Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con cảm tạ ơn Cha ban cho con một ngày nghỉ ngơi trong sự bình an, phước hạnh và giờ đây con lại có được cơ hội, dịp tiện để ghi chép lại những điều con suy ngẫm về Lời Cha.

Thưa Cha, con xin trình bày những sự con được hiểu trong Ê-phê-sô 4:1-7.

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Thưa Cha, con hiểu rằng, Chúa dùng những người tù của Chúa để rao ra Tin Lành chân thật, giúp một người có thể nghe tiếng gọi, đáp lại mà trở nên môn đồ của Đấng Christ, được ban cho địa vị làm con cái của Đức Chúa Trời, ở trong chức vụ tiên tri, thầy tế lễ và nhà vua (I Phi-e-rơ 2:9). Không phải tự nhiên mà một tội nhân có thể nhận lãnh địa vị ấy, ngoài ân điển dư dật của Thiên Chúa thì Sứ Đồ Phao-lô nhắc họ nhớ rằng để mang lẽ thật của Lời Chúa đến cho họ, ông đã chịu những khó khăn, gian khổ, lao tù. Vậy nên, ông nài xin họ hãy sống nếp sống xứng đáng với những gì họ được kêu gọi.

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,

Thưa Cha, con hiểu rằng, nếp sống của một con dân Chúa chân thật là một nếp sống luôn luôn ở trong sự khiêm nhường và nhu mì trọn vẹn, bởi môn đồ của Đấng Christ thì sẽ học theo Đấng Christ. Ngài vốn thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chọn đến với loài người trong hình thể của loài người cách khiêm nhường, nhu mì, để cho chúng ta một tấm gương, Ngài đã tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự (Phi-líp 2:6-8) để cứu chuộc chúng ta chẳng bởi vì chúng ta có gì xứng đáng. Vậy thì giữa con dân Chúa với nhau có điều gì mà không khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại với nhau được. Nếu chúng con có chịu đựng anh chị em mình trong tình yêu nhiều đến thế nào, thì cũng chẳng thể nào so được với sự Thiên Chúa đã chịu đựng chúng con trong sự khoan nhẫn và từ ái của Ngài.

3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Thưa Cha, con hiểu rằng các bậc cha mẹ thì ai cũng muốn nhìn thấy con cái mình sống hòa thuận và yêu thương lẫn nhau. Cha cũng muốn con cái Ngài sốt sắng gìn giữ sự hiệp một với nhau và với Ngài bởi sự tác động của Đấng Thần Linh, dùng tình yêu để kết nối nhau trong sự hòa bình.

4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.

Thưa Cha, con hiểu rằng, thân thể của Đấng Christ chỉ có một, ấy chính là Hội Thánh. Hội Thánh có cùng một thần trí, chung một suy nghĩ, sự hiểu biết được thần cảm bởi Đức Thánh Linh, hướng về Thiên Chúa, là sự trông cậy của mỗi người trong Hội Thánh.

5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.
6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

Thưa Cha, con cảm tạ Cha vì qua bài giảng của người chăn con nhìn thấy lẽ thật một Thiên Chúa Ba Ngôi trong câu sáu này, con xin trích lại bên dưới:

Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời ở trên mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời ở giữa mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh, với danh xưng Đức Thánh Linh, ở trong tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh.

Thiên Chúa ở trên mọi sự và ở giữa mọi sự nhưng Thiên Chúa không ở trong mọi sự, mà Ngài chỉ ở trong những người thuộc về Ngài.

Thưa Cha, con hiểu rằng chỉ có duy nhất một Chúa là Thiên Chúa trong ba thân vị là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jesus Christ và Đấng Thần Linh, là Thiên Chúa Ba Ngôi, là Đấng duy nhất mà chúng con tin và thờ phượng. Ngài là Cha của mọi sự vì Ngài là Đấng Sáng Tạo, mọi sự có là bởi Ngài. Chỉ có một phép báp-tem do chính Đức Chúa Jesus Christ truyền dạy là phép báp-tem trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 28:19) mà thôi.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Thưa Cha, con hiểu rằng, mỗi một người trong Hội Thánh trước khi đến với Ngài, đã có quá khứ tội lỗi và mức độ phạm tội khác nhau, nhưng hết thảy chúng con đều là tội nhân trước mặt Chúa, đều được Ngài bôi xóa mọi tội. Ân điển Ngài dư dật để ban cho mỗi người, nhưng ai đã phạm tội nhiều thì được tha nhiều hơn (Rô-ma 5:20).

Con hiểu thêm rằng, như Sứ Đồ Phao-lô tự nhận mình là thấp hèn hơn hết trong mọi thánh đồ (Ê-phê-sô 3:8) là vì ông nhận biết quá khứ của ông trước khi biết Chúa, thì tội lỗi lớn và nhiều thể nào, vì vậy mà ông sốt sắng, tận tụy trong sự hầu việc Chúa để tỏ lòng biết ơn Ngài vì ân điển Chúa ban cho ông thật dư dật, như câu Chúa phán trong câu chuyện về một người đàn bà xấu nết chép trong Lu-ca 7:36-50.

"Vậy nên Ta nói với ngươi, tội lỗi đàn bà này nhiều lắm, đã được tha hết, vì người đã yêu mến nhiều;" (Lu-ca 7:47a)

Con cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho con những sự suy ngẫm trên. Càng ở trong Chúa con càng hiểu rõ được ân điển dư dật của Thiên Chúa đã ban cho con, nguyện xin Cha gìn giữ con, để con được bước đi một cách xứng đáng với những gì Ngài ban cho con, kêu gọi con với sự nhu mì, khiêm nhường và nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh Ngài sẽ đặt để con vào. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Phạm Trịnh Minh Anh
17/09/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ