Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

II Cô-rinh-tô 10:1-9 Phao-lô Bênh Vực Linh Vụ của Mình - Phần 1

Lạy Chúa là Cha Yêu Thương của con. Con xin dâng lời cảm tạ Chúa. Con được sự bình an và thỏa lòng với những gì Ngài đã ban cho con. Sự thành tín Ngài còn đến đời đời. Đấng Từ Ái đã cứu chuộc con khỏi tội lỗi, thánh hóa con thành người mới luôn trong Ngài. Nguyện lòng con luôn yêu mến Ngài như Ngài đã yêu con.

Hôm nay con xin ghi lại sự hiểu biết của con trong II Cô-rinh-tô 10:1-9.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Cô-rinh-tô là nơi mà Sứ Đồ Phao-lô bị các sứ đồ giả chống đối kịch liệt. Những đầy tớ chân thật của Đấng Christ sẽ không ngạc nhiên khi bị những kẻ thù, là những tín hữu giả mạo, chống đối. Sứ Đồ Phao-lô không làm điều chi sai trái ngược lại ông rất mực thương yêu, tận tình dạy dỗ chăm sóc những Hội Thánh địa phương do ông truyền giáo và thành lập, nhưng vẫn có những người ganh tị, thù ghét, mong có thể dùng lời nói xấu, vu khống để khiến cho tín hữu ở Cô-rinh-tô có ác cảm, xem thường và xa lánh vị thầy đầu tiên của mình.

Cách đối xử của Phao-lô đối với anh em tại Cô-rinh-tô thật là dịu dàng: “Chính mình tôi, Phao-lô, bởi sự nhu mì và sự công tâm của Đấng Christ mà kêu gọi các anh chị em”. Ở phần chào thăm đầu thư này Phao-lô có kèm theo cả tên của Ti-mô-thê, nhưng giờ ông chỉ nói về mình chống lại những sứ đồ giả mạo, những người rao truyền lời nói chọc tức Phao-lô. Tuy nhiên, lời lẽ trong thư vẫn tỏ bày lòng khiêm nhường, mềm mại, ông nói rằng ông lấy đức dịu dàng và từ ái của Đấng Christ để khuyên bảo tín hữu ở Cô-rinh-tô. Đây là cách Phao-lô làm gương để Hội Thánh nhận thư sẽ bắt chước tâm tình của ông trong nếp sống Đạo của họ.

Như vậy, mỗi khi con dân Chúa nhận thấy mình có ý muốn hoặc khuynh hướng đối xử cứng rắn và nghiêm khắc với một người nào đó, hãy nhớ và dùng cách ứng xử của Phao-lô làm phương châm cho cách cư xử của mình đối với anh chị em.

Lạy Chúa, con hiểu rằng điều mà Phao-lô không bao giờ muốn là phải dùng biện pháp mạnh đối với các tín hữu ở Hội Thánh Cô-rinh-tô, là biện pháp mà ông định dùng cho những người khác, những người vu khống ông đang sống theo xác thịt. “Nhưng tôi mong rằng, dù không có mặt, tôi dạn dĩ với sự tự tin mà dám lý luận nghịch lại mấy kẻ tưởng như chúng tôi bước đi theo xác thịt”.

Những người này rêu rao rằng Phao-lô đang bị điều khiển bởi tánh xác thịt trong cách cư xử, điều hành thánh vụ bằng các biện pháp xác thịt, là quan điểm của thế gian. Phao-lô có ý nói rằng tánh xác thịt chính là điều mà ông loại trừ khỏi đời sống và cả trong mọi việc ông làm, bởi vì nó chống nghịch Đức Thánh Linh và kế hoạch của Tin Lành. Một sứ đồ thật không bao giờ mang quan điểm hoặc sống như vậy.

Ông nói rằng: “Vì dù chúng tôi bước đi trong xác thịt, chúng tôi chẳng chinh chiến theo xác thịt”. Dù ông vẫn đang phải sống trong thế gian, nhưng không chiến đấu theo cách thức của người đời. Phao-lô nhắc tới vũ khí dùng trong cuộc chiến thuộc linh này không phải thuộc cõi vật chất. “Vì những khí giới dùng trong cuộc chiến tranh của chúng tôi không thuộc về xác thịt”. Ông đã từng nói ông sống thanh sạch, hiểu biết, nhẫn nhục, nhân từ, sống trong Đức Thánh Linh với tình yêu thương chân thành, nói lời chân thật trong quyền năng Đức Chúa Trời, cầm khí giới công chính trên tay phải và tay trái. Như vậy vũ khí ấy là sự thuyết phục mạnh mẽ bởi bằng cớ của sự thật, quyền năng của chân lý và sự dịu dàng mềm mại của sự khôn ngoan, được rút ra từ những giáo lý của Tin Lành và kỷ luật của Hội Thánh.

Các đồn lũy” bị triệt hạ, “các lý luận cùng mọi sự cao tự nổi lên, nghịch lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời”. Chúng gồm có sự ngu dốt, thành kiến, yêu thích sự tà dâm, tưởng tượng hư đản vô lý, lý luận phàm tục, và tự cao vô lối chống lại Phúc Âm bởi các quyền lực tội lỗi và Sa-tan trong lòng người.

Những đồn lũy đó chỉ có thể bị triệt hạ bằng sự thật của Tin Lành được sử dụng bởi ân điển và quyền phép của Đức Chúa Trời.

Lạy Chúa, con hiểu rằng “sự sẵn sàng để báo trả mọi sự không vâng phục” là dùng những sự khiển trách của Hội Thánh để trừng phạt sự không vâng phục Tin Lành và những thành viên nào làm rối loạn Hội Thánh.

Có một số người so sánh cách hời hợt bề ngoài về Sứ Đồ Phao-lô với những kẻ địch với ông nên Phao-lô nhắc nhở họ rằng: “Nếu ai tin chính mình thuộc về Đấng Christ, hãy từ chính mình nghĩ lại điều này, rằng như người ấy thuộc về Đấng Christ, chúng tôi cũng thuộc về Đấng Christ”.

Một người thuộc về Đấng Christ là người phải có năng lực của Chúa ban cho qua những bằng chứng cụ thể của sự giảng dạy, dấu kỳ, phép lạ và quyền năng của Đức Thánh Linh theo lời giảng. Nếu là sứ đồ thật thì cũng phải có khả năng dẫn dắt dân ngoại đến sự vâng phục Tin Lành của Đấng Christ.

Có nhiều chỗ rất rộng rãi trong Chúa đủ cho mọi người. Những người rất khác nhau vẫn có thể đồng thời ở trong Chúa. Không ai nên tự nghĩ rằng mình là những người duy nhất ở trong Đấng Christ chứ không có ai khác. Nếu có ai tự phụ kiểu ấy, họ phải biết rằng người tin Chúa có đồng một đức tin, bước đi với Chúa cùng một Luật Pháp, được xây dựng trên cùng một nền tảng, có cùng một hy vọng về sản nghiệp sẽ được hưởng, và được hướng dẫn bởi cùng một Đức Thánh Linh.

Sứ Đồ Phao-lô không hổ thẹn “ngay cả khi tôi cũng khoe khoang phần nào nhiều hơn về thẩm quyền của chúng tôi mà Chúa đã ban cho chúng tôi, cho sự gây dựng chứ chẳng phải cho sự hủy diệt của các anh chị em” có hơi quá tự hào về quyền hành. Dù khi có người nói thư mà ông viết thật đanh thép, mạnh bạo, nhưng đến khi gặp mặt lại là một người yếu ớt, nói năng tầm thường, nên Phao-lô nói ông không muốn ra vẻ doạ nạt anh chị em bằng thư từ.

Trong ân điển của Chúa Cứu Thế Jesus Christ. A-men!

Hồng Liên

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ