Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Hê-bơ-rơ 5:11-14 Lời Cảnh Báo về Sự Thiếu Hiểu Biết Lời Chúa

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con cảm tạ ơn Cha gìn giữ con trọn ngày được mọi sự bình an, được sống vui thỏa trong tình yêu của Cha. Con cảm tạ Cha ban cho con được đến với Lời của Cha trong giờ này.

Thưa Cha, con xin trình bày những điều con được hiểu và học được trong Hê-bơ-rơ 5:11-14.

11 Về Ngài, chúng tôi có nhiều sự giảng dạy và khó giải thích; vì các anh chị em đã trở nên những người chậm nghe.

Thưa Cha, con hiểu “về Ngài” là nói đến những điều thuộc về Đức Chúa Jesus Christ, và những lẽ thật về Ngài, như Ngài là “Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian.” (Giăng 1:29). Có nhiều khả năng thư Hê-bơ-rơ là do Sứ Đồ Phao-lô viết, nên dù ông và các bạn của ông đã có nhiều sự giảng dạy về Đấng Christ cho dân ngoại, nhưng đối với những người Hê-bơ-rơ tin Tin Lành, thì họ lại gặp khó khăn trong việc giảng giải để những người ấy hiểu được về Đấng Christ. Bởi vì những người chậm nghe, là những người không có lòng sốt sắng, chậm chạp trong việc lắng nghe, tiếp nhận lẽ thật về Đấng Christ. Giảng dạy cho một người lười biếng không muốn nghe giảng, không muốn được hiểu, thì thật khó mà giải thích cho họ hiểu được. Bên cạnh đó còn có sự khó khăn, vì họ không được Đức Thánh Linh soi sáng dẫn dắt, bởi lòng họ không có sự khao khát tìm biết về Chúa, không có sự kính sợ Thiên Chúa, nên họ cũng thiếu sự khôn sáng.

12 Vì lẽ ra theo thời gian, các anh chị em phải là những giáo sư. Các anh chị em cần có sự dạy trở lại cho các anh chị em những điều căn bản ban đầu của Lời phán của Đức Chúa Trời. Các anh chị em đã trở nên cần có sữa mà không là thức ăn cứng.
13 Vì ai là người dự phần về sữa thì không có kinh nghiệm trong Lời của sự công chính; vì người ấy là trẻ con.

Thưa Cha, con hiểu rằng theo lẽ tự nhiên thì khi thời gian trôi qua, mọi vật đều sẽ phát triển, con người cũng vậy, theo thời gian sẽ trưởng thành, lớn lên và thêm lên nhiều sự hiểu biết hơn lúc còn thơ bé. Nhưng những người Hê-bơ-rơ thì lại không như vậy. Dẫu họ được lớn lên với sự nghe đọc và nghe giảng Thánh Kinh Cựu Ước trong các nhà hội, từ trước khi họ tin Tin Lành, nhưng theo thời gian, thay vì họ sẽ hiểu biết nhiều hơn, sâu nhiệm hơn về Lời Chúa, trở nên những giáo sư, giảng dạy Lời Chúa cho những người mới, thì họ vẫn như trẻ con, thiếu hiểu biết, cần được dạy trở lại những điều căn bản ban đầu của Lời phán của Đức Chúa Trời, là Mười Điều Răn. Trẻ con thuộc linh là người thiếu hiểu biết về Lời Chúa, thì tất nhiên cũng không thể sống theo Lời Chúa, vì vậy cũng không thể có kinh nghiệm trong sự áp dụng Lời Chúa vào nếp sống hàng ngày.

Đối với người mới biết đến Chúa, họ non nớt trong sự hiểu biết Lời Chúa là điều dễ hiểu, nhưng những người ở trong Hội Thánh trên một năm, thậm chí là rất lâu năm, mà vẫn thiếu hiểu biết Lời Chúa là điều trái lẽ tự nhiên. Con nghĩ đến sự dễ thương của những trẻ con, có rất nhiều thứ chúng không biết, nhưng khi chúng được dạy và khám phá ra điều gì mới thì chúng rất vui thích, khiến người lớn cũng vui lây vì sự thông minh của chúng. Hình ảnh ấy khiến con liên tưởng đến sự Đức Chúa Trời đẹp lòng khi nhìn thấy con cái của Ngài vui thích khi đọc, suy ngẫm và cẩn thận làm theo những sự dạy dỗ của Ngài để được hiểu biết càng hơn. Nhưng thật đáng buồn cho những người cha mẹ, phải nuôi dạy một đứa con lâu dài, đến tuổi lẽ ra phải trưởng thành, hiểu biết mà nó vẫn cứ lười biếng, không biết gì, ngây ngô như trẻ con.

14 Nhưng thức ăn cứng là của những người trưởng thành, những người bởi thói quen mà những sự nhận thức đã được tập luyện, nên họ nắm giữ sự nhận thức tinh tế về điều thiện cũng như về điều ác.

Thưa Cha, con hiểu rằng ngoài những lẽ thật căn bản, Lời Chúa còn chứa đựng nhiều sự sâu nhiệm khác, được ví như “thức ăn cứng”. Lời Chúa là thức ăn để nuôi dưỡng thuộc linh cho con dân Chúa. Người mới đến với Chúa, học những lẽ thật căn bản trong Mười Điều Răn để vâng giữ, như trẻ con uống sữa để được lớn lên. Khi trưởng thành rồi nếu chỉ uống sữa thì sẽ không đủ chất, khiến cơ thể yếu đuối, bệnh tật, vì vậy cần ăn những thức ăn cứng hơn. Tương tự vậy người tin Chúa mà không dành thời gian đọc, suy ngẫm và cẩn thận làm theo Lời Chúa để trưởng thành, lớn lên trong sự hiểu biết sâu nhiệm Lời Chúa, được kinh nghiệm sống theo Lời Chúa, thì sẽ vì thiếu hiểu biết, mà bị dẫn dụ sai lạc khỏi lẽ thật, bị mất đức tin, trật phần ân điển, đánh mất sự cứu rỗi.

Những người trưởng thành trong Chúa là những người biết học tập trong sự vâng phục, tạo cho mình thói quen đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, cẩn thận áp dụng những gì được hiểu trong Lời Chúa vào nếp sống. Khi đối diện với những sự việc, tình huống hàng ngày, thì trong họ luôn có sự suy xét, dựa vào Lời Chúa để phân định đúng sai. Nhờ thói quen luôn áp dụng Lời Chúa, mà họ đã được tập luyện trong sự nhận thức của mình, khiến nhận thức của họ ngày càng trở nên tinh tế. Nhờ kinh nghiệm sống với Lời Chúa, họ “nắm giữ sự nhận thức tinh tế về điều thiện cũng như về điều ác”, biết điều gì đúng ý muốn của Chúa, điều gì nghịch lại Ngài. Họ sống bởi thần trí, nhận thức rõ ràng vì sao điều này là thiện, vì sao điều kia là ác, hậu quả và kết quả của từng việc làm thiện hoặc ác. Nhờ vậy, họ được vững vàng trong Chúa, dẫu luôn phải gặp nhiều thử thách, cám dỗ.

Con cảm tạ Thiên Chúa ban cho con suy ngẫm về sự chậm nghe, và mối nguy hiểm của việc thiếu hiểu biết Lời Chúa. Nguyện kính xin Chúa ban cho con luôn vui thỏa trong việc đọc, suy ngẫm và cẩn thận làm theo mọi sự dạy dỗ của Lời Ngài qua Thánh Kinh. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Phạm Trịnh Minh Anh
27/03/2024
...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ