Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: Công Vụ Các Sứ Đồ 19:30-41 Cuộc Nổi Loạn tại Thành Ê-phê-sô – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì một ngày bình an Ngài ban cho gia đình con. Con cảm tạ Cha vì giờ này Ngài ban cho con có thời gian yên tĩnh để cầu nguyện và viết bài suy ngẫm. Con xin ghi lại sự suy ngẫm của con về phân đoạn Công Vụ Các Sứ Đồ 19:30-41.

30 Phao-lô đã muốn đến với đám dân chúng, nhưng các môn đồ đã chẳng để cho người.
31 Cũng có mấy người đứng đầu của A-si kia, là các bạn của người, đã gửi tin đến người, xin chính người chớ đến rạp hát.

Câu 30 và 31: Thưa Cha, con hiểu rằng, có lẽ khi Đê-mê-triu và các thợ bạc nổi loạn họ đã sấn vào nơi ở của Phao-lô nhưng không thấy ông mà chỉ có Gai-út và A-ri-tạc ở đó nên họ đã bắt hai ông kéo đến rạp hát.

Mặc dù Phao-lô muốn ra trước dân chúng để biện luận nhưng con dân Chúa và các bạn của ông đã ngăn lại. Đó cũng là một sự cản trở từ Đức Thánh Linh, vì đứng trước một đám đông đang giận dữ có thể họ sẽ làm hại ông trước khi ông kịp phát biểu. Mặc dù Phao-lô luôn sẵn lòng chịu khổ vì Tin Lành nhưng đây không phải là tình huống thuận lợi cho sự rao giảng.

32 Vậy, thực tế, người kêu thế này, kẻ kêu thế kia. Vì sự nhóm hiệp lộn xộn, phần nhiều người không biết vì cớ gì họ nhóm lại.
33 Chúng đã kéo A-léc-xan-đơ ra khỏi đám đông. Những người Do-thái đã đẩy người ra phía trước. A-léc-xan-đơ đã vẫy tay, muốn bào chữa trước đám dân chúng.
34 Khi chúng đã nhận biết rằng, người là người Do-thái, thì hết thảy đã cùng một tiếng kêu, trong khoảng hai giờ, kêu rằng: "Lớn thay là Át-tê-mít của người Ê-phê-sô!"

Từ câu 32 đến 34: Con hiểu rằng, ngoài Đê-mê-triu và các thợ bạc là nguồn cơn của việc nổi loạn, còn đám đông dân chúng thì bị kéo theo họ nên nhiều người không biết vì nguyên cớ gì họ tập trung lại. Có thể là nhiều người cứ hòa vào đám đông vì tò mò về sự việc nên càng lúc càng đông.

Những người Do-thái đẩy A-léc-xan-đơ ra phía trước vì muốn ông giải thích với dân chúng là họ không liên quan gì đến sự giảng dạy của Phao-lô và các bạn của ông.

Tình huống này cho thấy đám đông đã bị lợi dụng để phục vụ cho nhu cầu của một nhóm nhỏ. Hiện tượng này cũng rất phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay trong các phong trào xã hội, chính trị, lẫn tôn giáo. Thí dụ như các chiến dịch truyền thông hay các bài phát biểu của các chính trị gia có thể dễ dàng lôi kéo đám đông thông qua việc đánh vào cảm xúc sợ hãi, tự hào, hoặc bất mãn. Nhìn từ góc độ Thánh Kinh, sự kiện này cho thấy sự đối lập giữa ánh sáng của Tin Lành và sự hỗn loạn của một thế giới bị chi phối bởi các thế lực tôn giáo và lợi ích kinh tế. Vì thế mà con dân Chúa càng phải tỉnh táo, suy xét mọi sự bằng Lời Chúa, tránh bị cuốn theo những tư tưởng sai Lời Chúa.

35 Bấy giờ, thư ký của thành phố đã khiến đám dân chúng im lặng, người đã nói: "Hỡi những người Ê-phê-sô! Ai là kẻ chẳng biết rằng, thành của những người Ê-phê-sô là Kẻ Chăm Sóc Đền Thờ của Đại Nữ Thần Át-tê-mít và tượng thần từ trời giáng xuống?
36 Vì các sự đó chẳng thể chối cãi nên các ngươi hãy trở nên yên lặng, đừng làm sự gì vội vã.
37 Vì những người này, mà các ngươi đã kéo đến đây, đã chẳng phạm đến đền thờ cũng chẳng xúc phạm nữ thần của các ngươi.

Từ câu 35 đến 37: Con hiểu rằng, có thể viên thứ ký của thành phố là một người bạn của Phao-lô, hoặc chí ít ông cũng được Chúa dùng để giải cứu Phao-lô và các bạn của ông.

Vì các sự đó chẳng thể chối cãi nên các ngươi hãy trở nên yên lặng, đừng làm sự gì vội vã: Lời của viên thư ký cho thấy ông hiểu rõ đám đông bị kích động bởi Đê-mê-triu và các thợ bạc. Ông kêu gọi đám đông "đừng làm sự gì vội vã" nghĩa là họ hãy bình tĩnh lại để suy xét sự việc.

Vì những người này, mà các ngươi đã kéo đến đây, đã chẳng phạm đến đền thờ cũng chẳng xúc phạm nữ thần của các ngươi: Thực tế thì Phao-lô và các bạn của ông chỉ tập trung rao giảng Tin Lành chứ không xúc phạm gì đến đền thờ hay tà thần của người Ê-phê-sô. Dù các ông có nói đến sự hư không của thần tượng thì cũng là biện luận một cách khôn sáng có dẫn chứng dựa trên Thánh Kinh và để người nghe tự quyết định.

38 Vậy, thực tế, nếu Đê-mê-triu và các thợ với người có lời nghịch lại ai, thì các chốn công đường rộng mở và có các quan trấn thủ. Hãy để họ kiện cáo nhau.
39 Nếu các ngươi yêu cầu điều gì liên quan các vấn đề khác thì nó sẽ được giải quyết trong hội đồng pháp lý.
40 Vì chúng ta cũng có nguy cơ bị kết tội về sự dấy loạn hôm nay, không có nguyên cớ nào để chúng ta có thể đưa ra lý do cho sự tụ tập này.
41 Người đã nói như vậy thì giải tán đám đông.

Từ câu 38 đến 41: Con hiểu rằng, viên thư ký có hàm ý nói sự dấy loạn của Đê-mê-triu và các thợ bạc rõ ràng là trái pháp luật vì họ đã không tuân theo luật pháp để trình sự kiện cáo lên hội đồng pháp lý. Khi nghe viên thư ký giải thích thì đám đông cũng đã hiểu ra sự tập trung của họ là vô lý nên họ đã vâng theo lời ông mà giải tán.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì hôm nay đã ban cho gia đình con một buổi mừng sinh nhật tràn ngập niềm vui, mừng ngày sinh nhật đứa con thứ hai của chúng con. Con cảm tạ Cha vì mỗi đứa con đều đánh dấu những kỉ niệm đẹp trên linh trình con theo Chúa! Nguyện xin Cha đổ đầy sự khôn sáng trên chúng con để nuôi dạy các con luôn biết yêu kính Ngài. A-men.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ