Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

I Cô-rinh-tô 14:13-25 Ơn Nói Tiên Tri và Ơn Nói Các Ngôn Ngữ - Phần 2

Lạy Chúa là Cha Yêu Thương của con. Con tạ ơn Chúa vì những sự việc Chúa cho phép xảy ra để từ đó con biết trông cậy hoàn toàn nơi Chúa, đời sống con đã có Chúa là nguồn ủi an bất tận. Con không lo sợ bất cứ sự quấy phá nào của ma quỷ ngăn con bước theo Ngài. Nguyện Chúa cai trị đời sống con và ban bình an cho con mãi không thôi.

Hôm nay con xin ghi lại sự hiểu biết của con trong I Cô-rinh-tô 14:13-25.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô không phản đối chức vụ nói các ngôn ngữ, nhưng ông cố gắng đặt nó vào một viễn cảnh đúng đắn. Vấn đề không phải là số lượng từ ngữ nhưng là chất lượng thông tin. Ông cho rằng họ lắng nghe sứ điệp và đáp lại sứ điệp ấy. Nhưng nếu không hiểu sứ điệp, làm thế nào họ có thể hưởng ứng? Người “thuộc hạng bình dân” có thể là người mới tin Chúa, hoặc có thể là một thân hữu. Người ấy không thể được gây dựng nếu không hiểu những gì người khác nói. Một số người suy nghĩ rằng nói các ngôn ngữ là bằng chứng trưởng thành thuộc linh, nhưng Phao-lô khuyên các tín hữu thực hành ân tứ cách trẻ con.

Nguyên tắc gây dựng khích lệ con dân Chúa tập trung vào sự chia sẻ Lời Đức Chúa Trời để Hội Thánh được mạnh mẽ và lớn lên. Nguyên tắc hiểu biết nhắc con dân Chúa nhớ rằng những gì mà con dân Chúa chia sẻ phải được mọi người hiểu nếu điều đó đem lại ích lợi. Sử dụng các ân tứ thuộc linh riêng tư có thể gây dựng cho cá nhân nhưng không gây dựng Hội Thánh, và Phao-lô khuyên các tín hữu hãy quan tâm hơn đến việc gây dựng Hội Thánh.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô tiếp nối sự trình bày của ông bằng hai tình huống thường gặp trong khi Hội Thánh nhóm họp.

* Tình huống thứ nhất: nếu mọi thành viên trong Hội Thánh đều nói các ngôn ngữ, nhưng trong buổi thờ phượng ấy có những người chưa tin Chúa hiện diện, thì họ sẽ chẳng hiểu gì cả và tưởng rằng họ đang lạc trong một tập thể của những người có tâm trí bất bình thường phát ra những âm thanh như của người điên loạn.

* Tình huống thứ hai: cũng trong buổi nhóm họp đó, thay vì nói các ngôn ngữ thì mọi người đều nói tiên tri với những lời bằng sự khôn sáng để rao giảng Lời Đức Chúa Trời. Những người chưa tin bước vào sẽ nghe và hiểu, dẫn đến ít nhất năm điều ích lợi cho họ:

- Người ấy bị bắt phục.
- Người ấy bị phán xét.
- Những sự kín giấu trong lòng người ấy được tỏ ra.
- Người ấy sấp mặt xuống đất.
- Người ấy sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời.

Sự dạy dỗ của Sứ Đồ Phao-lô cho thấy mục đích của việc nhóm lại thờ phượng Chúa không phải chỉ xu hướng về mình, chỉ biết có mình mà thôi, nhưng trước hết sự nhóm họp phải giúp con dân Chúa nhìn lên Đức Chúa Trời, cùng nhau tôn thờ và chúc tụng Ngài là Đấng Tạo Hóa và cứu chuộc mình. Tiếp theo là giúp nhau gây dựng đức tin qua nội dung chương trình thờ phượng để ai nấy được tăng trưởng thuộc linh trong Chúa, và đặc biệt là cần phải có tinh thần hướng ngoại tức là giúp cho thân tín hữu có cơ hội nhận biết Chúa Jesus Christ để họ ăn năn tin nhận Chúa và được cứu.

Vậy nên khi so sánh giữa việc một người chỉ thỏa mãn cái tôi, chỉ hướng về mình khi tìm cầu ơn nói các ngôn ngữ với những người nhận được ơn nói tiên tri giúp ích cho người chưa tin trở nên con cái Đức Chúa Trời thì chắc rằng những điều Sứ Đồ Phao-lô đã trình bày đã quá rõ ràng cho các tín hữu Cô-rinh-tô ngày trước và với cả con dân Chúa ngày nay cần phải hướng đến ích lợi cao quý này.

Xin Chúa cho chúng con siêng năng học hỏi Lời Chúa để được Chúa dùng gây dựng lẫn nhau và giúp nhiều người biết Chúa.

Trong ân điển của Chúa Cứu Thế Jesus Christ. A-men!

Hồng Liên

29/05/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ