ trong gia đình, đứa trẻ đó sẽ gặp phải khó khăn rất lớn, nó chẳng có sự tôn trọng dành cho bất kỳ một quyền hạn nào ở ngoài gia đình. Đứa trẻ hoàn toàn không có sự tôn kính nào dành cho thẩm quyền của cha mẹ thì sẽ không có một sự tôn trọng nào dành cho uy quyền lớn nhất là Đức Chúa Trời.

Những người làm cha làm mẹ không nên chọc con cái của họ tới mức giận dữ thạnh nộ hay tức tối.

Hỡi những người làm cha! Chớ chọc giận con cái của mình; nhưng hãy dùng sự sửa phạt, khuyên bảo của Chúa mà nuôi dạy chúng nó.”

Cha mẹ có quyền hạn và trách nhiệm phải kỷ luật con cái. Tuy nhiên, có một sự khác biệt chính giữa việc kỷ luật một đứa con và việc chọc nó giận hay làm cho nó phải ngã lòng. Cha mẹ tránh những cách cư xử làm cho con cái mình phải ngã lòng: sự quá đáng, tìm kiếm lỗi lầm, trước sau không như một, không kỷ luật, che chở quá đáng, quá ưu ái, sự ích kỷ.

* Cha mẹ đưa ra nhiều hứa hẹn rồi quên hết đi, hoặc họ sẽ nói đấy không thực là một lời hứa, chỉ có lẽ thôi.

* Cha mẹ không làm gương những việc mà họ luôn luôn bảo con trẻ phải làm.

* Cha mẹ không hề thực sự lắng nghe những gì trẻ con nói. Họ luôn luôn có quyết định mà không cần biết ý kiến của con trẻ.

* Cha mẹ phạm nhiều lỗi lầm, nhưng không nhìn nhận những điều ấy. Họ luôn luôn giả vờ rằng họ không phạm sai lầm chi hết.

* Cha mẹ hay ngắt ngang con trẻ bất cứ lúc nào và chẳng suy nghĩ gì về điều đó. Nếu một đứa trẻ ngắt ngang cha mẹ, nó sẽ bị đòn hay một việc gì đó tệ hơn.

* Cha mẹ không bao giờ tìm hiểu sở thích hay ý muốn của trẻ con muốn mà đặt để chúng theo ý muốn của cha mẹ.

* Đôi khi cha mẹ hình phạt trẻ con rất bất công.

Cha mẹ cần phải nuôi nấng, chăm sóc con cái trong sự tử tế, dịu dàng nhưng phải kỷ luật, cẩn thận sửa phạt trẻ theo sự sửa phạt của Chúa, tránh để cho các con mình sa ngã và thất bại.

Hai khía cạnh trong việc nuôi nấng con cái là kỷ luật và khuyên dạy theo khuôn mẫu của Chúa, theo đường lối Chúa dạy trong Thánh Kinh (Châm Ngôn 22:6).

Lạy Chúa, con hiểu rằng sau các mối quan hệ vợ-chồng, cha mẹ-con cái, Phao-lô tiếp tục nói đến quan hệ chủ-tớ.

Hỡi những người làm tôi tớ! Hãy kính sợ mà vâng phục những người chủ của mình theo phần xác, trong sự thật thà của lòng mình, như đối với Đấng Christ. Không phải làm cho thấy trước mắt như những kẻ lấy lòng người, nhưng như những tôi tớ của Đấng Christ làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, từ trong lòng, lấy ý tốt mà phục vụ như cho Chúa chứ không phải cho loài người. Hãy biết rằng, bất cứ điều lành nào một người làm, thì người ấy sẽ nhận được từ nơi Chúa, bất kể là người tự do hay nô lệ.”

Nguyên tắc Phao-lô nêu ra về quan hệ chủ-tớ trong phân đoạn này, được áp dụng cho con dân Chúa trong quan hệ chủ nhân và công nhân hay người có quyền hành với kẻ dưới quyền. Người đi làm hay người dưới quyền phải nghe và làm theo, tôn trọng thẩm quyền của người chủ, ý trung tín, liêm chính với chủ của mình hoặc người cầm quyền.

Như đối với Đấng Christ” nghĩa là công nhận rằng mọi thẩm quyền đều đến từ Chúa. Người vâng phục quyền hành trên mình là vâng phục Chúa, coi đó là thẩm quyền Chúa đặt trên mình. Người vâng phục Chúa dù làm công việc gì cũng cần tránh điều giả dối, thay vào đó người vâng phục Chúa phải tâm niệm là luôn luôn coi mình là nô lệ của Chúa, sống hay làm việc là hết lòng thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời, coi mọi việc mình làm là làm cho Chúa, phục vụ với nhiệt tâm và trung tín vì những điều này sẽ có thưởng phạt về sau, không thể tránh hậu quả khi làm việc cách gian dối, thiếu thành thật.

Phao-lô cũng nêu ra nguyên tắc áp dụng cho chủ và người có quyền hành vì người chủ phải ý thức rằng, Chúa nhìn thấy cách mình sử dụng quyền hành. Phao-lô nêu lên một ý niệm quan trọng về vấn đề chủ-tớ mà người chủ hay người có quyền hành cần ghi nhớ, đó là:

Hãy biết rằng, bất cứ điều lành nào một người làm, thì người ấy sẽ nhận được từ nơi Chúa, bất kể là người tự do hay nô lệ. Hỡi những người làm chủ, hãy đối đãi họ cùng một cách. Hãy bỏ sự hăm dọa, vì biết rằng, Chủ của các anh chị em và của họ ở trên trời, Ngài chẳng tư vị ai.”

Người chủ hay người cầm quyền đừng đối xử tệ bạc, đừng hăm dọa, đừng bạo hành với người làm hay người dưới mình vì tất cả đều là nô lệ của Chúa. Trước mặt Chúa cả hai, chủ và nô lệ, đều là nô lệ của Chúa. Như vậy, trước mặt Chúa, chủ và nô lệ giống nhau và Chúa không thiên vị nghĩa là Chúa sẽ xử đoán công minh mọi hành động của chủ và tớ như nhau.

Trong ân điển của Chúa Cứu Thế Jesus Christ. A-men!

Hồng Liên

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ