Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Ga-la-ti 2:1-10 Chức Vụ và Sự Giảng Dạy của Phao-lô Được Hội Thánh Công Nhận

Lạy Chúa là Cha Yêu Thương của con. Con xin dâng lời cảm tạ Chúa. Mỗi một giai đoạn trong cuộc sống, Chúa đều đỡ nâng con trong cánh tay toàn năng của Ngài. Con kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa luôn luôn trên đời sống con và con bình an trong Ngài, là sự bình an, vui thỏa mà chỉ có trong Ngài.

Hôm nay, con xin ghi lại sự hiểu biết của con trong Ga-la-ti 2:1-10.

Lạy Chúa, con hiểu rằng, mười bốn năm trôi qua, kể từ khi Phao-lô tin nhận Chúa, ông trở lại thành Giê-ru-sa-lem (điều này cũng được nhắc đến trong Công-vụ 15:1-4) đồng một lúc khi Hội Thánh và hội đồng các sứ đồ họp để quyết định về việc các tín hữu người ngoại không cần phải chịu phép cắt bì.

Sau đó mười bốn năm, tôi lại lên thành Giê-ru-sa-lem với Ba-na-ba, và có đem theo Tít. Tôi đã lên đó bởi sự mạc khải, và tôi đã phô bày cho họ Tin Lành mà tôi giảng trong các dân ngoại, lại phô bày riêng cho những người có danh tiếng, kẻo tôi đang chạy hoặc đã chạy một cách vô ích.”

Người Ga-la-ti muốn trở về với Luật Pháp Môi-se chẳng phải vì Hội Thánh buộc họ phải giữ như một điều cần thiết trong Cơ-đốc Giáo, nhưng vì họ nghĩ những quy cũ này là điều cần thiết cho những người muốn đạt được mức trọn vẹn hơn trong đời sống tâm linh.

Sứ Đồ Phao-lô đến thành Giê-ru-sa-lem để gặp các sứ đồ khác hầu chia sẻ với họ về Tin Lành mà ông đã giảng cho người ngoại. Ông muốn bảo đảm Tin Lành này sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự bó buộc Luật Pháp Môi-se trên những tín hữu người ngoại, và như vậy sẽ biến ra vô ích những nỗ lực của ông chạy đôn đáo khắp nơi rao giảng Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ.

Lạy Chúa, con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô đem Tít đi để chứng tỏ Chúa đã cứu Tít mà không đòi hỏi phép cắt bì. Tít đã được giải thoát khỏi sự nô lệ dưới Luật Pháp.

Tuy nhiên, Tít, người cùng đi với tôi, là người Hy-lạp, mà không bị ép phải chịu cắt bì. Đó là vì có mấy người anh em giả, đã lén lút xâm nhập, là những người vào bên cạnh, rình xem sự tự do mà chúng tôi có trong Đấng Christ Jesus, để bắt chúng tôi làm nô lệ. Chúng tôi đã không nhường họ bởi sự phục tùng, dù chỉ trong một giờ, để cho lẽ thật của Tin Lành được ở lại với các anh chị em.”

Sứ Đồ Phao-lô viết về sự tự do trong Đấng Christ mà Chúa Jesus đã hứa trong Giăng 8:32 “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi”. biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.” Còn những kẻ rình mò tìm cách đưa người Ga-la-ti trở về trong sự tôi mọi “Vì, với họ phải giềng mối thêm giềng mối; hàng thêm hàng, hàng thêm hàng; một chút chỗ này, một chút chỗ kia!” (Ê-sai 28:10).

Những điều chống lại sự tự do này được tuyên truyền rộng rãi ở Ga-la-ti. Những người rao giảng ngay trong Hội Thánh, trong sách vở luật lệ này chồng chất lên luật lệ kia bằng nhiều cách khác nhau.

Để bảo vệ lẽ thật của Tin Lành được vững bền, Phao-lô cương quyết không nhượng bộ, ông không để Tít phải chịu phép cắt bì, vì chân lý cứu rỗi bởi đức tin thì đối nghịch với sự cậy vào Luật Pháp.

Lạy Chúa, con hiểu rằng, đối với người Ga-la-ti, quyết định của hội đồng về việc không đòi hỏi các tín hữu người ngoại phải chịu phép cắt bì là một biến cố quan trọng, nhưng đối với Phao-lô, điều đó kể như không thành vấn đề, không ảnh hưởng gì đến sứ điệp Tin Lành của Đấng Christ mà ông đã rao giảng.

Mục đích Sứ Đồ Phao-lô gặp gỡ với các lãnh đạo Hội Thánh là hy vọng có thể ảnh hưởng họ, hầu đưa họ về con đường đúng, hầu họ không làm hỏng và làm trở nên vô ích công trình ông đi khắp nơi để rao truyền Tin Lành mà ông được chính Đấng Christ tỏ bày.

Nếu huyết Chiên Con đủ để ban sự nên thánh và cứu rỗi cho toàn thể nhân loại hầu cho họ được trình diện trước ngai ân điển, thì phép cắt bì và các lề luật khác tương tự vậy để làm gì? Trừ khi họ nghĩ rằng sự Chúa Jesus chịu đóng đinh một lần đủ cả không thực sự đủ cho sự cứu rỗi nên họ phải làm thêm điều gì đó để làm cho trọn vẹn, như Phao-lô nói cách mỉa mai trong Ga-la-ti 3:3 “Sao anh chị em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn?”

Trong ân điển của Chúa Cứu Thế Jesus Christ.
A-men!

Hồng Liên

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ