Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả
Bài này thuộc chủ đề: II Cô-rinh-tô 2:5-11 Sự Tha Thứ

II Cô-rinh-tô 2:5-11 Sự Tha Thứ

Kính lạy Thiên Chúa!
Con dâng lời cảm tạ ơn Chúa về bài học Thánh Kinh hôm nay trong II Cô-rinh-tô 2:5-11 Sự Tha Thứ.
Con xin dâng trình lên Chúa về sự hiểu của con trong phân đoạn Thánh Kinh trên như sau:

Bởi tình yêu mà con dân Chúa sẵn sàng tha thứ cho nhau những lỗi lầm trong mối quan hệ hằng ngày, như tình yêu thương của Thiên Chúa ban cho loài người nói chung và con dân Chúa nói riêng. Lời Chúa răn dạy con dân Ngài, hãy yêu thương nhau như chính Chúa đã yêu chúng ta vậy (Giăng 13:34). Chỉ có tình yêu trong Chúa mới có năng lực để tha thứ, cảm thông cho nhau.

5 Vậy, nếu có ai đã gây ra sự buồn rầu, người ấy chẳng phải chỉ đã gây ra sự buồn rầu cho tôi, nhưng cũng cho một phần trong các anh chị em. Vì thế, tôi không làm cho nặng lòng hết thảy các anh chị em.

 Phao-lô tâm tình về ai đó gây ra sự buồn rầu, người ấy chẳng phải chỉ đã gây ra sự buồn rầu cho ông, nhưng cũng gây ra cho một số anh chị em trong Hội Thánh địa phương, hoặc cho cả Hội Thánh địa phương trong Hội Thánh chung, bởi tất cả đều trong một Đức Thánh Linh. Vì thế, ông chỉ muốn quở trách riêng người phạm tội, để cho hết thảy con dân Chúa trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô không phải nặng lòng vì những người phạm tội.

6 Sự hình phạt đó bởi nhiều người đã là quá đủ cho người như thế.
7 Vậy, thà rằng các anh chị em tha thứ và an ủi thì hơn, kẻo người như thế bị nuốt bởi sự buồn rầu quá lớn.


Sự hình phạt bởi nhiều người là nói về người phạm tội, bị Hội Thánh dứt thông công, là hình thức kỷ luật cao nhất, quá đủ cho người phạm tội. Vậy, thà rằng con dân Chúa trong Hội Thánh tha thứ và an ủi thì hơn, kẻo người ấy có thể vì quá đau buồn, dẫn đến sự tuyệt vọng, tự hủy hoại bản thân mình. Người đã bị dứt thông công thì không còn có sự tương giao với Chúa, không có năng lực để làm ra những việc lành, dù có thể tâm thần vẫn muốn, nhưng thân thể xác thịt thì yếu đuối, dễ để cho ma quỷ dẫn dụ vào trong sự hủy diệt theo mưu kế của chúng.

8 Thế nên, tôi xin các anh chị em, hãy xác định tình yêu của các anh chị em đối với người ấy.

Vì thế, Phao-lô đã hạ mình, khiêm nhường, xin con dân Chúa trong Hội Thánh Cô-rinh-tô, hãy xác định lại tình yêu của mình đối với người bị kỷ luật, dứt thông công. Trong Hội Thánh ngày nay, chúng con hãy tự hỏi bản thân xem mình đã thực sự yêu người đã bị dứt thông công, làm theo như lời Chúa phán về “Con chiên đi lạc, đồng bạc bị mất, và người con trai hoang đàng” chưa? Tình yêu trong Lẽ Thật là không dung thứ người phạm tội, nhưng vì tình yêu trong Chúa mà chúng con phải tha thứ cho nhau, nâng đỡ nhau, cảm thông với nhau trong những ngày Chúa còn để chúng con sống trong xác thịt nơi thế gian này. Như Phao-lô, trong quá trình rao truyền Tin Lành của Chúa, ông đã vì tình yêu mà tự đặt mình vào sự hòa đồng với mọi người để được lại họ. Sự mềm mại trong cách đối xử với người phạm tội khác với sự đồng lõa, sự không nghiêm khắc. Nếu sự nghiêm khắc vượt quá tình yêu thương, thì có thể dẫn đến sự hà khắc. Chúng con nguyện chỉ sống theo gương Chúa, vì Chúa có lòng nhu mì, khiêm nhường trọn vẹn (Ma-thi-ơ 11:28).

9 Vì việc này mà tôi đã viết cho các anh chị em, để tôi biết sự thử nghiệm của các anh chị em, xem các anh chị em có vâng lời tôi trong mọi sự hay không.

 Vì việc đối xử với người phạm tội giữa con dân Chúa, mà Phao-lô muốn nhắc lại thư tín của ông, để thử nghiệm con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, xem họ có vâng phục lời khuyên phải lẽ của ông hay không. Điều này nói lên bổn phận của con dân Chúa là phải hoàn toàn vâng phục, như “vợ phải vâng phục chồng như vâng phục Chúa” Con dân Chúa phải vâng phục các quyền trên mình, trong đó có sư vâng phục các bậc cầm quyền của loài người. Tất cả những sự vâng phục đó đều dựa theo Thánh Kinh, Lời Hằng Sống của Thiên Chúa.

10 Nhưng các anh chị em tha thứ ai điều gì, thì tôi cũng tha thứ. Vì tôi dù đã tha thứ điều gì, đã tha thứ ai là qua các anh chị em, trong sự hiện diện của Đấng Christ.

Phao-lô là một sứ đồ luôn hạ mình, khiêm nhường, tôn trọng sự quyết định của con dân Chúa trong Hội Thánh Cô-rinh-tô, ông không vượt quyền quyết định của Hội Thánh địa phương. Nhưng chắc rằng, trong sự tôn trọng đó, ông vẫn luôn có sự khôn sáng trong sự hiệp một, tin vào sự hiện diện của Đấng Christ trong Hội Thánh của Ngài.

11 Đừng để cho chúng ta bị lợi dụng bởi Sa-tan, vì chúng ta chẳng phải là không biết ý xấu của nó.

Phao-lô khuyên con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, là những người đã biết mưu kế của Sa-tan, kẻ chống nghịch Thiên Chúa, thì đừng tạo cơ hội cho nó lợi dụng, dẫn dắt những người thuộc về Chúa đi vào sự phạm tội, sự chết đời đời như nó. Chúng con thuộc về Đức Chúa Trời, nhưng chúng con còn đang chịu sự ảnh hưởng bởi thế lực tối tăm trong thế gian, mà Chúa cho phép, để rèn tập chúng con luôn tỉnh thức, trung tín bước đi theo Chúa, và cậy nhờ vào quyền năng của Ngài, để sống đắc thắng tội lỗi trên bước đường theo Ngài.

Thưa Cha!
Bài học Thánh Kinh hôm nay dạy con biết nhận thức rằng, mọi việc làm của con đều có ảnh hưởng tốt hoặc xấu trong Hội Thánh, vì con là một trong các chi thể của Hội Thánh. Con luôn mạnh dạn tỏ ra cho Hội Thánh biết nhu cầu, nan đề của mình, và luôn muốn biết nhu cầu, nan đề của anh chị em cùng đức tin trong Hội Thánh địa phương, cũng như các Hội Thánh ở mỗi địa phương khác nhau, để có thể cậy ơn Chúa, giúp đỡ nhau về đời sống thuộc thể, thuộc linh, và cùng cầu thay cho nhau trong sự hiệp một. Trong đời sống hằng ngày, có đôi khi xuất hiện trong tâm thần con về lỗi lầm của người khác, dù con đã tha thứ, nhưng con chỉ biết cầu xin Chúa cất ra khỏi lòng con những sự đã qua, để con luôn hướng lòng về những sự tốt lành theo thánh ý Ngài. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Con, Đặng Thái Học
15/6/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ