Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả
Bài này thuộc chủ đề: Ga-la-ti 4:1-11 Luật Pháp và Ân Điển

Ga-la-ti 4:1-11 Luật Pháp và Ân Điển

Lạy Chúa là Cha Yêu Thương của con. Con xin dâng lời cảm tạ Chúa, Ngài đã nhậm lời cầu xin của con. Ngài bảo vệ gia đình con qua khỏi con bão lớn cách lạ kỳ. Con thường xuyên cập nhật tin tức và biết được rằng cách nơi con ở khoảng 50 dặm lụt lội tràn lan, gió lớn thổi, cây ngã đổ ngổn ngang. Người dân ở đó phải di dời, thiệt hại về vật chất không kể xiết. Vậy mà nơi con ở lại chỉ có mưa cả ngày nhưng không lớn, tất cả mọi thứ dường như chỉ qua một cơn mưa Chúa tưới mát trong những ngày nắng nóng. Thật là diệu kỳ Chúa ôi!

Hôm nay con xin ghi lại sự hiểu biết của con trong Ga-là-ti 4:1-11.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô dùng hình ảnh người con trong xã hội thời đó để so sánh với tình trạng của người tin Chúa trước và sau khi Chúa Jesus giáng sinh.

Tôi nói rằng, khi người kế tự đang còn là một đứa trẻ, thì chẳng khác một kẻ nô lệ, dù là chủ của mọi vật, mà ở dưới quyền của những người giám hộ và những người quản gia, cho đến kỳ người cha đã định”.

Người kế tự" là người thừa hưởng, tức là người con trong gia đình.
Kẻ nô lệ” không có những đặc quyền như con trong gia đình.
Người giám hộ, người quản gia” chỉ về người quản giáo, đặc trách chăm sóc, bảo vệ con cháu các gia đình quyền quý từ nhỏ cho đến khi trưởng thành.
Đứa trẻ” là một người vẫn còn sống dưới sự quản trị của luật pháp.
“Khi còn thơ ấu“ là nói lúc Chúa Jesus chưa đến.

Xã hội La-mã cũng tương tự như xã hội Do-thái và Hy-lạp thời đó, có một ấn định thời gian xác nhận khi nào là đến tuổi trưởng thành. Người Do-thái ấn định tuổi trưởng thành là mười hai và người Hy-lạp là mười tám. Đối với người La-mã, tuổi trưởng thành này do người cha quyết định. Khi nào thấy con trưởng thành đủ thì quyết định đó là lúc cho con trở thành người lớn. Trong ngày đó có một nghi lễ để người cha công khai chính thức nhận đứa con đó là “người kế tự” của mình.

Lạy Chúa, theo Thánh Kinh, sự con người ở dưới những “lề thói,” hay phong tục, những nguyên tắc căn bản về vấn đề hành xử trong cuộc sống hằng ngày, là sự nô lệ. Nô lệ vì người sống dưới những “luật” đó chẳng làm được cho trọn vẹn, và cứ mãi mãi bị trách phạt.

Chúng ta cũng như vậy, khi còn là những trẻ con, thì bị bắt làm nô lệ dưới các lề thói của thế gian”.

Nếu con người chọn sống theo Luật Pháp thì phải làm trọn mọi điều, không sót một luật nào vì Đức Chúa Trời là trọn vẹn, và nếu không có sự trọn vẹn đó thì không vào được Nước Đức Chúa Trời.

Nhưng, Chúa đặt con người vào chỗ con người phải nhìn nhận sự bất lực của mình và không cậy nơi những của tế lễ hèn mọn chẳng có thể cất đi mặc cảm tội lỗi từ trong bản chất hay hư nát. Sự cậy nơi Luật Pháp để đạt được sự công chính của Đức Chúa Trời vừa là một ảo tưởng, vừa là sự khốn khổ cho người chọn con đường đó, mà Sứ Đồ Phao-lô thẳng thắn gọi đó là sự nô lệ (nô lệ cho các thần tượng hư không, cho thế giới thần linh của ma quỷ).

Cuộc đại suy thoái khởi đầu khi loài người trật phần ân điển, khi họ quyết định chọn lựa Luật Pháp, biểu hiện qua sự phân biệt thiện ác, làm quản lý đời mình thay vì niềm tin đơn thuần nơi Đức Chúa Trời. Nhưng, khi Đấng Christ đến, đó là khi Thánh Kinh gọi là “kỳ hạn đã được trọn”.

“Nhưng khi "kỳ hạn đã được trọn", Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài bởi một người nữ sinh ra, sinh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, để chúng ta được nhận làm con nuôi.”

Đức Chúa Trời để một khoảng cách dài như vậy trước khi Ngài ban Con Một của Ngài để loài người ý thức được tình trạng tội lỗi của mình và để chứng minh rằng dù Ngài có ban cho con người nhiều ngàn năm nữa, sẽ chẳng một người công bình nào dấy lên trong vòng họ.

Thời điểm Chúa Jesus giáng sinh là thời điểm trong chương trình của Đức Chúa Trời, thời điểm Phúc Âm của Chúa phát triển trên mọi nơi, ở mọi lãnh vực.

Chúa Jesus thật sự là người, được hạ sinh qua thân xác của trinh nữ Ma-ri, là lời hứa trong Sáng Thế Ký 3:15 về “dòng dõi người nữ”. Chúa Jesus sinh ra là người Do-thái, phải vâng giữ mọi điều Luật Pháp bắt buộc. Chúa Jesus là người duy nhất có thể vâng giữ Luật Pháp và làm cho trọn Luật Pháp (Ma-thi-ơ 5:17).

Mục đích Chúa Jesus giáng sinh là để cứu chuộc những người ở dưới Luật Pháp, không còn phải làm nô lệ cho các thần trong thế gian. Người được cứu được chính thức công nhận quyền làm con tương tự như đứa con trưởng thành trong xã hội La-mã.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô đặt câu hỏi cách nghiêm trọng nhờ đâu họ nhận được thánh linh, bởi giữ Luật Pháp, hay bởi tin điều họ đã nghe.

Vì các anh chị em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Đấng Thần Linh của Con Ngài vào lòng của các anh chị em, kêu rằng: A-ba! Cha! Vậy nên anh chị em không còn là nô lệ nữa, mà là con; và nếu là con, thì cũng là người kế tự của Thiên Chúa, qua Đấng Christ”.

Dấu hiệu của con cái Đức Chúa Trời là sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong lòng người tin Chúa. Đức Thánh Linh tác động trong người tin Chúa để mỗi người có thể gọi Đức Chúa Trời là Cha trong ngôn ngữ thân thương của một người con. “A-ba" là tiếng trẻ con gọi cha, "A-ba" nói lên mối thâm tình cha-con là mối thâm tình giữa người tin Chúa với Đức Chúa Trời vì đã được cứu qua Chúa Jesus Christ.

Sự khác nhau giữa con và nô lệ là, con có quyền thừa kế, thừa hưởng gia sản của cha mẹ, nô lệ thì không. Là con của Đức Chúa Trời, người tin Chúa được hưởng gia sản cứu rỗi của Ngài (I Phi-e-rơ 1:4-5), sự cứu rỗi đến từ ân sủng không phải bởi Luật Pháp.

Ân điển Chúa vô giá đến độ không một việc làm nào có thể xứng đáng với ân điển đó, đắt đến nỗi Con Trời phải tự hạ mình thành người rồi chịu đóng đinh trên cây thập tự. Do đó, kẻ cậy Luật Pháp để đạt được sự công chính của Chúa bị gọi là kẻ đóng đinh Chúa lần thứ hai.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô nhắc nhở tín hữu Ga-la-ti phải kinh nghiệm cách cá nhân về việc chính mình được làm con của Đức Chúa Trời.

Nhưng thật ra trước kia, khi các anh chị em chẳng biết Thiên Chúa, thì các anh chị em làm nô lệ cho các thứ vốn không phải là Thiên Chúa. Còn hiện nay, các anh chị em biết Thiên Chúa lại được Thiên Chúa biết đến nữa, sao các anh chị em còn quay về với những lề thói yếu đuối, khó nghèo đó? Các anh chị em muốn bắt đầu làm nô lệ sao?”

Lạy Chúa, con hiểu rằng các tín hữu ở Hội Thánh Ga-la-ti đang có khuynh hướng quay trở lại việc tuân giữ luật pháp Môi-se vì những người chủ trương Do-thái hóa Phúc Âm đến trong các Hội Thánh này. Sau khi lý luận với họ về chân lý Phúc Âm: được xưng công chính bởi đức tin không phải bởi Luật Pháp, Phao-lô ôn lại lịch sử tin nhận Chúa của các tín hữu Ga-la-ti để cho họ thấy những điều sau:

1. Trước khi tin Chúa, họ là nô lệ cho những thần tượng hư không.

2. Hiện nay họ đã tin nhận Đức Chúa Trời, đã kinh nghiệm Ngài.

3. Nếu bây giờ họ lại cố gắng vâng giữ luật pháp Môi-se để được cứu thì chẳng khác gì trở lại tình trạng trước khi tin Chúa.

Những người mà tín đồ Ga-la-ti đã tin tưởng, và cho họ quyền định đoạt điều kiện của sự cứu rỗi vì những lãnh đạo dẫn họ vào đường sai lạc. Người Ga-la-ti đã đặt trọn mối liên hệ với Chúa trong tay những người tìm lợi lộc trong sự thiếu hiểu biết của họ.

Phao-lô ngạc nhiên trước ý định muốn trở lại đường lối cũ của các tín hữu Ga-la-ti. Ông cho họ thấy rằng, nếu họ cố gắng tuân giữ luật pháp Môi-se để được cứu thì cũng chẳng khác gì tin tưởng vào các thần tượng hư không trước kia vì cả hai đều dựa vào việc làm của con người thay vì đức tin, qua ân sủng của Đức Chúa Trời để được cứu.

Phao-lô khẳng định lại: giờ họ “biết Đức Chúa Trời,” cách trực tiếp, cách riêng tư, không cần người trung bảo nữa, hoặc bất cứ ai làm nhịp cầu giữa họ và Đức Chúa Trời. Luật Pháp đến từ Đức Chúa Trời, nhưng khi con người cố gắng tuân giữ, cho rằng nhờ đó được cứu rỗi là điều sai lầm, đưa đến chủ trương nhờ tuân giữ Luật Pháp để được cứu.

Khi người Cơ-đốc cậy vào Luật Pháp, dù chỉ là một điều, có thể định đoạt giá trị của mối liên hệ giữa người ấy với Đức Chúa Trời, người ấy không tránh khỏi phải nhờ cậy một trung gian để đánh giá việc thành quả của người ấy. Những lề thói hèn yếu là những đạo đức luân lý của đời này, có vẻ khôn ngoan nhưng không có quyền năng kiềm chế bản chất hay hư nát.

Các anh chị em hãy còn giữ những ngày, tháng, mùa, năm sao? Tôi lo cho các anh chị em, sợ rằng tôi đã lao lực cho các anh chị em cách vô ích”.

Sứ Đồ Phao-lô giảng Phúc Âm cho người Ga-la-ti, khẳng định rằng: “Người ta được xưng công bình, chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu, bèn là cậy đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ”. Người Ga-la-ti đã tiếp nhận Phúc Âm đó nhưng nếu bây giờ họ lại cậy vào luật pháp để được cứu thì Phao-lô cho thấy rằng, như vậy việc ông đã làm ra vô ích.

Sự quay về với Luật Pháp là một điều không thể coi thường được, vì Sứ Đồ Phao-lô lo rằng những công sức ông dìu dắt họ đến đức tin có thể bị luống công, nghĩa là rất có thể họ đã không có một niềm tin dẫn đến sự cứu rỗi, mà thực ra là niềm tin vào một quyền lực khác, không phải Đấng Christ.

Trong ân điển của Chúa Cứu Thế Jesus Christ. A-men!

Hồng Liên

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ