Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

I Cô-rinh-tô 4:14-21 Lời Khuyên về Sự Vâng Phục

Kính lạy Thiên Chúa!

Con dâng lời cảm tạ ơn Chúa về bài học Thánh Kinh hôm nay trong I Cô-rinh-tô 4:14-21 Lời Khuyên về Sự Vâng Phục.

14 Tôi viết những điều này, chẳng phải để làm hổ thẹn các anh chị em, nhưng để khuyên bảo các anh chị em như các con yêu dấu của tôi vậy.
15 Bởi vì, dù cho các anh chị em có hàng vạn người giám hộ trong Đấng Christ nhưng chẳng có nhiều cha. Vì trong Đấng Christ Jesus, tôi đã bởi Tin Lành mà sinh ra các anh chị em.
16 Vậy, tôi khuyên các anh chị em: Hãy là những người bắt chước tôi!
17 Vì cớ đó, tôi đã sai Ti-mô-thê, là con yêu dấu của tôi và là người trung tín trong Chúa, đến với các anh chị em. Người sẽ nhắc lại cho các anh chị em nhớ các đường lối của tôi trong Đấng Christ, như tôi dạy dỗ khắp nơi trong các Hội Thánh.
18 Nhưng có mấy kẻ kiêu ngạo nghĩ rằng, tôi sẽ không đến với các anh chị em nữa.
19 Nhưng, nếu Chúa muốn, tôi sẽ sớm đến với các anh chị em, và tôi sẽ biết, chẳng phải lời nói của những kẻ kiêu ngạo đó mà là năng lực của họ.
20 Vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời chẳng bởi lời nói mà bởi năng lực.
21 Các anh chị em muốn gì? Muốn tôi sẽ đến với các anh chị em bằng roi hay bằng tình yêu và thần trí nhu mì?

Lạy Chúa! Con xin dâng trình lên Chúa về sự hiểu của con trong phân đoạn Thánh Kinh trên như sau:
Sứ Đồ Phao-lô là một tôi tớ mẫu mực của Chúa về đức tính khiêm nhường, nhẫn nhục trước thực trạng con dân Chúa tại Hội Thánh Cô-rinh-tô, dù họ đã tin nhận Tin Lành nhưng vẫn còn phạm tội. Ông khuyên họ hãy học theo nếp sống của ông và làm theo những lời ông giảng dạy.

Thưa Cha! Con hiểu câu 14 như sau: Sau những lời khuyên răn con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, thì ông đã viết thư với lời quở trách, chẳng phải để làm cho họ hổ thẹn, mà để cho họ thức tỉnh tâm linh, trở về sống một đời sống mới đã được tái sinh trong Chúa, đó là bổn phận của ông đối với Hội Thánh và trách nhiệm của ông trước Chúa. Ông lại vẫn dùng lời ân cần, khuyên bảo con dân Chúa tại đó như các con yêu dấu của mình. Đây là sự dạy dỗ đầy khôn ngoan bởi Đức Thánh Linh soi dẫn ông trong linh vụ truyền giáo. Điều này nhắc nhớ con dân Chúa phải cẩn trọng trong khi góp ý, khuyên bảo người lầm lỗi. Tránh mượn cớ người phạm tội lỗi để sỉ nhục họ, nhằm tôn cao mình lên, mà không nhớ rằng, chúng ta đang hầu việc Chúa trong thân thể xác thịt, là những chi thể trong một thân thể của Đấng Christ. Mục đích của lời khuyên răn của con dân chân thật trong Chúa là xuất phát từ lòng chân thành, giúp người có tội lỗi nhận biết mà vâng phục, trở nên trọn vẹn hơn.

Thưa Cha! Con hiểu câu 15 như sau: Phao-lô nhấn mạnh, dù cho các anh chị em cùng đức tin có hàng vạn người giám hộ, là những người được chủ giao toàn quyền dạy dỗ, giám sát con cái của chủ, thay mặt cha mẹ chúng để làm bổn phận như một người cha trong mọi sự. Tuy nhiên, những người giám hộ chỉ có quyền thay mặt cha mẹ của những con trẻ, chứ không hoàn toàn thuộc về các con của chủ, và các con của chủ cũng hoàn toàn thuộc về những người giám hộ chúng. Vai trò “cha” Phao-lô đề cập trong câu 15 khác với vai trò “cha” Đức Chúa Jesus đề cập trong Ma-thi-ơ 23:9. “Cha” trong câu 15 nói về người cha thuộc thể, còn “cha” trong Ma-thi-ơ 23:9 là nói về Cha thuộc linh, là Đức Chúa Cha. Vì trong Đấng Christ, ông Phao-lô đã bởi Tin Lành mà sinh ra các anh chị em, là ông muốn nhấn mạnh vai trò của mình, là tôi tớ của Chúa, được Đức Thánh Linh thần cảm, đem Tin Lành Cứu Rỗi của Chúa đến cho nhiều người, để họ tiếp nhận và được tái sinh về thuộc linh.

Thưa Cha! Con hiểu câu 16 như sau: Ngoài những thư tín của Phao-lô gửi cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, ông còn trực tiếp sống với họ suốt nhiều ngày, giảng dạy họ, nên qua nếp sống của ông là bằng chứng sinh động về một tôi tớ ngay lành của chúa, được đầy ơn Chúa ban. Bởi vậy, ông không cần phải đắn đo về sự kêu gọi con dân Chúa: Hãy bắt chước ông. Áp dụng vào Hội Thánh ngày nay, những người được Chúa đưa vào các chức vụ hầu việc Ngài, và cả những con dân chân thật của Chúa, là những người có nếp sống tận tình như Phao-lô, thì dù họ không nói ra lời kêu gọi như Phao-lô, thì con dân Chúa vẫn tự nguyện noi theo họ.

Thưa Cha! Con hiểu câu 17 như sau: Phao-lô xác nhận Ti-mô-thê là người trung tín trong Chúa, cùng đồng lao với ông, nên ông xưng Ti-mô-thê là con của mình. Ông sai Ti-mô-thê đến với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô để nhắc lại cho họ về những gì họ đã được ông giảng dạy, bởi lòng sốt sắng, quan tâm đến đời sống thuộc linh của họ, không muốn họ bị mai một, lãng quên những lời dạy dỗ trước đây của ông mà sống sai trệch các Điều Răn, luật pháp của Thiên Chúa. Ngày nay, việc truyền giáo của con dân Chúa cũng cần phải học tập theo gương Phao-lô, Ti-mô-thê, và những tấm gương được thể hiện trong Thánh Kinh về việc chăm sóc con dân chúa luôn tăng trưởng, đứng vững trong đức tin, và nâng đỡ lẫn nhau trong Hội Thánh Chúa.

Thưa Cha! Con hiểu câu 18 như sau: Phao-lô nhắc đến mấy kẻ kiêu ngạo, là những người đã tự cho mình hiểu biết Thánh Kinh đủ cho đời sống tâm linh, không cần đến sự giảng dạy tiếp theo của ông. Nên họ không mong muốn ông đến với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nữa, và có lẽ họ lầm tưởng rằng, Phao-lô không biết tình trạng thật sự trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, nên ông sẽ không trở lại với họ nữa.

Thưa Cha! Con hiểu câu 19 như sau: Hành trình rao giảng Tin Lành của Phao-lô hoàn toàn theo sự soi dẫn của Chúa. Đức Thánh Linh cho ông biết rõ về đời sống thuộc linh của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, muốn ông đến sớm với họ, nên ông nói như một lời hứa, rằng ông sẽ đến với họ, và ông sẽ biết, chẳng phải bởi lời nói của những kẻ kiêu ngạo cho rằng, bởi năng lực của họ có thể cản trở chương trình Chúa ban cho ông.

Thưa Cha! Con hiểu câu 20 như sau: Những con dân Chúa đã được ở trong sự cứu rỗi của Chúa, đang sống trong thân thể xác thịt, sống theo sự tự do lựa chọn, nên trong Hội Thánh gồm nhiều thành phần khác nhau. Trong đó có những kẻ kiêu ngạo, muốn tỏ ra vượt trội hơn, bởi họ có khả năng thu phục nhiều người đi theo đường lối của họ qua sự hoạt ngôn của họ. Đức Thánh Linh cảm động Phao-lô nói ra cho những kẻ lên mình kiêu ngạo biết rằng, Vương Quốc của Đức Chúa Trời chẳng phải bởi lời nói mà bởi năng lực của Thiên Chúa, với Lẽ Thật của Ngài được bày tỏ trong Thánh Kinh. Tấm gương của Phao-lô và những người đồng lao với ông thể hiện lòng trung tín trong việc rao giảng Tin Lành, giảng dạy Lời Chúa, bởi Chúa đã chọn thì Ngài cũng ban năng lực cho họ để phụng sự Thiên Chúa cách kết quả.

Thưa Cha! Con hiểu câu 21 như sau: Phao-lô muốn nhắc nhớ con dân Chúa biết rằng, họ muốn ông sẽ đến với họ bằng những lời quở trách, trách mắng hay bằng tình yêu thương trìu mến, vỗ về? Nếu con dân Chúa sống không thuận phục Chúa, vâng phục các quyền cao hơn mình, vâng phục lẫn nhau trong Chúa thì họ sẽ bị khiển trách. Trái lại, nếu con dân Chúa sống thuận phục Thiên Chúa, vâng phục các quyền trên mình, nếu sự vâng phục đó không nghịch lại Thánh Kinh, vâng phục lẫn nhau thì họ sẽ được nhận sự đối xử yêu thương và thần trí nhu mì từ Thiên Chúa ban qua ông. Con dân Chúa cần phải vâng phục và bắt chước nếp sống của Phao-lô và những sứ đồ của Chúa, nhưng cũng cần loại ra những gương xấu của họ, điển hình là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt.

Thưa Cha! Con dâng lời cảm tạ ơn Cha về bài học: Lời Khuyên về Sự Vâng Phục! Con nguyện noi gương Phao-lô, các sứ đồ của Chúa, và gương của những anh hùng đức tin được bày tỏ trong Thánh Kinh. Áp dụng trong Hội Thánh ngày nay, con nguyện vâng phục những quyền trên mình, vâng lời và bắt chước nếp sống trong Chúa của những con dân chân thật của Chúa, nếu sự vâng lời và bắt chước đó không trái với Thánh Kinh. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Con: Đặng Thái Học
30/04/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ