Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

II Cô-rinh-tô 8:7-15 Lời Khuyên về Sự Dâng Hiến Rộng Rãi 

Lạy Chúa là Cha Yêu Thương của con. Con cảm tạ Chúa vì tình yêu tuyệt vời Chúa ban trên đời sống con. Chúa đã chăm sóc, an ủi và dìu dắt con qua những trắc trở và rối ren của cuộc sống, Chúa đặc biệt quan tâm đến nhu cầu của đời sống con. Lời Chúa chưa bao giờ đổi dời, dù trong thuận cảnh hay nghịch cảnh, con vẫn bình an trong vòng tay bảo vệ và chở che của Ngài. Con biết Chúa là Đấng Sáng Tạo, Đấng Toàn Năng, Đấng Thành Tín và Đấng Từ Ái.

Hôm nay con xin ghi lại sự hiểu biết của con trong II Cô-rinh-tô 8:7-15.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô khuyên giục họ hãy nghĩ đến những ơn phước và lợi thế mà họ được vượt xa nhiều nơi khác: “như các anh chị em đều trội hơn trong mọi sự: đức tin, lời nói, sự hiểu biết, mọi sự sốt sắng, và tình yêu của các anh chị em trong chúng tôi, thì các anh chị em cũng hãy trội hơn trong việc lành này”.

Ngày nay, bất kỳ một tín hữu nào được Chúa đãi ngộ bằng những ơn phước đặc biệt mà nhiều tín hữu khác khát khao, mong ước cũng được như vậy, thì người ấy nên cư xử cho xứng đáng với ơn mà Chúa đã trọng đãi họ. Người nào keo kiệt trong việc nhà Chúa là tự làm cạn tắt nguồn phước đang đổ xuống cho mình.

Lạy Chúa, con hiểu rằng đây chỉ là cách Sứ Đồ Phao-lô thử lòng yêu thương của họ chân thành đến đâu, chứ không phải ông truyền lệnh cho họ, “Tôi nói chẳng phải theo mệnh lệnh nhưng bởi sự sốt sắng của những người khác và để chứng minh sự thành thực của tình yêu của các anh chị em”.

Sứ Đồ Phao-lô chỉ cho lời khuyên, “tôi góp ý kiến này để giúp ích các anh chị em, những người bắt đầu không chỉ làm mà cũng sẵn lòng từ năm trước”. Việc làm vì bổn phận khác xa với tự nguyện làm điều thiện. Phao-lô cũng cho thấy lý do mà con cái Chúa nên rộng rãi với người nghèo khó là Đức Chúa Jesus Christ vì tình yêu thương “Ngài vốn là giàu có nhưng bởi các anh chị em đã trở nên nghèo, để cho các anh chị em bởi Ngài được trở nên giàu có”.

Ngài được sinh ra chốn nghèo hèn, lớn lên không tài sản, và khi chết được chôn trong mộ mượn của người khác. Tất cả chỉ để làm cho con dân Ngài được giàu về tình yêu và ân huệ của Chúa, giàu về các phước lành, hy vọng, và lời hứa của Giao Ước Mới.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô nhắc lại ý kiến đóng góp từ thiện là từ người Cô-rinh-tô khởi xướng trước hết, và còn mong muốn được làm.
Bây giờ, họ nên hoàn tất việc ấy tùy theo khả năng, không cần chờ tới khi được giàu có mới làm. “Nhưng bây giờ, các anh chị em cũng hãy làm trọn việc đã làm, để cho như sự sốt sắng của sự sẵn lòng thế nào thì sự làm trọn từ sự có của các anh chị em cũng như thế ấy.

Nếu ai có lòng sốt sắng dâng hiến thì được Chúa chấp nhận, tùy theo điều người ấy có, không phải điều người ấy không có. “Vì nếu sự sẵn sàng có đó thì một người được vui nhận theo sự người ấy có, chẳng phải theo sự người ấy không có”. Đức Chúa Trời biết rõ lòng sốt sắng của người muốn dâng hiến. Ngài không buộc con dân Ngài dâng điều mình không có. Vì vậy, nếu không có, tín hữu không cần phải vay mượn người khác rồi mang nợ. Đồng thời, những việc làm khích động con cái Chúa hứa dâng hiến bằng đức tin của một số địa phương, thì không đúng với lời Phao-lô nói ở đây là không nên dâng điều mình không có. Lý do là “chẳng phải tôi muốn rằng, những người khác thì thảnh thơi còn các anh chị em thì khốn khó, nhưng bởi sự bằng nhau”.

Vào lúc bấy giờ, các thánh đồ tại Giê-ru-sa-lem bị thiếu thốn, còn thánh đồ ở xứ A-chai thì giàu có dư dật. Sự giúp đỡ của vùng A-chai cho xứ Giu-đê như thế là hợp lý, để về sau này, khi A-chai bị thiếu thốn thì sự tương trợ sẽ đổi chiều từ xứ Giu-đê sang cho A-chai.

Lạy Chúa, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô trích dẫn câu Thánh Kinh trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký 16:18 “Người có nhiều chẳng thêm lên và người có ít chẳng thiếu hụt” nói về nguyên tắc san sẻ công bằng khi người I-sơ-ra-ên mỗi buổi sáng đi ra lượm ma-na về ăn. Có người giỏi và nhanh nhẹn lượm được nhiều hơn, người khác thì yếu hoặc chậm chỉ có thể lượm được ít hơn. Nhưng khi về trại thì san sẻ tùy theo sức ăn của mỗi người, vì ma-na không thể để dành cho ngày hôm sau ngoại trừ ngày Thứ Sáu (bởi vì ngày Thứ Bảy sẽ không có ma-na).

Trong ân điển của Chúa Cứu Thế Jesus Christ. A-men!

Hồng Liên

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ