Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Ga-la-ti 6:12-18 Sự Khoe Mình về Thập Tự Giá của Đấng Christ

Lạy Chúa là Cha Yêu Thương của con. Môi miệng con luôn ca vang lời cảm tạ Chúa. Ngài là Đấng Hằng Sống, là Đấng Năng Quyền. Ngài đã cứu chuộc con, cho con địa vị làm con của Ngài, ban cho con mọi sự ơn phước, Ngài thương xót, an ủi, che chở và bảo vệ con, đưa con ra khỏi sự tối tăm tội lỗi. Mặc cho con chiếc áo phước hạnh thánh khiết. Con cảm tạ Chúa! Nguyện lòng con luôn hướng về Ngài, sống một cuộc sống đẹp lòng Ngài và luôn sẵn sàng chờ nghe tiếng kèn trên không trung, là giây phút mà Chúa đến tiếp rước chúng con đồng đi với Ngài.

Hôm nay con xin ghi lại sự hiểu biết của con trong Ga-la-ti 6:12-18.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô kết luận lá thư với lời cảnh cáo về những người chủ trương đi ngược lại với đường lối và Phúc Âm chân chính.

Hết thảy những kẻ, họ ép các anh em chịu cắt bì, chỉ để cho họ khỏi vì thập tự giá của Đấng Christ mà bị bách hại. Vì chính họ, những kẻ đã chịu cắt bì, không vâng giữ luật pháp, nhưng họ muốn các anh em chịu cắt bì, để họ được khoe mình trong xác thịt của các anh em.”

Muốn nở mặt theo phần xác” nghĩa là muốn tạo ấn tượng tốt theo xác thịt, nhấn mạnh bề ngoài và đối với con người. Đối với những người chủ trương muốn vâng giữ các nghi thức và muốn người khác trở thành người Do-thái như họ thì dấu hiệu cắt bì là điều họ hãnh diện nhất. Nhưng người tin Chúa trái lại, chỉ muốn làm đẹp lòng Chúa, với những gì đến từ bên trong do Chúa dẫn dắt, ngược lại với xác thịt.

Phúc Âm mà Phao-lô rao giảng đặt căn bản trên thập tự giá: được cứu rỗi qua đức tin là tin vào sự chết thay thế của Chúa Jesus, không nhờ vâng giữ Luật Pháp Môi-se. Đây là điều người Do-thái không chấp nhận và họ đã bắt bớ, gây khó khăn cho ông mọi nơi trong vùng Ga-la-ti. Sự bắt bớ ở đây là từ những người có một thế lực nào đó, và họ có sự lựa chọn giữa: phép cắt bì hay đức tin nơi Đấng Christ, hoặc giữa luật pháp và ân điển. Có thể họ bị một sự đe dọa bạo hành nào đó, nhưng ở đây Phao-lô đang nói về những người trong địa vị có thế lực, những kẻ quấy rối, những người cậy Luật Pháp, cũng có thể là chính các sứ đồ đang tìm cách khuyến dụ người khác trở về với Luật Pháp Môi-se.

Khoe mình trong xác thịt của anh em” nghĩa là muốn kể ra có nhiều người chịu phép cắt bì như họ. Họ muốn khoa trương rằng họ là người tuân giữ những nghi thức một cách nghiêm túc, nhưng chính những người này cũng đã không thể vâng giữ Luật Pháp cách trọn vẹn.

Lạy Chúa, con hiểu rằng khi việc làm được dùng như một bằng chứng để một người được xưng công chính, thế nào cũng có sự khoe mình, cũng như sẽ có sự so sánh vì đó là kết quả của việc làm của xác thịt. Ê-phê-sô 2:8-9 viết rằng vì con dân Chúa được cứu bởi ân điển nên không thể tự khoe mình. Dầu vậy nếu có sự khoe mình, hãy khoe mình về Đấng đã chết thay trên thập tự giá.

Còn như tôi, tôi sẽ chẳng khoe mình, ngoại trừ khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta. Bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!”

Đối với Phao-lô, thập tự giá là trọng tâm của đời sống (I Cô-rinh-tô 2:2; Ga-la-ti 2:20). Những người dạy tà giáo thì sợ bị bắt bớ vì thập tự giá, còn Phao-lô thì hãnh diện về thập tự giá. Thập tự giá chỉ về cái chết thay thế của Chúa Jesus vì tội lỗi của nhân loại. Phao-lô kể mình như đã chết đối với thế gian, dứt khoát và không còn gì vương vấn.

Lạy Chúa, con hiểu rằng, tất cả các nghi thức Luật Pháp và điều lệ khác nhau đều tìm cách để cải tiến những điều cũ, con người cũ, tức là xác thịt với những ham muốn của nó. Đây không phải là mục tiêu của Đức Chúa Trời ban cho con dân Ngài, vì khi “tiếng kèn” thổi vào ngày trở lại lần thứ hai của Đấng Christ, con dân Ngài sẽ lột bỏ con người cũ mà mặc lấy người mới. Chúa Jesus phán trong Lu-ca 5:33-39: “Rượu mới phải đổ vào bình mới” nghĩa là mọi nỗ lực để cải thiện, vá víu bình cũ, chỉ là hư không. Chúa ban cho con dân Ngài bình mới chỉ bởi ân điển của Ngài mà qua đức tin con dân Ngài nhận được.

Vì trong Đấng Christ Jesus, điều có năng lực chẳng phải sự chịu cắt bì hay là sự chẳng chịu cắt bì, mà là sự dựng nên mới.”

Sự cứu rỗi không đến từ việc thi hành một nghi lễ tôn giáo hay cậy công sức của con người nhưng đến từ ơn tái sinh Chúa ban cho con dân Ngài. Con dân Chúa chỉ cần ở trong Chúa Jesus, liên kết với Ngài bằng đức tin, Ngài sẽ ban đời sống mới và sống đời sống đó.

Lạy Chúa, con hiểu rằng con dân chân thật của Chúa có một mẫu mực mới: không về với Luật Pháp cũ, nhưng sống bởi đức tin. Nếu con dân Chúa sống theo mẫu mực này, về sự chẳng cậy nơi bất cứ điều chi ngoài thập tự giá của Đấng Christ, sẽ có ân điển và bình an.

Nguyện sự bình an và sự thương xót giáng trên hết thảy những ai đi theo mẫu mực này, và trên dân I-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời!”

Hai điều Phao-lô chúc phước là “bình an” và “thương xót”. Hai ơn phước này đến với hết thảy những ai đi theo mẫu mực này”. “Mẫu mực” hay khuôn mẫu hay nguyên tắc nói đến, điều Phao-lô nói đến là đức tin nơi Chúa Jesus để được đổi mới chứ không theo việc làm của xác thịt. Đây cũng là mẫu mực Phúc Âm của Chúa. “Đi theo” nghĩa là tiếp tục sống theo chân lý đó. Sống như vậy, mới thật là “dân I-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”.

Những người dạy tà giáo tại Ga-la-ti một mực muốn các tín đồ tại đây trở thành dân I-sơ-ra-ên như họ. Phao-lô cho thấy, người sống theo chân lý Phúc Âm mới thật là dân I-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời chứ không phải nhờ phép cắt bì mà trở nên con dân của Chúa.

Phao-lô yêu cầu người Ga-la-ti hãy để yên cho xác thịt của những người tin Chúa nhờ nghe Đạo Tin Lành mà ông rao giảng, đừng buộc họ phải cắt bì, vì họ đã có mang một dấu chứng thật, một phép cắt bì trong tim, đủ cho họ vào nước thiên đàng.

Từ nay về sau, chớ ai làm khó cho tôi, vì tôi mang trong thân thể tôi dấu hiệu của Đức Chúa Jesus.”

Phao-lô muốn các tín hữu tại Ga-la-ti hãy ngưng, đừng nghe theo chủ trương Do-thái hóa nữa. Làm như vậy là gây thêm khó khăn cho ông. Dấu hiệu nói đến những vết sẹo trong người Phao-lô khi phải chịu khổ vì Chúa như bị ném đá, đánh đòn, v.v… (Công vụ các sứ đồ 14:5, 19; II Cô-rinh-tô 11:23-27). Nó cũng mang ý nghĩa dấu hiệu quyền sở hữu như cách người ta đóng dấu vào các con vật hay nô lệ. Phao-lô cho biết, ông là người mang dấu vết làm nô lệ của Chúa Jesus. Phao-lô cũng có ý đối chiếu dấu hiệu của Đấng Christ với dấu vết cắt bì vô ích mà những người chủ trương Do-thái hóa muốn áp đặt lên các tín hữu Ga-la-ti.

Lạy Chúa, con hiểu đây lời chúc bình an trong mỗi lá thư của Phao-lô khi ông gửi cho các Hội Thánh.

Hỡi các anh chị em cùng Cha! Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta ở với tâm thần của các anh chị em! A-men.”

Lời chúc phước cuối thư nói đến ân điển của Chúa Jesus, nhưng Phao-lô đặc biệt nhấn mạnh “ở với tâm thần của các anh chị em. “Tâm thần” nói đến khía cạnh tâm linh là yếu tố quan trọng, quyết định mọi điều khác trong đời sống của người tin Chúa.

Hãy khôn ngoan về điều gì tạo nên Luật Pháp. Những điều cấm kỵ, những nghi thức trở nên Luật Pháp trong đời sống người tin Chúa, và như Thánh Kinh nói, người ấy trở nên kẻ nô lệ dưới Luật Pháp.

Nhưng nếu người tin Chúa công nhận tình trạng hoàn toàn bất lực của mình và đừng chú tâm đến việc sửa đổi con người cũ hay hư nát, nhưng cứ chăm nhìn Chúa Jesus, kể như mình đã chết về đời sống cũ, thì người ấy có đủ lý do được chính Đức Chúa Trời công nhận là trọn vẹn, người ấy được tăng trưởng thuộc linh và không lệ thuộc vào các “lề thói hèn yếu”.

Trong ân điển của Chúa Cứu Thế Jesus Christ.
A-men!

Hồng Liên

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ