Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Công Vụ Các Sứ Đồ 17:16-34 Phao-lô tại A-thên

Kính lạy Cha Yêu Thương của con ở trên trời!

Con dâng lời cảm tạ ơn Cha về ơn phước Ngài ban, cho con được tiếp tục học, suy ngẫm Lời Ngài. Nguyện Đức Thánh Linh hướng dẫn con vào sự hiểu biết và áp dụng bài học hôm nay cách kết quả vào đời sống hằng ngày theo thánh ý Ngài!

16 Phao-lô đã đợi họ tại Thành A-thên. Tâm thần của người đã tức giận trong người, khi người thấy thành phố đầy những thần tượng.

Trong lúc Phao-lô đợi Si-la và Ti-mô-thê tại Thành A-thên, tâm thần ông đã tức giận, khi thấy khắp thành phố đầy dẫy những thần tượng, vì nơi đây là trung tâm văn hóa, chính trị của Hy-lạp. Sự bức xúc, tức giận của Phao-lô là một phản ứng phải lẽ, phản ánh sự công chính vì danh thánh của Đức Chúa Trời.

17 Vậy, thực tế, người đã biện luận trong nhà hội với những người Do-thái và những người thờ phượng tại đó; lại cứ mỗi ngày, biện luận với những người đã gặp trong chợ.

Vậy, thực tế, Phao-lô đã biện luận trong nhà hội với những người Do-thái và những người thờ phượng tại A-thên; và mỗi ngày ông vẫn cứ biện luận với những người đã gặp trong chợ. Sự biện luận trong nhà hội giữa Phao-lô và những người Do-thái, cùng những người thờ phượng tại đó là thể hiện sự Phao-lô vâng phục, làm theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời (Ê-sai 1:18), thậm chí ông còn tận dụng cơ hội thích hợp để biện luận với cả những người tụ họp trong chợ, là nơi tập trung hầu hết các thành phần trong xã hội.

18 Có mấy nhà triết học về phái Ê-pi-cố-rai-ốt {Epicuriens} và phái Stôi-cót {Stociens} cũng cãi lẽ với người. Kẻ thì hỏi: "Người già mồm này muốn nói gì đó?" Kẻ khác nói: "Người dường như giảng về các thần ngoại quốc." Vì người đã giảng cho chúng về Đức Chúa Jesus và sự sống lại. {Phái triết học Ê-pi-cố-rai-ốt chủ trương tìm kiếm sự vui thú chân thật mà không cần lẽ thật tuyệt đối. Phái triết học Stôi-cót tin vào thuyết định mệnh và chủ trương loài người chỉ tìm được hạnh phúc khi hòa mình với thiên nhiên.}

Tại đó đã hình thành hai trường phái triết học, một là phái Ê-pi-cố-rai-ốt, và hai là phái Stôi-cót cũng cãi lẽ với Phao-lô. Kẻ thì hỏi "Người già mồm này muốn nói gì đó?" Kẻ khác nói: "Người dường như giảng về các thần ngoại quốc." Vì Phao-lô đã giảng cho chúng về Đức Chúa Jesus và sự Ngài sống lại của Ngài. Bởi phái Ê-pi-cố-rai-ốt chủ trương tìm kiếm sự vui thú chân thật mà không cần lẽ thật tuyệt đối. Còn phái Stôi-cót tin vào thuyết định mệnh và chủ trương loài người chỉ tìm được hạnh phúc khi hòa mình với thiên nhiên. Nên khi họ nghe Phao-lô giảng về Đức Chúa Jesus và sự Ngài sống lại, thì họ nhận thấy như một giáo lý lạ mà họ chưa từng biết.

19 Chúng đã bắt người, đem đến A-rê-ô-ba, mà hỏi: "Chúng tôi có thể biết giáo lý mới mà ông dạy là gì chăng? {A-rê-ô-ba = Ngọn đồi của thần Mars (Hỏa Tinh), nơi dân A-thên thiết lập tòa án.}
20 Vì ông đem một số sự lạ đến lỗ tai của chúng tôi, vậy, chúng tôi muốn biết, các sự ấy có nghĩa gì."

Những kẻ thuộc hai trường phái triết học này đã bắt Phao-lô, giải đến A-rê-bô-a, là nơi dân A-thên thiết lập tòa án, mục đích để ông trình bày cho chúng biết giáo lý mới mà ông dạy là gì. Điều này nói lên sự tò mò của những kẻ chưa biết Chúa, là những triết gia thuộc hai trường phái này, chỉ muốn giữ Phao-lô lại để nghe ông trình bày về những sự lạ, mà ông đã giảng cho dân chúng. Điều này phản ánh sự tìm kiếm những gì mới lạ của những triết gia tại A-thên thời bấy giờ.

21 Hết thảy người A-thên và những người ngoại quốc tạm cư không tốn thời gian cho việc gì khác, hơn là kể và nghe chuyện gì mới.

Một đặc điểm của hết thảy dân A-thên và những người ngoại quốc tạm cư tại đó là họ sẵn sàng bỏ qua mọi việc khác, để chú nhắm vào sự tìm kiếm một chuyện mới lạ. Đây là những triết gia ưa thích triết lý và tranh luận, nhưng họ không vội vàng buộc tội Phao-lô.

22 Phao-lô đã đứng tại giữa A-rê-ô-ba, nói rằng: "Hỡi những người của A-thên! Ta thấy, trong mọi sự các ngươi rất sùng tín.
23 Vì khi ta trải qua, xem những sự thờ phượng của các ngươi, thì thấy một bàn thờ, trên nó được chạm chữ: Thần Không Biết. Vậy, Đấng các ngươi thờ phượng mà không biết đó, ta đang rao truyền cho các ngươi.
24 Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong nó. Ấy là Chúa của trời và đất. Ngài chẳng ngự trong các đền thờ được làm bằng tay.
25 Ngài cũng chẳng được phụng sự bởi bàn tay của loài người như là Ngài cần điều gì. Chính Ngài ban từng sự sống và hơi thở đến cho tất cả.

Nhân cơ hội đó, Phao-lô đã đứng tại giữa A-rê-ô-ba, nói cho những người ở A-thên, mở đầu bằng sự khích lệ về sự sùng tín của họ mà ông đã thấy. Điều Phao-lô nói thể hiện đáp lời khôn ngoan, dùng sự sùng tín mà họ đang tự hào để mở ra thông điệp Tin Lành Cứu Rỗi. Ông nói tiếp về sự thờ phượng của người A-thên, mà ông đã nhận thấy trên khắp thành phố. Đặc biệt là một bàn thờ có khắc chữ: THẦN KHÔNG BIẾT, vậy, Đấng mà người A-thên đang thờ phượng mà không biết đó, chính la Đấng ông đang rao giảng cho họ. Hình ảnh trên khắp thành phố đầy dẫy những tà thần, có nghĩa là dân chúng đang thờ hết thảy các thần giả dối, nhưng “Thần Không Biết” chính là trung tâm của sự giảng của Phao-lô cho những người ở A-thên, đó là Một Đức Chúa Trời Chân Thật. Rồi ông giảng tiếp cho những người ở A-thên về Đức Chúa Trời, Đấng đã dựng nên thế giới và mọi vật ở trong đó. Ngài là Chúa của cả trời và đất, và Ngài không ngự trong các đền thờ bởi tay loài người làm nên. Ngài cũng chẳng cần tay loài người phục vụ như là tay Ngài cần điều gì; vì chính Ngài là Đấng ban từng sự sống và hơi thở đến cho muôn loài. Đây là những lời Phao-lô giảng cho những người còn ở trong sự tối tăm tại A-thên, giúp họ nhận thức rõ về sự thờ phượng các thần tượng hư không, hướng đến sự hiểu biết về một Đấng toàn quyền tể trị trên cả vũ trụ, duy Ngài đáng được tôn thờ mà thôi.

26 Ngài cũng đã làm ra mỗi dân tộc của loài người từ một dòng máu, để ở khắp trên mặt đất. Ngài xác định thời gian đã được định sẵn cùng các biên giới chỗ ở của họ;
27 để cho họ tìm kiếm Chúa. Nếu như họ thật lòng cảm nhận Ngài và tìm kiếm Ngài, dù Ngài chẳng ở xa khỏi mỗi một người trong chúng ta.
28 Vì trong Ngài, chúng ta sống, động, và thực hữu; theo như có lần một vài thi nhân của các ngươi đã nói: "Vì chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài."

Phao-lô cũng giảng tiếp cho những người ở A-thên về một Đấng đã làm ra mỗi dân tộc của loài người từ một dòng máu, để ở trên khắp mặt đất. Ngài xác định thời gian đã được định sẵn cùng các biên giới được phân định làm chỗ ở của họ. Để cho loài người tìm kiếm Đức Chúa Trời và có thể gặp được Ngài, dù Ngài chẳng ở xa khỏi mỗi người trong thế gian, để cho họ tìm kiếm Chúa, nếu như họ thật lòng cảm nhận Ngài và tìm kiếm Ngài. Vì trong Ngài, loài người sống, động, và thực hữu; theo như một vài thi nhân của dân A-thên đã nói: “Vì chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài.” Những lời giảng của Phao-lô nói lên tính phổ biến rộng rãi, không bị giới hạn trong một nhóm người người nào, là lời công bố rõ ràng về một Đức Chúa Trời toàn năng, Đấng tạo dựng nên tất cả, không phân biệt phái tính, địa vị xã hội, hay dân tộc nào. Và đây là sự khôn khéo của Phao-lô, vận dụng sự thông hiểu văn hóa Hy-lạp vào công tác truyền giáo.

29 Vậy, chúng ta là dòng dõi của Đức Chúa Trời, thì chớ nên nghĩ, bản thể của Thiên Chúa giống như là hình tượng chạm đúc bằng vàng, bạc, hay đá, bởi tài nghệ và ý tưởng của loài người.
30 Vậy, thực tế, Đức Chúa Trời đã bỏ qua các thời ngu muội đó, mà nay, truyền cho tất cả mọi người trong mọi nơi hãy ăn năn.

Phao-lô nhấn mạnh về loài người là dòng dõi của Đức Chúa Trời, thì chớ nên nghĩ rằng, bản thể của Thiên Chúa giống như các hình tượng chạm đúc bằng vàng, bạc, hay đá, bởi tài nghệ và ý tưởng của loài người làm ra. Đây là lời khích lệ mang tính thuyết phục, và cũng là lời cảnh báo cho dân chúng ở A-thên về sự thờ phượng hình tượng. Rồi, Phao-lô đã khuyên những người ở A-thên, hãy bỏ qua các thời ngu muội đó, và truyền cho tất cả mọi người trong mọi nơi hãy ăn năn. Đây là lời an ủi và khích lệ những ai từng ngu muội trong sự thờ phượng tà thần, và hãy ăn ăn tội, quay về với Đấng nhân từ, đầy lòng thương xót.

31 Vì Ngài đã chỉ định một ngày, trong ngày đó, Ngài sẽ phán xét thế gian trong sự công chính, bởi Người mà Ngài đã lập. Ngài đã ban sự chắc chắn về điều ấy cho hết thảy mọi người. Ngài đã khiến Người sống lại từ trong những kẻ chết."

Phao-lô giảng cho những người ở A-thên hiểu rõ về Đức Chúa Trời, Đấng có quyền tuyệt đối, đã định sẵn một ngày mà Ngài sẽ phán xét thế gian trong sự công chính theo chương trình Ngài đã hoạch định, bởi chính Đức Chúa Jesus Christ mà Ngài đã lập. Đó là điều chắc chắn sẽ đến cho hết thảy mọi người thế gian, xác chứng cho họ thấy quyền năng của Ngài đã khiến Đức Chúa Jesus Christ sống lại từ trong những kẻ chết, có thẩm quyền phán xét toàn nhân loại trong những ngày sau cùng. Đây là điều cốt yếu mà Phao-lô muốn chỉ ra cho những người Hy-lạp không tin vào sự sống lại của thân thể vật lý.

32 Khi chúng đã nghe về sự sống lại của những kẻ chết, thực tế, kẻ thì nhạo báng, kẻ thì nói: "Chúng ta sẽ nghe ngươi lần sau, về việc đó."

Khi những người Hy-lạp nghe Phao-lô giảng về sự sống lại của những kẻ chết, thì chúng đã phản ứng, có những kẻ nhạo báng ông, và những kẻ khác thì nghi ngờ, chần chờ, hy vọng sẽ nghe ông giảng về điều đó vào lần sau.

33 Vậy, Phao-lô đã đi khỏi giữa chúng.

Trước thái độ nhạo báng và không tin của những người ở Hy-lạp, Phao-lô đã đi khỏi cách công khai sau khi rao giảng xong. Hành động Phao-lô đi khỏi giữa những người Hy-lạp thể hiện sự mềm mại, không tranh luận, và tôn trọng mọi người.

34 Nhưng có mấy kẻ đã bám theo người và tin. Trong số đó có Đê-ni, là một quan tòa nơi A-rê-ô-ba, và một người đàn bà tên là Đa-ma-ri, cùng các người khác với họ.

Nhưng có mấy kẻ đã bám theo Phao-lô và tin, trong đó có một quan tòa nơi A-rê-ô-ba, và một người đàn bà tên là Đa-ma-ri, cùng những người khác đi với họ tin nhận Tin Lành. Đây là một thực tế về công khó của Sứ Đồ Phao-lô trong hành trình truyền giáo, dù phần lớn người nghe đã từ chối, nhưng vẫn có số ít người tin theo, là kết quả của sự gieo ra không vô ích.

Kính lạy Chúa!

Phân đoạn Thánh Kinh này nói về Phao-lô mới tới A-thên, trong khi chờ Si-la và Ti-mô-thê đến. Ông được mời đến A-rê-ô-ba, giảng trong nhà hội cho những người Do-thái và những người thờ phượng tại đó. Điểm nổi bật là Phao-lô khích lệ dân A-thên về sự thờ phượng các thần tượng, trong đó có nơi thờ Thần Không Biết. Ông đã nhân cơ hội ấy để giảng về Đức Chúa Trời toàn năng, Đấng tạo dựng nên trời, đất, và muôn vật trong đó, Ngài không chấp nhận sự thờ phượng các hình tượng bởi loài người làm ra; và Ngài muốn toàn nhân loại tìm kiếm Ngài. Những lời giảng của Phao-lô đã khiến người A-thên phản ứng, chế nhạo sự sống lại, nhưng vẫn có số ít người muốn nghe thêm vào dịp khác. Kết quả là Đê-ni, và một người đàn bà tên là Đa-ma-ri, cùng các người khác với họ đã tin nhận Chúa.

Bài học cho con là trong thời đại ngày nay, khắp nơi trên đất đều đầy dẫy những thần tượng gớm ghiếc bởi người thế gian làm ra. Dù trong lòng mình không muốn đối diện với chúng, nhưng trước hết là con dâng mọi sự ô uế đó lên lòng thương xót của Chúa, cậy nhờ ơn Ngài ban ơn khôn sáng, để tìm cơ hội nói cho những người tôn sùng chúng nhận biết một Đấng chân thần, là Thiên Chúa có một và thật, cầu xin Ngài mở lòng cho những người đang bị quyền lực của sự tối tăm dẫn dắt, đưa họ về với chân lý cứu rỗi của Chúa.

Nguyện Chúa ban ơn khôn sáng thêm lên, cho con biết linh động, áp dụng kết quả vào việc rao truyền ân điển, quyền năng của Đức Chúa Trời, làm chứng về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ cho người lân cận cách rõ ràng, kêu gọi họ ăn năn và tin nhận Chúa, dù có phải đối diện với những nghịch cảnh. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Con, Đặng Thái Học

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ